Hà Nội

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Dòng sông Nam Bộ luôn thao thiết với thế sự nước nhà

16-02-2014 21:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - 16 giờ ngày 13/2/2014, một trong những cây đại thụ của văn chương Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước và đương đại - nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã ra đi tại nhà riêng ở quận 7, TP.HCM, trở về “Dòng sông thơ ấu” quê hương ông ở Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang trong tuổi 83.

16 giờ ngày 13/2/2014, một trong những cây đại thụ của văn chương Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước và đương đại - nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã ra đi tại nhà riêng ở quận 7, TP.HCM, trở về “Dòng sông thơ ấu” quê hương ông ở Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang trong tuổi 83.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Sinh ngày 12/1/1932, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông gia nhập quân đội và hoạt động ở chiến trường miền Nam. Sau năm 1954, ông được tập kết ra miền Bắc, bắt đầu sự nghiệp viết văn. Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông quay lại miền Nam, cùng tham gia cuộc kháng chiến và tiếp tục viết văn. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957). Sau ngày đất nước thống nhất tháng 4/1975, ông giữ chức Tổng thư ký (sau đổi tên thành Chủ tịch) Hội Nhà văn TP.HCM các khóa l, 2, 3; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn VN khóa 2, 3 và là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn VN khóa 4.

Ông có một gia tài khá đồ sộ về văn chương, tiêu biểu nhất là 16 tác phẩm văn học gồm tiểu thuyết, tập truyện ngắn, 10 kịch bản phim và chủ nhân của nhiều giải thưởng văn học. Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2001.

Một nhà văn “không giống ai”

Ông có một cách làm việc thật lạ: khi viết, ông phải nghe nhạc. Có lẽ thế mà ông là người đầu tiên được nhạc sĩ Hoàng Việt chia sẻ giai điệu bất hủ của Tình ca khi nó mới hình thành những khúc đầu, để khi hoàn thành, ông cũng là người đầu tiên được thưởng thức trước khi công bố. Và trong 2 cuốn phim về sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, ông là người viết lời bình cho phim. Tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu của ông viết năm 1985 như một xúc tác để nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác ca khúc đầy chất thơ Trở lại dòng sông tuổi thơ. Sau này, cuộc gặp gỡ của ông - nhà văn cách mạng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - nhạc sĩ Sài Gòn là cuộc gặp của 2 tâm hồn tri âm, đồng cảm đến kỳ lạ. Ông đã dành rất nhiều trang viết cảm động về người nhạc sĩ tài hoa này trong cuốn: Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn (ký, 1990).

Trong các tác phẩm của mình, ông luôn dành sự ưu ái cho các nhân vật nữ. Gần như không có nhân vật nữ phản diện nào. Sở hữu bao nhiêu giải thưởng văn học có uy tín, là một cây đại thụ của văn học Việt Nam đương đại, nhưng ông vẫn cho rằng: “50 năm cầm bút, có được vài giải thưởng nhưng tôi luôn tự hỏi mình có thật là nhà văn hay chưa”. Hỏi ông vì sao lại nghĩ như thế, ông nói rất tự nhiên: “Tôi đặt câu hỏi để tự vấn tôi, vì có những điều tôi chưa viết, chưa dám viết, thiếu dũng cảm để viết. Nhưng tôi sẽ viết. Vấn đề gì thì tôi chưa thể nói, đến một lúc nào đó thích hợp, tôi sẽ cho biết. Hiện đang viết và sẽ tập hợp lại thành tập truyện ngắn, nói những gì mình muốn nói mà trước giờ chưa nói, còn tới khi nào xong thì cũng không thể nói được”.

Nhà văn không ra ngoài thời cuộc

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng được mệnh danh là nhà văn viết về số phận con người Nam Bộ trong chiến tranh. Nhưng trong thời bình và nhất là hiện tại, ông cũng không đứng ngoài thế sự, mà như ông nói: “Tôi quặn thắt ruột gan mỗi khi nghe, xem, đọc một thông tin xấu trên truyền thông...”.

Hỏi ông có quan tâm đến những vấn đề thời sự hiện tại của đất nước, ông đăm chiêu: “Sao lại không? Đấy là các chất liệu cuộc sống, chất liệu hiện thực để chiêm nghiệm, để suy nghĩ, để có thể chuyển hóa thành chữ trên trang viết với những số phận con người gắn liền với hiện thực đó. Nhưng đúng là xót đắng, bởi tỉ lệ thông tin xấu thường nhiều hơn thông tin tốt”.

Ông là nhà văn và văn hóa Việt đối với ông như hơi thở cho ông nguồn sống nên khi hỏi ý kiến ông về việc “hội nhập”, ông cũng tỏ ra rất “sành điệu: “Hiện tại, cái gọi là “văn hóa Việt” đang trong nguy cơ nhạt nhòa bản sắc, thậm chí nó gần như không có bản sắc riêng. Đố ai có thể trả lời bản sắc “văn hóa Việt” là gì..., không thể là “áo dài”, là “rối nước”, là “quan họ”, “đờn ca tài tử Nam Bộ”... Ngay cả trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, sự “thuần Việt” bây giờ cũng rất hiếm có. Các tác phẩm văn hóa nghệ thuật cứ như mượn hồn mược xác, nó không ra Việt Nam, không ra cái quốc gia nào hay thuộc về nền văn hóa nào.

Tác phẩm cuối cùng trước ngày ra đi

Vẫn là số phận con người. Một nông dân sau chiến tranh ra thành phố kiếm sống, mấy mươi năm ở thành phố, cũng có thành danh thành người, trở về quê, đối diện những mất - còn và những bất công của làng quê, người nông dân này muốn thay đổi để quê hương được tốt hơn, người dân quê được sống bình yên và có công bằng... Ông nói: “Truyện nghĩ giản đơn, nhưng nó là hiện thực của một xã hội hiện tại, vấn đề tam nông, vấn đề thành thị hóa, vấn đề con người biến đổi theo vật chất... Một xã hội đương đại ở Nam Bộ thu nhỏ trong tác phẩm của tôi”.

Và một kịch bản phim đang chuẩn bị bấm máy về chân dung Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Hỏi ông vì sao chọn nhân vật này, ông hào hứng: “Đây là một nhân vật mà tôi rất ấn tượng suốt mấy chục năm, từ khi gặp ông trong chiến khu rồi khi miền Nam giải phóng, rồi những việc ông làm vì nước vì dân, khi ở vị trí lãnh đạo quốc gia, luôn trăn trở ưu tư đau đáu lo cho dân cho nước, rồi bản lĩnh của một người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu, dám trách nhiệm trước dân, trước Đảng”.

Và có lẽ nguyện vọng của ông ngay trước lúc đi về “Dòng sông thơ ấu” quê mình cũng là một nguyện vọng chung của người dân, mà ông, một nhà văn đại diện: “Tôi muốn trừng phạt nghiêm khắc nhất những kẻ tham nhũng, những kẻ vô đạo đức, vô cảm, vô nhân tính với nhân dân... Chỉ mong những người lãnh đạo đất nước hãy mang tâm, đủ tầm và trí để có trách nhiệm trước dân, mang lại một cuộc sống bình yên, công bằng và hạnh phúc cho người dân”.

Tôi, may mắn được làm người bạn vong niên của ông nhiều năm nay và được ông tâm tình rất nhiều về nghiệp văn, chuyện đời cũng như trăn trở thế sự đất nước... Một vài ghi chép lại như nén tâm nhang vĩnh biệt ông, nhà văn Nam Bộ Nguyễn Quang Sáng.

Hoài Hương

 


Ý kiến của bạn