Nhà văn Nguyễn Văn Toại với làng đồi quê hương

08-04-2019 14:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Quê hương muôn năm

Hoàn toàn không phải một lời tụng ca quen thuộc. Đây là nhan đề một áng tạp văn giàu xúc cảm trong cuốn sách nổi tiếng đã được nhắc đến của Nguyễn Văn Toại viết về gia đình mình, làng quê mình; tác giả chỉ dành riêng cho bản thân mình thôi, ấy thế mà khi tiếp xúc với ông, đọc ông chắc chắn ai cũng thấy cụm từ này  không hề rập khuôn chút nào. Lời tụng ca ấy vọng lên từ gan ruột nhà văn, nó ẩn chứa nhiều niềm vui, nỗi buồn và cả mồ hôi cùng nước mắt.

Nguyễn Văn Toại sinh ra từ văn hóa làng đồi, được văn hóa làng đồi nuôi dưỡng, nâng bước. Đó là làng Dòng, thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ hiện nay. Xuân Lũng được xác định là một trong 67 di chỉ khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phú (cũ) tương ứng với 4 giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Dòng là tên làng, nó hàm nghĩa là địa danh bên triền sông - sông Thao. Từ tên nôm làng Dòng chuyển sang tên chữ Hán là Vân Lung, rồi Xuân Lũng. Đây là mảnh đất của văn chương khoa cử và văn chương sáng tác hiện đại. Không kể nhiều vị đỗ đạt làm quan thuở trước, thì làng này đã sinh thành 8 nhà văn. Ngoài hai tác giả thơ Vũ Chấn Nam, Đào Ngọc Chung, có 6 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Nguyễn Thái Vận, Nguyễn Trung Đức (cả hai đã mất), Nguyễn Thị Minh Thông, Nguyễn Văn Toại, Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Thị Thanh Long. Đó là chưa kể một đội ngũ đông đảo các GS, TS, ThS, các nhà khoa học thành danh, tú tài, cử nhân phải tới con số hàng ngàn!

Nhà văn Nguyễn Văn Toại.

Nhà văn Nguyễn Văn Toại.

Nguyễn Văn Toại sinh ra trong ánh sáng đèn dầu dọc leo lét - mẹ ông kể lại. Khi cái núm rốn của ông bắt đầu khô, bà dùng mảnh nứa sắc để cắt và đem buộc vào cái quang đèn gỗ hình vuông treo ở góc nhà với kỳ vọng đứa con trai sau này sẽ trở nên sáng dạ. Hầu như thời trước, tất cả các bà mẹ làng đồi khi sinh con đều làm như thế. Người mẹ, người cha trong một gia đình hạnh phúc mang cái gene của văn hóa làng đồi đã ảnh hưởng sâu sắc tới tâm hồn, cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ông nội am hiểu chữ nho. Cha là nhà giáo vừa nho học vừa Tây học. Ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Văn Toại đã được sống bên cạnh những trang sách trong kho sách chữ nho, chữ Pháp. Nhà văn tâm sự: “Cha tôi đã để quá nửa dấu chân đời mình trên các hè phố Hà Nội hoa lệ, nhưng khi cầm quyết định nghỉ hưu, ông về thẳng quê nhà cùng chiếc xe đạp cũ kỹ, một chiếc hòm gỗ mít tùng tiệm vài bộ quần áo (...). Ông bảo tôi: “Thầy muốn dành những năm tháng cuối đời cho quê hương” (...). Những yêu cầu tối thiểu thuộc tư chất của một viên chức Nhà nước như cung cách ăn mặc (mùa đông bao giờ ông cũng mang cà vạt, nếu đến cơ quan), cách ứng xử, giờ giấc làm việc hàng ngày và nhất là trình độ tay nghề... - những điều mà ở thời điểm này xã hội ta mới quan tâm một cách ráo riết - thì từ lâu tôi đã nhận ra ở cha tôi một chân dung gần gũi. Tôi chưa bao giờ thấy ông bớt xén giờ Nhà nước, kể cả dịp nghỉ lễ hoặc phép tắc hiếm hoi”.

Nguyễn Văn Toại đã đền đáp lại gia đình, quê hương bằng tất cả các tác phẩm ông đã và đang viết một cách tận tâm, tận sức. Kẻ Dòng nội truyện vừa là sử vừa là văn, có thể coi là tác phẩm để đời của ông. Khoa học lịch sử được thể hiện bằng văn chương giàu xúc cảm, hình ảnh; văn chương thấm đẫm vào từng trang viết ngỡ như là khô cứng với những con số, thuật ngữ, địa danh, tên người... Nhà văn đã lao động (bằng cả trí tuệ và cơ bắp) góp dồn tư liệu liên tục, kể từ tuổi ấu thơ cho đến thời ngũ tuần, lục tuần. Khi những trang văn đầu tiên hiện ra là khi ông đã thật sự bước vào một cuộc tìm hiểu, khám phá cái “ma trận” tư liệu về làng quê mình một cách khoa học nhất, nghiêm túc nhất, công phu nhất. Ông không ngần ngại vào vai một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp về lịch sử, phong tục tập quán, nếp sống làng xã và văn hóa dân gian cổ truyền qua hằng hà sa số những chi tiết, những mẩu chuyện còn lãng đãng đâu đó trong các kho lưu trữ của Nhà nước và cả trong dòng đời xô đẩy bằng một cái nhìn khái quát, tổng thể. Ai biết, người con của làng Dòng này đã cất công đi đi về về nơi chôn rau cắt rốn của mình biết bao lần, gặp gỡ cả nghìn lượt người? Khi làm tư liệu, ông như một nhà khoa học cần mẫn, kỹ càng, tinh lọc ngôn từ chuẩn mực; khi viết ra, ông lại hoàn nguyên là một nhà văn, dạt dào cảm xúc, thâm nhập vào các số phận, những mảnh đời riêng lẻ... Tạp văn của Nguyễn Văn Toại giàu chi tiết thú vị, lấp lánh và lao xao hình ảnh, gợi nhớ một thời xa xưa với những con người, cảnh vật, sự việc khá đặc thù ở một vùng quê Phú Thọ. Chúng ta hãy hình dung, nơi ấy nhấp nhô đồi bát úp, những tràn ruộng bậc thang ngang dọc, được định danh miền núi nhưng chưa hẳn là núi cao rừng thẳm, tất nhiên chưa vươn tới bãi đồng thoáng đãng. Một không gian hẹp, hơi khép kín, tạo nên một vùng văn hóa mang sắc thái riêng. Văn hóa làng đồi không hoàn toàn là văn hóa sau lũy tre xanh mà là văn hóa trên đồi. Núi thấp và đồi nhấp nhô thoai thoải với những cây cọ khẳng khiu, xòe ra những tán lá như mặt trời xanh giữa khoảng không bao la mát dịu. Tán lá cọ như mặt trời xanh đã từng tỏa bóng trong sách giáo khoa của trẻ thơ). Đấy là hình ảnh vượt trội của một làng trung du, quê hương nhà văn. Như vậy, Kẻ Dòng nội truyện không chỉ dựng lại gương mặt văn hiến của một làng trung du (qua văn chỉ, văn bia, đình, chùa, hương ước, địa bạ, sắc phong, đất lề quê thói...) mà còn nhằm khẳng định một sự thật sâu sắc hơn: Bản sắc văn hóa Việt Nam khởi nguồn và dồn tụ tại mỗi làng quê Việt...

Dồn tâm sức cho tiểu thuyết

Độc giả gọi Nguyễn Văn Toại là nhà thơ theo thói quen từ trước, bỏ qua sự nghiệp làm báo của ông và không để tâm nhiều đến những cuốn sách ông dịch từ văn học Nga Xô viết. Khi nhà thơ này bước hẳn sang lĩnh vực văn xuôi, có phần xao nhãng thơ, thì ông vẫn được nhớ đến là nhà thơ.

