Hà Nội

Nhà Văn hóa lớn Hữu Ngọc - Một người bình dị

13-04-2018 15:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Một ngày tháng Giêng năm 2018, trời Hà Nội bật nắng sau cái rét dưới 15 độ C của hàng chục ngày âm u, tôi gọi điện thoại đến nhà cụ Hữu Ngọc xin phép đến thăm cụ nhân năm nay tuổi cụ tròn 100 (nếu tính tuổi ta là 101 tuổi)…

Đầu dây bên kia là một giọng nam khỏe trả lời tôi: “Tôi là Hữu Ngọc đây, mời ông đến chơi vào 10 giờ sáng nay”. Rồi cụ hướng dẫn địa chỉ và đường đến nhà cụ rất rõ ràng, rành mạch. Tôi ghi địa chỉ rồi đi xe đạp đến nhà cụ, chị con dâu cả của cụ ra mở cổng và mời tôi lên phòng làm việc của cụ ở tầng 2. Cụ ra tận cửa đón tôi với dáng đi nhanh nhẹn, lưng thẳng, như người 60-70 tuổi, ngoài bộ kính dày cộp dùng từ nhiều năm trước đây, cụ vẫn toát lên một vẻ khỏe mạnh, thân tình. Sau khi thăm hỏi sức khỏe cụ, tôi trình cụ danh thiếp của mình và báo cáo với cụ tôi là dược sĩ nhưng tuổi viết báo đến nay cũng được 56 năm rồi. Cụ bảo: “Chúng ta gọi nhau là anh em cho thân mật” rồi cụ hỏi thăm gia cảnh của tôi. Tôi thành thực kể tóm tắt về cảnh nhà mình, cũng từng chống chọi đủ cả với những “động đất”, “sóng thần” của cuộc sống và gần chục năm nay là “thảm họa hạt nhân” của bệnh tật, nhưng tôi vượt qua được nhờ nghiên cứu và thực nghiệm về an toàn hợp lý trong: ăn uống, tập luyện dưỡng sinh, dùng thuốc, tình dục; rồi phổ biến kết quả cho cộng đồng trên báo chí và Câu lạc bộ Xanh & Khỏe.

Nhà Văn hóa Hữu Ngọc và vợ con năm 1946. Người con trong ảnh mà vợ ông bế năm nay đã 64 tuổi.

Nhà Văn hóa Hữu Ngọc và vợ con năm 1946. Người con trong ảnh mà vợ ông bế năm nay đã 64 tuổi.

Tôi thưa với cụ: “Anh là một nhà văn hóa lớn của Việt Nam mà em vô cùng ngưỡng mộ, các thông tin của anh được đăng trên báo chí em đã sưu tầm được khá nhiều, hôm nay chỉ xin anh cho biết thêm về gia đình và ngày sinh của anh đồng thời kiểm chứng các thông tin em đã biết về anh”. Cụ kể, quê gốc ở Thuận Thành (Bắc Ninh) nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội (22/12/1918), học luật nhưng đến kháng chiến chống Pháp lại dạy ngoại ngữ Anh, Pháp. Được học Hán văn. Pháp văn, Anh văn còn tiếng Đức là tự học qua việc tiếp xúc với hàng binh người Đức khi làm nhiệm vụ Trưởng ban Giáo dục tù hàng binh Âu - Phi thuộc Cục Địch vận - Tổng cục Chính trị. Vợ là bác sĩ nhi khoa (ít hơn cụ 11 tuổi), có 3 con, 1 gái đầu (sinh năm 1952) và 2 trai (sinh năm 1954 và 1956) và nhiều cháu chắt nội ngoại, các con cháu đều thành đạt cả. Sau giải phóng Hà Nội 1954, cụ chuyên về giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới. Các thông tin tôi sưu tầm về cụ và được cụ xác nhận thật đáng khâm phục:

Là Tổng biên tập 3 tờ báo đối ngoại: Tia lửa (Pháp ngữ) từ thời kháng chiến chống Pháp, Việt Nam tiến lên (Anh, Pháp, Quốc tế ngữ), Nghiên cứu Việt Nam (Anh, Pháp ngữ).

Đã biên soạn và xuất bản được 34 cuốn sách về Di sản Văn hóa Việt Nam viết bằng tiếng Pháp, Anh, Đức, Việt (trong đó 7 quyển viết riêng về Hà Nội) và rất nhiều bài báo (được mệnh danh là Nhà xuất khẩu Văn hóa Việt ra thế giới).

Nhà Văn hóa Hữu Ngọc (100 tuổi) và tác giả DS. Trần Xuân Thuyết (81 tuổi) trong buổi gặp mặt đầu xuân 2018.

Nhà Văn hóa Hữu Ngọc (100 tuổi) và tác giả DS. Trần Xuân Thuyết (81 tuổi) trong buổi gặp mặt đầu xuân 2018.

16 năm làm Chủ tịch Quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển.  5 năm làm Chủ tịch Quỹ Văn hóa Việt Nam - Đan Mạch. 2.000 Dự án văn hóa giúp bảo vệ văn hóa cũ và phát triển văn hóa mới. Hiện nay làm Chủ tịch Quỹ Từ thiện Văn hóa và vẫn tiếp tục viết sách, viết báo. Đặc biệt, từ năm 1998 cho đến hiện tại, Nhà Văn hóa Hữu Ngọc vẫn đều đặn viết 1 bài/tuần trên chuyên mục “Sổ tay Văn hóa” số báo Chủ nhật của báo Sức khỏe &Đời sống.

Đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công,  Huân chương Độc lập. Chính phủ Thụy Điển tặng Huân chương Ngôi sao Phương Bắc. Chính phủ Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm. Các giải thưởng khác: Giải nhất về Thông tin đối ngoại (Giải thưởng toàn quốc năm 2005), Giải lời vàng của báo Pháp (năm 2006), Giải thưởng GADIF của nhóm đại sứ các nước Pháp ngữ (năm 2008), Giải thưởng Lớn - Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội” (năm 2017).

Nhà Văn hóa Hữu Ngọc và phu nhân tại nhà riêng.

Nhà Văn hóa Hữu Ngọc và phu nhân tại nhà riêng.

Ngồi làm việc với cụ hơn 1 tiếng đồng hồ tôi mới phát hiện ra cụ cũng phải dùng máy trợ thính đặt gọn trong lỗ tai, phải tinh mắt mới thấy. Tôi hỏi: “Máy trợ thính của Anh mua bao nhiêu tiền mà nhỏ gọn thế?”. Cụ bảo: “Hơn 60 triệu, nghe khá tốt” (vì tôi nói với âm lượng bình thường mà cụ vẫn nghe được hết, không phải hỏi lại câu nào). Trên bàn làm việc của cụ có 2 chồng bản thảo, mỗi chồng cao đến 20cm.  Tôi hỏi cụ: “Anh đang viết sách gì đấy?”. Cụ bảo: “Đang viết 2 cuốn sách sẽ xuất bản vào cuối năm, nhưng cậu phải giữ bí mật tên sách nhé. Tôi viết sách như người đi du ngoạn, ngắm cảnh đẹp hết chỗ này sang chỗ khác, nên không bao giờ chán...”. Nhìn xung quanh tường, tôi không thấy cụ treo Huân chương, Bằng khen nào cả, tôi hỏi cụ, cụ nói: “Treo làm gì, cất đi cho nó sạch”. Bàn ghế trong phòng khách (cũng là phòng làm việc của cụ) cũng rất đơn sơ, chỉ là bàn ghế ghép mây song cũ kỹ, trên bàn chỉ có chồng bản thảo, không có ấm chén, nước non gì (có lẽ cụ thực hiện lời dặn của người xưa: thủy hỏa bất cận thư, nghĩa là nước lửa không gần sách). Quần áo cụ mặc, mũ đội đầu cũng vậy tất cả đều đủ ấm, đơn giản; áo len kẻ nâu, mũ len xám. Khi tôi xin chụp ảnh, cụ mới chỉnh đốn lại cổ áo trước khi chụp. Tôi hỏi: “Hàng ngày anh có phải dùng thuốc gì không?”. Cụ bảo: “Tôi không phải dùng thuốc gì, nhưng hỏi đến thuốc tôi mới nhớ ra là người ta mới cho hộp Hoa Đà tái tạo hoàn mà chưa biết dùng cho ai”. Tôi bảo: “Anh giỏi chữ Hán, cứ đọc sẽ biết”. Cụ bảo: “Thuốc men trước khi dùng phải hỏi dược sĩ, không nên chủ quan. Bà ấy nhà tôi là bác sĩ chuyên khoa nhi nên hiểu về thuốc không thể bằng dược sĩ được”. Thấy cụ cẩn thận với sử dụng thuốc như vậy nên tôi không dám trả lời ngay mà hứa: “Khi về em sẽ tra cứu rồi viết ra đầy đủ: công dụng, cách dùng, tác dụng phụ, các trường hợp cấm dùng của thuốc Hoa Đà tái tạo hoàn, gửi cho anh để anh đọc khi cần”.

Sau khi xem lướt qua các sách của cụ mới xuất bản mấy năm gần đây tôi thấy quyển Vietnam - Tradition and change (Việt Nam - Truyền thống và đổi thay) do Nhà xuất bản Trường đại học Ohio (Mỹ) xuất bản năm 2016 có nhiều điều hay và thú vị, tôi đề nghị cụ cho tôi được phỏng vấn cụ về nội dung cuốn sách. Cụ nhìn đồng hồ đã 12 giờ kém 15 phút nên tra lịch làm việc rồi hẹn tôi thứ sáu tuần sau. Tôi xin phép cụ ra về, cụ đi cùng tôi xuống tầng dưới, rồi mở cửa, mở cổng, tiễn tôi lên đường và hẹn: “Nhớ đến vào sáng thứ sáu tuần sau nhé!”.


DS. Trần Xuân Thuyết
Ý kiến của bạn