Nhà văn Ngô Thảo sống để san sẻ, đem lại niềm vui

15-08-2015 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sẽ là sốc với nhiều người khi tôi đưa ra nhận định: Người chăm chỉ đến các đám tang nhiều nhất chính là Ngô Thảo - nhà văn.

Sẽ là sốc với nhiều người khi tôi đưa ra nhận định: Người chăm chỉ đến các đám tang nhiều nhất chính là Ngô Thảo - nhà văn. Sự thật đó lại là bình thường trong những việc mà ông thấy cần làm chẳng phải khi đã qua tuổi 70, thời gian hạn hẹp. Con người hào hiệp ấy, cả cuộc đời không sống cho mình.

Người Việt Nam hay nói đến tài và tâm. Tài thì mấy ai chịu ai, biết thừa nhận, tôn vinh người khác. Tâm thì ngày càng “lý thuyết” trong thời buổi lạm phát sự ích kỷ và thực dụng. Cái gì níu giữ người ta nhớ đến nhau, hệ lụy nhau nếu không phải tình nghĩa? Nhà văn Ngô Thảo không tranh cãi, bàn luận điều ấy. Ông sống vì tình nghĩa từ tuổi thanh niên. Ông có mặt ở hầu hết ngày tiễn biệt các văn nghệ sĩ trí thức, chỉ vắng mặt nếu không ở Hà Nội hoặc đau bệnh không đi nổi. Phúng viếng, chia buồn, viết sổ tang và đưa tiễn một đoạn trước khi đoàn xe rời khỏi nhà tang lễ.

Sẽ là sốc với nhiều người khi tôi đưa ra nhận định: Người chăm chỉ đến các đám tang nhiều nhất chính là Ngô Thảo - nhà văn.

Bản lĩnh Ngô Thảo bộc lộ ở đời thường từ việc nhỏ tới biến cố, ông luôn bình tĩnh - phẩm chất của người lính đã vào sinh ra tử. Đọc tập Thư chiến trường càng hiểu hơn tại sao ông giữ được bình tĩnh trước những biến động lớn và nuôi trái tim đầy yêu thương và bác ái như vậy. Đầu năm 2011, biết tin nhà văn Ngô Thảo bị ung thư, tôi không rõ cụ thể, nhưng ý nghĩ của tôi là xót xa: Sao người tốt lại hay bị nạn ngặt nghèo như thế. Tôi đăng một tin nhỏ trên báo Thể thao & Văn hóa để chia sẻ với ông và những người quý mến, quan tâm đến ông, biết ông đang trọng bệnh mà động viên ông vượt qua khúc ngoặt cuộc đời, tin có câu: “Mong ông kiên cường, mạnh mẽ vượt qua và chiến thắng thử thách ác liệt nhất vì ông là người của lũy thép Vĩnh Linh”. Ngay chiều hôm đó, Ngô Thảo gọi di động từ máy của ông, cứ tưởng ông đang ở Hà Nội, hóa ra là cuộc gọi quốc tế từ bệnh viện Singapore, ông đang hóa trị. Giọng ông bình thản, còn động viên ngược lại: “Đừng lo, rồi mọi chuyện sẽ qua!”. Kể từ đấy, tôi thấy gần gũi và nể phục ông hơn. Sinh ra ở xã Vĩnh Hoàng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị - tỉnh cùng với Quảng Bình chịu mật độ bom đạn nhiều nhất thời chống Mỹ (chia trung bình 5 tấn bom một đầu người), mới 2 tuổi ông nội đã qua đời, Ngô Thảo sớm mồ côi mẹ khi 7 tuổi, mất bố khi lên 10. Ở với bà vài năm, Thảo được tỉnh gửi ra Hà Tĩnh học tập tại Trại Thiếu sinh Quảng Trị. Tuổi thơ ngắn ngủi sống với bố mẹ và bà nội nơi quê hương mang trong ký ức và giọng nói. Lên cấp 3, Ngô Thảo học trường Huỳnh Thúc Kháng tại thành phố Vinh, là học trò môn văn của thầy giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ninh Viết Giao. Tại đây, ông gặp và yêu cô nữ sinh Vũ Thị Bích Lộc, quê gốc Vụ Bản, Nam Định cùng gia đình tản cư ở thành Vinh (sau ngôi nhà này bị bom Mỹ đánh nát). Tốt nghiệp Khoa Văn Trường đại học Tổng hợp, ông về công tác tại Viện Văn học, làm tại Tổ Ngôn ngữ biên soạn từ điển dưới thời Viện trưởng Đặng Thai Mai. Có lệnh gọi nhập ngũ, Ngô Thảo vui vẻ lên đường ngày 23/2/1965. Đi bộ đội được vài tháng, Ngô Thảo nhận được thư Bích Lộc đề nghị cưới. Đấy không chỉ là sự táo bạo của cô sinh viên năm thứ 5 Trường đại học Ngoại thương khóa 1 mà là một ý niệm đẹp đẽ, bất chấp quan niệm xã hội nghìn năm về con gái không thể là người cầu hôn. Các con bà đã in đoạn nhật ký của mẹ vào tập Thư chiến trường: “Gửi thư cho anh về quyết định ấy rồi và rất lo lắng. Anh có được về không? Người ta sẽ nghĩ gì về em? Anh có hiểu em không? Quyết định ấy có đột ngột lắm không? Anh chưa có một ngày hạnh phúc trọn vẹn, nên sao em lại không mang đến cho anh, dù chỉ một ngày sống trong hạnh phúc. Em yêu anh. Đơn giản thế thôi. Nếu sự việc không lành xảy ra thì có hề gì, bởi cưới hay chưa cưới cũng đau xót như nhau cả, phải không anh”. Họ cưới nhau tối 13/5/1965 tại nhà người bà con ở 35 phố Huế, Hà Nội. Con gái đầu lòng ra đời năm 1966, được đặt tên Hiền theo ý nghĩa cầu Hiền Lương quê cha, cây cầu lịch sử ở vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền Nam Bắc.

Sự vào sinh ra tử đúng nghĩa tôi luyện cho ông độ nén, sự gan dạ khi bản thân bạo bệnh. Ngay lúc gặp hiểm nguy khổ cực, cái chết của chiến trường, ông vẫn lạc quan, tư chất văn sĩ cho ông sự lãng mạn và niềm tin gửi vào những trang thư về địa chỉ cơ quan vợ Agrexport, số 6 Tràng Tiền, Hà Nội.

Hà Nội gắn bó máu thịt với gia đình ông, nhiều bức ảnh kỷ niệm được chụp bên hồ Gươm và công viên Thống Nhất. Sống xa vợ con, lúc trở về Ngô Thảo không dành thời gian bù đắp cho gia đình. Đêm đêm, Trưởng ban Lý luận phê bình dành thời gian cho đồng nghiệp đã mất, thu thập, ghi chép và biên tập những trang viết của họ. Ngô Thảo làm không vì cảm giác mắc nợ đồng đội. Ông tự nguyện vì thấy đấy là việc cần làm. Nhờ ông kiên trì, vị tha, bền bỉ đến thế để năm 1995 có tuyển tập Nguyễn Thi, ông còn biên soạn tuyển tập cho Thu Bồn, Nguyễn Minh Châu, nhà báo Phan Quang. Những người sáng tác nói chung, nhà văn nói riêng luôn cần sự yên tĩnh, tập trung để viết, họ thừa sự ích kỷ để không thể hy sinh thời gian cho công việc biên soạn tài liệu, di cảo, tác phẩm của đồng nghiệp kéo dài vài chục năm. Nhưng Ngô Thảo đã âm thầm gánh vác.

Về bệnh tật, ông chia sẻ, kể từ năm 2000, cứ 10 năm thì tôi lại chịu một cái hạn. Năm 2000, Ngô Thảo bị gãy ống chân phải, đóng 11 đinh và dùng 2 nẹp xuyên qua. Đến nay, đinh vẫn ở trong chân, ông tếu: “Nay ở trong chân đang có thép, chung sống hòa bình rồi thì cứ để đấy”. Ngày 10/7/2005, ông lại bị vấp chân phải, đau đến mức không thể xuống cầu thang ra đường, chỉ thế ông mới chịu vắng mặt trong tang lễ GS.TS. Nguyễn Đình Quang. Đối mặt với đạn bom, từng hút chết vì quả đạn nổ sau lưng, sốt rét run người vẫn nhường thuốc cho bạn, Ngô Thảo coi nhường nhịn san sẻ là lẽ sống, nên nhường thường xuyên, tự nhiên. Noel năm 2010, ông sang Singapore mổ tắc ruột, mổ xong phát hiện bị ung thư đại tràng. Lúc này, bà Bích Lộc lại bị ngã chấn thương đầu gối. Bích Hiền viết: “Những tháng ngày cùng ba tôi chữa bệnh ở Singapore như giấc mơ dài. Và chính lúc đó, khi cả gia đình tôi đang rất hoang mang lo lắng, tôi  tận mắt chứng kiến sự bình thản của ba khi đứng trước cuộc đại phẫu thuật chưa biết kết quả ra sao, khi đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết... Tôi đã hiểu sự bình thản ấy chỉ có thể có do ông đã từng đối diện với bao cái chết của đồng đội thân yêu trong chiến tranh”. Nhà văn đã phải hóa trị 6 lần. Ông không giấu bệnh, không kêu la dù đau mấy. Đức tính vì mọi người của Ngô Thảo được phát huy và gây dấu ấn đến bây giờ dù ông đã thực sự nghỉ hưu được 10 năm. Năm 1985, ông về công tác tại Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, là Ủy viên thư ký Thường trực từ 1989, từ 1994-2004 Giám đốc, Tổng biên tập NXB Sân khấu, Phó Tổng thư ký Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Trình độ chuyên môn sắc sảo, lại có đầu óc tổ chức, luôn sẵn sàng vì việc chung, nên mọi việc được ông cắt đặt đâu vào đây, hiệu quả cao. Thời chiến thì lo khâm liệm, chôn cất đồng đội, đến thời bình ông vẫn làm việc này. Cái tình của ông khiến không chỉ thân nhân người quá cố mà mọi người biết đều cảm động, còn ông thì khiêm nhường: “Có gì đâu. Trước cái chết ai chẳng sợ, cuống cả lên, nhưng ai cũng sợ thì ai làm, nên tôi phải bình tĩnh”. Chính Ngô Thảo về Hải Dương thay quần áo cho Xuân Quỳnh và đón thi thể vợ chồng thi sĩ cùng con trai về Hà Nội ngày 29/8/1988. Ông viết điếu văn cho Lưu Quang Vũ để đạo diễn Dương Ngọc Đức, Tổng Thư ký Hội đọc. Ông quyết liệt bảo vệ để Lưu Quang Vũ là cây bút thế hệ chống Mỹ đầu tiên nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) và đến nay vẫn là người trẻ nhất nhận giải thưởng này.

Năm năm bị ung thư, đến nay Ngô Thảo vẫn sắc diện hồng hào. Thêm bệnh gút và tăng huyết áp, ông phải kiêng trong ăn uống. Ông cười vui: “Bệnh tôi không được ăn bổ quá, tôi chỉ gìn giữ vừa phải, không nên quá kìm hãm niềm vui sống”. Ông bà được con chăm lo thuốc bệnh thuốc bổ đều đồ xịn, song không lạm dụng thuốc, ông chế ngự bệnh bởi tinh thần, không sợ hãi bằng việc quên bệnh đi để viết, giúp đỡ mọi người là niềm vui sống chính. Ông bà tập thể dục tại nhà, thỉnh thoảng đi làm vật lý trị liệu theo đợt, mỗi đợt một tuần. Bí quyết vượt qua bệnh tật của Ngô Thảo là bình tĩnh, lạc quan như sức mạnh của hồi âm những tốt đẹp mà ông gieo lan tỏa suốt đời, cái thiện và sự nhớ ơn thành ý nghĩ, lời chúc truyền điện trường tương hỗ ông.

Tư duy hiện đại, vui tính, thông thạo công nghệ tiên tiến, Ngô Thảo không cho người ta thấy ông như ông già 74 tuổi. Ông tâm sự giản dị: “Ý nghĩa cuộc sống là sự chia sẻ, mình đủ đầy thì hãy đỡ đần người khác như lẽ sống. Tôi không bao giờ kiêu ngạo về tài, chỉ tạm hài lòng về đức. Mình nuôi dạy con tử tế, sự tử tế truyền đời. Tôi ham chơi, đông bạn, chả ham hố công danh, không phấn đấu chức quyền, không muốn giành hết, có hết mọi thứ, phải để dành cho con cái. Bạn bè khen tôi chơi đẹp. Tôi chỉ nhận mình chơi được. Đem lại niềm vui cho người khác, sống không điều tiếng, không ai chê bai để con cháu mình đi tiếp trong đời, khi xưng là con cháu Ngô Thảo người ta sẽ thiện cảm, giúp đỡ”.

Ngô Thảo, một người giàu có không chỉ vật chất như cách hiểu thông thường mà giàu tình bạn sắt son, hạnh phúc gia đình, quan hệ điệp trùng, dù thế nào cũng ở trong trí nhớ rất nhiều người, không chỉ ở dĩ vãng phía trước, cả trong ký ức tương lai.

Người đàn ông đầu tiên và duy nhất bà Bích Lộc yêu là Ngô Thảo, sau hơn nửa thế kỷ bên nhau, bà vẫn nhớ những câu thơ viết tặng anh lính binh nhì thuở ấy: “Nếu em là nhạc sĩ/ Em sẽ dạo khúc đàn/ Cho bóng tối mờ tan/ Cho mặt trời sớm mọc/ Cho thế gian không còn tiếng khóc/ Của chiến tranh, chết chóc điêu tàn/ Cho tình yêu là những thỏi than/ Hồng rực mãi trong trái tim tuổi trẻ...”.

Vi Thùy Linh

 

 


Ý kiến của bạn