Nhà tiên tri - ấn tượng từ kịch bản đến diễn viên

01-09-2015 15:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2015), khán giả cả nước được thưởng thức bộ phim Nhà tiên tri do Hãng phim Truyện Việt Nam thực hiện.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2015), khán giả cả nước được thưởng thức bộ phim Nhà tiên tri do Hãng phim Truyện Việt Nam thực hiện. Bộ phim này được giới chuyên môn kỳ vọng là tác phẩm tiêu biểu kể về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn lịch sử 1947-1950. Và để có Nhà tiên tri như hôm nay, trước tiên phải kể đến một kịch bản được đầu tư kỹ lưỡng và nghệ sĩ vào vai Bác Hồ.

Nguồn cảm hứng cho kịch bản

Từ lâu, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho các loại hình nghệ thuật, trong đó không thể bỏ qua lĩnh vực điện ảnh. Kịch bản Nhà tiên tri do nhà thơ - nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm chắp bút, đạo diễn phim NSƯT Vương Đức - Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam. Theo chia sẻ của tác giả Hoàng Nhuận Cầm, ông đã ấp ủ viết kịch bản bộ phim này trong khoảng thời gian hơn 7 năm.

Cảnh trong phim Nhà tiên tri.

Sở dĩ phim có tên gọi Nhà tiên tri bởi khi ông đọc hai truyện ngắn Bác viết trong giai đoạn trước năm 1954 là Việt Bắc anh dũng và Giấc ngủ 10 năm, nhà thơ họ Hoàng thấy Bác đã viết về ngày Hà Nội giải phóng. Bên cạnh đó, tác giả kịch bản Nhà tiên tri cho biết, trong rất nhiều tác phẩm khác, Bác như nhìn thấy được những bước đi của lịch sử, của tương lai, giống như một nhà tiên tri kiệt xuất. Bởi thế, trong kịch bản cũng như khi thực hiện các cảnh quay, ông cùng đạo diễn Vương Đức đã tập trung vào tài phán đoán của Bác. Có những thời khắc vô cùng gian khổ, giữa bom đạn chiến tranh, song Bác vẫn nuôi khát vọng hòa bình, vẫn bình tĩnh. “Bác tin tưởng và dự đoán được ngày chúng ta giải phóng Hà Nội” - nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ.

Đam mê với tác phẩm, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm từng bỏ ăn, mất ngủ và phát ốm khi viết kịch bản bộ phim này. Đáng chú ý hơn nữa, trong Nhà tiên tri có trường đoạn Bác Hồ bí mật sang Liên Xô vào đầu năm 1950 vốn không có trong kịch bản ban đầu. Song, khi thực hiện bộ phim, ê-kíp đã quyết định khai thác thêm chi tiết cuộc tiếp xúc của Hồ Chủ tịch với nhà lãnh đạo Xta-lin để làm nổi bật tầm nhìn và sự lãnh đạo sáng suốt của Người, đặc biệt là trong việc thuyết phục nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ Việt Nam và đặt nền móng cho quan hệ ngoại giao với nước bạn.

Đến vai diễn Bác Hồ

Trong phim Nhà tiên tri, đạo diễn Vương Đức đã khắc họa hình ảnh Bác Hồ là nhân vật trung tâm xuyên suốt các sự kiện và tuyến nhân vật. Quan điểm của tác giả kịch bản và đạo diễn phim Nhà tiên tri, đó là bộ phim phải thể hiện hình tượng Bác Hồ một cách bình dị, tự nhiên không thần thánh hóa. Bởi thế, trong phim này, Bác hiện lên trong lòng nhân dân vừa giản dị, vừa vĩ đại, hòa vào không gian bao la của núi rừng, người dân Việt Bắc như một chiến sĩ trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Những chiến lược, quyết sách lớn được Bác phổ biến tới chiến sĩ, đồng bào theo một cách rất đơn giản, dễ hiểu. Xem phim Nhà tiên tri, khán giả trong và ngoài nước thêm một lần nữa nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ kiệt xuất, bên cạnh đó, sự bình dị, gần gũi của Người đã làm nên cốt cách một con người vĩ đại và làm nên những điều vĩ đại.

Một điểm đặc biệt nữa trong phim Nhà tiên tri, đó là việc tìm diễn viên vào vai Bác Hồ được đặt ra với ê-kíp làm phim, đó là phải tìm được nhân vật có ngoại hình và diễn xuất truyền tải được thần thái, con người... của Bác. Với Nhà tiên tri, từ khi kịch bản chưa hoàn thành, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã “ngắm” NSND Bùi Bài Bình vào vai diễn Bác Hồ cho tác phẩm điện ảnh này. Và khi bộ phim bấm máy, NSƯT Vương Đức đã có lời mời NSND Bùi Bài Bình vào vai diễn khó nhất trong tác phẩm điện ảnh Nhà tiên tri.

NSND Bùi Bài Bình chia sẻ, khi nhận được lời mời vào vai Bác Hồ trong Nhà tiên tri, diễn viên từng nổi tiếng với các bộ phim chính luận như Gió làng Kình, Ma làng... cảm thấy tự hào và đặt quyết tâm cao nhất để hoàn thành vai diễn có một không hai trong đời. Trước hết, để giống ngoại hình của Bác trong thời kỳ 1947-1950, NSND Bùi Bài Bình phải “ép” cân nặng của mình từ 56kg xuống 50kg. Thậm chí có khoảng thời gian, NSND Bùi Bài Bình chỉ uống cà phê, ăn kiêng... đến lả người. Bên cạnh việc “chỉnh” lại ngoại hình để giống Bác trong thời gian ở Việt Bắc, NSND Bùi Bài Bình còn bỏ ra nhiều thời gian nghiên cứu các tư liệu lịch sử về Bác Hồ, kể cả ông đọc cuốn Đời sống Hồ Chí Minh của William J.Duiker.

NSND Bùi Bài Bình tâm niệm, vào vai Bác Hồ vẻ bề ngoài rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả là người diễn viên phải thể hiện được tinh thần và “con người bên trong” và những tình cảm mà Bác dành cho chiến sĩ, đồng bào. Cũng theo NSND Bùi Bài Bình, trong phim Nhà tiên tri, có lúc ông hút chết vì có lần thực hiện cảnh quay trên lưng ngựa, con ngựa vốn đã “quen chủ” bỗng hất tung NSND Bùi Bài Bình xuống đất, may sao cái yên ngựa nặng 20kg rơi sang bên cạnh vỡ tan chứ “nó mà rơi vào mặt tôi thì chết”. Ngoài ra, để có khẩu hình chuẩn cho việc lồng tiếng khi phim đóng máy, NSND Bùi Bài Bình được 3 ông thầy dạy tiếng Pháp, Trung, Nga. Việc lồng tiếng Việt cho vai Bác Hồ trong Nhà tiên tri do NSƯT Tiến Hợi thực hiện, 3 người khác lồng tiếng nước ngoài. Điều đó cho thấy nỗ lực những người thực hiện muốn bộ phim có chất lượng về nhiều mặt, đồng thời thể hiện tấm lòng tri ân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phạm Quỳnh

 

 

 


Ý kiến của bạn