Nhà Trắng đau đầu vì nhân sự

28-08-2017 07:50 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chỉ trong vòng 7 tháng, hàng loạt nhân sự cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải ra đi – người từ chức, người bị sa thải.

Trong đó, 2 nhân sự mới nhất là Phó Trợ lý của Tổng thống Donald Trump, ông Sebastian Gorka và Cố vấn Chiến lược của Nhà TrắngSteve Bannon. Vậy, điều gì đang xảy ra?

Ngày 25/8, Phó Trợ lý của Tổng thống Donald Trump, ông Sebastian Gorka đã rời khỏi Nhà Trắng. Trước đó cùng ngày, truyền thông Mỹ đưa tin ông Gorka, một chuyên gia về an ninh quốc gia và chống khủng bố, đã xin từ chức. Báo Federalist cho biết trong đơn xin từ chức của mình, ông Gorka đã bày tỏ sự không hài lòng với tình hình hiện tại của Chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Ông Gorka, 46 tuổi, là cố vấn phụ trách vấn đề chống khủng bố và là một thành viên của Nhóm Sáng kiến chiến lược của Nhà Trắng. Ông là một gương mặt quen thuộc trên truyền hình khi thường xuyên lên sóng để bảo vệ chính sách chống khủng bố và những tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Trump. Trước đó, hôm 18/8, Tổng thống Trump cũng đã quyết định cách chức Cố vấn Chiến lược của Nhà Trắng Steve Bannon, nhân vật chủ chốt giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ông Steve Bannonđược cho là có vai trò rất lớn trong chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử năm ngoái. Ông cũng là người “thiết kế” hàng loạt chính sách gây tranh cãi như cấm nhập cảnh với công dân nhiều quốc gia Hồi giáo, Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hủy bỏ các hiệp định thương mại quốc tế… Đỉnh điểm của những chỉ trích nhằm vào ông là việc ông có thể đã góp phần khơi mào cho  làn sóng cực hữu gây ra vụ bạo lực tại Charlottesville - khiến ông Donald Trump phải hứng chịu búa rìu dư luận.

Giới phân tích nhận định sự ra đi ồ ạt của hàng loạt tên tuổi cấp cao trong chính quyền Mỹ không chỉ khiến cuộc khủng hoảng nhân sự tại Nhà Trắng ngày càng trầm trọng, mà còn đặt ra câu hỏi: phải chăng Tổng thống Donald Trump đã sai lầm khi áp dụng mô hình lãnh đạo doanh nghiệp vào bộ máy chính quyền?

Hồi chuông báo động?

Không thể phủ nhận việc nhà lãnh đạo Donald Trump lên nắm quyền dã làm thay đổi đời sống chính trị của Mỹ, tuy nhiên những gì diễn ra khiến giới phân tích đặt câu hỏi: liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có khiến con thuyền nước Mỹ đi chẹch hướng? Sau một loạt sự ra đi của các nhân sự cấp cao, dường như nước Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị liền kề bởi những quyết định thất thường của Tổng thống.

Nhà Trắng đau đầu vì nhân sựPhó Trợ lý của Tổng thống Donald Trump, ông Sebastian Gorka đã rời khỏi Nhà Trắng.

Việc ông Steve Bannon ra đi là một ví dụ. Kể từ khi nhậm chức vào hồi tháng 1, ông Steve Bannon đã là trợ lý cấp cao thứ 5 rời Nhà Trắng chỉ trong vòng 7 tháng. Trước ông Bannon là hàng loạt những tên tuổi khác như Cố vấn an ninh Michael Flynn, Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer, Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, và Giám đốc truyền thông Anthony Scaramucci bị sa thải sau có 10 ngày tại nhiệm. Sự ra đi của ông Steve Bannon được cho là sẽ làm đảo lộn chính sách dân túy cũng như các chính sách khác, bởi 3 nhân vật quan trọng của Nhà Trắng hiện nay, gồm tân Chánh Văn phòng John Kelly, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R.Mc Master và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đều xuất thân “quan võ”, là những tướng lĩnh quân đội.

Một câu hỏi lớn sau khi ông Steve Bannon ra đi là Mỹ sẽ theo đuổi chính sách nào với Trung Quốc?

Giáo sư Jeffrey D.Sachs cho rằng Washington có 2 trung tâm quyền lực lớn là Quốc hội và Nhà Trắng nhưng cả hai đều trong tình trạng hỗn loạn. Bởi ngày càng xảy ra những khuynh hướng “nguy hiểm” trong nội bộ chính quyền.Tại Quốc hội, tình trạng thiếu ngân sách và ảnh hưởng của giới tỷ phú được cho là 2 nguy cơ lớn lũng đoạn các quốc sách của Quốc hội.

Trong khi đó, bất đồng giữa Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ sẽ gia tăng trong bối cảnh khi trở lại làm việc vào ngày 5/9 tới sau kỳ nghỉ hè, các nghị sĩ Mỹ sẽ đưa ra quyết định về ngân sách cho chính phủ hoạt động trong năm 2018, cũng như việc nâng trần nợ công để chính phủ liên bang tiếp tục vay nợ nước ngoài nhằm đáp ứng các nghĩa vụ tài chính trước mắt và tránh nguy cơ vỡ nợ. "Rạn nứt" trong quan hệ giữa Tổng thống Trump và các lãnh đạo quốc hội như lãnh đạo phe đa số tại thượng viện, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell đã lớn dần sau khi ông Trump dùng mạng xã hội Twitter để chỉ trích họ hồi tuần trước. Tổng thống Donald Trump chỉ trích cả ông McConnell và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã "không nghe theo lời khuyên" của tổng thống gắn luật về trần nợ công với luật về cựu chiến binh rất được lòng dân mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua.

Thực tế cho thấy quá trình phê chuẩn các vị trí trong chính phủ chậm chạp, trong khi các vị trí đã lựa chọn liên tục “rơi rụng”, ông Donald Trump được coi là Tổng thống “lận đận” nhất về công tác nhân sự trong các đời Tổng thống Mỹ. Có ý kiến cho rằng, một phần của sự việc này là do ông Donald Trump lựa chọn nhân sự dựa trên cách tiếp cận của một doanh nhân. Sự xuất hiện của rất nhiều tỷ phú trong nội các Mỹ chỉ tạo nên một nội các giàu có nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại, chứ không giúp ông Donald Trump đưa ra được các quyết sạch hiệu quả phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ.

Sự rối ren trên chính trường Mỹ hiện nay, khiến người ta liên tưởng đến câu nói nổi tiếng trong chương trình truyền hình thực tế mà Tổng thống Donald Trump đảm nhiệm nhiều năm trước đây: “Bạn bị sa thải!”.


N.Quang
Ý kiến của bạn