Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Sóng Trường Sa có thời khắc đã mang màu đỏ

02-05-2016 08:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nguyễn Xuân Thủy là nhà văn thế hệ 7X rất thành công với đề tài về biển đảo. Bằng chứng là anh có nhiều tác phẩm viết về đề tài này đã giành được những giải thưởng danh giá.

Nguyễn Xuân Thủy là nhà văn thế hệ 7X rất thành công với đề tài về biển đảo. Bằng chứng là anh có nhiều tác phẩm viết về đề tài này đã giành được những giải thưởng danh giá. Nhân dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất 30/4, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng anh, nhà văn-chiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy.

Nguyễn Xuân Thủy tại đảo An Bang năm 2008.

PV: Anh có những điều rất đáng tự hào khi là nhà văn mặc áo lính, lại từng có những năm tháng sống với nắng gió Trường Sa để bảo vệ biển đảo quê hương, nhất là có duyên với đề tài biển đảo. Cũng ngạc nhiên khi biết, tác phẩm đầu tiên của anh là truyện ngắn Hoa biển viết về câu chuyện tình của anh bộ đội Trường Sa khi anh chưa hề ra đảo. Tại sao biển đảo lại đi vào tiềm thức của anh sớm và lâu bền như vậy?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Vâng! Đúng là tôi có nhiều duyên nợ với Trường Sa. Ở đó có những kỉ niệm sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời. Tôi viết truyện ngắn Hoa biển (in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội) từ khi còn ở đất liền là bởi Trường Sa luôn trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, Trường Sa cũng luôn ở trong tim mỗi người lính. Ngày ấy tôi còn trong đất liền nhưng tôi vẫn luôn hướng về Trường Sa. Tôi có may mắn được đưa những đồng đội lên đường ra Trường Sa làm nhiệm vụ, rồi những đồng đội ở Trường Sa về đất liền nghỉ phép hay chờ nhận công tác mới tôi cũng được gần gũi họ. Thế là những câu chuyện về Trường Sa cứ thấm vào mình lúc nào không biết. Mà những câu chuyện ấy thì thật có sức lay động. Đó chính là những xúc cảm đầu tiên để tôi cầm bút viết truyện ngắn Hoa biển - câu chuyện có một phần nguyên mẫu của người đồng đội. Thế mà đã gần hai mươi năm trôi qua... Như vậy, Trường Sa còn là cầu nối để tôi bước đến với văn chương, trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Với tôi, mọi chuyện vẫn tươi mới như chỉ hôm qua thôi, có lẽ là bởi những ý nghĩ về Trường Sa không bao giờ phai cũ. Với người khác, có thể được đi Trường Sa là một niềm tự hào, còn với tôi, bây giờ và mãi sau này, tôi đến với Trường Sa như thể trở về nhà, ngôi nhà đã cất giấu những kỉ niệm tuổi trẻ đẹp đẽ nhất.

PV: Những năm tháng sống ở đảo Trường Sa, những ấn tượng mạnh nhất trong anh là gì?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Những câu chuyện hậu phương của đồng đội luôn ám ảnh tôi. Chúng tôi đã sẻ chia những mất mát, những hi sinh, đã chia nhau từng điếu thuốc, ấm trà, vui niềm vui của đồng đội khi biết mình làm bố, buồn nỗi buồn của đồng đội khi biết mình mất cha sảy mẹ. Người lính có những giây phút lãng mạn, có những giây phút mềm lòng. Cũng ở đảo chúng tôi đã nghe tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đi, ngồi trên nóc công sự hát những bài hát về ông như một tưởng nhớ. Ở Trường Sa, tôi đã được sống một đời sống khác, ngày ấy tôi còn trẻ, dường như chẳng còn những bon chen, lo lắng. Những vất vả khó khăn thường ngày chẳng ai nghĩ đến đâu. Cứ thế mà sống, như cây phong ba bão táp vậy. Khi xa rồi thì tôi hiểu, từng nhành cây ngọn cỏ, cả cái nắng cái gió, cả vị mặn của những giọt mồ hôi đều trở thành nỗi nhớ. Bây giờ hỏi tôi nhớ gì nhất thì tôi hình dung cả không gian biển đảo nơi mình sống hình như vẫn được kí ức đóng băng nguyên khối, trong suốt, tôi có thể hình dung như sờ nắn được mọi ngóc ngách của hòn đảo, nhớ từng doi cát xoay chiều theo hướng gió và dòng chảy hải lưu, nhớ cả những chú chó tinh khôn, những con vích khờ khạo và từng bước chân lạo chạo trên nền đá san hô trong tiếng sóng biển dào dạt mỗi buổi chiều. Nhớ những ngày biển động, gió muối ràn rạt, rau xanh chết hết, cá biển không có, cả trung đội nhìn nhau với nồi canh nấu bằng giá đóng hộp chua đến rùng mình. Nỗi nhớ thì có bao giờ phân chia nhất nhì.

PV: Những nỗi nhớ ấy đã đi vào tác phẩm của anh như thế nào? Anh có hài lòng về những tác phẩm đã viết về đồng đội, về công cuộc bảo vệ biển đảo quê hương?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Tôi đã kể về nỗi nhớ Trường Sa bằng không chỉ một cuốn sách. Ở Biển xanh màu lá, tôi đã viết về những hi sinh của người lính Trường Sa, cả những hi sinh nhìn thấy được và những hi sinh không nhìn thấy được bởi không phải lúc nào cũng hiển lộ và dễ nắm bắt. Có những trang trong Biển xanh màu lá, nỗi nhớ hiện lên đau đáu như thể chỉ cần nhắm mắt lại là tôi thấy mình đang ở đảo. Biển xanh màu lá có bóng dáng những đồng đội của tôi trong đó. Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa thì lại là những hồi ức trong trẻo về thiên nhiên, vạn vật nơi đảo xa. Nơi thiên nhiên còn nguyên sơ và con người chỉ là những dự phần nhỏ bé. Với những tác phẩm khác, tôi chưa bao giờ dùng hai từ “bằng lòng” nhưng với những gì về Trường Sa, tôi đã viết bằng tất cả sự thành kính và rung cảm từng câu chữ...

Bây giờ, nếu tiếp tục viết về Trường Sa thì chắc chắn tôi sẽ không chỉ viết bằng những kỉ niệm và trải nghiệm. Bởi kí ức của tôi thì xanh nhưng sóng biển Trường Sa đã có những thời khắc mang màu đỏ.

PV: Cảm ơn anh!

Các tác phẩm đã đoạt giải của Nguyễn Xuân Thủy

Cuốn tiểu thuyết Biển xanh màu lá được tặng thưởng trong Giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng, Bằng khen của Tổng cục Chính trị; Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa đạt Giải Vàng sách hay toàn quốc. Nguyễn Xuân Thủy cũng được nhận Bằng khen của TW Ðoàn cho nỗ lực viết cho thiếu nhi. Tiểu thuyết Sát thủ Online của Nguyễn Xuân Thủy được trao giải A cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức.


Thanh Hằng (thực hiện)
Ý kiến của bạn