Năm 2002 là năm ghi một cái mốc quan trọng trong cuộc đời cầm bút của Nguyễn Văn Toại. Về hưu. Trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Dồn tâm sức nhiều hơn cho văn xuôi. Cho in Cướp biển, tiểu thuyết dịch ngót bảy trăm trang chỉ sau ba tháng chuyển ngữ. Trong các cuốn tiểu thuyết (thường là dài về số trang), Nguyễn Văn Toại ưa khai thác những khía cạnh đời tư, mối quan hệ nhân quả giữa con người với con người trong cuộc mưu sinh, về cái giá của tình yêu, hạnh phúc thời mở cửa. Cẩm chướng đỏ là tiểu thuyết hiếm hoi về đề tài trí thức. Độc giả được tiếp cận với một nhóm nhân vật thuộc lớp trẻ được sinh ra đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Họ gặp vấp váp trong công việc, trong tình yêu, chủ yếu là trong quan niệm về cuộc sống còn nhiều lệch lạc, mỗi người phải trả giá theo cách riêng của mình. Tiểu thuyết đặt lại vấn đề: Giá trị của quá khứ là thế nào? Sự hy sinh trong gian khổ, thiếu thốn thời bao cấp chẳng lẽ là… dại (!) Đó chính là thời kỳ đầy rẫy những khó khăn, thử thách mà bây giờ nhắc lại rất ít người tin. Có cái giá trị đích thực phải tiêu tán do sự ứng xử đơn điệu, rập khuôn trong nếp sống, cách nghĩ, song người ta né tránh, đôi khi phải giả dối, miễn là đạt được mục đích. Ông Thính, lão thành cách mạng, cả một đời sống cứng nhắc, sách vở để rồi phải hứng chịu hậu họa: Được sang Nga nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn đặc biệt đã từ chối dịp may gặp lại đứa con trai dứt ruột đào tẩu ở lại xứ người. Tác giả tỏ ra tâm đắc với chi tiết này và đã nhắc lại với tôi không chỉ một lần. Tôi thì bị ám ảnh bởi cái phòng thí nghiệm hiện đại của một trường đại học tầm cỡ được sinh ra do sự duy ý chí, rốt cuộc phải đóng cửa vô thời hạn. Tất cả những người làm việc ở đó đều không hơn “những vật thí nghiệm”. Với tiểu thuyết này, Nguyễn Văn Toại càng bộc lộ rõ khả năng nắm bắt và phân tích diễn biến tâm lý nhân vật một cách linh hoạt, có chiều sâu, buộc người đọc phải đồng hành cùng số phận cho đến trang cuối cùng. Những thông điệp về tình yêu, tình bạn, nghĩa vợ chồng, đạo lý làm người mà nhà văn gợi ra giúp độc giả nhớ lại những trang văn viết về gia đình, hạnh phúc trong Kẻ Dòng nội truyện Vầng trăng mặt sáng. Những vấn đề không mới nhưng lại ấp iu hơi thở cuộc đời khi nhà văn kịp gắn vào đó cách nhìn riêng của mình. Thành công hay không còn tùy thuộc vào năng lực xây dựng tính cách nhân vật và sự miêu tả tâm trạng nhân vật ở những tình huống khác nhau, nói những điều ai cũng biết mà lại lôi cuốn, mới mẻ, có sức thuyết phục.

Gần bốn chục đầu sách! Hai phần ba trong số đó không thể chỉ đọc một lần. Kẻ Dòng nội truyện được 3 nơi trao giải cao: UBND tỉnh Phú Thọ (Hội VHNT tỉnh), Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Viết bản thảo chỉ một lần, độc bản. Tiểu thuyết tạo được dư luận. Ý nghĩa tích cực về nhân cách, lẽ sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình đặt ra trong tác phẩm của Nguyễn Văn Toại ứng nghiệm trùng khớp vào đời tư tác giả, theo chiều xuôi (sách - đời tư) và chiều ngược lại (đời tư - sách), thống nhất suốt quá trình sáng tạo. Về thơ, nhà thơ Nguyễn Văn Toại cũng có không ít những bài hay, câu hay được chọn in trong các tuyển tập, trong đó có tác phẩm Nghìn câu thơ tài hoa của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm.

Tháng 3 năm 2019


Phạm Đình Ân
Ý kiến của bạn