Nhà văn, nhà báo Lý Thị Trung: Minh mẫn ở tuổi 91

11-06-2021 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhà văn, nhà báo Lý Thị Trung năm nay đã ở tuổi 91 nhưng tinh thần và trí tuệ của bà vẫn vô cùng minh mẫn.

Bà vẫn nhớ những câu chuyện từ thời tham gia học trường dạy viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng cách đây hơn 70 năm, rồi thời bà từng phụ trách tờ Phụ nữ Thủ đô ngày đầu thành lập.

Nhà báo, nhà văn Lý Thị Trung.

Nhà báo, nhà văn Lý Thị Trung

Từ đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 tràn vào nước ta, nhà báo Lý Thị Trung đã lên xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) ở với người con trai thứ ba - NSND Vương Duy Biên. Và thế là tôi không thể gặp được bà trong ngôi nhà vẫn thường sống ở phố Hoàng Cầu (Hà Nội), tuy nhiên tôi đã được nghe luật sư Vương Trọng Thế là con trai thứ hai của bà chia sẻ những câu chuyện về người mẹ của mình. Ông Thế từng nhận xét về mẹ của mình như thế này: “Bà là người say mê, kiên trì trong công việc, là tấm gương mẫu mực để con cháu học tập, noi theo. Không chỉ vậy, trong sinh hoạt đời thường bà cũng ăn uống rất khoa học, thể dục thường xuyên nên giữ được sức khỏe tốt. Tinh thần thể dục thể thao của bà có lẽ chúng tôi còn phải học tập nhiều”.

Thế rồi, qua sự kết nối của ông Thế, tôi đã được trò chuyện điện thoại hơn nửa tiếng đồng hồ với nhà báo Lý Thị Trung. Điều làm tôi bất ngờ là bà cụ đã 91 tuổi nhưng đôi tai vẫn rất thính, đầu óc vẫn rất minh mẫn, giọng nói vẫn rất dứt khoát, tràn đầy năng lượng và đặc biệt là bà vẫn dùng “Dạ vâng ạ” với tôi - một người chỉ đáng tuổi cháu của bà. Khi tôi đề cập đến việc viết một bài báo về bà thì bà cười bảo: “Cháu viết thế nào thì viết nhưng không được khen quá, nói quá. Riêng việc một mình ra tờ báo của phụ nữ Thủ đô cũng là một việc hết sức bình thường, không có gì ghê gớm cả, đó chỉ là yêu cầu của thời cuộc mà tôi may mắn được sống ở thời kỳ đó mà thôi”.

Nhà báo, nhà văn Lý Thị Trung (đứng giữa) trong dịp về dự Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và khánh thành bia Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Nhà báo, nhà văn Lý Thị Trung (đứng giữa) trong dịp về dự Lễ kỷ niệm 70 năm trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và khánh thành bia Di tích lịch sử Quốc gia của trường

Câu trả lời đầy khiêm tốn của bà lại làm tôi nhớ đến việc nhiều người vẫn thường gọi bà là Tổng Biên tập đầu tiên của báo Phụ nữ Thủ đô nhưng bà bảo gọi như thế là không chính xác, phải gọi cho đúng là người phụ trách, mà người phụ trách trên bà là đồng chí Phương Kim Dung, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội. Đã có nhà báo viết về bà với cái tít “Một mình ra báo thật là ngông” (dựa vào ý thơ “Tòa cũng không, soạn cũng không/ Thế mà ra báo thật là ngông” của nhà thơ Trần Lê Văn) bà đã nhắc nhở: “Sao lại lấy một cái tít như thế, chẳng khiêm tốn chút nào cả!”. Bà là thế, lúc nào cũng nhẹ nhàng, khiêm tốn và chừng mực.

Bà luôn dặn những người cầm bút đi sau, muốn làm nghề này trước hết phải yêu nghề. Yêu nghề nhưng không phải tự khắc nghề nó đến với mình, phải học bạn bè, học mọi người, học trong thực tế và phải rút kinh nghiệm liên tục. Nếu viết về người ta 10 phần thì chỉ nên nói 7 phần, 3 phần giữ lại trong lòng và tuyệt nhiên đừng để người ta chỉ đến 10 mà mình nói thành 20.

Cuộc trò chuyện cùng bà gợi lại trong tôi một sự kiện mà mình đã may mắn được cùng bà tham gia, đó là dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949 - 4/4/2019) tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và đó cũng là dịp ngôi trường này đón bằng Di tích lịch sử Quốc gia. Hôm ấy, mọi người đều rất ấn tượng với hình ảnh bà cụ tóc bạc trắng, diện bộ áo dài đen, quàng chiếc khăn màu đỏ thẫm nhanh nhẹn, tinh anh và luôn tươi cười. Đó chính là nhà báo Lý Thị Trung - học viên duy nhất của ngôi trường cổ xưa có thể tham dự sự kiện này, một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với nền báo chí Cách mạng nước nhà.

Ở tuổi 91, nhà báo Lý Thị Trung vẫn giữ thói quen đọc sách, báo như một cách để rèn luyện trí óc trước sự lão hóa của thời gian, một cách để nuôi dưỡng tâm hồn và tinh thần, để nỗ lực giữ nghề mà bà đã tâm huyết theo đuổi suốt cuộc đời. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi cùng bà đã cho tôi nhiều bài học sâu sắc, quý giá về làm nghề, đó là luôn khiêm tốn khi nói về mình và luôn cẩn trọng khi đặt bút viết về người khác.


Bạch Đằng
Ý kiến của bạn