Hà Nội

Nhà văn G.Sharma: “Tôi đã bị mê hoặc bởi phong cách giản dị của Bác Hồ”

31-08-2016 10:02 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nhân Ngày Quốc khánh Việt Nam mồng 2/9 và kỷ niệm 55 năm thành lập báo Sức khỏe&Ðời sống, ông Geetesh Sharma - Chủ tịch Ủy ban Ðoàn kết Ấn Ðộ - Việt Nam...

Nhân Ngày Quốc khánh Việt Nam mồng 2/9 và kỷ niệm 55 năm thành lập báo Sức khỏe&Ðời sống, ông Geetesh Sharma - Chủ tịch Ủy ban Ðoàn kết Ấn Ðộ - Việt Nam đã có những dòng đề tặng báo Sức khỏe&Ðời sống, đồng thời chia sẻ những kỷ niệm thân thương của ông về Bác Hồ và  Việt Nam.

Vào ngày 13/2/1958, tôi đã may mắn có một cơ hội nhìn thấy vị lãnh tụ huyền thoại Hồ Chí Minh từ xa và lắng nghe bài phát biểu của Người một cách say sưa. Khi đó, tôi đã bị mê hoặc bởi phong cách giản dị mà Người luôn hướng tới quần chúng và hòa vào làm một cùng với họ dù ở cương vị là một người nổi tiếng và được hưởng lễ tân đặc biệt. Điều này đã để lại ấn tượng trong tôi mãi về sau.

Geetesh Sharma, Chu tich Uy ban doan ket An Do Viet Nam, chu tich nuoc Truong Tan Sang tiep ong Geetesh Sharma

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp ông Geetesh Sharma tháng 9/2015.

Thậm chí cho đến hôm nay, tôi vẫn còn mãi lưu giữ trong lòng giây phút lịch sử đó và chính khoảnh khắc ấy đã khơi dậy trong tôi lòng ao ước được cống hiến sức mình cho những hoạt động nhằm vun đắp và mở rộng tình đoàn kết, hiểu biết và hợp tác giữa nhân dân hai nước. Đó đã trở thành sứ mệnh của đời tôi và thậm chí cho tới bây giờ, ở tuổi 85, với sức khỏe đã về già, tôi vẫn nỗ lực trong khả năng của mình để đóng góp cho chặng đường này cùng với sự giúp đỡ của những người bạn rất tâm huyết và tận tâm của tôi.

Tôi còn nhớ lại với niềm tự hào về chuyến thăm đầu tiên của tôi tới Việt Nam vào năm 1982 trong một phái đoàn của Ấn Độ do GS. Santimay Ray, một trong những người sáng lập nên Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam dẫn đầu. Chúng tôi rất vinh dự đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đón. Ông là người đã cố gắng lưu giữ di sản Hồ Chí Minh cho thế hệ đi sau cùng với nhà chiến lược huyền thoại - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau đó tôi cũng đã có dịp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp hai lần trong hai lần ông tới thăm Calcutta, thành phố quê hương tôi.

Trong chuyến thăm đầu tiên của chúng tôi vào năm 1982, chúng tôi đã đi từ Hà Nội tới TP. Hồ Chí Minh bằng đường bộ và tận mắt chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh mà Việt Nam đã phải trải qua dưới bàn tay của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày đó, phương tiện đi lại của người dân chỉ là xe đạp, xích lô và một vài phương tiện giao thông công cộng. Tôi đã chứng kiến sự quyết tâm dưới đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như người dân, những người đã từng trải qua nghèo đói và sự tàn phá của chiến tranh nhưng quyết tâm để vượt qua nó và tái xây dựng một đất nước Việt Nam hiện đại với ý chí mạnh mẽ nhằm cạnh tranh với cả các nước đang phát triển và các nước phát triển.

Geetesh Sharma, Chu tich Uy ban doan ket An Do Viet Nam

Ông Geetesh Sharma - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam.

Kể từ đó, tôi đã sang thăm Việt Nam gần 20 lần và tôi ngạc nhiên nhận ra rằng Việt Nam dần dần đạt được mục tiêu của mình và quá trình này vẫn đang tiếp diễn. Chính vì ý chí mạnh mẽ và tinh thần bất khuất này mà tôi đã yêu đất nước và con người Việt Nam.

Tôi rất biết ơn những người dân Việt Nam đã bày tỏ tình cảm và sự trân trọng dành cho tôi và đó chính là động lực để tôi có thể nỗ lực hơn nữa nhằm tăng cường tình cảm hữu nghị trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước Ấn Độ và Việt Nam.

Khi bàn về quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, tôi sẽ phải nhắc tới một vài nhân vật đã mang lại quá khứ vinh quang cho quan hệ hai nước khiến cho mối quan hệ này trở thành độc nhất vô nhị và không gì có thể sánh nổi trong lịch sử nhân loại. Mối quan hệ này đã bắt đầu từ những chuyến đi của những thương gia Ấn Độ cùng hàng hóa của họ xuôi qua biển và neo đậu ở các cảng Việt Nam tại Đà Nẵng, Hội An trong suốt thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên hoặc có thể còn sớm hơn thế nữa. Quan hệ giao thương thiết lập giữa Ấn Độ và Việt Nam là làm giàu có thêm cho nền kinh tế Ấn Độ trên một vài phương diện. Ngoài ra, còn phải đề cập tới một sự thật thú vị khác nữa là các thương gia Ấn Độ và đội ngũ hộ tống họ đã bị mê hoặc bởi phong cảnh của Việt Nam và vẻ đẹp của con người nơi đây đến mức nhiều người trong số họ đã ở lại và quyết định định cư ở đây vĩnh viễn. Số người Ấn Độ di cư sang Việt Nam ở thế kỷ thứ 2 nhiều tới mức họ thiết lập nên Vương quốc Hindu (Chăm) đầu tiên gần Đà Nẵng và sau đó là thêm 4 vương quốc nữa ở miền Trung Việt Nam. Cũng trong thời điểm đó, có một người di cư từ Ấn Độ tên là Kondinya (Kondilya) đã lập nên Vương quốc Hindu (Chăm), Fu Nan ở miền Nam Việt Nam gần TP. Hồ Chí Minh bây giờ.

bao Suc khoe&Doi song trung bay tai Hoi cho sach Quoc te lon nhat the gioi o An Do

Báo Sức khỏe&Đời sống trưng bày tại Hội chợ sách Quốc tế lớn nhất thế giới ở Kolkata, Ấn Độ.

Vẻ đẹp độc đáo của các Vương quốc Hindu (Chăm) ở Việt Nam được hình thành dưới sự đồng thuận của người dân bản địa, giờ đây, họ trở thành một trong 54 dân tộc anh em ở Việt Nam. Và mối quan hệ hai nước chúng ta vẫn cứ tiếp diễn kể từ thuở sơ khai.

Trong kỷ nguyên hiện đại, mối quan hệ giữa hai nước chúng ta ngày càng trở nên gắn kết và lớn mạnh hơn nhờ các nhà lãnh đạo huyền thoại Thủ tướng Jawaharlal Nehru, Chủ tịch Hồ Chí Minh và được nuôi dưỡng, vun đắp bởi thế hệ các nhà lãnh đạo kế tiếp cho tới nay. Ngày nay, mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam không chỉ tuyệt vời mà cả hai nước còn chia sẻ quan hệ đối tác chiến lược theo đúng nghĩa. Để đưa mối quan hệ hòa hợp hiện có và nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ sang thăm Việt Nam vào ngày 3/9/2016. Tôi thực sự tin tưởng và hy vọng rằng một chương mới sẽ mở ra để duy trì di sản của quá khứ và hướng tầm mắt về tương lai. Ấn Độ cần Việt Nam cũng như Việt Nam cần Ấn Độ. Cả hai là những người bạn như “lửa thử vàng” sát cánh bên nhau kể từ thời đại Nehru - Hồ Chí Minh.

Mối quan hệ của chúng ta dựa trên các giá trị, hiểu biết chung và hướng tới hòa bình và phát triển. Mối quan hệ của hai nước chúng ta không chỉ có lợi cho cả hai bên mà còn đóng góp cho lợi ích của toàn thể khu vực châu Á.

“Tôi cảm thấy rất vinh dự và hân hạnh được viết cho tờ báo danh tiếng của các bạn giúp lưu lại di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi biết rất rõ một điều rằng một trong những ưu tiên của Bác Hồ trong chính sách của Người, là sức khỏe và vệ sinh cho người dân. Tôi cũng thấy rằng đất nước các bạn đã đạt được những thành tựu kỳ diệu theo lời dạy của Người mặc dầu con đường gian nan vẫn còn ở phía trước.

Tờ báo của các bạn đang làm một công việc rất hiệu quả để giúp mọi người nhận thức rõ hơn về sức khỏe của bản thân và cộng đồng”.

Geetesh Sharma
Ý kiến của bạn
Tags: