Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Chiến tranh đã ám ảnh tôi suốt cuộc đời

27-07-2017 16:57 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: ở tư cách một nhà văn, tôi đã dành nhiều tâm huyết để nhớ tới đồng đội, những người đã chết cho đất nước…

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng nỗi đau của nó vẫn còn dai dẳng và không có gì có thể bù đắp được. Chiến tranh đã làm cho bao gia đình đau khổ tan nát. Nhiều gia đình phải ly tán, vợ mất chồng, cha/mẹ mất con… Nhắc đến chiến tranh là nhắc đến sự mất mát, sự hy sinh, sự đói nghèo.

Đối với nhà văn Nguyễn Văn Thọ - cha đẻ của tiểu thuyết nổi tiếng “Quyên”, mỗi khi nhắc đến 2 từ chiến tranh khiến trái tim ông tan nát. Những ký ức đau thương lại ùa về trong tâm trí của ông.

Kể chuyện với chúng tôi về một thời đã qua, ông đã khóc mỗi khi nhắc đến chiến tranh, khi nhớ lại sự tàn khốc của chiến tranh, những nỗi đau mà ông không bao giờ quên khi tận mắt chứng kiến sự ra đi của người thân, đồng đội và của những người phụ nữ, những đứa trẻ vô tội.

Chia sẻ về những nỗi đau kìm nén trong sâu thẳm của con tim, ông nói: “Các bạn là những người may mắn sống sót để được sống trong hòa bình, trong thời đất nước đã phát triển và đổi mới. Đặc biệt, chúng tôi là những nhà báo – được chứng kiến sự thay đổi từng ngày của đất nước, được nói lên chứng kiến của mình - đó là điều vô cùng hạnh phúc mà trong chiến tranh ông có mơ cũng chẳng được. Ông tiếc vì giờ đã “quá già” nếu còn trẻ chắc chắn ông sẽ trở thành những nhà báo đầy nhiệt huyết, hết lòng với công việc như chúng tôi”.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ở Roma trước những tác phẩm kinh điển về chiến tranh

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ở Roma trước những tác phẩm kinh điển về chiến tranh (ảnh: do nhân vật cung cấp)

“Chắc các bạn hiểu rằng chúng tôi yêu đất nước mình như thế nào. Là người đã sống ở Đức gần 30 năm, nếu bây giờ vẫn sống ở bên đó thì chắc chắn cuộc sống của tôi sẽ giàu hơn nhưng vì yêu đất nước, tôi đã từ bỏ trở về quê hương để trả ơn những đồng đội đã hy sinh cho chúng tôi được sống. Tôi ghét chiến tranh. Tôi không muốn đất nước nào trên thế giới xảy ra chiến tranh. Chiến tranh là khổ đau và tàn sát và những người thân của tôi phải gánh chịu. Dù cuộc sống của tôi ở Việt Nam chỉ tạm đủ sống qua ngày nhưng tôi hạnh phúc bởi tôi có gia đình, có người thân, có đồng đội và có những người như các bạn”- nhà văn Nguyễn Văn Thọ nghẹn ngào nói.

Nhớ lại ký ức thời quân ngũ, nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể: “Tháng 7/1965, tôi tình nguyện nhập ngũ. Lứa học sinh chúng tôi khi đó hừng hực khí thế vì đa số hơn 16 và 17 tuổi - tuổi bẻ gãy sừng trâu. Đó là cái tuổi nhẽ ra chỉ cắp sách tới trường và mơ mộng yêu đương của tuổi mới lớn. Cuộc chiến đấu chống lại không lực Mỹ trên phía Bắc Việt Nam kéo dài hai năm, sau đó tôi vào miền Nam “cơm Bắc giặc Nam“ 2 năm nữa, rồi vào hẳn miền Nam và Lào chiến đấu tận tới khi tiến công hoàn toàn giải phóng Sài Gòn”.

Hơn 11 năm chiến tranh, nhà văn Nguyễn Văn Thọ luôn ở đơn vị trực tiếp chiến đấu, trực tiếp với đạn bom, hy sinh mất mát, trực tiếp đối diện với sự sống chết trong gang tấc.

“Chính vì thế, cuộc sống nơi trận mạc dài như thế tôi đã hàng trăm lần chứng kiến sự mất mát hy sinh của đồng đội. Đã bao lần tôi ôm trong tay thi thể của họ, những người đã cùng tôi chiến trận, kề vai bên nhau, giúp tôi thoát hiểm”- nhà văn nói trong nước mắt.

Nhà văn cho hay, trong số bè bạn, đồng ngũ đã hy sinh ấy, rất nhiều người đã dũng cảm chiến đấu chấp nhận cái chết, hy sinh anh dũng, khi tuổi đời còn rất trẻ, họ chưa hề biết yêu, chưa hề hưởng một nụ hôn của phụ nữ trên đời.

Chứng kiến biết bao lần những cái chết trong cuộc chiến, và cái chết của chính những người đồng đội gắn bó sống chết trận mạc, đói no hậu tuyến với mình là điều khủng khiếp ám ảnh suốt cả cuộc đời của ông, cuộc đời một người lính trận. “Sự ám ảnh tới tận tới hôm nay khi chiến tranh chống Mỹ đã lùi xa 40 năm. Tôi còn nhớ ngày mới có con đầu lòng, tôi thường mê sảng đơn vị của mình bị vây hãm, quanh tôi là bao bạn bè đã hy sinh hiện về. Bao nhiêu năm qua, tôi luôn trở lại cuộc chiến đẫm máu đó. Để chống cự, tôi vật tay mạnh trong mơ, gãy cả mấy cái nan giường. Vợ tôi rất sợ. Từ đó, tôi không dám ngủ cạnh con. Và đó là sự bất hạnh, sự tổn thương rất lớn trong tôi. Một tâm hồn bình thường. Nó ám ảnh cả tận tới ngày hôm nay khi tôi đã 70 tuổi”- ông bộc bạch.

Nhà văn cho biết, đất nước chúng ta đã trải qua bốn cuộc chiến, hàng triệu triệu con người đã hy sinh vì danh dự của dân tộc, bảo vệ đất nước toàn vẹn lãnh thổ và có những ngày hòa bình như hôm nay.

“Tôi may mắn còn sống sót để sống trong hòa bình, lấy vợ sinh con và như vậy còn có một món nợ đồng đội rất lớn, nó luôn canh cánh bên tôi. Chính vì thế ở tư cách một  nhà văn, tôi đã dành nhiều tâm huyết để viết về họ, những người đã chết cho đất nước, cũng là cho mạng sống của cá nhân tôi. Tôi cũng luôn ý thức, trong nhiều tác phẩm rằng, sự trả ơn lớn nhất đối với những người đã khuất là tự cá nhân tôi cũng như mộng ước tất cà mọi người Việt Nam hãy lao động hết sức mình, kiến tô non sông, gìn giữ và trân trọng, yêu quý hòa bình để các thế hệ sau tôi không đau khổ mất mát như cha anh chúng ta nữa”- ông trải lòng.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ bày tỏ: “Ngày 27/7 năm nay như một ngày giỗ lớn của toàn dân tộc đối với anh linh đã hy sinh vì đất nước, tôi xin bày tỏ nỗi lòng, dâng lên như một nén hương tâm thành cho các anh hùng dân tộc. Nghĩ về họ, nhớ về họ và làm tốt hơn nữa điều đã xác lập để bầy tỏ một tấm lòng biết ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc Việt Nam chúng ta”.


Thủy Khương
Ý kiến của bạn