Nhà văn hóa dân tộc Xuân Diệu

14-03-2016 07:18 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Tôi không phải nhà thơ, cũng không phải là người bình văn thơ mà dám nhận làm cái việc vượt qua sức mình là viết báo cáo đề dẫn hội thảo về Xuân Diệu quả là “điếc không sợ súng”. Nhưng xin được thưa rằng xuất phát từ tình cảm quê hương.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi nhân Xuân Diệu, như vậy mà tổ chức tọa đàm kỷ niệm người đồng hương Bình Định có ý nghĩa là chủ đề chính của cuộc hội thảo này không phải bàn về sự nghiệp thơ ca của một thi sĩ hàng đầu trong làng thơ mới, mà nói về sự cống hiến của ông cho sự nghiệp văn hóa dân tộc, dĩ nhiên 15 tập thơ của ông với 1.000 trang thơ cùng với 5 tập tiểu luận văn xuôi, đó là di sản văn hóa dân tộc đặc biệt được Nhà Xuất bản Văn học tập hợp in thành 6.000 trang sách khổ lớn (14x20,5) là một đóng góp lớn lao cho nền văn hóa dân tộc nước nhà. Với khối lượng tác phẩm ấy, nếu tổ chức hội thảo khoa học lớn để đánh giá từng phần thì phải mất một tuần lễ mới xong. Còn ở đây, cuộc hội thảo kỷ niệm này chúng tôi chỉ giới hạn trong phạm vi chủ đề: Con người và sự nghiệp của Xuân Diệu.

Trước hết, xin được nói một chút riêng tư, một vài kỷ niệm khó quên của tôi với nhà thơ Xuân Diệu, một chút tình quê hương mà sinh thời nhà thơ thường nhắc tới: Cha đàng ngoài mẹ đàng trong.

Xuân Diệu là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới.

Tôi sinh ra ở An Hòa, Hoài Ân (nay thuộc huyện An Lão - Bình Định), một vùng quê nghèo nhưng thiên nhiên rất đẹp, núi sông liền kề nhau luôn luôn gợi cho con người một cảm xúc trữ tình. Cái rốn Hoài Ân xưa, An Lão hôm nay là thị trấn Xuân Phong nằm giữa lòng xã An Hòa, một điểm hội tụ văn hóa của Bình Định. Ngày xưa ở đây có rạp diễn tuồng (hát bội), hát bài chòi, có sân bóng đá quy mô cho cầu thủ trong và ngoài huyện thi tài vào ngày chủ nhật, có nhà máy giấy, nhà máy in bạc tín phiếu, có Đài Phát thanh toàn miền Trung. Phải chăng cảm xúc từ nét đẹp ấy mà các bậc túc nho ngày xưa đã viết ra câu đối thật hay treo ở đình làng Xuân Phong.

Xuân Sơn cẩm tú sinh nhân kiệt/ Phong thổ chung linh khả hậu sinh. Nhà đại trí thức Phạm phu Tiết dịch: Núi Sơn xinh đẹp sinh người tài giỏi/ Đất lành Xuân Phong nối tiếp truyền thống này.

Từ nhỏ tôi được học văn hóa ở Trường tiểu học Xuân Phong và khi đang học cấp hai thì được tuyển vào học Trường Nghệ thuật (nhạc và kịch) của tỉnh đội Bình Định tổ chức. Lúc đầu trường đóng ở Phù Ly, huyện Phù Mỹ, sau một thời gian vì để tránh bom của giặc Pháp, trường phải dời vào chợ Gồm (Phù Cát), được ít lâu lại tránh bom nên phải dời về tận Gò Bồi, một thị trấn rất đẹp, rất yên bình, nơi sinh ra ông vua thơ tình Xuân Diệu và ông vua tuồng Đào Tấn, gần đó là quê hương của nhà soạn tuồng kiệt xuất Nguyễn Diêu, thầy học của Đào Tấn.

Chúng tôi kết thúc khóa học tại Gò Bồi, rồi được đưa về Đại đội độc lập 103, đơn vị do ông Tô Đình Cơ (sau này là Chủ tịch tỉnh Bình Định) làm Đại đội trưởng. Ông Cơ là người vô cùng yêu thích văn nghệ (1) nên đã tổ chức một đội văn nghệ chuyên nghiệp ngay trong đại đội mình và chúng tôi (đa số là thiếu sinh quân) chuyên nghề đàn, hát phục vụ cho đơn vị và bà con ở nơi đóng quân. Có thời kỳ đơn vị tôi được điều về đóng quân ở hai xã Phước Hòa và Phước Thuận, nơi có nhà thờ Thiên chúa giáo, ở đó có dàn kèn đồng thỉnh thoảng tấu lên âm vang dội cả một vùng. Chúng tôi như lũ trẻ tò mò đến xem nhà thờ và nghe nhạc, nhưng lúc đó chẳng ai biết đây là Làng Sông, là Nước Mặn - nơi các Thừa sai, các nhà truyền giáo phương Tây như Cristophoro, Borri, các ông Buzomi, Pina đã từng sống và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ cho người Việt Nam.

Trở lại chốn xưa sau hơn nửa thế kỷ, tôi không sao nhớ được chính xác nơi mình đã học nghệ thuật, cũng như nơi đã ở trong những ngày tháng đóng quân, vì cảnh quan thay đổi quá nhiều. Chúng tôi đến thăm di tích Làng Sông - nơi in chữ Quốc ngữ đầu tiên, nhưng cũng chỉ còn là một mảnh đất trống trơn không còn dấu tích vì đã mấy trăm năm vật đổi sao dời! Tôi đi dọc theo bờ con sông Gò Bồi xinh đẹp để tìm lại kỷ niệm xưa, thời kỳ học nhạc ở đây, nhưng tất cả đã đổi thay, chỉ có dòng sông vẫn êm đềm chảy ra biển cả, nhưng dường như thuyền bè không tấp nập như ngày xưa vì ngày xưa Gò Bồi - Nước Mặn là phố thị, là bến giao thương vùng Nam Á. Thuyền bè và người câu cá, bắt cá trên sông cũng không còn nhiều như xưa. Hai bến bờ sông Gò Bồi đã trở thành phố thị, mấy xưởng đàn cũng không còn nữa. Cách đây 60 năm, ở Bình Định có hai xưởng đàn nổi tiếng là Bồng Sơn và Gò Bồi. Hai xưởng đàn này đã cung cấp cho bộ đội và nhân dân trong tỉnh, trong Đoàn LK5 hàng ngàn chiếc đàn Măngđôlin, Violon, Panjo, Gittar... Thời kháng chiến chống Pháp, phong trào văn nghệ trong bộ đội và nhân dân vô cùng sôi nổi. Tiếng đàn Măngđôlin réo rắt khắp nơi, ở đâu cũng đàn, cũng hát, cũng diễn kịch, hô bài chòi và hát bội. Đúng là “Tiếng hát át tiếng bom”. Sở dĩ lớp nghệ thuật của chúng tôi phải di chuyển ba lần để chạy bom Pháp cho đến mãi sau này tôi mới biết vì sao phải chạy từ Phù Mỹ, Phù Cát vào tận Gò Bồi mới trụ được, là vì vùng Gò Bồi không bị Pháp ném bom, phải chăng vùng này có nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo, nơi các nhà truyền giáo phương Tây đến truyền đạo và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ để làm phương tiện truyền giáo tốt hơn, nhanh hơn.

Nhân đây cũng cần nói rõ thêm là hầu hết các Thừa sai đến Nước Mặn - Gò Bồi là người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy chứ không có người Pháp thực dân, mãi đến thế kỷ 18, Aléc-xăng Đờ-rốt (người Pháp) mới tới Việt Nam tiếp tục việc hoàn thiện chữ Quốc ngữ, nên người ta cứ nghĩ ông là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ cho Việt Nam.

Trở lại chốn xưa lần này, tôi còn có mục đích viếng thăm nhà tưởng niệm thi sĩ Xuân Diệu, người ân nhân của tôi, người không những giúp đỡ tôi trong nghề nghiệp văn chương mà còn đi hỏi vợ cho tôi tại Hà Nội. Số là trong những năm học văn khoa ở khu sơ tán Tràng Dương, Thái Nguyên, tôi có yêu cô Bích Ngọc, người Hà Nội, sinh viên khoa hóa ở gần đó. Đến khi tốt nghiệp trở về Hà Nội, tôi được nhận ngay vào Vụ Văn hóa quần chúng, Bộ Văn hóa, tiếp tục hoạt động phong trào sân khấu. Có sự nghiệp rồi, tôi muốn lấy vợ, nhưng không biết nhờ ai đi hỏi vợ cho, vì tôi không có gia đình trên miền Bắc. Nhà văn Nguyễn Thành Long cùng quê rất thương tôi, khuyên tôi đến nhờ nhà thơ Xuân Diệu đi hỏi vợ giúp. Tôi đến nhà 24 Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ) gặp nhà thơ Xuân Diệu và thưa:

- Em có người yêu ở Hà Nội, đã đồng ý cưới nhưng em chẳng có gia đình trên miền Bắc, nên nhờ anh là người đồng hương đi hỏi vợ giúp em...

Nhà thơ Xuân Diệu gật đầu đồng ý và bảo tôi:

- Em nên mời cả anh Huy Cận, vừa là người có uy tín, vừa là Thứ trưởng của em cùng đi với anh thì rất tốt.

Tôi vội bước lên tầng hai (hai nhà thơ lớn ở cùng một nhà) gặp nhà thơ Huy Cận và nói ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu. Thứ trưởng Huy Cận đồng ý ngay và hẹn ngày cùng Xuân Diệu đi hỏi vợ cho tôi. Cuối chiều thứ bảy tuần đó, hai nhà thơ lớn đi ôtô đến nhà vợ tôi ở ngõ 2 phố Lê Văn Hưu, Hà Nội. Gia đình vợ tôi tiếp hai nhà thơ rất nồng hậu, nhưng ý chừng chưa muốn gả ngay, vì vợ tôi còn đang học năm cuối. Nhà thơ Xuân Diệu nói: “Dân gian có câu: Lấy vợ thì lấy liền tay chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha”. Bố mẹ vợ tôi và các anh trong gia đình đều đồng ý cho tôi tổ chức cưới vào trung tuần tháng 10/1967. Rất tiếc là ngày cưới của chúng tôi hai nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận đều đi công tác xa, nên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Đức Quỳ, người cũng rất thương tôi đã đứng ra làm chủ hôn cho lễ cưới. Một đám cưới hết sức giản dị được tiến hành ngay tại nhà vợ tôi và người dự là một số sinh viên cùng lớp văn 8 và mấy nghệ sĩ ở Vụ Văn hóa quần chúng, trong đó có nhà thơ Phùng Quán đọc tặng tôi một bài thơ thật hay...

Đạo lý Việt Nam: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” không bao giờ tôi quên ơn nhà thơ Xuân Diệu. Lần này về lại chốn xưa - Gò Bồi, tôi đến một ngôi chùa cổ ở Làng Sông hái 10 bông hoa đại có mùi hương ngào ngạt đem đến đặt trên bàn thờ Xuân Diệu và thắp nhang vái hương hồn ông, một thiên tài thơ đất Việt. Xong, tôi đi xem hầu hết những hình ảnh, tư liệu được trưng bày tại nhà tưởng niệm Xuân Diệu. Tôi chợt nhớ năm nay tròn 100 năm ngày sinh của ông (tháng 2/1916 - 2/2016). Tôi nói với người thủ từ, đúng hơn là người trông coi nhà lưu niệm Xuân Diệu:

- Tất cả những gì đang trưng bày tại ngôi nhà này thật quá đơn sơ, quá nhỏ bé đối với một nhà thơ lớn, một danh nhân văn hóa có tầm cỡ thế giới.

Đừng để ngôi nhà tưởng niệm một thi nhân nổi tiếng của dân tộc thành một ngôi chùa Bà Đanh, một ngôi chùa không có tiếng chuông, tiếng mõ và không có người viếng thăm hương khói! Hãy đến xem Bảo tàng Puskin ở Nga, Bảo tàng Gớttơ ở Đức, Eminecu ở Rumani... Ở những nơi đó đều là những “địa chỉ đỏ” thu hút hàng triệu người khắp hành tinh này, mà muốn thu hút người xem thì phải nghệ thuật hóa, sân khấu hóa thơ Xuân Diệu. Muốn được như vậy, những cơ quan hữu trách, đặc biệt là các cơ quan văn hóa, văn học nghệ thuật ở Bình Định và cả ở Trung ương cùng chung tay góp sức xây dựng khu tưởng niệm Xuân Diệu cho xứng tầm, thành một điểm đến của những người yêu thơ trong cả nước và cả người nước ngoài, tức là người ta đến đây ngoài xem những hiện vật sinh động phong phú về cuộc đời của một thi nhân nổi tiếng, còn được nghe kể về cuộc đời huyền thoại của một ông vua thơ tình, đồng thời được đọc thơ, nghe thơ, xem biểu diễn thơ Xuân Diệu qua nhiều loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại. Dĩ nhiên khâu tuyên truyền quảng bá cũng rất quan trọng. Nhà tưởng niệm Xuân Diệu là một điểm đến của khách thập phương, của nhiều người yêu thơ.

Tôi hình dung một chuỗi sự kiện, một tour du lịch văn hóa tương lai sẽ diễn ra bắt đầu từ Bảo tàng Quang Trung nối liền với Đàn tế trời đất, qua các tháp Chăm cổ kính, rồi đến với quê hương hát bội Đào Tấn, tiếp nối là di tích Nước Mặn - Chữ Quốc ngữ, tiếp theo Nhà bảo tàng Xuân Diệu và kết thúc là Đồi thi nhân Hàn Mặc Tử.

Thật khó ở địa phương nào có được một không gian văn hóa liên hoàn, độc đáo và hấp dẫn như ở Bình Định. Rõ ràng ngồi trên mỏ vàng mà không biết mình có vàng hoặc biết rồi nhưng không biết cách khai thác để làm giàu. Dù sao tôi vẫn hy vọng và chờ đợi ở những con người mới, tư duy mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm như Nghị quyết Trung ương 12 của Đảng đã nhấn mạnh về yếu tố con người.

Quy Nhơn đầu năm 2016

(1) Người đánh trống chầu hát bội nổi tiếng nhiều năm làm Chủ tịch Hội Bảo trợ tuồng và dân ca.


GS. Hoàng Chương
Ý kiến của bạn