Nhà văn phải sống thế nào cùng thời đại?

12-02-2018 08:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Chúng ta có đáng sống trong thời đại này không? Một mệnh đề rất nhiều thách đố và đầy khiêu khích vì nó sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời thích đáng.

Khi sinh ra trên đời chúng ta có thể nào chọn được cha mẹ? chọn được thời đại? chọn được vùng đất? Đó là sự sắp đặt ngẫu nhiên của tạo hóa. Đã là sự ngẫu nhiên thì chúng ta chỉ có bổn phận là chấp nhận nó mà thôi. Nhưng chúng ta là một con người, một tiểu vũ trụ, lẽ nào chúng ta buông xuôi để chấp nhận một cách thụ động? Vậy sự đáng hay không đáng ở đây chính là thái độ sống của ta với thời đại mà ta đang sống.

1. Tôi sinh ra vào cái năm: Chào 61 đỉnh cao muôn trượng. Năm đầu tiên của cuộc đời tôi chưa thể cảm nhận để găm vào trí nhớ của mình cuộc sống xung quanh. Đến năm 3 tuổi tôi vẫn không thể nhớ được điều gì. Đến năm 4 tuổi thì tôi nhớ. Nhớ rất rõ một đường hầm ngoằn ngoèo trong một vườn cây. Tôi đã đi theo hướng ngược lại, không có một ai bên cạnh. Cuối đường hầm tôi đã òa khóc. Rồi tôi phát hiện một cái rễ cây thò ra trên miệng hầm. Tôi đã bám vào rễ cây để đu lên mặt đất. Trên mặt đất đầy nắng, nắng lấp lóa qua tán cây chay già trong vườn của nhà thờ. Tôi rất buồn ngủ. Có một đống lá đã được vun cao trong vườn. Tôi nằm trên đống lá và chìm vào giấc ngủ. Giấc ngủ của trẻ con trên thiên đường. Tôi bị đánh thức bởi tiếng khóc. Cha mẹ đã tìm thấy tôi. Khi bỏ bọn trẻ xuống đường hầm trong một cuộc sơ tán máy bay Mỹ ném bom tôi đã đi lạc. Tôi đã đi ngược hướng với đám trẻ kia.

Làng quê tôi sống rất đẹp. Cỏ cây xanh mướt. Đường đi được lát bằng những phiến đá to và cầu ao cũng được bắc bằng phiến đá xanh. Tôi rất thích một mình thơ thẩn trên con đường làng để ngắm cây cỏ trỗi dậy sau trận mưa rào và bắt cá rô lóc lên rệ cỏ. Tôi thích đi chơi hơn đi học. Và tôi đã bị những trận đòn. Tôi rất bướng bỉnh, tôi đã không xin lỗi mẹ để được vào nhà khi màn đêm đã buông xuống. Vì vậy tôi đã được nhìn ánh trăng tỏa sáng trong một đêm tĩnh lặng như tuyệt đối, những đống rạ đổ bóng xuống thềm gạch và một ánh mắt ghẹo tôi đậu trên tàu chuối lấp lóa. Tôi đã ngừng khóc từ lâu và nhảy múa với bóng của mình trong đêm tĩnh lặng ấy. Tôi không thích đòn roi nhưng cái đêm tuyệt vời đó luôn cho tôi cảm giác tôi được ở thiên đường.

2. 9 tuổi, nhà tôi chuyển lên thành phố. Chúng tôi trải qua 3 căn nhà ở nhờ đến cho đến khi có ngôi nhà riêng của mình. Lúc ấy chưa có nhà trọ như bây giờ. Chúng tôi được ở trong gian buồng nhỏ, bếp thì dùng chung. Chủ nhà cũng chỉ sống trong một phòng không rộng hơn gian buồng của chúng tôi. Những đứa trẻ của chủ nhà và chúng tôi thường cãi nhau chí chóe. Chúng tôi cùng nhau ăn những bữa cơm độn mì. Năm 1972, một lần nữa Mỹ lại leo thang bắn phá miền Bắc. Bố tôi nhận lệnh đi B. Mẹ tôi có đang có thêm một em nữa. Những trận bom Mỹ đã khiến chúng tôi phải sơ tán khỏi thành phố. Tôi khi ấy là cô bé 11 tuổi còm nhom đã cùng với mẹ để chăm sóc các em. 5 mẹ con ngủ chung trên một chiếc giường, mùa đông thì rất ấm nhưng mùa hè thì nóng nực. Mẹ mắc cho tôi chiếc màn ra hè để ngủ cho thoáng. Nhưng đó là một đêm thật hãi hùng. 10 người đàn ông đã về già cuối cùng của làng đi vào phố để chuyển đồ đạc cho một cơ quan, khi máy bay Mỹ đến, họ cùng xuống chung một chiếc hầm và một quả bom đã rơi trúng hầm. Mười gia đình cùng chung một nỗi đau, một tiếng khóc ai oán suốt đêm. Và tôi đã thức cùng những tiếng khóc đó để lần đầu tiên cảm nhận thế nào là cái chết và thế nào là chiến tranh.

