Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Tôi không tin có linh hồn nhưng tôi tin vào sự ngẫu nhiên

25-12-2017 08:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhà văn hóa Hữu Ngọc sống gần trọn thế kỷ 20 và bắc cầu sang thế kỷ 21. Ngày 22/12/2017 là sinh nhật lần thứ 99 của ông, TTND.BS. Trần Sĩ Tuấn - Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống đã đến thăm và chúc mừng sinh nhật ông tại nhà riêng.

Nhà văn hóa Hữu NgọcTTND.BS. Trần Sĩ Tuấn, TBT báo SK&ĐS tặng hoa chúc mừng sinh nhật lần thứ 99 của Nhà văn hóa Hữu Ngọc.

Mặc dù tuổi cao, mắt và tai cũng đã kém nhưng nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn vô cùng mẫn tiệp trong ngôn ngữ và có trí nhớ tuyệt vời. Hiếm có học giả nào khi đã vượt qua cái ngưỡng cổ lai hy rồi mà vẫn viết đều đặn, tràn đầy say mê, nhiệt huyết và sức xuân như nhà văn hóa Hữu Ngọc. Hiện giờ, Sức khỏe&Đời sống là tờ báo duy nhất mỗi tuần ông vẫn đều đặn viết một bài cho chuyên mục Sổ tay văn hóa - Cảo thơm lần giở.

Cuộc đời ông giống như một nhịp cầu nối văn hóa Việt Nam với thế giới và thế giới với Việt Nam. Nhà văn hóa Hữu Ngọc sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, đọc và hiểu chữ Hán. Trong câu chuyện với chúng tôi hôm 22/12, ông đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị.

Tôi không tin bói toán, không tin tử vi nhưng tôi tin về cái ngẫu nhiên

Nhà văn hóa Hữu Ngọc cho biết, ông thích 3 câu nói của Anhxtanh, trong đó có câu: Tôi không tin bói toán, không tin tử vi nhưng tôi tin về cái ngẫu nhiên. Bản thân tôi có viết bài báo rằng 70% cuộc đời của  tôi là ngẫu nhiên. Sự thật có lẽ là 100%.

Ông diễn giải: Tôi lấy cuộc đời tôi thôi. Ngẫu nhiên quan trọng lắm. Tại sao tôi lại được đẻ ra ở ngôi nhà đó. Được ông bà đặt tên là Ngọc, cuối cùng lại thành “cái anh” giới thiệu văn hóa ra bên ngoài. Năm tôi lên 3 tuổi, nằm giường ngã xuống, đầu giường móc gãy một cái xương ở mắt. Mẹ tôi mất sớm nên tôi tránh gặp gỡ mọi người, thường chỉ thích chui vào một chỗ và đọc sách.  Năm 10 tuổi đi học được giải thưởng là một cuốn viết về Hoàng đế La Mã. Tư tưởng ở trong đó là tự kìm mình. Thằng bé 10 tuổi thì biết gì. Thế mà cũng đọc hết. Do từ chỗ thích đọc thích tìm hiểu nên sau này thành người viết.


Vợ chồng Nhà văn hóa Hữu Ngọc năm 1954.

Năm tôi học Bưởi năm thứ tư, đỗ Diplôme. Cả Bắc Kỳ chỉ có một nơi tổ chức, mà tôi đỗ đầu. Ước mơ lúc bấy giờ là dạy học ở một tỉnh miền núi, dựng một căn nhà nho nhỏ bên bờ suối, rồi có thể yêu và lấy một cô gái miền núi… Thế nhưng khi đi thi làm giáo viên thì trượt. Mà trượt vì nhẹ cân quá, có 36 cân. Thành ra bắt buộc phải học lên tú tài. Không trượt thì có lẽ đã không viết nhiều sách đến thế. Hiện giờ là 34 cuốn.  Đó cũng tính là một sự ngẫu nhiên.

Khi bắt đầu kháng chiến, tôi đang dạy tiếng Anh ở Nam Định. Tôi vào bộ đội, phụ trách tờ báo L’Étincelle (Tia sáng - 1946) bằng tiếng Pháp để vận động lính Pháp về với mình. Tự dưng năm hơn 30 tuổi đã là tổng biên tập. Nhờ có ngoại ngữ mà thẳng tiến vào nghề làm báo, cũng ngẫu nhiên.

Việc lấy vợ cũng ngẫu nhiên. Tôi biết nhà tôi ở Nam Định. Thế rồi nhà tôi vào thanh niên xung phong, lên Việt Bắc. Tôi cũng lên Việt Bắc. Người đi lên người đi xuống, ngẫu nhiên gặp nhau trong rừng. Kể từ lần gặp đầu tiên đó, sau 5 năm thì chúng tôi lấy nhau.

Chúng tôi thì nghĩ, quả là cuộc đời là sự sắp đặt của những cái ngẫu nhiên. Nhưng việc bác Hữu Ngọc trở thành nhà văn hóa lớn như thế còn phải do một quá trình lao động bền bỉ, hết mình. Như ông đã kết luận là: Không phải là há miệng chờ sung. Phải làm hết sức thì khi ngẫu nhiên đến mới nắm được cái ngẫu nhiên. Cái ngẫu nhiên này còn có thể được hiểu là cái duyên nữa. Ví như mối duyên của ông với ngành y, với tờ báo Sức khỏe&Đời sống không chỉ là từ bài báo đầu tiên cách đây 20 năm, mà ông còn giữ rất cẩn thận. Người vợ hiền của ông là một bác sĩ và đã làm tại tờ báo của ngành y tế từ những năm “sáu mấy” cho đến tận khi về hưu.

Triết lý sống để tâm hồn luôn thanh thản

Nhà văn hóa Hữu Ngọc kể lại câu chuyện Tái Ông thất mã: Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ, có nuôi một con ngựa. Một hôm con trai ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua nước Hồ mất tăm. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão.

Ông lão là người thông hiểu việc đời nên rất bình tĩnh nói: “Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại điều tốt cho tôi”.

Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ.

Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây.

Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói: “Biết đâu việc được ngựa Hồ này sẽ dẫn đến tai họa cho tôi”.

Con trai của ông lão rất thích cưỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cưỡi nó chạy đi. Con ngựa này chưa thuần nết nên nhảy loạn lên. Một lần, con ông lão không cẩn thận để ngựa hất xuống, té gãy xương đùi, bị què chân, tật nguyền.

Nhà văn hóa Hữu NgọcBài báo đầu tiên viết cho báo Sức khỏe&Đời sống được Nhà văn hóa Hữu Ngọc lưu giữ rất cẩn thận.

Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua này lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế.

Ông lão thản nhiên nói: “Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa này mà được phúc”.

Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lược Trung Nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới gọi nhập ngũ, các trai tráng đều tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân nên được miễn đi lính, được sống sót ở gia đình.

Từ câu chuyện này, có thể rút ra kết luận đừng quá buồn về một việc vì có thể cái buồn đó chuẩn bị cho cái vui sau này và ngược lại. Nếu luôn theo triết lý sống đó thì tâm hồn ta lúc nào cũng thanh thản. Trong cái khó khăn thất bại nhất tìm cái sáng nhất để đi, để dẫn đến thành công. Nhiều khi không phải do mình tìm mà là do cuộc đời tìm cho mình, ấy cũng là một sự ngẫu nhiên nữa vậy.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc cho biết thêm, Anhxtanh có nói: Thành công = X Y Z. X là lao động. Y là vui chơi. Z là im hơi lặng tiếng, là... câm miệng. Người biết giữ bí mật thông tin bao giờ cũng có cơ hội thành công hơn những kẻ huênh hoang.

Lười chả chịu lao động gì mà chờ ngẫu nhiên thì không bao giờ có thành công. Làm việc gì thì làm hết sức nhưng có kết quả hay không là do ngẫu nhiên. Nếu thành công thì đừng vỗ ngực. Nếu không thì đừng quá buồn. Như thế tâm hồn luôn giữ được thăng bằng, luôn thoải mái. Được thì vui, vui vừa thôi. Thất bại thì buồn, cũng buồn vừa thôi.

Tin vào ngẫu nhiên nên không tin có linh hồn

Linh hồn không thể sống hàng muôn năm được. Ta cứ nghĩ thời gian bằng hàng ngày hàng tuần. Với thời gian vô tận hàng tỷ năm thì linh hồn có hay không? Linh hồn phải có chỗ dựa là thể xác. Không cái gì tồn tại mãi. Rất có thể có linh hồn nhưng đó là một cái chất gì thì ta chưa biết được. Và nó cũng chỉ có thể tồn tại trong một thời gian nhất định. Rồi nó cũng phải tan đi.

Mừng thọ bác Hữu Ngọc



GS.TS Y khoa Ngô Ngọc Liễn



Dẫu tròn trăm tuổi vẫn không già

Thể chất tâm hồn đẹp tựa hoa

Vóc hạc mình mai thêm vững chắc

Công danh thế sự bỏ ngoài tai

“Khủng long” kiến thức đông - tây đủ

“Hồn Việt” hướng tìm rạng sử ta

Văn hóa nối cầu đời cảm phục

Trường tồn thọ với nước non nhà


Võ Hồng Thu (ghi)
Ý kiến của bạn
Tags: