Thương tiếc nhà thơ Y Phương
Tối muộn 9/2, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, tác giả tập thơ Tiếng hát tháng Giêng (Giải A của Hội Nhà văn Việt Nam 1987) – nhà thơ Y Phương đã qua đời. "Tôi nghe tin từ con rể ông là họa sĩ, nhà văn Hoàng A Sáng khi đang trên đường về nhà muộn. Tôi không tin đó là sự thật. Bởi trước Tết ông còn đến Hội Nhà văn dự sự kiện và còn nói chuyện vui vẻ với mọi người", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bùi ngùi.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Y Phương là người dân tộc Tày, đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Y Phương sống ở Cao Bằng, sau đó theo con về Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, luôn cảm thấy những ngọn gió và những câu hát tháng Giêng từ núi cao cố hương Y Phương theo ông về chốn đô thành.
"Những ngọn gió và những câu hát tháng Giêng ấy ban ngày bị chìm khuất trong ồn ĩ của người và xe nơi thành phố, nhưng đêm đêm lại trỗi dậy thổi qua ngôi nhà ông, làm ông nhiều lúc khóc như một cậu bé Tày ba tuổi, và đưa ông về nơi chôn nhau cắn rốn của ông.
Nhiều lúc, ông phải kêu lên trong buồn bã bởi nhớ quê. Nhất là những năm tháng tuổi già ít về được cố hương ông. Nhưng giờ ông đã hoàn toàn được trở về nơi chốn ấy để gặp tổ tiên, ông bà, cha mẹ ông và để chìm đắm trong những câu hát tháng Giêng thánh thiện của xứ sở mình. Xin cúi đẫu tiễn biệt ông, một tài năng đặc biệt và một nhân cách lớn. Thương tiếc nhà thơ Y Phương", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bình luận.
Nhận thông tin từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về sự ra đi đột ngột của nhà thơ Y Phương, nhiều văn nghệ sĩ và bạn đọc đã chia sẻ cảm xúc đau buồn khi nền văn học vừa mất đi một tác giả tài năng. PGS.TS, dịch giả Nguyễn Văn Dân viết: "Ôi buồn quá, tiếc thương một người thơ! Xin vĩnh biệt một người bạn văn". Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát xúc động: "Ôi đột ngột thế. Hôm sự kiện tại Hội nhà văn, anh ấy đi trước chị lên nhận quà mà - chỉ thấy đôi chân bị tê thấp đi khó khăn thôi. Chân thành chia buồn cùng gia đình nhà thơ".
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn quá bất ngờ trước sự ra đi của Y Phương bởi thi thoảng nhà thơ dân tộc Tày thường bình luận rất tếu trên trang mạng xã hội của tác giả bài thơ Hương thầm. Nhà thơ Chử Thu Hằng, Hồ Minh Tâm có cùng cảm xúc khi cho biết khói đã bay về trời, thương tiếc một nhà thơ tài năng, tốt bụng, mộc mạc và nhân hậu. "Vô cùng thương tiếc nhà thơ đặc sắc Y Phương. Chắc còn lâu lắm mới có một nhà thơ Tày đặc sắc đến thế", nhà thơ Phạm Hồ Thu ngậm ngùi.
Y Phương, một nhà thơ tài năng của văn học Việt
Theo thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Y Phương qua đời sau một cơn đau tim vào tối ngày 9/2/2022, hưởng thọ 74 tuổi. Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước, sinh năm 1948 tại tỉnh Cao Bằng. Hai mươi tuổi, ông nhập ngũ cho đến 1981 chuyển về công tác tại Sở văn hóa thông tin Cao Bằng. Từ năm 1976 - 1979, Y Phương học trường Điện ảnh Việt Nam, rồi học khóa II Trường Viết văn Nguyễn Du (1982-1985).
Năm 1986, ông về công tác tại Sở văn hóa thông tin Cao Bằng. Từ năm 1991, ông là Phó giám đốc Sở văn hóa thông tin Cao Bằng, rồi Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Cao Bằng. Đại hội Hội Nhà văn Việt nam khóa VI, ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong cuộc đời cầm bút, nhà thơ Y Phương đã ghi dấn ấn với công chúng qua rất nhiều tác phẩm như: Nói với con (thơ); Tiếng hát tháng Giêng (thơ); Lửa hồng một góc (thơ in chung); Lời chúc (thơ); Đàn then (thơ); Thơ Y Phương; Thất tàng lồm (Ngược gió) - tập thơ song ngữ; Chín tháng (trường ca); Đò trăng (trường ca); Vũ khúc Tày - tập thơ song ngữ, Người hoa núi (kịch bản sân khấu)… và nhiều tập tản văn khác như Fừn nèn - củi tết.
Y Phương đã được nhận Giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải A của Hội nhà văn Việt Nam, Giải A của Hội đồng văn học dân tộc – Hội nhà văn Việt Nam, Giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Giải B của Bộ Quốc phòng với tập trường ca Chín tháng.
Trong số các tác giả thơ xuất hiện từ sau 1975, Y Phương là một nhà thơ có bản sắc, một giọng điệu đáng chú ý trong nền thơ Việt Nam nói chung và trong nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng. Nét độc đáo đó nằm ở cả nội dung và hình thức. Với Y Phương, thơ của dân tộc Tày nói riêng và thơ Việt Nam nói chung có thêm một giọng điệu mới, một phong cách mới.
Nhà thơ Hữu Việt nhận xét thơ Y Phương mộc mạc mà sâu sắc, hồn nhiên mà minh triết, có sức gợi bất ngờ, lạ lùng từ những điều gần gũi. Sự ra đi của nhà thơ Y Phương thực sự đã để lại một khoảng trống trên văn đàn và trong lòng bè bạn, những người yêu quý thơ ông.
Bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương rất nổi tiếng, được bạn đọc yêu thích và tác phẩm được lựa chọn đưa vào Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 9. Tác phẩm này với những lời thơ mang đậm dấu ấn văn hóa người Tày, cũng như nhiều chiêm nghiệm từ cuộc sống, thể hiện tình cảm gia đình: Người đồng mình yêu lắm con ơi/ Đan lờ cài nan hoa/ Vách nhà ken câu hát/ Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng.
Nói với con đã ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương, đất nước. Độc giả và các thế hệ học trò sẽ nhớ những lời dặn dò, khích lệ của Y Phương trong tác phẩm này: người đồng mình tuy thô sơ da thịt/ không bao giờ được nhỏ bé đâu con.