Tối 30/4 và ngày 1/5/1975 người dân Thủ đô Hà Nội đổ ra đường mừng tin vui giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Tối 30/4 và ngày 1/5/1975 người dân Thủ đô Hà Nội đổ ra đường mừng tin vui giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

3. Năm 1975, thầy giáo dạy lịch sử đang giảng bài, thầy hiệu trưởng đến gọi thầy giáo ra thông báo, vẫn thường có việc thông báo như vậy. Thầy giáo vào lớp tung viên phấn lên trần nhà và hô lớn: Giải phóng miền Nam rồi các em ơi! Cả lớp đứng bật dậy hô to: Giải phóng miền Nam rồi các bạn ơi!

Bố về khi mẹ đang đi trực ở bệnh viện, bốn chị em ở nhà trông nhau như mọi khi. Bố bước vào nhà, gầy và đen sạm. Tôi lý nhí chào bố. Thằng em út khi bố đi B nó chưa được sinh ra. Bố và nó chưa gặp nhau bao giờ reo lên: Chú bộ đội vào nhà mình chị ơi. Thằng em thứ ba nhanh chân chạy sang bệnh viện để báo cho mẹ. Mẹ chỉ về được chốc lát để chào bố rồi lại đi trực. Đêm ấy bố thay vào chỗ của mẹ, nằm cạnh thằng em út khi nó đã ngủ say. Tôi bảo nó, bố mình đấy em chào bố đi. Nó chỉ bảo, chú bộ đội. Nó không cho bố bế nó.

Bố và mẹ làm cùng ở bệnh viện, lương và gạo sổ, tem phiếu thịt nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Có hôm nhà hết gạo, mẹ đi trực bố rang ngô đổ ra mâm, cái mâm bằng đuya-ra, cánh máy bay, bố tự tay gò ở Quảng Trị, 5 bố con vừa ăn vừa cười. Bố rất hài hước, kể chuyện rất vui. Có bận bố phải bán máu để có thêm thịt cho bữa ăn. Mẹ thường xuyên lấy nhau bà đẻ để bổ sung protit cho các con.

Tôi muốn theo nghề y của cha mẹ. Bố bảo, con gái làm nghề y vất vả lắm, trực trõm đêm hôm. Con nên thi vào Tổng hợp Sinh là nghề của thế kỷ 21 con à. Tôi đã nghe theo bố thi vào Tổng hợp Sinh. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã gửi đơn xin việc vào mấy nơi ở Hà Nội nhưng chỉ nhận được hồi âm là hãy chờ. Sau gần 2 năm chờ đợi, tôi đã quyết định về Nam Định và thành giảng viên Bộ môn Sinh lý Sinh hóa Sinh lý bệnh của Trường cao đẳng Y tế.

Năm 1979 tôi đã tiễn em trai thứ ba lên biên giới. Đoàn tàu chờ ở ga Nam Định 4 tiếng để lấy quân. Cả nhà tôi tất bật. Bố tôi ngồi như bất động trên giường nhìn theo dáng em đi ra khỏi nhà. Tôi tiễn em ra ga. Hai câu thơ của Nguyễn Bính vang trong óc tôi “Có lần tôi thấy một bà già. Tiễn đưa con đi chốn ải xa”. Tôi chỉ lạ người con trai khóc tức tưởi còn mẹ già thì rất bình tĩnh vẫy tay chào con khi tàu xình xịch chuyển bánh.

Năm 1989, hai trường Đại học Y Thái Bình và Cao đẳng Y tế sáp nhập, tôi đã lội ngược dòng sang Thái Bình để làm giảng viên Bộ môn Sinh học. Cũng năm 1989 đấy, trên văn đàn xuất hiện một cái tên mới toe: Y Ban. Một quyết định mà lúc ấy đã làm bố mẹ tôi rất buồn, tôi bỏ Trường đại học Y Thái Bình để học Viết văn Nguyễn Du. Bố tôi bảo: 5 đời nhà tao có ai làm văn chương đâu, bố cho mày học một cái nghề tử tế thế mà mày lại đi học cái nghề để làm mõ thế à. Rồi bố thở dài. Cái thở dài như sợi dây  xuyên cả 5 đời nhà tôi. Thực ra tôi không dám nói thẳng với bố là tôi lên Hà Nội để lấy chồng. Cuộc tình đã kéo dài 6 năm ấy cũng chưa biết kết thúc thế nào?

Rồi thì cũng kết thúc có hậu bằng đám cưới. Vừa học vừa lấy chồng vừa sinh con. Năm 1992 ra trường chưa xin được việc làm, chồng cũng không có việc. Tôi dông thẳng ra vỉa hè kiếm sống. Ngày đấy cạnh bốt điện trên vỉa hè phố Trịnh Hoài Đức có một hàng gà tần thuốc bắc, có hai bà chủ, một già một trẻ. Một hôm có một ông khách rụt rè hỏi bà chủ già:

- Thưa bà, bà đã viết được bao nhiêu tác phẩm rồi ạ?

- Tôi già rồi còn viết gì đâu.

- Ấy bà đừng khiêm tốn thế, ông Tô Hoài cũng già mà còn viết được bao nhiêu tác phẩm.

- Thì ông ấy viết từ hồi trẻ chứ tôi đã viết bao giờ.

- Thế sao trên báo lại viết, ở quán gà tần này có người viết văn được giải ạ?

- Thì là nó đấy, con dâu tôi ấy.

- Thế mà lần trước cháu đến ăn các cô ấy lại bảo là bà viết đấy ạ.

4. Năm 1994, tôi được báo Giáo dục và Thời đại tuyển làm phóng viên. Khi đó tôi đã xuất bản 2 cuốn sách và gặt hái 2 giải thưởng nhưng với nghề phóng viên tôi không có một chút kinh nghiệm nào. Tôi đã học tắt nghề bằng cách đi theo các phóng viên lâu năm. Việc học nghề cũng không khó như tôi tưởng. Tôi đã viết được những bài báo khá chững chạc. Và tôi đã rút ra một kinh nghiệm cho mình, lấy tư liệu để viết báo khá dễ, cái chính tim và óc mình đã xử lý vấn đề đó ra sao? Vì thực chất là khi viết một bài báo đôi khi có khá nhiều sự tác động của người khác. Và đồng tiền thì luôn là một sự cám dỗ khó cưỡng.

Tôi vừa viết báo vừa viết văn. Tôi được tiếp xúc với cái thiện cái ác, cái tử tế và lưu manh, cái trung thực và dối trá. Và tôi nhận ra cái thiện, cái tử tế, cái trung thực... đang ngày càng mất đi. Các giá trị đang bị đảo lộn. Một con người hôm nay được tôn vinh là anh hùng, ngày mai đã là tội phạm. Vấn nạn tham nhũng không phải một sớm một chiều mà có thể thay đổi, dù cho lò đang cháy rừng rực và niềm tin của nhân dân cũng đang được phá băng từ sức nóng tỏa ra từ lò.

Đôi khi các ác hiện hữu ngay bên cạnh, sờ mó thấy mà không có cách gì thay đổi. Nạn bạo hành trẻ em và sự suy đồi đạo đức của không chỉ là của lũ trẻ. Tiêu cực khuynh đảo mọi ngõ ngách xã hội... Tôi buồn rầu và chán nản. Rồi chuyển sang cực đoan và nghiệt ngã. Những sáng tác của tôi cũng cực đoan và nghiệt ngã.

Sự cực đoan và nghiệt ngã đó tôi luôn nghĩ rằng để đánh động các vấn đề đang ngày một xấu đi. Nhưng có một cách nhìn khác vào tác phẩm của tôi, rằng chính đó cũng là một sự xấu đi của văn chương? Tôi tiếp tục hay phải thay đổi?

Facebook có thể là một sự cứu cánh cho người viết hay là sự diệt vong của một ngòi bút? Khi những cảm xúc luôn bị chặt vụn ra. Sự bức bối vặt vãnh luôn luôn xuất hiện và đôi khi còn là sự a dua a tòng với đám đông. Tôi đã làm thơ từ những sự bức bối vặt vãnh đó. Tôi đã viết bài thơ Khóc thương tàu lá chuối khi nhìn bức ảnh các em bé đã bị giết chết và thân thể các em chỉ được che đậy bằng tàu lá chuối.

Tôi đã viết bài thơ Nghi lễ trước bữa ăn khi chứng kiến các em bé bị bảo mẫu bảo hành. Hai bài thơ này đã khiến tôi đoạt giải Quán quân trong Cuộc thi Slam thơ lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Để sau đó tôi đã được Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam đài thọ cho toàn bộ chuyến đi sang Paris tham dự Cup Slam thơ với sự tham dự của 23 nước và vùng lãnh thổ.

5. Là một nhà văn với những biến động của thời đại như thế này thực là một ân sủng của Thượng đế. Nhưng đôi khi ta sẽ bị ngợp và mất phương hướng. Nhà văn vốn sẵn là những kẻ cực đoan, luôn tả quá hoặc hữu quá. Vậy làm cách nào để nắm bắt được thời cơ mà đưa kho dữ liệu kia vào tác phẩm của mình? Quả thực không thể dễ. Mà đã là nhà văn thì sự đáng sống hay không đáng sống cũng là sự đong đếm của con chữ đã sáng tạo ra.


Nhà văn Y ban
Ý kiến của bạn
Tags: