Nhà văn Dương Thị Xuân Quý: “Ta đi làm ánh sao băng giữa đời”...

23-03-2019 23:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi có nhiều bạn gái thân quý là nhà thơ, nhà văn, nhưng có thể nói, nhà văn Dương Thị Xuân Quý là người tôi quen sớm nhất, khi cả hai chưa hề làm báo, viết văn, làm thơ, cũng chưa hề... yêu chàng nào.

Đó là năm 1959, khi cả hai chúng tôi cùng vào học Khoa Báo chí của Trường Tuyên giáo Trung ương, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Lúc đó, chúng tôi là hai đứa trẻ nhất, nhà lại cùng ở Hà Nội nên nhanh chóng thân thiết và yêu quý nhau như chị em gái.

Nhà Xuân Quý ở Hàng Bông, nhà tôi ở Yên Phụ và mỗi đứa đều được bố mẹ dành cho một góc riêng trong nhà nên chúng tôi thường đến chơi với nhau rồi ngủ lại với đủ thứ chuyện đời cùng những ước mơ mà chỉ có hai đứa nói với nhau. Chúng tôi có quy định riêng, ví dụ: “Hôm nay chỉ nói toàn chuyện vui” hoặc: “Hôm nay phải chỉ ra mọi khuyết điểm của từng đứa, cấm khen”...

Đôi bạn thân Phan Thị Thanh Nhàn và Dương Thị Xuân Quý khi cùng học Khoa Báo chí Trường Tuyên huấn Trung ương - năm 1960.

Đôi bạn thân Phan Thị Thanh Nhàn và Dương Thị Xuân Quý khi cùng học Khoa Báo chí Trường Tuyên huấn Trung ương - năm 1960.

Khi đã ra trường, Xuân Quý về báo Phụ Nữ Việt Nam còn tôi về báo Hà Nội mới. Chúng tôi bắt đầu có những chuyến đi, những bài báo và có cả những bài thơ, những bút ký văn chương cùng những người bạn mới là nhà báo, nhà văn. Hôm nói chuyện vui, chúng tôi chỉ khen nhau. Tôi nói: “Tao thấy mày có chất nhà văn lắm ý. Mày chịu đọc, chịu viết và viết hay nữa chứ”. Xuân Quý cũng tự khen: “Phải nói là tao mê văn chương, tao không chú ý đến làm đẹp, ăn ngon, tao thích đến những nơi sôi động tích cực nhất và về là viết ngay. Tao muốn trở thành một BÀ GORKY của Việt Nam. Tao chán kiểu văn chương sướt mướt, chán truyện ngôn tình của miền Nam. Tôi ôm vai Xuân Quý: “Nhất định mày sẽ làm được mà”...

Và trong đêm chỉ nói chuyện buồn, chúng tôi nhất định lôi bằng hết nhược điểm của từng đứa ra để “vạch trần sự thật cay đắng”. Xuân Quý tự chê mình: “Mày biết không, vừa rồi họp những người viết trẻ, chúng nó chê là tao chỉ mới viết được phóng sự, bút ký, chưa  biết viết văn. Tao đau lắm, nhưng về nghĩ kỹ, cũng thấy đung đúng, thế mới buồn  mày ơi!”. Và nàng chê tôi: “Tao nói thật nhé, thơ mày cứ như mày bày hết cả gan ruột ra, nó cứ thật thà quê quê sao đó”... Có hôm, hai đứa tự chê và chê nhau xong, bèn rơi nước mắt vì thấy mình kém cỏi quá, không thể nào đạt được mơ ước viết văn làm thơ...

Dạo anh Bùi Minh Quốc bắt đầu hay đến nhà Quý chơi, anh nói chuyện gì và tặng gì Quý cũng cho tôi biết và hỏi ý tôi thấy thế nào? Có hôm Quý đạp xe lên nhà tôi, rất băn khoăn: “Hôm nay chàng tặng tao một bó hoa cúc trắng mà chẳng nói gì mày ạ. Mày thấy thế nào?”. Tôi cười: “Thế là chàng yêu mày rồi chứ còn sao nữa, ngốc ạ”. Xuân Quý đỏ mặt, ấp úng: “Thế mày thấy... có được không hả Nhàn? Tôi ôm vai nàng: “Mày biết bài thơ Lên miền Tây của anh ấy hầu như tất cả thanh niên, nhất là thanh niên Hà Nội như tao và mày đều thuộc không? Bao nhiêu đứa con gái mơ được làm quen với anh ấy, mày không biết à? Tao còn lo là mày... chưa xứng đáng ấy chứ!”. Quý cười, đấm vai tôi thùm thụp. Và thế là từ hôm ấy, cứ lên nhà tôi là Quý rủ anh Bùi Minh Quốc đi cùng. Hôm tôi được đăng bài thơ đầu tiên trên báo Văn Nghệ, hai người đèo nhau lên nhà tôi ngồi đợi mãi không thấy tôi về, Quý bèn viết thư để lại: “Nhàn ơi - mày có thơ đăng trên báo Văn nghệ rồi nhé (hồi đó được đăng thơ trên Văn nghệ là mơ ước của những người viết trẻ chúng tôi). Mày đừng tự ti nữa, hãy gửi ngay thơ cho các báo khác để khẳng định cái tên của mày trên văn đàn nhé. Nhớ đấy. Sáng mai tao sẽ lên trước khi mày đi làm để cùng chọn thơ gửi từng báo. Đêm nay mày chọn trước đi, mai tao chỉ DUYỆT thôi”...

Xuân Quý và nhà thơ Bùi Minh Quốc làm đám cưới đúng thời kỳ nước ta đang bước vào cuộc chiến tranh ác liệt với Mỹ. Năm 1967, Xuân Quý vừa sinh bé Hương Ly được chừng 5 tháng thì nhà thơ Bùi Minh Quốc lên đường vào Nam tham gia chiến đấu trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ngay sau đó, khi bé Hương Ly khoảng hơn 1 tuổi thì Xuân Quý cũng nhất định lên đường vào Mặt trận miền Nam. Tôi đã khóc và ngăn cản Quý: “Nếu mày chưa có Hương Ly thì tao không dám nói gì, nhưng bé còn nhỏ quá, mà anh Quốc lại đang ở chiến trường rồi. Mày hãy ở nhà, viết văn làm báo cũng là một mặt trận và chăm sóc bé cho anh ấy yên lòng tham gia đánh giặc”. Quý cũng lau nước mắt và nói: “Mày đừng làm tao nhụt chí nữa. Tao đã suy nghĩ và quyết định rồi. Mày yếu đuối, do dự và quanh quẩn lắm, nhưng làm thơ còn có thể thông cảm được, chứ tao viết văn mà không có thực tế thì không thể có những chi tiết sống động, những tình cảm cao quý của người chiến sĩ đấu tranh vì nhân dân, vì đất nước. Hiện thực ở miền Nam bây giờ quyết liệt lắm, anh hùng lắm, tao muốn được trực tiếp sống và cống hiến hết mình, tao không thể ngồi ôm con trong khi anh Quốc và bao bạn bè, bao người dân bình thường đang ở nơi gian lao nhất. Bây giờ đang chiến tranh, cả nước mình có ai sống yên đâu. Tao đi, bé Ly còn có bà, có các bác trai bác gái và nhiều anh chị con các bác  nữa, còn cơ quan và bạn bè... Mày đừng gàn nữa làm tao thêm bối rối...

Và thế là Xuân Quý, người bạn tính tình sôi nổi, cương quyết, ham viết ham đi, người bạn tri kỷ thường vui với từng niềm vui nhỏ của tôi cũng như giúp tôi thấy bao nhiêu thiếu sót, đã lên đường vào mặt trận phía Nam.

Trong cuốn Nhật ký chiến trường do NXB Văn hóa Văn nghệ TP. HCM xuất bản và đã tái bản lần thứ tư - Dương Thị Xuân Quý đã viết những trang làm bạn bè, người thân và những người đọc chị rơi nước mắt. Có thể nói, nỗi nhớ thương xa xót nhất của chị là cô con gái nhỏ Bùi Dương Hương Ly, tình yêu lớn lao nhất của chị là tình yêu Tổ quốc, mong muốn tha thiết nhất của chị là được sống ở nơi gian khổ nhất,  viết được những gì chân thật nhất về cuộc đấu tranh giành thống nhất của nhân dân ta. Và được chia sẻ với anh Bùi Minh Quốc, chồng chị, những ngày tháng gian lao ở chiến trường.

Trên đường hành quân, chị viết: “Bằng giờ tuần trước, mẹ đang tắm cho Ly đấy Ly ơi. Hôm nay là chủ nhật, mẹ và bố chẳng về với Ly được. Ly sẽ phải chịu nhiều ngày chủ nhật vắng mẹ, vắng bố như thế. Nhưng mẹ tin rằng Ly sẽ khỏe mạnh và sẽ lớn lên như nghị lực của mẹ, sức khỏe và ý chí của mẹ”.

Cũng trên đường hành quân, chị viết về chồng: “Hôm nay là ngày sinh lần thứ 27 của mình. Mình đã hành quân tới trạm ở Hà Tĩnh lúc 1h30 đêm hôm qua, đã vượt qua những thử thách đầu tiên. Hôm nay chắc ở trong ấy anh cũng đang nhớ và nghĩ về em. Anh biết tin em sẽ vào với anh chưa? Có thể không cùng công tác với nhau nhưng ta cùng chung một chiến trường và như thế là mình gần nhau rồi phải không anh. Anh mà không nhớ ngày sinh nhật của em thì em sẽ phạt đấy. Bây giờ em sẽ không nhượng bộ anh như trước nữa đâu. Em sẽ “thi hành kỷ luật” hẳn hoi nha anh...”.

“Chiều đợi đò qua sông Tranh. Mình và ba bạn cùng đi nấu vội mấy hăng gô cơm bên suối. Vừa ăn xong thì trời đổ mưa. Tất cả đeo ba lô, khoác ni lông vào rồi đứng chúi vào nhau tránh mưa ở cuối rừng. Mình bỗng nhìn ra khuôn mặt dữ tợn của bão rừng. Mưa quất mạnh vào ngọn cây, cành cây như xoắn lại, vặn người đi trong gió mạnh. Mọi người đứng xích lại gần nhau. Lạnh run lên”... Và chị viết tiếp: “Nhưng mưa không lâu. Bầu trời lại quang đãng và một chiếc cầu vồng bỗng vụt hiện lên bên kia sông. Một chiếc cầu vồng rất trọn vẹn, hai mỏm đầu cầu đặt lên những phiến đá nổi lô nhô giữa sông Cầu in trên những ngọn cây rừng những vệt màu lộng lẫy mà êm dịu. Mình cứ nhìn mãi những giọt mưa trắng lấp lánh như những giọt nước nhảy nhót trên tầng không”...

Một hôm khác, chị viết - khi đã gặp chồng ở chiến trường: “Phải nói ở gần anh lúc này, giữa rừng cùng đồng đội ai cũng cô đơn và thiếu thốn trăm bề - vì đều xa chồng xa vợ - mà mình có anh, cứ gần nhau quá, hạnh phúc quá, cũng thấy chướng sao đó. Ly ơi, sau này con sẽ đọc những dòng này, con sẽ hiểu, sẽ kiêu hãnh về bố mẹ hơn nhé. Bố mẹ đang sống những ngày rất gay go, nhưng bố mẹ rất thương nhau. Và có thể mẹ sẽ xin sang một cơ quan khác, con ơi...”.

Nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý tại Binh trạm 20 trên đường Trường Sơn năm 1968. Ảnh TLGĐ

Nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý tại Binh trạm 20 trên đường Trường Sơn năm 1968. Ảnh TLGĐ

Ngày 8/3/1969, cách đây 50 năm, chị đã ngã xuống ở Duy Xuyên - nơi nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết Bài thơ về hạnh phúc: “Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên/Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên”... Nơi này, năm 1976 tôi đã cùng nhà thơ Bùi Minh Quốc đến thăm. Và anh nói cùng tôi: “Nhàn ơi - đây chỉ là ngôi mộ để tưởng niệm thôi - vì thực thì mọi người tìm mãi chưa thấy một dấu tích gì của Quý để lại”. Mãi đến gần đây, những người hết lòng với bạn bè đã hy sinh cùng anh Bùi Minh Quốc mới tìm thấy chiếc cặp tóc có khắc tên Xuân Quý ở nơi mà chị đã ngã xuống. Đó là kỷ vật nhỏ mà thiêng liêng biết bao. Nhưng không cần bất cứ kỷ vật nào để lại, Dương Thị Xuân Quý còn sống mãi trong chúng ta bởi những gì chị đã trải qua, đã viết và sống như một người anh hùng.

Hiện nay, TP. Đà Nẵng, nơi Dương Thị Xuân Quý hy sinh đã có một con đường mang tên chị. Và như câu thơ chị đã viết và in ngay trên trang bìa của tập Nhật ký chiến trường: ...Ta đi làm ánh sao băng giữa đời”.

Tháng 3/2019


Nhà thơ PHAN THỊ THANH NHÀN
Ý kiến của bạn