Nhà văn Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động văn hóa – văn nghệ xuất sắc. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về ông và sẽ còn có nhiều công trình sau khi ông qua đời. Ông ra đi để lại một kho tàng đồ sộ đủ các thể loại từ thơ ca đến tiểu thuyết, từ kịch đến lý luận phê bình văn chương và biết bao văn phẩm dịch, triết học và tác phẩm âm nhạc. Nhưng cũng có một “công trình” giá trị khác mà ông không kịp thực hiện - hồi ký. Tuy nhiên, những mẩu chuyện mà ông kể cho bạn bè trong những lúc gặp gỡ đã được ghi lại như những tư liệu quý. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Cách ngày ông mất độ mười hôm, mùng 8 tháng 4, tôi có gọi điện thoại cho NSƯT Tuệ Minh - bạn đời của ông hỏi thăm sức khỏe. Bà Tuệ Minh lại đưa điện thoại di động cho ông trả lời. Đầu dây nói bên kia, tiếng ông đã yếu đi nhiều nhưng tinh thần vẫn lạc quan: “Vài tuần nữa phấn đấu ra viện sẽ vào thăm các bạn và đã hứa với Tuấn về hồi ký của mình”. Rất tiếc là lời hứa chưa thực hiện được, ông đã vội ra đi. Từ lâu, tôi thuyết phục ông là nên viết hồi ký. Ông nhiều lần từ chối vì cho rằng, viết hồi ký là thường viết việc tốt đẹp, đánh bóng cho mình. Tôi nói, hồi ký có thể không tự mình viết, qua một ngòi bút khác, tôi sẽ ghi lại cho anh như nhà văn Hữu Mai viết cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thép Mới viết cho đồng chí Lê Duẩn vậy! Anh hơi xuôi tai, vì qua bộ lọc của một người khác sẽ khách quan hơn. Anh hẹn ra viện vào với tôi nửa tháng nằm ở nhà tôi và chúng tôi sẽ trò chuyện, vừa đàm đạo, vừa chơi vừa viết. Nhưng độc giả đã mất đi một hồi ký rất phong phú về cuộc đời cách mạng, cuộc đời sống thực và đầy sôi nổi của ông. Thế là ông vĩnh viễn mang xuống tuyền đài, bao điều muốn nói, bao điều chưa nói ra được.
Rất ân hận, việc đề xuất của tôi hơi muộn nên không có thời gian để thực hiện. Nếu Nam Tào cấp thêm cho ông hộ chiếu gia hạn vài ba tháng nữa, tôi tin chắc sẽ hoàn thành. Những điều ông kể cho tôi trong những dịp gặp gỡ, trong các chuyến đi thực tế, tôi sẽ soạn lại nhớ dần ra và sẽ viết. Dưới đây là vài điều ông kể, tôi ghi lại được.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi. |
Ở Đại hội Tân Trào
Lần đầu tiên, Nguyễn Đình Thi được gặp anh Tô (tên gọi thân mật của đồng chí Phạm Văn Đồng) là ở Quốc dân Đại hội Tân Trào. Năm ấy vào mùa thu Ất Dậu ngày 16 tháng 8 năm 1945. Lúc bấy giờ, ông là đại biểu văn hóa cứu quốc ở Hà Nội được triệu tập về Tuyên Quang, anh chị em đại biểu khắp ba kỳ, Việt Kiều ở Xiêm cũng tề tựu về đông đủ. Nguyễn Đình Thi kể lại:
Sáu mươi đại biểu Trung, Nam, Bắc ngồi trong mái đình Hồng Thái, Tân Trào. Trong Ban điều khiển hội nghị có một người dong dỏng cao, da sạm đen. Người cán bộ ấy mặc bộ đồ xám, ánh mắt tinh anh mà Ban tổ chức hội nghị gọi là anh Tô, đứng lên giới thiệu cụ Hồ Chí Minh đến nói chuyện với hội nghị. Cả đại hội mừng vui đón chào già Hồ.
Anh Hoàng Đạo Thúy ngồi bên cạnh tôi nói nhỏ: - Cụ Hồ Chí Minh sao giống đồng chí Nguyễn Ái Quốc quá! Vì anh Hoàng Đạo Thúy đã từng thấy ảnh Nguyễn Ái Quốc trên các báo Pháp rồi, còn về anh Tô, sau này về Thủ đô Hà Nội tôi gặp và làm việc với anh Phạm Văn Đồng mới biết anh chính là người điều khiển chương trình hội nghị ở đình Hồng Thái, Tân Trào lúc ấy.
Tôi có cảm tình và kính trọng anh từ hôm ấy. Anh không những là người giới thiệu cụ Hồ buổi ra mắt Đại hội Tân Trào mà sau này trong kháng chiến chống Pháp chính anh là tác giả cuốn sách đầu tiên viết về Bác Hồ: Hồ Chủ tịch hình ảnh của dân tộc. Đây là một tác phẩm rất hay viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp nhân dân hiểu biết, kính yêu thêm vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc. Nghe anh chị em ở Liên khu 5 kể lại, tác phẩm này được xuất bản lần đầu ở Liên khu 5 đầu năm 1947. Được Nhà Xuất bản trả mấy trăm đồng tín phiếu nhuận bút, anh giao cho Hội Văn nghệ gửi vào ngân hàng làm giải tặng cho các tác phẩm. Anh chị em văn nghệ yêu quý cử chỉ đẹp đẽ đó của anh, nên gọi giải thưởng ấy là Giải thưởng Phạm Văn Đồng.
Anh là một người rất chăm lo đời sống cho nhân dân, chăm sóc quan tâm đến đời sống của anh chị em làm công tác văn nghệ. Thông cảm và hiểu được tâm tư nguyện vọng của anh chị em. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng, nhà thơ Tế Hanh thường ca ngợi anh là tất cả các cuộc họp của anh chị em văn nghệ hồi ấy ở Liên khu 5 không cuộc họp nào anh vắng mặt. Không những thế, những ai gửi tác phẩm tặng anh, anh đều góp ý, phê bình rất sâu sắc.
Có một lần, nhà văn Nguyên Hồng - nhà văn của những người cùng khổ xin chuyển về Bắc Giang.
Ông về để viết bộ tiểu thuyết về cụ Đề Thám. Thời ấy - thời đánh Mỹ, hễ chuyển hộ khẩu là cắt các tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm ở Hà Nội. Nguyên Hồng hai tay không về Bắc Giang, đâu phải một mình mà cả gia đình, không sản xuất nông nghiệp lấy đâu ra lúa gạo mà ăn để viết. Đồng chí Phạm Văn Đồng cũng thấy xót xa với một nhà văn cách mạng nghèo, quá nghèo. Đồng chí đã gọi dây nói cho Chủ tịch tỉnh Hà Bắc quan tâm đến việc của Nguyên Hồng. Sau đó, nhà văn Nguyên Hồng được “sổ gạo” và được chiếc xe đạp Trung Quốc để đi, được cả niềm tin về nhà lãnh đạo đầy lòng nhân ái này. Rất nhiều nghệ sĩ và nhiều anh chị em cho tôi hay, nhiều vấn đề nhỏ nhoi, tỉ mỉ như thế mà mỗi lần được nghe anh Tô đều quan tâm, can thiệp, giúp đỡ anh chị em “thấp cổ bé họng”. Các nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Diệp Minh Châu và nhiều anh chị em nghệ sĩ khác cũng được anh Tô quan tâm, có khi mời cơm, đàm đạo, có khi gửi rượu biếu, BS. Tôn Thất Tùng, BS. Đặng Văn Ngữ, BS. Trần Hữu Tước, BS. Phạm Ngọc Thạch, BS. Nguyễn Văn Hưởng… đều được quan tâm.
Có một lần, anh chị em văn nghệ tranh luận về cần “viết người thật việc thật, không hư cấu…”. Thấy tình hình như vậy, anh Tô đã viết một bài báo: Văn học nghệ thuật là vũ khí sắc bén để góp phần cải tạo cái cũ, xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Và nội dung bài phát biểu của đồng chí Phạm Văn Đồng là “hiểu biết, khám phá và sáng tạo”. Như thế có nghĩa là, công việc nhà văn không chỉ là ca ngợi người thật, việc thật mà còn phải tìm hiểu sâu xã hội và con người, có khám phá và sáng tạo nghệ thuật. Vì theo anh Tô, Chủ nghĩa Xã hội không phải cái gì trừu tượng, cũng không phải là cái khung, có thể rập khuôn theo bất cứ nước nào. Anh Tô yêu cầu văn học phải: nhạy cảm với đời sống. Người ta cần cái gì, mong cái gì mà anh có thể giải quyết cho người ta cái gì và anh Tô thường nhắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?” và nhất là luôn luôn phải có đầu óc sáng tạo.
Là một người đứng đầu Chính phủ trên 30 năm, anh Tô luôn chăm sóc xây dựng nền văn học nghệ thuật cách mạng, mặc dầu anh bận bao việc trọng đại lãnh đạo đất nước.
Những ngày ở Tân Trào để lại trong tôi ấn tượng không quên về anh Tô, một nhà lãnh đạo tài năng, sáng suốt. Giới trí thức, văn nghệ sĩ luôn luôn dành lòng kính trọng anh Tô và anh vẫn mãi mãi là nhân vật trí thức xuất chúng ở thời đại Hồ Chí Minh.
Hà Nội xuân 1946
Nhà văn Nguyễn Đình Thi kể cho chúng tôi nghe một đoạn hồi ký về mùa xuân thuở ấy.
Ngày 6/1/1946 là một ngày hội lớn. Năm cửa ô rực rỡ sao vàng, nhân dân nô nức phổ thông đầu phiếu. Lần đầu tiên trong lịch sử chính trị đất nước, kể từ vua Hùng dựng nước đến nay mới có sinh hoạt đặc biệt dân chủ rộng khắp từ Bắc chí Nam như vậy!
Trong tình hình phức tạp, miền Nam quân Pháp đổ bộ, miền Bắc quân Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch gây rối, phá phách, Việt Nam Quốc dân Đảng thì không hợp tác… Nhưng nhân dân Thủ đô vẫn nô nức đi bầu Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước vừa tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi sau gần 80 năm đô hộ của thực dân Pháp. Tất cả trai gái, già trẻ cứ 18 tuổi trở lên đều được đi bầu cử. Phụ nữ rất hăng hái và tự hào, vì nam nữ được bình quyền, bình đẳng.
Ngoài thành phần các đoàn thể, các đảng phái ứng cử, có một số nhân sĩ ứng cử độc lập như BS. Nguyễn Văn Luyện, cụ Nguyễn Sơn Hà tư sản, Đại tá Trương Trung Phụng - Cách mạng đồng minh hội, Đại tá quân đội Trung Hoa dân quốc. Văn nghệ sĩ có Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Phú Tứ, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm... Bác Hồ, lúc ấy nhiều tỉnh thành đề nghị Bác không ứng cử và bầu cử vì đã suy tôn Bác là lãnh tụ tối cao; nhưng Bác bảo phép nước không thể để Bác ngoài quy định được. Bác cũng ứng cử và bầu cử như mọi công dân khác. Bác ứng cử Hà Nội, nhưng nhiều tỉnh trong cả nước đều kính mời Bác về tỉnh mình...
Hồi ấy, nhân dân Hà Nội chỉ trên 30 vạn người, cử tri chỉ độ 18, 19 vạn. Chưa bao giờ đất nước ta từ Bắc chí Nam có cuộc sinh hoạt chính trị nhất tề như vậy!
Ban đầu, Quốc dân Đảng không chịu hợp tác, sau thấy ta gần bầu cử thắng lợi, Quốc hội vẫn mời Quốc dân Đảng tham gia. Hồ Chủ tịch đề nghị Quốc hội công nhận thêm 70 đại biểu của Quốc dân Đảng nữa trong phiên họp đầu tiên. Quốc dân Đảng đã ngồi sẵn trên lầu Nhà hát Lớn, sau khi được Quốc hội tán thành, họ đã ùa vào. Bác Hồ thay mặt Chính phủ lâm thời từ chức và Quốc hội thông qua danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Lúc bấy giờ, Hồ Chủ tịch từ chức, đề nghị người già tuổi nhất là cụ Ngô Tử Hạ - tư sản công giáo, chủ nhà in và nhà văn Nguyễn Đình Thi trẻ nhất trong các đại biểu Quốc hội điều khiển phiên họp. Quốc hội bầu cụ Bùi Bằng Đoàn nhân sĩ làm Trưởng ban thường trực Quốc hội và đề nghị thường trực Quốc hội dự thảo hiến pháp để phiên họp lần sau thông qua.
Đại biểu Quốc hội lúc bấy giờ rất trẻ, phần lớn tuổi 30, các anh Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp trên 30, các chị Nguyễn Thị Khôi, chị Bảy Huệ vợ anh Nguyễn Văn Linh, chị Lê Thị Xuyến trên 23 tuổi, các anh Huỳnh Văn Tiểng, Huỳnh Văn Gấm trên 25 và Nguyễn Đình Thi lúc ấy chỉ 21 tuổi. Cụ Ngô Tử Hạ và Nguyễn Đình Thi thay mặt Quốc hội người già nhất và trẻ nhất ra tận cửa rước Bác Hồ vào. Người ung dung trong bộ kaki bạc màu và chiếc mũ cối vẫy chào Quốc hội, mùa xuân năm 1946 ấy. Người vừa trải qua bao gian lao trong các tù ngục và từ hang đá lạnh về lãnh đạo Cách mạng, lãnh đạo kháng chiến nên người gầy yếu lắm, chỉ lộ vầng trán cao và đôi mắt đặc biệt sáng. Người giới thiệu danh sách Chính phủ Cộng hòa dân chủ chính thức đầu tiên do các Đảng phái và nhân sĩ như cụ Huỳnh Thúc Kháng - Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam... thể hiện một Chính phủ liên hợp dân tộc.
Nhà vănĐoàn Minh Tuấn