Nhà văn “Giải Nobel” và Nguyễn Ái Quốc

18-05-2013 20:04 | Văn hóa – Giải trí
google news

Năm 21 tuổi, Nguyễn Ái Quốc rời Việt Nam và cập bến Marseille ở Pháp. Sau đó, ông còn đi nhiều nước trước khi lưu lại ở Pháp một thời gian dài, từ năm 27 tuổi đến 33 tuổi. Đây là giai đoạn Người trưởng thành về chính trị và mọi mặt.

Năm 21 tuổi, Nguyễn Ái Quốc rời Việt Nam và cập bến Marseille ở Pháp. Sau đó, ông còn đi nhiều nước trước khi lưu lại ở Pháp một thời gian dài, từ năm 27 tuổi đến 33 tuổi. Đây là giai đoạn Người trưởng thành về chính trị và mọi mặt. Đặc biệt, Người tiếp thu tinh thần nhân văn của Cách mạng Pháp 1789. Một nhà sử học Nhật Bản cho là cốt lõi tư tưởng chính trị của Hồ Chí Minh là chủ nghĩa cộng hòa Pháp. Còn Bộ trưởng Pháp Michelet tiếp đón Hồ Chí Minh thăm Pháp nhân dịp Hội nghị Fontainebleau thì đánh giá ông là “très Francais” (rất Pháp).

Nguyễn Ái Quốc đọc và viết tiếng Pháp, giao du với nhiều nhà văn Pháp, trong số đó, về hàng đầu phải kể đến Romain Rolland đã giúp ông Nguyễn Ái Quốc xin giấy phép ra tờ báo Le Paria (Người cùng khổ), cho đóng trụ sở của nhóm Clarté (Ánh sáng) do Người và nhà văn phản chiến Barbusse lập ra. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, R. Rolland thuộc khuynh hướng những nhà viết tiểu thuyết cánh tả - như A.France, chống lại truyền thống bảo thủ, muốn cải cách xã hội, mang lại dân chủ và bình đẳng, bác ái.

R.Rolland dành suốt cuộc đời nhà văn cho cuộc đấu tranh vì một lý tưởng cao cả: Ông kịch liệt phê phán khuynh hướng duy vật đạo đức giả, tâm hồn tầm thường, ích kỷ...Ông đề cao chủ nghĩa anh hùng: người anh hùng không phải là người đắc thắng vì sức mạnh hay tư tưởng, mà thắng vì trái tim qua đấu tranh bền bỉ và gian khổ. R.Rolland là một trí thức “dấn thân” nhưng đứng trên mọi xung đột, tranh cãi (au- dessus de la mêlée). Ông tìm hiểu mọi khuynh hướng tư tưởng, phê phán không dứt khoát theo hẳn một chủ nghĩa nào. Ông giao du với tất cả các trí thức và nhà văn hóa lớn trên thế giới. Ông tiếp tại nhà riêng nhà tư tưởng Ấn Độ Gandhi, đi thăm Gorki ở Liên Xô, không nhận Huy chương Goethe của Chính phủ Đức Hitler tặng. Ông đứng đầu nhiều cuộc họp nhân đạo quốc tế.

R.Rolland (1866-1944) là thạc sĩ văn học năm 23 tuổi, là nhà viết tiểu thuyết, kịch, luận văn, nhà nhạc lý. Từ khi trẻ, ông đã mê văn học Đức. Về sau, ông chịu ảnh hưởng chủ nghĩa nhân đạo của L.Tolstoi và Gandhi... Ông làm giáo sư sử học và âm nhạc. Trong chiến tranh, ông cương quyết không tham chiến, ở Thụy Sĩ làm việc cho Hồng Thập tự trung ương tại Genève. Luận văn Đứng trên hỗn chiến, (1915) xuất bản ở Thụy Sĩ lên án những hình thức yêu nước cực đoan của cả Pháp lẫn Đức. Năm 1935, ông đi Liên Xô. Ông hoạt động chính trị quốc gia và quốc tế trên mặt trận văn học, phê phán sự đồi bại đạo lý của nền Cộng hòa thứ III Pháp và chống Phát xít. Ông cố thức tỉnh lương tâm nhân loại, kêu gọi nhân đạo và bác ái. Ông hoan nghênh Cách mạng Nga 1917. Về sau, thế giới quan nhân đạo chung chung, trừu tượng của ông đã chuyển dần sang chấp nhận chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giai cấp.

Sáng tác R.Rolland là diễn đàn những tư tưởng trên. Tiểu thuyết trường thiên (ông đi tiên phong thể loại này) Jean Christophe (1903 - 1912, 10 tập) về cuộc đời một nhạc sĩ thiên tài Đức. Coi Pháp như tổ quốc thứ hai, thể hiện quan điểm của ông về các vấn đề nhạc, xã hội, sự thông cảm giữa các dân tộc. Tâm hồn hân hoan (L’âme enchantée, 1922-1933, 7 tập) đề cập đến các vấn đề chủ yếu của thế kỷ 20 như xung đột giai cấp với quan điểm nhân đạo xã hội chủ nghĩa, R.Rolland là một trong những người đầu tiên chủ trương một nền sân khấu bình dân thời hiện đại. Ông viết nhiều tiểu sử danh nhân sâu sắc (Beethoven, 1903), Cuộc đời Mikenlănggiơ (Vie de Michel Ange, 1906)... Nhà tư tưởng Alain đánh giá cao tính cách khẳng khái, suy nghĩ độc lập của R.Rolland: “Chúng ta cần biết con người vinh hiển ấy chưa hề bao giờ mơn trớn bất cứ quyền lực nào và chỉ xin ý kiến của chính bản thân”.     

Đến nay, R.Rolland cùng A.Traner, hai nhà văn Pháp được giải văn chương Nobel, lừng lẫy một thời, không còn nhiều độc giả hâm mộ như xưa, tuy vẫn được xếp vào hàng ngũ những văn hào cổ điển. R.Rolland viết cuốn luận văn về Gandhi năm 1923. Khi ấy, Nguyễn Ái Quốc còn đang ở Pháp, hẳn đã đọc tác phẩm ấy!

Là một lãnh tụ phong trào đòi độc lập cho các thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc khâm phục cả R.Rolland và Gandhi, dường như Người chịu nhiều ảnh hưởng phong cách của Gandhi. Do đó, có nhà nghiên cứu phương Tây gọi Hồ Chí Minh là một “Gandhi Max-xít”.       

  Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn