Nhà thuốc ở Hà Nội mỗi nơi một giá

11-03-2022 19:05 | Y tế

SKĐS - Nhu cầu vật tư y tế, thuốc không kê đơn của người dân Hà Nội trong những ngày gần đây tăng cao, do vậy các mặt hàng phòng, chống và điều trị COVID-19 trở lên khan hiếm. Phóng viên Báo SK&ĐS đã đi khảo sát và thấy mỗi nơi một giá.

Cách một trăm mét "chênh" nhau mấy chục nghìn đồng

Cần mua 5 lọ nước muối sinh lý 500ml, nhưng chị Ngà Anh, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội phải đi 3 nhà thuốc vẫn không thể mua đủ. Nơi thì chỉ bán cho tối đa mỗi người 2 lọ, nơi chỉ còn dạng gói, nơi thì không còn. Do vậy, Ngà Anh đành nhờ bạn ở quận khác mua giúp rồi gửi ship đến. 

Nhiều đợt thanh kiểm tra nhưng giá thuốc vẫn "loạn" - Ảnh 1.

Các loại thuốc được Ngà Anh chuẩn bị trong đợt mắc COVID-19.

Với một đơn thuốc gồm 5 gói thuốc hạ sốt, 02 chai nước muối sinh lý 500ml, 01 lọ siro ho và 2 que test nhanh của Hàn Quốc, chúng tôi đi hai cửa hàng tại khu vực Cầu Diễn, Hà Nội và ghi nhận mỗi nơi mức giá khác nhau. Tại cửa hàng đầu tiên được báo giá 3 nghìn đồng một/ gói thuốc hạ sốt, 5 nghìn đồng/chai nước muối sinh lý, 72 nghìn đồng/ lọ siro ho và 95 nghìn/ que test nhanh. Tổng đơn thuốc là 287 nghìn.

Khi chúng tôi thắc mắc tại sao kít xét nghiệm đã giảm giá so với trước mà giá ở cửa hàng vẫn cao, nhân viên bán hàng cho biết do lô hàng này nhập giá cao nên phải bán cao, cửa hàng cũng không được lãi nhiều. 

Điều đáng nói là cũng đơn thuốc này, chúng tôi di chuyển sang một nhà thuốc khác cách đó vài trăm mét thì kít xét nghiệm nhanh lại có giá 80 nghìn đồng/ que, siro ho là 69 nghìn đồng/lọ, nước muối sinh lý là 4 nghìn đồng/ lọ và 5 gói thuốc hạ sốt có giá là 10 nghìn đồng. Tổng đơn thuốc là 249 nghìn đồng.

Như vậy, với một đơn thuốc tại 2 cửa trên cùng một con phố đã chênh lệch gần 40 nghìn đồng. Trong đó kít xét nghiệm là mặt hàng chênh giá nhiều nhất 15 nghìn một que.

Nếu tính đơn lẻ không đáng là bao, tuy nhiên với sức mua lớn như hiện nay, đặc biệt là các mặt hàng này rất ít khi mua lẻ mà thường được mua với số lượng nhiều. Mỗi ngày, nhà thuốc ít nhất cũng vài ba chục lượt khách, nếu tính ra thì sự chênh lệch là rất lớn.

Nhiều đợt thanh kiểm tra nhưng giá thuốc vẫn "loạn" - Ảnh 2.

Nhiều mặt hàng khan hiếm trong đợt dịch, nên mỗi nhà thuốc có một mức giá khác nhau. (ảnh N.A)

Chị Thu Hương chủ một quầy thuốc trên đường Hồ Tùng Mậu cho biết: Hiện cửa hàng của chị không có nước muối sinh lý dạng chai, siro ho loại bổ phế cũng không còn.

Theo chị Hương hiện nay nước muối sinh lý khan hiếm, do vậy được khuyến khích nên mua loại gói về pha loãng để sử dụng. Và không chỉ riêng mặt hàng này các loại kít xét nghiệm, thuốc ho bổ phế, vitamin tăng sức đề kháng… cũng khan hiếm, do vậy giá cả của mỗi loại cũng tăng ít nhiều.

Thanh, kiểm tra và phải xử nghiêm có cải thiện được tình hình?

Trong những tháng đầu năm 2022, Sở Y tế Hà Nội và quận, huyện thị xã trên địa bàn đã ra quân kiểm tra 719 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc và các thiết bị y tế, xử lý vi phạm hành chính 67 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 700 triệu đồng, thu hồi giấy phép của 12 cơ sở.

Hà Nội hiện có 7.869 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc. Trong đó 6.392 cơ sở bán lẻ như nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc; 1.281 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và 196 loại hình khác.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tiến hành rất nhiều đợt kiểm tra nhằm bình ổn giá cả các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên với số lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn như hiện nay thì việc thanh tra chỉ như muối bỏ bể.

Công tác thanh kiểm tra cần được siết chặt hơn, tăng cường thanh tra liên ngành kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm để bảo về quyền lợi và sức khỏe người dân.

Thuốc điều trị COVID-19: Không nên dự trữThuốc điều trị COVID-19: Không nên dự trữ

SKĐS - Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 của Hà Nội liên tục ở mức cao khiến người dân lo lắng, đổ xô đi mua thuốc và thiết bị phòng dịch.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn