Nhà văn Nguyễn Quang Thân: Tràn đầy năng lượng sống cho đến phút cuối cùng

09-03-2017 20:38 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong lòng những người yêu mến nhà văn Nguyễn Quang Thân, ấn tượng về ông không chỉ là một cây bút tài hoa, mà còn là một nhà văn tuổi cao nhưng đời sống tâm hồn rất trẻ trung...

Trong lòng những người yêu mến nhà văn Nguyễn Quang Thân, ấn tượng về ông không chỉ là một cây bút tài hoa, mà còn là một nhà văn tuổi cao nhưng đời sống tâm hồn rất trẻ trung, năng động, một con người luôn sống hết mình với tình yêu và khát vọng của đời.

Tin nhà văn Nguyễn Quang Thân ra đi khiến nhiều người ngỡ ngàng. Trên khắp các mặt báo đều rộ lên những dòng tin về sự ra đi đột ngột này, với những đớn đau, tiếc nuối, đủ thấy được tầm ảnh hưởng của tác giả Hội thề với đời sống văn chương và với tình cảm của những người yêu văn học.

Gặp ông lúc nào cũng thấy đôi mắt như cười, phong độ khỏe khoắn, niềm lạc quan yêu đời lan tỏa. Hình ảnh nhà văn quần bò áo phông trẻ trung, giọng nói hào sảng như đang độ thanh xuân khiến không ai nghĩ ông đã vượt qua tuổi 80. Bất cứ lúc nào, Nguyễn Quang Thân cũng luôn tạo được cảm giác về con người ông tràn đầy năng lượng, cả trong đời sống lẫn trong văn chương.

Nhà văn đúng nghĩa

Nhà báo Nguyễn Thông - một người Hải Phòng luôn tự hào khi Nguyễn Quang Thân dù quê Hà Tĩnh nhưng lại sinh ra và có gần 30 năm sống ở Hải Phòng - đã gọi Nguyễn Quang Thân là “người tử tế của đất Phòng” và chia sẻ: “Ông sống bản lĩnh, ngoan cường, ngay thẳng, không chấp nhận sự vênh váo, không thỏa hiệp với cái tầm thường nên đời văn của ông cũng khá nhiều lận đận, truân chuyên. Ông không chức tước gì, đến khi ra đi chỉ là nhà văn đúng nghĩa. Sáng tác rất nhiều, tác phẩm hay rất nhiều, đóng góp phục vụ cho dân cho nước không ít nhưng ông vẫn chưa được nhận những giải thưởng danh giá như Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước. Tuy nhiên, giải thưởng về văn chương thì chất đầy tủ kính, đó là chưa kể biết bao nhiêu thế hệ bạn đọc yêu mến, ngưỡng mộ nhà văn của mình”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân.

Với mỗi tác phẩm - văn chương, kịch bản hay báo chí - nhà văn Nguyễn Quang Thân đều gửi vào trong đó không chỉ sự khúc triết của tư duy, mà còn cả tâm huyết của mình với những đau đáu về thời cuộc. Bởi thế, không ngạc nhiên khi trong hành trình cày ải trên cánh đồng chữ nghĩa, Nguyễn Quang Thân đã sở hữu hàng loạt giải thưởng: Giải chính thức văn học cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam cho Chú bé có tài mở khóa (năm 1985); giải Nhì truyện ngắn báo Văn nghệ cho tác phẩm Vũ điệu cái bô (năm 1992); giải A Cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2006-2009 với cuốn tiểu thuyết Hội thề và giải Nhất Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử Thăng Long với kịch bản Hội thề.

Tiểu thuyết Hội thề của ông từng gây nên cuộc tranh luận nóng bỏng về cách nhìn lịch sử, “nhưng nó đã góp phần đổi mới cho thể loại tiểu thuyết lịch sử đang được quan tâm trong văn học nước ta hiện nay” - như đánh giá của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Trong mỗi tác phẩm của mình, Nguyễn Quang Thân quan tâm sâu sắc đến đến những vấn đề nóng đang đặt ra trong đời sống xã hội, trong quá trình phát triển của đất nước và ông cũng đề cao vai trò của của người trí thức trong đời sống xã hội. Bởi thế, một chủ đề lớn trong văn Nguyễn Quang Thân chính là tinh thần phản biện xã hội, sự trăn trở đau đáu của người trí thức trước những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển của đất nước.

Nhà thơ Thi Hoàng, một người bạn lâu năm của Nguyễn Quang Thân đánh giá cao tài năng của ông: Nguyễn Quang Thân là một trong những cây bút văn xuôi có nhiều đóng góp cho nền văn chương nước nhà, đặc biệt là sau thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Những trang viết sau thống nhất đất nước thoát khỏi tình trạng tuyên truyền sáo rỗng, trở nên có tư tưởng rõ ràng, cụ thể bên trong.

Sống vui, sống khỏe đến cuối đời

Những trang viết của Nguyễn Quang Thân luôn mạnh mẽ, chân thật như con người ông - con người luôn khao khát cống hiến cho dân tộc, cho đất nước và khao khát sống trong sự thành thật với chính bản thân mình. Trong đời sống, nhà văn Nguyễn Quang Thân cũng luôn mạnh mẽ và đi đến tận cùng với trái tim mình.

Câu chuyện tình của ông với nhà văn Dạ Ngân từng làm nên một “lịch sử tình ái” với hành trình kéo dài hơn 10 năm thăng trầm trước khi nên duyên chồng vợ như một bằng chứng sinh động về một con người dám yêu và dám đi tới cùng với tình yêu đích thực. Năm 1982, Nguyễn Quang Thân gặp Dạ Ngân ở trại viết Vũng Tàu lúc 2 người đều đã có gia đình yên ổn, nhưng khi nhận ra đây mới thực sự là “một nửa của đời mình”, họ đã quyết tâm đến với nhau và vượt qua biết bao thử thách để tìm được hạnh phúc của đời mình.

Có nhau muộn màng, nhưng ông đã khiến cho những năm tháng còn lại của đôi vợ chồng không còn trẻ nữa luôn là “tuần trăng mật” với chuỗi ngày dài hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy đã hiện rõ trong ánh mắt, nụ cười và cả sự trải lòng của nhà văn Dạ Ngân trên những trang viết, trong những tấm ảnh của hai người. Có tình yêu lớn, ông tiếp tục gửi niềm vui sống, khát vọng về một xã hội tốt đẹp và cả những nỗi đau nhân thế vào trong từng trang viết và trong cả đời sống thường nhật, mạnh mẽ hơn bao giờ.

Dẫu không còn trẻ, Nguyễn Quang Thân vẫn khiến mọi người phải nể phục bởi nhịp sống trẻ trung, căng đầy khát vọng mà ông luôn duy trì. Không chỉ viết văn, ông còn chơi facebook, đọc sách báo và chiều chiều quần soóc, áo phông đi bộ ra bể bơi, bơi liền hai giờ để thư giãn. Ông vẫn thường tự hào về sức khỏe của mình khi từ nhỏ tới giờ, ông chưa từng phải vào bệnh viện. 82 tuổi mà vẫn có thể bơi sáu, bảy cây số mỗi ngày quả là một điều kỳ diệu... Nhà thơ Thi Hoàng nhớ lại: “Anh Nguyễn Quang Thân vốn là người khỏe mạnh, hơn nữa rất chỉn chu, quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều lắm. Ngay cả chuyện ăn mặc, anh ấy cũng thường cố gắng làm sao để trong mắt người khác thấy bóng dáng một con người khỏe mạnh”.

Tuổi đã cao, nhà văn Nguyễn Quang Thân vẫn không ngừng sáng tác, không ngừng di chuyển. Mạnh mẽ và phóng khoáng, thích sống tự do và sở thích khám phá đã đưa ông đi dọc dài các vùng đất, khi về miền quê yên tĩnh của đất nước, lúc lại bôn ba tới những đô thị ở nước ngoài, như một cách nạp năng lượng để sống, để yêu và sáng tác. Có những chuyến đi chỉ để dành không gian riêng yên tĩnh cho vợ viết lách. Như mới đây, khi nhà văn Dạ Ngân tập trung cho truyện dài Người yêu dấu, để dành cho bà  những ngày tháng hoàn toàn tự do mà dồn sức hoàn thành tác phẩm, ông đã lúc lên Đà Lạt, khi về Vũng Tàu rong chơi. Không có một sức sống mãnh liệt, một tinh thần vui khỏe, làm sao ông có thể sống cả cho mình và cho người bạn đời mà ông yêu dấu như thế được!

Trước khi ra đi vài hôm, nhà văn Nguyễn Quang Thân còn là thành viên Hội đồng Văn xuôi của Giải Văn Việt lần II, cặm cụi đọc từng trang viết của các tác giả và cặm cụi viết một bản nhận xét kỹ càng, đầy trách nhiệm để bảo vệ tác phẩm mình đề cử. Ông đã ra đi thật nhẹ nhàng, thật thanh thản, khi việc cuối cùng là tham gia xét giải cho Văn Việt lần II đã kịp hoàn thành. Hai vợ chồng ông đã hẹn hò sẽ cùng nhau đến dự lễ trao giải ngày 3/3, chỉ tiếc là lời hẹn cuối cùng đã không trọn vẹn. Nhưng cho tới lúc ra đi, ông vẫn khỏe mạnh, tràn đầy sức sống và rất nhiều khát vọng, đúng với phong cách của con người ông.

Có điều, như nhà văn Dạ Ngân cho biết, thì ông đã làm được điều mà ông tuyên bố: Khỏe mạnh cho tới lúc chết! “Sau cú đột quỵ ấy, nếu còn sống chắc phải đổi nhà vì anh Thân sẽ không bao giờ chấp nhận ngồi xe lăn xuất hiện trước các hàng xóm cũ” - nhà văn Dạ Ngân tâm sự.

Nguyễn Quang Thân rời bỏ cõi tạm để tìm về một vùng trời yên tĩnh vĩnh viễn, nhưng những trang viết của ông sẽ mãi còn lại cùng với tình yêu cuộc sống mãnh liệt gửi lại cho đời.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân sinh ngày 15/4/1936, quê xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông viết văn từ những năm giữa thế kỷ XX, thành danh sớm và vẫn viết cho đến trước khi rời cõi tạm. Ông là một nhà văn thành công ở nhiều thể loại, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết và cả kịch bản phim. Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Anh. Một đời văn, ông để lại di sản văn chương khá đồ sộ: Truyện ngắn có Nước về (năm 1957), Hương đất (1964), Cô gái Triều Dương (1967), Ba người bạn (1970), Những người chinh phục (1977), Nếp gấp (1978), Những chùm các biển (1979), Người không đi cùng chuyến tàu (1989), Vũ điệu cái bô (1991), Hoa cho một đời (1996), Giao thừa trắng (1996), Giữa những điều bình dị (Amongst and in the simple things) - tập truyện ngắn song ngữ Anh - Việt... Những cuốn tiểu thuyết của ông cũng được bạn đọc yêu mến: Chú bé có tài mở khóa (1983), Lựa chọn (1997), Thời hoa mẫu đơn (1988), Ngoài khơi miền đất hứa (1990), Con ngựa Mãn Châu (1991) và tác phẩm Hội thề từng gây tiếng vang khi xuất bản năm 2009. Nhà văn Nguyễn Quang Thân còn là tác giả của các kịch bản phim nổi tiếng Cây bạch đàn vô danh sản xuất năm 1993 và Hội thề năm 2005.


Thanh Hằng
Ý kiến của bạn