Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 4 nhà thuốc. Các nhà thuốc đã triển khai đầy đủ việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông việc cung ứng thuốc. Các danh mục thuốc, dữ liệu bán thuốc hàng ngày được cập nhật đầy đủ trên cổng thông tin theo quy định.
Tại nhà thuốc của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, đoàn kiểm tra của Sở Y tế phát hiện, nhà thuốc của bệnh viện mới thực hiện kết nối, cập nhật dữ liệu của 292/401 danh mục thuốc. Nhà thuốc này cũng chưa cập nhật thông báo thu hồi, tiêu hủy các loại thuốc kém chất lượng, chưa cập nhật thuốc tồn kho, vi phạm việc cập nhật dữ liệu thuốc theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung – Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, việc các nhà thuốc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin là quy định bắt buộc, nơi nào không chấp hành sẽ bị xử lý.
Do đó, Sở Y tế yêu cầu nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc khẩn trương khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời giao cho Phòng Y tế quận Ba Đình tiếp tục giám sát việc thực hiện của nhà thuốc.
Nếu sau 2 tuần, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc không khắc phục sai phạm, Sở Y tế sẽ xem xét thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của nhà thuốc.
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra tại Nhà thuốc Bệnh viện Hồng Ngọc
95% quầy thuốc đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông việc cung ứng thuốc
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện 100% nhà thuốc và 95% quầy thuốc trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông việc cung ứng thuốc.
Đây là giải pháp cần thiết nhằm giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá thuốc, đồng thời giúp cơ quan chức năng có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn và mua bán thuốc theo đơn, kịp thời thu hồi thuốc bị đình chỉ lưu hành… Sau khi nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện việc kết nối, Sở Y tế đang tăng cường công tác hậu kiểm.
Để triển khai việc kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc, thời gian qua, Sở Y tế đã thông báo về yêu cầu kết nối, bán thuốc kê đơn theo quy định đến các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; nhà thuốc, quầy thuốc. UBND quận, huyện, thị xã đã thông báo về yêu cầu kết nối, bán thuốc kê đơn theo quy định đến các nhà thuốc tư nhân, các quầy thuốc tư nhân trên địa bàn. Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp với Viettel Hà Nội tổ chức 126 lớp tập huấn các quy định về bán thuốc kê đơn, kết nối cho 6.135 cơ sở (đạt 89%). Trong đó bao gồm 1.184 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhà thuốc, quầy thuốc trong cơ sở y tế công lập, nhà thuốc, quầy thuốc thuộc doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa (đạt 77%); 4.951 nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân (đạt 92%). Kết quả, đến hết tháng 5/2019, tổng số cơ sở cung ứng thuốc thực hiện kết nối là 5.862/6.881 đạt 85,2%. Trong đó, số cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện kết nối 5.531/5.752 cơ sở, đạt 96,2% gồm nhà thuốc có 3.490/3.490 cơ sở, đạt 100%; quầy thuốc có 2.041/2.262 cơ sở, đạt 90,2%.
Tuy nhiên, việc kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc gặp không ít khó khăn, tiến độ kết nối quầy thuốc tư nhân tại một số huyện còn chậm. Điển hình như huyện Quốc Oai có 36/73 cơ sở, đạt 49,3%, huyện Thanh Oai có 29/53, đạt 54,7% cơ sở, huyện Sóc Sơn có 213/279 cơ sở, đạt 76,3%, huyện Mỹ Đức có 22/28 cơ sở, đạt 78,6%.
Nhằm giám sát các cơ sở cung ứng thuốc thực hiện kết nối liên thông, thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Tổ công tác của thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc tại 11 quận, huyện, thị xã; 2 công ty dược phẩm cổ phần hóa nhà nước (Hapharco, Hataphar). Qua kiểm tra cho thấy, công tác tổ chức, kiểm tra việc thực hiện kết nối liên thông các cơ sở tại một số quận, huyện chưa được chú trọng. Kiểm tra tại 56 cơ sở đã thực hiện kết nối, một số chưa cập nhật dữ liệu đầy đủ, thường xuyên, một số cơ sở còn chưa thực hiện thành thạo sử dụng phần mềm.
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết nối liên thông tại 271 cơ sở. Trong đó, huyện Ứng Hòa 9 cơ sở, Mê Linh 16 cơ sở, Sơn Tây 17cơ sở, Nam Từ Liêm 32 cơ sở, Ba Vì 12 cơ sở, Đan Phượng 16 cơ sở, Sóc Sơn 30 cơ sở, Bắc Từ Liêm 15 cơ sở, Cầu Giấy 5 cơ sở, Hà Đông 20 cơ sở, Đông Anh 36 cơ sở, Hai Bà Trưng 9 cơ sở, Hoài Đức 22 cơ sở, Thanh Oai 10 cơ sở, Long Biên 36 cơ sở, Thạch Thất 20 cơ sở, Tây Hồ 9 cơ sở, Phú Xuyên 12 cơ sở. Xử phạt vi phạm hành chính 50 cơ sở.
Tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc, thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho các cơ sở cung ứng thuốc để nâng cao trình độ công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm. Đồng thời, hiểu rõ lợi ích của việc thực hiện kết nối liên thông; tăng cường kiểm tra hoạt động kê đơn thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh; việc thực hiện bán thuốc theo đơn của các cơ sở bán lẻ thuốc. Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.