Hiểu đúng về sức khỏe tâm thần học sinh
Sức khỏe tâm thần là nền tảng quyết định năng lực suy nghĩ, cảm nhận, học tập, làm việc, xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa và đóng góp cho cộng đồng của mỗi người:
-Sức khỏe cảm xúc: tích cực, vui vẻ, điềm tĩnh, ôn hòa và yêu đời
-Quan hệ xã hội: khả năng tham gia cuộc sống xã hội, kết hợp với cảm giác cá nhân về giá trị và cảm giác thuộc về.
-Cân bằng chức năng: có khả năng phát triển kỹ năng và kiến thức, giúp đưa ra những quyết định tích cực và đối phó với thách thức trong cuộc sống.
Hiện nay, nhiều bạn học sinh-sinh viên đang gặp phải các sang chấn tâm lí do bạo lực học đường, bạo hành, tai nạn, mất mát, … gây nên. Những sang chấn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ thể chất, tinh thần và chất lượng học tập.
Chăm sóc sức khỏe tâm thần lứa tuổi học sinh là một vấn đề quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Các nghiên cứu thời gian gần đây cho thấy sức khỏe tâm thần của học sinh ở Việt Nam có nhiều vấn đề cần được quan tâm. Nhà trường (bên cạnh gia đình và xã hội) có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, do đó cần quan tâm tới vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh. Các vấn đề tâm lý, những khó khăn trong cuộc sống của học sinh phải được phát hiện, tư vấn, chia sẻ, giải tỏa kịp thời, tránh dẫn đến hành vi xấu, gây hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
Nguyên nhân nào dẫn đến vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tâm thần tuổi học đường như: áp lực học tập nhất là vào mùa thi; các bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng ở con cái và điều này tạo ra áp lực rất lớn cho các em; sự thay đổi các mối quan hệ bạn bè; những thói quen sống không lành mạnh như không hoặc ít tập luyện thể dục; thức quá khuya, ngủ dậy muộn, nghiện game, chơi điện tử quá nhiều, hút thuốc lá, uống rượu, … Những điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như sức khỏe. Và khi kết quả học tập không tốt nó lại tạo ra áp lực dẫn tới một vòng xoắn bệnh lý của các rối loạn tâm thần.
Vai trò của nhà trường trong việc giúp trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần
Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Thường có 3 cấp độ can thiệp của nhà trường như sau:
-Can thiệp cấp độ 1 là những chiến lược mức độ toàn trường nhằm ngăn ngừa những hành vi của học sinh tạo nên các vấn đề hoặc rắc rối và thúc đẩy các hành vi tích cực ở học sinh. (Iachini, 2016) – Ví dụ: các hội đồng ở nhà trường dành cho học sinh hoặc các cuộc họp phụ huynh về các chủ đề như bắt nạt học đường, …
-Can thiệp cấp độ 2 tập trung vào những hành vi có vấn đề và nhu cầu trợ giúp của các học sinh đã được xác định. Các can thiệp cấp độ 2 phải sẵn dùng và dễ dàng tiếp cận đối với mọi học sinh có nhu cầu cần đến chúng và chúng gắn liền với các chính sách và thực hành trong nhà trường. Các phụ huynh và giáo viên phải là các bên liên quan đến những can thiệp này sao cho học sinh được hỗ trợ ngay cả ở gia đình lẫn trường học. (Lindsey, 2016) – Ví dụ: các nhóm hỗ trợ phát triển các kỹ năng học tập hoặc các kỹ năng xã hội.
-Can thiệp cấp độ 3 "được thiết kế cho những học sinh có nhu cầu liên quan đến hành vi và học tập mà chúng cần các kế hoạch trợ giúp mang tính cá thể hóa và dài hạn." (Lindsey, 2016) – Ví dụ: các nhóm giải quyết vấn đề và kế hoạch quản lý hành vi là những ví dụ không mang tính lâm sàng.
8 lý do để trường học cần quan tâm đến sức khỏe tâm thần của học sinh
- Nâng cao thành tích học tập của học sinh: Các nghiên cứu cho thấy rằng sức khỏe tâm thần của học sinh có liên quan tới thành tích học tập và các nỗ lực của học sinh (gắn kết với trường học, động cơ học tập…). Hơn nữa, chương trình học tập tại trường học chú trọng vào sự phát triển tâm trí và cảm xúc xã hội giúp học sinh cải thiện thái độ và thành tích học tập.
- Phát triển các kỹ năng xã hội: Các mối quan hệ bạn bè tích cực, các kỹ năng sống học được tại trường học giúp học sinh nâng cao động cơ và thành tích học tập.
- Dễ tiếp cận học sinh: Trường học gắn với thời kỳ phát triển quan trọng nhất của con người. Do vậy, trường học là nơi lý tưởng để triển khai các biện pháp can thiệp nâng cao sức khỏe tâm thần cho học sinh.
- Tăng cường các yếu tố bảo vệ học sinh tại trường học giúp làm giảm các nguy cơ và hậu quả đối với các trẻ em dễ bị tổn thương.
- Trường học là môi trường thân thiện và ít kỳ thị hơn đối với học sinh cần được hỗ trợ so với bệnh viện và các cơ sở y tế.
- Các hành vi sức khỏe tích cực (ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất…) học được từ nhà trường giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của học sinh sau này.
- Các mối quan hệ thầy trò và bạn bè được hình thành từ trường học là yếu tố bảo vệ và hỗ trợ đối với học sinh.
- Tăng cường sự gắn kết với cộng đồng, sự tự tin, động cơ và trách nhiệm với cộng đồng thông qua các trải nghiệm của học sinh về thể hiện bản thân, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội tại trường học và cộng đồng.
Bệnh Viện Tâm Thần Hà Nội Địa chỉ: Ngõ 467, Đường Nguyễn Văn Linh, Phường
Sài Đồng, Quận Long Biên, Thành Phố Hà Nội
Hotline: 0967301616
Website: benhvientamthanhanoi.com
Thu Nguyễn