Nhà thơ Y Phương, những điều ở lại trong ký ức bè bạn...

11-02-2022 07:57 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tiễn biệt nhà thơ Y Phương, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: Thơ ca của Y Phương là giọng nói của thời đại ông sống nhưng ngập tràn tinh thần văn hóa Tày huyền ảo và thẳm sâu.

Nhà thơ Y Phương, người viết bài thơ nổi tiếng "Nói với con" đột ngột qua đờiNhà thơ Y Phương, người viết bài thơ nổi tiếng 'Nói với con' đột ngột qua đời

SKĐS - Nhà thơ Y Phương, người dân tộc Tày đã đột ngột qua đời tối 9/2/2022 (mùng 9 Tết Nhâm Dần) khiến nhiều người bàng hoàng, tiếc nhớ.

Vào lúc 20 giờ ngày 9/2/2022, nhà thơ Y Phương đột ngột qua đời tại nhà riêng, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, đồng nghiệp, bạn đọc yêu mến thơ ông. Chiều tối 10/2/2022, tang lễ nhà thơ Y Phương được gia đình và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Thi thể tác giả bài thơ Nói với con được hỏa táng, sau đó gia đình đưa trở về Cao Bằng - nơi ông cất tiếng khóc chào đời và giờ đây ông mãi mãi nằm lại.

Nhà thơ Y Phương, những điều ở lại trong ký ức... - Ảnh 2.

Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước, sinh năm 1948 tại tỉnh Cao Bằng. Ông qua đời ngày 9/2/2022, hưởng thọ 74 tuổi.

Nhà thơ Y Phương được giải A cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987 với tập thơ Tiếng hát tháng Giêng, Giải A của Hội đồng Văn học dân tộc – Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Lời chúc. Năm 2001, tập thơ Chín tháng giúp ông đạt Giải B của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Giải B của Bộ Quốc phòng. Năm 2007, Y Phương được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Không phải nhà thơ Y Phương rời khỏi chúng ta mà ông đang hòa vào chúng ta…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đọc điếu văn khái quát lại cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ Y Phương, tiễn đưa thi sĩ người dân tộc Tày về cõi vĩnh hằng với bao luyến thương, tiếc nuối với người ở lại.

Nhà thơ Y Phương từng kinh qua nhiều chức vụ như Phó Giám đốc Sở Văn hóa thông tin, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam... Nhưng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tất cả những con số đó chỉ là những cây cột số thông thường trên con đường cuộc đời ông. Điều làm nên tên tuổi ông và giữ ông ở lại trong ký ức chúng ta là thơ ca và nhân cách của ông.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, không một thứ gì có thể thay đổi con người Y Phương, không gì có thể làm mờ đi những vẻ đẹp Tày trong những câu thơ và cả trong cuộc sống hàng ngày của ông. Những vẻ đẹp ấy mỗi ngày lại lớn lên và bất diệt trong tâm hồn ông và trong tác phẩm ông. Văn hóa của dân tộc ông chính là hơi thở ông, là máu chảy trong huyết quản, là tôn giáo và là đạo sống của nhà thơ Y Phương. Bởi thế thơ ca của ông là giọng nói của thời đại ông sống nhưng ngập tràn tinh thần văn hóa Tày huyền ảo và thẳm sâu.

Nhà thơ Y Phương, những điều ở lại trong ký ức... - Ảnh 4.

Nhà thơ Y Phương trong buổi giao lưu với học sinh Khối 9 trường Nguyễn Siêu (Hà Nội), tháng 4/2019.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ngày hôm nay, không phải Y Phương rời khỏi chúng ta mà ông đang hòa vào chúng ta, hòa vào đời sống, hòa vào những làn mưa ấm và chồi lộc cùng hoa thơm của những ngày tháng Giêng mà ông đã từng ngợi ca bằng những câu thơ đẹp và trang trọng của mình.

Cho dù đau thương, nhưng chúng ta – những người thấu hiểu thi ca của Y Phương và đời sống của ông đã nhìn thấy con đường từ lúc ông sinh ra, lớn lên, sống, sáng tạo và dâng hiến cho nghệ thuật cũng như cho cuộc đời này. Đấy là con đường của những vẻ đẹp thi ca và vẻ đẹp của một tâm hồn rộng lớn và nhân ái.

Nhà thơ Y Phương là một minh chứng về một vùng văn hóa đã làm nên tâm hồn và cốt cách một con người thuộc về vùng văn hóa đó. Và con người đó đã làm cho những vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình hiển lộ như sự mở cánh của một bông hoa và tỏa hương thơm.

"Tản văn Y Phương đẹp lắm"

Không chỉ có những tác phẩm thơ làm lên một vẻ đẹp riêng biệt trong thế giới thi ca tiếng Việt như Nói với con, Tiếng hát tháng Giêng, Đàn then, Chín tháng, Đò trăng, Vũ khúc Tày…, nhà thơ Y Phương còn cho thấy tài năng trong địa hạt văn xuôi, đặc biệt là tản văn.

Nhà văn Uông Triều chia sẻ: "Y Phương là người bạn lớn của tôi", một người viết tản văn thuộc hàng mẫu mực. Một lần nhà văn Uông Triều gọi điện cho nhà thơ Y Phương, đề nghị gửi cho một bài tản văn. Vậy mà, nhà thơ Y Phương gửi cho Uông Triều nguyên cả tập bản thảo Fừn nèn - củi Tết chưa in của ông.

Nhà thơ Y Phương, những điều ở lại trong ký ức... - Ảnh 5.

Fừn nèn - củi Tết, tập tản văn đặc sắc của nhà thơ Y Phương.

"Thế là tự dưng tôi kiếm được kho tàng béo mẫm, tha hồ đánh chén mà không phải lo gì. Lâu lâu tôi lại rút một cái tản văn của Y Phương ra in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ai đọc cũng tấm tắc khen hay", tác giả cuốn tiểu thuyết Cô độc cho biết.

Theo đánh giá của nhà văn Uông Triều, tản văn Y Phương đẹp lắm, ông viết kiểu dệt gấm thêu hoa, thứ gì ông viết cũng khiến nó thơ mộng, nhí nhảnh, nhiều màu sắc và sinh động, đúng như cái kiểu hồn nhiên của người Tày quê ông. Tản văn của Y Phương chủ yếu về miền núi, ông đã làm cho núi rừng vùng Trùng Khánh, Cao Bằng sinh động, thơ mộng hẳn lên.

Nhà thơ Y Phương, những điều ở lại trong ký ức... - Ảnh 6.

Thơ ca của Y Phương là giọng nói của thời đại ông sống nhưng ngập tràn tinh thần văn hóa Tày huyền ảo và thẳm sâu

Tản văn tuy là thể loại dễ đọc nhưng viết hay rất khó, thường rơi vào hời hợt, sến súa. Sự đặc sắc của tản văn Y Phương là dù một nét nhỏ thoáng qua văn hoá, cảnh sắc, phong tục nhưng ông vẫn chuyển tải những thông điệp có ý nghĩa, những suy ngẫm trong đó với sự cẩn trọng và tinh tế của câu chữ. 

"Ông dùng chữ tinh luyện và sinh động lắm, thế mà 9 tuổi ông mới học tiếng Việt và thuở bé, nói tiếng Kinh và học chữ là hai thứ ông sợ nhất", nhà văn Uông Triều đánh giá về tản văn của Y Phương.

Đọc cuốn tản văn Fừn nèn - củi tết của Y Phương, PGS.TS – dịch giả Nguyễn Văn Dân nhận định, văn hóa người Tày trong tản văn Y Phương hiện lên thật phong phú và đẹp đẽ. Nó đúc kết những sáng tạo thú vị của người dân hiền lành lam lũ, đặc biệt là tiếng Tày, một thứ tiếng nói ra nghe như tiếng sóng. Nhưng, giống như mọi dân tộc khác, nó cũng có những tục lệ văn hóa buồn, nhất là tục tảo hôn. Có thể nói, tản văn Y Phương như là một tập thơ, trong đó có những bài vui và những bài buồn.

Với nhà thơ Văn Công Hùng, Y Phương là người hiền lành, hóm và vui tính. Ngoài thơ, đọc tản văn của Y Phương… rất sướng. Ngoài chuyện, ông dùng chữ và hình ảnh rất tài, để tất cả nó cứ hiện lên mồn một dù ông viết về một góc cái làng xa lắc của ông hay món bánh không thất truyền cũng rất khó kiếm bây giờ.

Con gái viết sách về cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Vân Con gái viết sách về cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Vân

SKĐS - Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau, cuốn sách được con gái ông- Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh chấp bút và biên soạn, vừa ra mắt dịp đầu xuân Nhâm Dần.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn