Vừa đặt chân tới chốn thị thành đã vội vã kiếm việc
Chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, tân sinh viên Nguyễn Ngân Hạnh (ĐH Thương mại) cho biết: "Bố mẹ em làm nông, gia đình đông con nên bố mẹ rất vất vả, không có điều kiện để chu cấp cho em toàn bộ chi phí học đại học tại Hà Nội. Nhận tin đỗ đại học, em nửa mừng ít, nửa lo nhiều hơn vì theo em tìm hiểu thấy giá nhà trọ xung quanh trường hiện đang rất cao, vượt quá khả năng tài chính của gia đình. Suy nghĩ tới lui, em quyết định thu xếp đồ đạc lên Hà Nội sớm để tìm việc làm thêm, trang trải phần nào chi phí thuê trọ…".
Sau một thời gian tìm hiểu về các công việc làm thêm phù hợp với thời gian học tại trường (sau này), Hạnh nhận công việc đóng gói tại một kho hàng nhỏ trên địa bàn Quận Nam Từ Liêm với mức lương 20.000/giờ, 4 giờ/ngày, 6 ngày/tuần.
Ngân Hạnh bày tỏ, tiền lương làm thêm không đủ để thuê phòng trọ riêng mà chỉ đủ để Hạnh ở ghép homestay 4-6 người với chi phí 1.500.000 đồng/tháng và khá xa trường.
Chung hoàn cảnh với Nguyễn Ngân Hạnh, sinh viên Phạm Văn Dũng (ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng "lăn lộn" kiếm tiền trang trải cuộc sống bằng việc làm nhân viên giao hàng bán thời gian.
Phạm Văn Dũng chia sẻ: "Quê em ở tận Buôn Mê Thuột, em là con út, ba má lớn tuổi nên em xác định bản thân phải tự lập, tự làm, tự ăn, học ở Hà Nội. Từ đầu tháng 8, em đã về Hà Nội ở nhờ nhà họ hàng, nhận việc giao hàng bán thời gian để kiếm tiền".
Tân sinh viên Văn Dũng tỏ bày, việc giao hàng bán thời gian tuy đem lại thu nhập khá ổn định nhưng vất vả và phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe (do phải di chuyển ngoài trời mưa, nắng nhiều) nên Dũng không dám nhận nhiều đơn giao hàng, sợ sẽ ảnh hưởng đến việc học tới đây. Bởi vậy, thu nhập không đủ để Dũng thuê trọ riêng, vẫn phải ở nhờ nhà họ hàng cho đến khi tìm được nhà trọ phù hợp hoặc người ở ghép chung.
Trong khi đó, Lê Đình Hùng – trú tại Thanh Hóa chia sẻ: "Em mới có kết quả đỗ vào Trường ĐH Giao thông Vận tải nên lập tức về Hà Nội tìm thuê trọ. Do gia đình không có điều kiện nên em đang nhờ một người anh cùng quê hướng dẫn, hỗ trợ để làm xe ôm công nghệ".
Hùng tính toán, ngoài thời gian học trên trường, thời gian rảnh vào buổi chiều hoặc tối sẽ chạy xe ôm công nghệ với hi vọng đủ tiền trang trải cho việc thuê nhà trọ và một chút chi phí sinh hoạt.
Càng sát ngày nhập học, nhà trọ càng "ngáo giá"
Theo số liệu của batdongsan.com, gõ từ khoá phòng trọ tại TP. Hà Nội đang cho gần 350 kết quả với 127.000 lượt xem chỉ trong 7 ngày vừa qua. Trong đó, phân khúc nhà trọ, phòng trọ có giá từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng cho 229 kết quả, hầu hết là những căn phòng không khép kín, đã cũ và có diện tích thường dưới 20m2.
Phân khúc phòng trọ có giá từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng cho 349 kết quả, với những căn dưới 30m2. Ở mức cao hơn nữa, phân khúc 5.000.000 – 10.000.000 đồng chỉ có 118 bất động sản với diện tích trung bình 35-40m2.
Điều này cho thấy, chỉ riêng chi phí thuê một căn trọ cơ bản hiện tại, chưa bao gồm đồ đạc, tiền điện nước và phí dịch vụ, đã vào khoảng 3.000.000 – 5.000.000 đồng. Trong khi đó, cách đây 3-5 năm, mức giá này đồng nghĩa với sinh viên có một phòng trọ đầy đủ tiện nghi. Do đó, việc tìm kiếm một căn trọ "ngon - bổ - rẻ" hiện nay vô cùng gian nan với sinh viên ngoại tỉnh.
Nhiều sinh viên phải tìm đến những địa chỉ cho thuê homestay 4-8 người/phòng, chi phí dao động từ 1.500.000 – 1.800.000 đồng/ tháng để ở "tạm" do không thể tìm được căn trọ phù hợp.
Những căn homestay như vậy thường khá chật chội, nhiều bất tiện trong sinh hoạt, tuy nhiên, đối với những sinh viên không có điều kiện thì đây là một giải pháp thích hợp.
Bên cạnh nỗi lo giá thuê trọ "trên trời", sinh viên đi thuê nhà hiện cũng phải chịu nhiều loại phí dịch vụ cao không kém.
Việc phải chi trả tiền điện với giá cao gấp rưỡi, gấp đôi giá quy định là câu chuyện khá phổ biến mà nhiều người đang đi thuê trọ hiện nay gặp phải.
Thêm một số dịch vụ như tiền mạng 100.000 đồng/tháng, tiền gửi xe 100.000 đồng/xe/tháng, tiền thang máy (nếu có) 50.000 – 100.000 đồng/người/tháng, chưa kể một số loại phí mới như tiền PCCC, mỗi người thuê trọ đã mất thêm gần 500.000 đồng/tháng, chưa bao gồm tiền điện/nước.
Giá thuê trọ cao cộng thêm hàng tá phí dịch vụ khiến cho những người thuê trọ, đặc biệt là các bạn sinh viên và cả những bậc phụ huynh thực sự đau đầu, bài toán tìm nơi ở trọ ngày càng trở nên khó giải.
Xem thêm video đang được quan tâm:
VIDEO - Hà Nội Tổng Kiểm Tra PCCC 100% Chung Cư Mini Từ 15/9, Xử Lý Không Vùng Cấm, Không Ngoại Lệ | SKĐS