Nhà văn Lê Lựu khởi nghiệp bằng bài báo 26 chữ

04-01-2012 08:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

Ông là “bố đẻ” của Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội… những tiểu thuyết dài hàng trăm trang được nhiều thế hệ độc giả quan tâm và yêu thích. Thế nhưng để có được những Giang Minh Sài, bà Hiêu Đất…

Ông là “bố đẻ” của Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội… những tiểu thuyết dài hàng trăm trang được nhiều thế hệ độc giả quan tâm và yêu thích. Thế nhưng để có được những Giang Minh Sài, bà Hiêu Đất… nhà văn Lê Lựu cũng phải trải qua con đường đầy gian nan để đến được với nghề cầm bút. Ông bảo ông bắt đầu viết báo từ hồi học lớp 5, say sưa viết cả chục bài rồi lần lượt gửi cho tờ báo tỉnh nhà, nhưng chẳng bao giờ thấy hồi âm gì. Năm 1959, khi bước vào tuổi 17, Lê Lựu xung phong đi bộ đội, lúc này chàng thanh niên Lê Lựu cũng nhiều hoài bão lắm, nghĩ rằng vào bộ đội để được học hỏi, được đi nhiều để viết báo. Thế là lại hăm hở viết, hào hứng gửi, nhưng tới bài thứ 50 vẫn không thấy bài nào được đăng.
 
Không nản chí, Lê Lựu vẫn tiếp tục cần mẫn viết, bài nào cũng dài 4 -5 trang viết tay. Thế nhưng đến bài thứ 55 - 56 gì đó, khi ông viết về thành tích diệt 38 vạn con ruồi của Đại đội 25, đoàn Sông Thao thì lại được đăng ở tờ báo của Quân khu 3. Bài báo vẻn vẹn có 26 chữ, đúng ra chỉ là một cái tin ngắn. Khi về Quân khu, anh em gọi Lê Lựu là nhà báo khiến ông đỏ mặt và cứ chối đây đẩy không dám nhận. Thế nhưng trong lòng cũng khấp khởi vui mừng vì lần đầu tiên bài viết của mình được in trên báo. Thế là Lê Lựu cắt mẩu báo đó cất vào ví, đến đâu cứ chỗ nào vắng lại lôi ra xem khiến mẩu báo cũ nát, còn Lê Lựu thì thuộc làu làu bài báo dài… 26 chữ của mình. Lúc này Lê Lựu chợt nghĩ rằng, trước nay mình viết hơn 50 bài báo dài 4 - 5 trang mà chẳng bài nào được đăng, thôi từ nay mình sẽ chỉ viết những tin bài thật ngắn thử xem sao. Quả nhiên từ đó trở đi, những tin bài ngắn của Lê Lựu viết bài nào cũng được đăng cả.
Khởi nghiệp là nhà báo, nhưng Lê Lựu lại thành công ở lĩnh vực văn chương. Con đường trở thành nhà văn của ông cũng trầy trật không kém như khi đến với công việc làm báo. Lần ấy, vào năm 1963, khi Quân khu 3 mở trại viết hồi ký, Lê Lựu được mời tham dự. Trại có 20 người, các nhà văn Nguyễn Khải, Xuân Thiêm, Xuân Sách… về nói chuyện, hướng dẫn viết lách. Kết thúc trại năm ấy, Lê Lựu viết về một trận đánh qua lời kể của một người trong cuộc. Ông Trưởng phòng Văn nghệ Quân khu 3 đọc xong bảo: Cậu viết hay nhưng đọc cứ thấy giống như tường thuật bóng đá ở sân vận động Hàng Đẫy vậy.
 
Còn nhà phê bình Nhị Ca về dự tổng kết trại, đọc và góp ý thẳng thắn: Cậu đừng viết những gì cậu không thông thuộc, không biết. Cậu biết gì về các trận càn quét của địch đâu mà lao vào viết. Bây giờ cậu nên viết những gì thân thuộc nhất với mình. Những lời góp ý đó đã trở thành bài học và kim chỉ nam cho Lê Lựu trong chặng đường văn chương của mình. Sau này, những truyện ngắn, tiểu thuyết của ông, nhân vật đều là những người thân trong gia đình, người làng xóm với bối cảnh làng quê thân thuộc của mình. Từ những truyện ngắn đầu tay như Tết làng Mục (1964),Người cầm súng (1967) rồi sau này là tiểu thuyết Mơ rừng (1977), Thời xa vắng (1986), Chuyện làng Cuội (1993)… đều xuất phát từ sự chân thật và cảm nhận từ sâu thẳm lòng mình. Trong nhiều lần trò chuyện, nhà văn Lê Lựu đều bảo rằng: Tôi là người không biết bịa chuyện mà chỉ là người chép chuyện và kể ra những gì mình từng chứng kiến mà thôi

Như Hồng


Ý kiến của bạn