“Nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh…” dưới góc nhìn bác sĩ

30-03-2021 14:54 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - “Vừa quay ra bếp rót cốc nước thì đột nhiên cái máy tính gào lên “nhà tôi 3 đời chữa xương khớp, bà con ai không khỏi cứ gọi cho tôi, giật mình”...

>> Xem thêm: Tin theo quảng cáo "nhà tôi 3 đời bán thuốc nam", nhiều người suy gan, thận

Đó là chia sẻ của BS. Ngô Đức Hùng, khoa cấp cứu A9, BV Bạch Mai khi bị vấp phải “trend” nhà tôi 3 đời đang rầm rộ trên youtube thời gian qua.

BS. Hùng cho biết, vốn là người thích “hóng” mạng xã hội, một ngày đẹp trời  bỗng phát hiện có ông bác hàng xóm ở quê, vốn ngày xưa là công nhân cơ khí, nay mặc áo blouse trắng muốt lo-go trường Y hết sức tiên phong ngồi quảng cáo thuốc 3 đời chữa bệnh.

Cùng tâm trạng như BS. Hùng, chị N.T.V.Y (ở Khu đô thị Nam Trung Yên) đã thốt lên sắp khùng với “ nhà tôi 3 đời” kiểu này. Bởi mỗi khi bật smart TV là quảng cáo cùng âm thanh đập ngay vào tai, vào mắt: “Nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh xương khớp, bà con ai có vấn đề gì về bệnh xương khớp, cứ liên hệ với tôi, tôi cam kết khỏi bệnh”.

Chị Y cho biết, nghe lần 1 thì cũng cho qua nhưng đến vài lần lúc thì "nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh xương khớp, nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh sỏi mật, sỏi thận”, thậm chí “nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh tiểu đường” thì không thể chịu đựng được nữa.

Còn anh T.N.H (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cũng "đau tai" với "nhà tôi 3 đời", vì cậu con trai hơn 1 tuổi thích xem youtube, cứ thỉnh thoảng cả nhà lại giật mình với đoạn quảng cáo "nhà tôi 3 đời" nhảy vào chương trình...

Quảng cáo "nhà tôi 3 đời" khiến nhiều người "đau tai", "nhức óc".

Việc quảng cáo các sản phẩm hỗ trợ chữa bệnh theo đông y đã không còn mới mẻ, đặc biệt là quảng cáo thông qua mạng xã hội facabook, youtube. Gần đây nổi lên phong trào “nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh…”. Các phương thuốc dân gian Đông y còn gọi là thuốc nam, thuốc bắc từ lâu đã ăn sâu bám rễ vào trong tiềm thức nhiều người nên người dân cũng thường ưu tiên lựa chọn vì họ cho rằng thuốc từ thảo dược, từ lá cây nên lành tính, an toàn không nhiều tác dụng phụ. Lợi dụng quan niệm này, vô số các loại thuốc Đông Y không rõ nguồn gốc được quảng cáo tràn lan trên mạng.

Trước đây, các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất hiện nhiều trên mạng xã hội Facebook với những lời quảng cáo quen thuộc như chữa dứt điểm các bệnh xương khớp, sỏi mật, sỏi thận, tiểu đường, hen suyễn, viêm xoang, thậm chí chữa được cả ung thư… đã khiến nhiều người mắc lừa. Một thời gian sau, loại hình quảng cáo này được siết chặt trên facebook thì thuốc đông y lại bắt đầu chuyển hướng sang Youtube.

Trao đổi với phóng viên, GS.TS Trương Việt Bình - Nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết, các sản phẩm quảng cáo về thuốc đông y trị dứt điểm hoàn toàn bệnh đăng tải tràn lan trên facebook là không đúng sự thật, nói quá về tác dụng của sản phẩm. Một số bệnh mãn tính như xương khớp, tiểu đường, thoái hoá cột sống.... không thể chữa khỏi, mà chỉ đỡ một thời gian…

GS. Bình cũng chia sẻ, có đến hơn 40 trang mạng sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của ông cắt ghép vào các video quảng cáo thuốc đông y để bán thuốc chữa khỏi bệnh khiến nhiều người hiểu lầm. "Tôi đã nhiều lần phản ánh, lên tiếng nhưng họ vẫn tiếp tục dùng hình ảnh trái phép..." - GS. Bình bức xúc.

GS. Bình cũng khuyến cáo, người bệnh cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin khi mua thuốc để tránh bị lừa tiền mất, tật mang. Bởi mua thuốc trên mạng sẽ dễ gặp phải tình trạng thuốc không đảm bảo chất lượng và không có thầy thuốc chịu trách nhiệm. Do đó, nếu có bệnh vẫn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị theo đúng phác đồ của thầy thuốc.

PGS.TS Phạm Duệ, Nguyên giám đốc Trung tâm chống độc Bạch Mai cũng cho biết, 30 năm công tác trong ngành, ông gặp rất nhiều trường hợp chữa bệnh theo lời quảng cáo “thuốc đông y gia truyền"  mà nhiều người suy gan, suy thận cấp, có người đã mất mạng.

Thống kê của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, Cục đã xử phạt 45 cơ sở kinh doanh với tổng số tiền là 2,9 tỷ đồng. Trong đó, đa số vi phạm của các công ty là hành vi quảng cáo sản phẩm không phù hợp với tài liệu theo quy định.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng chưa đủ, cần phải có sự cảnh giác từ phía người tiêu dùng thì tình trạng này mới “hết đất sống”.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn