Để hoạt động này được thực hiện đúng mục tiêu, định hướng, không lạm thu, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có hướng dẫn về việc tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh.
Theo đó, đối với việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, các nhà trường phải xây dựng kế hoạch rõ thành phần tham gia, đơn vị phối hợp thực hiện, thời gian, địa điểm, kinh phí, phương án bảo đảm an toàn, phương án phòng, chống dịch COVID-19 và lịch học bù cho học sinh, nếu tổ chức vào ngày không được nghỉ theo quy định.
Việc tổ chức hoạt động ngoại khóa phải được sự thống nhất và đồng thuận của cha mẹ học sinh; cần bố trí cán bộ giáo viên, cha mẹ học sinh cùng tham gia và quản lý học sinh, bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tổ chức.
Nhà trường chỉ thực hiện kế hoạch khi đã được cấp quản lý trực tiếp đồng ý, đồng thời báo cáo kết quả về cấp quản lý trực tiếp chậm nhất 10 ngày sau khi tổ chức xong. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội và pháp luật về công tác tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh của đơn vị.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, các nhà trường cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Làm sao để hoạt động ngoại khóa được an toàn?
Hoạt động ngoại khoá là những hoạt động không thể thiếu trong chương trình giáo dục. Nếu tổ chức tốt, những chuyến đi này sẽ tạo cho học sinh nhiều trải nghiệm, giúp cho việc học tập tốt hơn. Tuy nhiên, các trường phải đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn cho học sinh khi tổ chức hoạt động ngoại khoá.
Ông Hoàng Trọng Tuấn - đại diện một công ty du lịch khuyến cáo, để hạn chế rủi ro trong các chuyến đi ngoại khoá, các trường nên lựa chọn các địa điểm tham quan không quá xa, địa hình bằng phẳng, đi lại thuận tiện, không nên đưa học sinh đến các khu vực tiềm ẩn nguy hiểm. Trước khi đưa học sinh đi ngoại khoá, các trường cần lên phương án bảo đảm an toàn giao thông, tổ chức sơ cứu, cấp cứu, mua bảo hiểm đầy đủ cho học sinh. Các thầy cô cần điểm danh thường xuyên tránh tình trạng học sinh bị bỏ lại, bị lạc hay gặp sự cố.
"Các trường nên lựa chọn những công ty tổ chức uy tín, có đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, có hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động tập thể và có kỹ năng cứu hộ, quản lý học sinh", ông Tuấn đưa ra lời khuyên.
Theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết, ngoài các phần việc theo quy định, khâu tiền trạm có vai trò quan trọng. Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên khá nhiều khu trải nghiệm phải đóng cửa, nay vận hành trở lại nên có thể còn sơ suất trong việc duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị. Việc khảo sát, đánh giá, xác định các nguy cơ mất an toàn để quyết định việc có đưa học sinh đến hay không hoặc cần tránh những khu vực, hoạt động gì để cảnh báo là cần thiết.