Nhà văn - dịch giả Di Li: Du lịch Tết không phải để né việc...

05-02-2019 09:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đó là chia sẻ hóm hỉnh của nữ nhà văn, dịch giả Di Li - cộng tác viên thân thiết của báo Sức khỏe&Đời sống, khi Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã gõ cửa mọi nhà.

Di Li vốn là cây bút thường xuyên “xách ba-lô lên và đi”, kể cả dịp Tết cổ truyền. Nhân dịp này, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc “đối thoại” với nữ nhà văn Di Li qua lăng kính, cảm nhận của người cầm bút về Tết Việt và du lịch ngày Tết.

PV: Tết cổ truyền chị cũng đi du lịch, vậy chị đã du ngoạn đến những vùng đất, quốc gia nào vào dịp Tết, có chuyến đi nào… chị đáng quên nhất không?

Nhà văn Di Li: Trong nước thì tôi từng ăn Tết ở Hội An, Sa Pa. Nếu như Tết ở Hà Nội rất vắng vẻ vào ngày 30 và mùng 1 rồi đông dần lên nhưng nhàm chán vào những ngày sau thì không khí cộng đồng, không khí lễ hội ở Hội An và Sa Pa rất náo nức. Còn ở nước ngoài thì tôi đã ăn Tết bên Myanmar, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc... Chuyến đi đáng nhớ nhất có lẽ cũng là chuyến đi hồi Tết vừa rồi là đến kinh đô cổ của Hàn Quốc.

Chị có thấy không khí Tết của Hàn Quốc và Việt Nam có điểm tương đồng và khác nhau?

Cảm nhận của tôi là Tết Việt và Tết Hàn Quốc giống và có khác nhau. Đấy là những ngày trước Tết, vé tàu xe bị cháy khiến tôi lo thắt ruột sợ sẽ không có cách nào đi được từ Seoul đến Busan theo đúng lịch trình, trong khi vé hàng không chiều về của tôi là bay từ Busan. Cuối cùng tôi cũng kiếm được một chiếc vé xe buýt đi Gyeongju rồi ở lại đó mấy ngày. Trên đường đi, tôi chứng kiến một cảnh giống hệt Việt Nam là các ngả đường dẫn ra ngoại thành đều tắc nghẽn vì dân nhập cư đều trở về quê hương ăn Tết, cả số lượng khổng lồ các sinh viên cũng vậy. Tuy nhiên điều tôi đặc biệt ấn tượng là chiều 30 Tết, trên những con đường Gyeongju vắng vẻ tràn ngập nắng vàng vẫn có những cặp đôi trẻ đi tản bộ một cách nhàn tản chứ không có vẻ gì là sốt ruột. Và ở khu vực trung tâm thì thậm chí đến 5 giờ chiều vẫn có những bà mẹ dẫn con gái đi chụp hình trong bộ Hanbok, rồi cả những anh con trai dẫn mẹ đi chơi chụp ảnh và các gia đình ra thả diều. Dường như chẳng ai phải húc đầu vào dọn dẹp và cơm nước cúng giao thừa như ở mình. Mọi người sung sướng chào đón năm mới bằng cách phấn khởi đi chơi.

Nhà văn Di Li trong chuyến du lịch tại Hàn Quốc.

Nhà văn Di Li trong chuyến du lịch tại Hàn Quốc.

Văn hóa truyền thống người Việt, Tết là ngày vui sum họp, quây quần và để mọi người thể hiện đạo lý “Mồng 1 Tết cha/ Mồng 2 Tết mẹ/ Mồng 3 Tết thầy”. Chị đi du lịch dịp Tết nhiều như thế có khi nào bị bố mẹ, người thân trách móc hay chưa? Chị làm gì để cân đối được giữa đạo hiếu và đam mê để du lịch trong ngày Tết?

Tôi thường đi vào mùng 3 Tết, chỉ duy có năm vừa rồi đi từ trước Tết. Năm nào cũng đi xuyên Tết thì đúng là có vấn đề thật. Nhưng tôi vẫn thăm cha mẹ vào ngày mùng 1 rồi thực hiện đầy đủ các thủ tục cúng bái rồi mới đi chơi nên tôi nghĩ không có vấn đề gì. Còn cha mẹ nào mà giữ rịt con cái cả 5 ngày Tết thì cũng thực là... ác quá. Thêm nữa có những người sống xa quê hương, xa cha mẹ nên cả năm mới có dịp gặp cha mẹ vài lần chứ như tôi gặp suốt rồi thì có khi cha mẹ nhìn thấy mình phát chán lên ấy. (cười)

Kế hoạch du lịch Tết khác với những ngày thường thế nào, chị có thể chia sẻ bí quyết để chuyến du lịch ngày Tết vui, khỏe và có ích?

Du lịch Tết đương nhiên đắt đỏ hơn vì nhiều người đi. Tây họ cũng hay đi du lịch vào Giáng sinh mà. Giá phòng, dịch vụ và vé máy bay tăng vọt nên điều đương nhiên cần chuẩn bị là tài chính. Thêm nữa cũng phải đảm bảo an ninh cho nhà cửa vì Tết mà đi vắng suốt là dễ có trộm vô nhà lắm. Và cũng tùy sở thích mà ngày Tết người ta sẽ đến những nước nhiệt đới hay những quốc gia thậm chí còn rét hơn mình, như vậy cần phải chuẩn bị việc thích nghi với khí hậu mới. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là đi du lịch Tết là cũng để đón Tết nữa, nên nếu mình đi một mình hay đi cùng người lạ trong một nhóm khách của công ty tour thì cũng thành như đi du lịch bình thường. Nên nhất là có bạn thân và các thành viên gia đình đi cùng. Năm ngoái tôi đón giao thừa ở Gyeongju cũng mở rượu vang, ăn bánh đậu đỏ và xem Táo quân (chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, phát sóng vào đêm Giao thừa - PV) qua màn hình máy tính cùng các bạn và con gái. Vui lắm. Đến độ khách sạn người ta còn chụp lại ảnh cuộc đón giao thừa của chúng tôi để dành cho việc quảng cáo.

Thường thì Tết Việt, hàng trăm công việc không tên đổ dồn lên người phụ nữ. Chị có thấy đây là sự “bất công”? Có phải chị chọn cách đi du lịch là để “né” cơn “ác mộng” bởi nhiều việc phải làm vào ngày Tết?

Tôi không bị phụ thuộc bởi những công việc Tết nên cũng không có tư tưởng trốn tránh. Tuy nhiên, những người phụ nữ xung quanh tôi thì nhiều việc thật, thấy ai cũng bấn cả lên. Nếu họ thích thế thì tốt chứ, chuẩn bị Tết cũng có niềm vui của nó mà. Còn nếu thấy khổ quá thì thôi, đời không được bao nhiêu mà phải chịu khổ vào đúng cái ngày vui nhất trong năm ấy cho khổ đời đi. Nhiều chị em cũng đã làm theo tôi rồi, Tết buông cả đấy để đi du xuân. Nên tôi nghĩ lựa chọn nào là do người phụ nữ cảm thấy. Họ thấy cách nào hạnh phúc thì họ làm thôi.

Trân trọng cảm ơn nhà văn Di Li.


Hoa Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến của bạn