Hà Nội

Nhà văn Di Li: 'Tôi luôn cầu nguyện cho Ấn Độ, đất nước mà tôi yêu mến'

30-04-2021 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Di Li là nữ nhà văn đã có chuyến đi bão táp trên đất Ấn Độ ngay trước khi quốc gia này thiết lập lệnh phong tỏa vì đại dịch lần thứ nhất, cách đây 1 năm.

Trong cuốn sách mới xuất bản cuối năm 2020 của chị Cô đơn trên Everest, có tới non nửa dành kể những câu chuyện chị đã trải qua trên đất nước Ấn Độ. Di Li đã khiến người đọc đứng tim khi... theo chị băng qua dãy núi tuyết Himalaya và dọc bờ sông Hằng. Các nhân vật đã đi bằng mọi phương tiện để lần theo dấu chân Phật, qua bao làng mạc phủ bụi của những miền quê nghèo của vùng Bắc Ấn, trải qua những đêm rét mướt tại các ngôi chùa và tự nấu ăn trong bếp chùa bằng thực phẩm mua được từ chợ làng... Và sông Hằng, con sông thiêng của người Hindu, với đầy xác chết được đốt rồi thả xuống sông, có cả những người chết thiêng không đốt, cứ thế trôi trên sông, người ta phóng uế ở đấy, tắm táp với lòng thành kính cũng ở đấy...

Qua những trang viết của chị, cảm giác về một Ấn Độ khác biệt và có vẻ như đứng ngoài dòng chảy thế giới rất rõ rệt?

Hồi mùng 7 Tết năm Canh Tý, khi COVID-19 hoành hành ở Vũ Hán thì tôi đang ở Kolkata cùng đoàn nhà văn Việt Nam. Suốt mấy ngày chúng tôi không có internet nên cũng chẳng biết tin tức gì ở Hà Nội và thế giới. Mãi đến ngày cuối cùng, chúng tôi được phía bạn mời ăn tối ở một nhà hàng sang trọng, lúc ấy mới có sóng wifi. Nhìn những tấm ảnh chụp trên mạng, chúng tôi hãi hùng và sợ hãi, không thể tin được rằng mấy hôm trước thành phố nơi mình ở vẫn còn bình yên là thế. Vậy là chúng tôi chúi mũi vào đọc tin bài, không ăn uống gì được nữa, thậm chí còn không buồn ngẩng đầu lên trò chuyện với ai. Phía chủ nhà thấy không ai đụng đũa thì băn khoăn và lo lắng, không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Tất nhiên là họ buồn lắm vì bữa tiệc mà họ chuẩn bị công phu bị thất bại. Chúng tôi sau đó cũng xấu hổ vì thái độ bất lịch sự ấy. Nhưng lúc đó làm sao mà còn ăn được nữa. Vậy là sáng sớm hôm sau, thay vì đi mua sắm và chuẩn bị quà cáp thì chúng tôi đề nghị bạn dẫn ra hiệu thuốc để mua... khẩu trang. Mỗi người tranh thủ mua mấy chiếc khẩu trang 3 lớp. Mua cuống mua cuồng khiến ai cũng kinh ngạc. Chúng tôi bảo nhau thứ này mà mang về làm quà thì quý lắm đấy, vì ở nhà đang khan hàng.

Họ ngạc nhiên vì ở thành phố lớn Kolkata, người dân vẫn đi học đi làm bình thường. Vì COVID vẫn chưa lan rộng và Ấn Độ chưa có ca mắc nào. Lúc đó tôi có bảo rằng nếu Ấn Độ mà xuất hiện COVID thì sẽ là thảm họa vì số ca mắc của họ chắc chắn đứng đầu thế giới. Sau đúng 1 năm, những người trong đoàn cứ nói rằng tôi có khả năng... tiên tri, nhưng tôi chỉ nói theo logic thôi.

Nhà văn Di Li thả hoa cầu nguyện ở sông Hằng.

Nhà văn Di Li thả hoa cầu nguyện ở sông Hằng.

Phải chăng làn sóng COVID-19 đang như chỉ muốn nhấn chìm đất nước này có mối liên quan gì với lối sống khác biệt của người dân nơi đây?

Đúng vậy, Ấn Độ đông dân thứ nhì thế giới và theo dự đoán thì sắp soán ngôi đầu bảng của Trung Quốc. Tuy nhiên mật độ dân số của Ấn Độ hiện nay đã gấp 3 lần Trung Quốc. Nếu như xem những tấm ảnh chụp về Ấn Độ thì đa phần ấn tượng của chúng ta là sự đông đúc khủng khiếp. Dường như cứ mở cửa ra lúc nào là ta thấy người đan vào nhau hỗn độn như thể đang có biến lớn, lắm lúc như đang có chiến tranh và người người đang vội vã di tản. Điều kiện sinh sống, vệ sinh và ý thức người dân cũng là vấn đề lớn góp phần vào việc lây lan dịch bệnh (không chỉ là COVID). Người Ấn cũng sùng đạo. Người Việt tham gia các lễ hội tôn giáo không phải vì lý do cuồng tín hay sùng đạo, mà là sự pha trộn giữa văn hóa, thói quen, tính ưa hội họp vui vẻ và mê tín, nếu Chính phủ yêu cầu dừng lễ hội thì ai nấy đều vui vẻ chấp hành. Ở Ấn Độ không thế được. Chúng ta kinh ngạc vì chính quyền Kashmir, Ấn Độ vẫn đang cho phép 600 ngàn người hành hương giữa lúc mỗi ngày có hơn 3 trăm ngàn ca nhiễm mới và gần 3 ngàn ca tử vong vì COVID. Nhưng tôn giáo có một quyền lực rất lớn ở đất nước này. Nhiều người thậm chí sẽ thà chết còn hơn là bỏ hành hương. Phép vua thua lệ làng ở chỗ như vậy.

Cảm xúc của Di Li những ngày mà toàn thế giới đang hướng về Ấn Độ chắc chắn phải khác với những người chưa từng đặt chân tới nơi đây. Chị có thể chia sẻ điều đó với bạn đọc báo Sức khỏe&Đời sống.

Tôi yêu Ấn Độ đến nỗi sau chuyến đi về hồi Tết năm ngoái, chỉ chưa đầy 2 tháng sau tôi lại sắp xếp một chuyến đi Ấn khác, mà là tự đi chứ không phải đi công tác. Tôi đã mua vé máy bay và làm visa xong xuôi nhưng sát ngày bay thì đầu tháng 3, Ấn Độ tuyên bố phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập. Đúng là tôi lặng lẽ theo dõi Ấn Độ hàng ngày, bên đó tôi cũng có nhiều bạn bè. Và tôi lo lắng cho họ. Tôi đau lòng nhìn những số liệu tăng vọt hàng ngày nhưng không ngạc nhiên. Dù sao tôi luôn cầu nguyện cho đất nước mà tôi yêu mến.

Tôi cực ấn tượng với những trang viết dưới tiêu đề Bình minh trên sông Hằng của chị. Có điều gì đó liên quan giữa việc xác người chết thả trôi sông với việc những lò hỏa thiêu tập thể trên đất nước này không?

Trước đây, khi đi thuyền trên sông Hằng, tôi rất sợ hãi khi chứng kiến những lò hỏa thiêu ven sông và cảnh người ta tắm giặt sinh hoạt hỗn độn ngay bên cạnh. Giờ thì bí quá người ta phải hỏa thiêu ngay cả trên phố, vẫn giữa cảnh sinh hoạt chung. Tôi có thể hình dung ra được nhưng luôn cố gắng không hình dung thêm nữa.

Cảm ơn nhà văn Di Li về cuộc trò chuyện!


Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn