Nhà thơ Vũ Từ Trang: Mộng văn chương khiến tôi đổi nghề

20-07-2014 06:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Kiêm nhiều nghề, trong đó có cả nghiên cứu nghề cổ đất Việt nhưng với nhà thơ Vũ Từ Trang, nghiệp thơ không rời bỏ ông.

Cũng như nhiều người làm văn chương, từng trải qua nhiều nghề, ông từng làm việc ở Bộ Xây dựng, rồi làm phóng viên báo Tiểu công nghiệp Thủ công nghiệp, báo Doanh nghiệp và lại cả nghiên cứu nghề cổ đất Việt nhưng với nhà thơ Vũ Từ Trang, nghiệp thơ không rời bỏ ông.

Nguyễn Thanh Kim (N.T.K): Ông cho biết sự hấp dẫn sâu thẳm trong đời cầm bút của ông?

Vũ Từ Trang (V.T.T): Thực ra, đời người có những khúc ngoặt bất ngờ. Tôi từng được đến nhiều vùng đất, được gặp nhiều mẫu người, lăn lộn qua nhiều nghề nhưng nghiệp viết vẫn đeo đuổi. Lý do đơn giản là tôi ham viết. Ngay thuở thiếu thời, tôi đã mê đọc và tập viết. Lớn lên, tôi càng khao khát viết. Mộng chữ nghĩa đã cho tôi đổi nghề.

Tôi về làm việc ở tờ báo Tiểu công nghiệp Thủ công nghiêp, rồi báo Doanh nghiệp cũng là sự tình cờ. Năm 1974, học xong khóa 6 Trường bồi dưỡng viết văn Hội Nhà văn tổ chức, tôi quyết định bỏ nghề kiến trúc để sống chết với nghiệp viết. Khi ấy, một số kiến trúc sư bạn tôi hỏi tôi liệu quyết định có hồ đồ không? Tôi không nói gì, chỉ cười và thầm quyết dấn thân với con đường chữ nghĩa, cho dù có trập trùng, xa ngái. Tờ báo tôi làm chỉ là tờ báo ngành, vậy mà tôi rất thú vị. Tôi được phân công chuyên nghiên cứu về các tổ nghề, các nghề và đi viết về các làng nghề thủ công truyền thống. Tôi có may mắn đi hầu hết các miền đất nước, vì làng quê nào mà chả có nghề thủ công. Những ghi chép, những tài liệu tra cứu cứ dày dần trong tôi. Thế rồi tôi có ý tưởng viết lại sự tiến triển nghề thủ công nước mình. Ngoài hàng trăm bài báo đã in lẻ trên các báo, năm 1982, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, tôi cho xuất bản tập khảo cứu Nghề đẹp tỉnh Bắc dày hơn hai trăm trang, khái quát và nghiên cứu kỹ càng các nghề truyền thống ở Bắc Ninh và Bắc Giang. Tôi coi như món quà tinh thần đầu tiên tôi dâng tặng quê hương.

Năm 2001, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc in tập sách khảo cứu của tôi Nghề cổ nước Việt dày 368 trang. Năm 2002, tái bản. Tới năm 2007, tôi được xuất bản tập Nghề cổ đất Việt dày 600 trang. Tôi tự thấy yên tâm, vì đó là công sức nghiên cứu, khảo sát điền dã của mình hơn hai mươi năm đi làm báo. Cuốn sách được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá cao. Tôi chỉ nghĩ giản dị, bao công sức mình bỏ ra không hoài phí và ít nhiều có ích cho cuộc sống.

N.T.K: Có vẻ ông rất nặng lòng với bạn văn một thuở, nhất là những thân phận khuất lấp (người mất, người còn) những năm tháng đó, mặc dù cam go, kể cả sống chết nhưng thật đẹp. Nỗi niềm ấy, ông đã gửi vào Phía sau con chữ - tập chân dung văn học được chọn vào chung khảo của Hội Nhà văn, ý tưởng nào khiến ông làm cuốn sách đó?

Vũ Từ Trang: Tôi có nhiều kỷ niệm với bạn viết. Nghề viết vốn cô đơn và cam go. Sau mọi thăng trầm, tôi muốn ghi lại một số kỷ niệm về những người thân cùng nghiệp chữ nghĩa của mình. Có những người là bạn, có người là bậc cha chú mình. Có người nổi tiếng, có người còn khuất lấp, có người đã thiệt phận. Tôi muốn viết những kỷ niệm chân tình và ấm áp về họ. Ngay cả những người đang nổi tiếng hoặc rất nổi tiếng thì tôi cũng chỉ muốn viết về những ngày tháng mà họ lận đận nhất. Tập sách Phía sau con chữ tôi muốn ghi chép lại tình cảm thiêng liêng và trong sáng với con chữ của một lớp người, của một thời đã qua. Người đọc, qua chân dung các nhà văn, nhà thơ thân mến của tôi phần nào nhận ra con người tôi.

Sau tập Phía sau con chữ, tôi còn xuất bản tập Nhà văn độc hành độc bộ như là sự mở rộng đề tài tôi quan tâm. Ngoài ra, tôi đã xuất bản tập thơ Những vòng tròn không đồng tâm, NXB Hội Nhà văn. Tôi vốn kiệm in thơ. Kể từ tập thơ đầu tiên năm 1977, đến tập thơ mới này là tập thơ thứ năm của tôi. Tập thơ này tôi muốn đề cập đến một thực trạng xã hội. Mỗi chúng ta đang sống trong một thế giới rất nhiều biến động, bất trắc và nhiều lộn xộn. Tôi nghĩ nó đang như những vòng tròn không đồng tâm, chồng chéo, lẫn lộn. Nhưng tôi tin, xã hội cũng như con người, sẽ phải vươn tới là những vòng tròn đồng tâm.

N.T.K: Giữa hai cực mộng mơ và thực tế, vậy ông sáng tác vào lúc nào? Ông có tác phẩm nào sắp công bố?

Vũ Từ Trang: Nghĩ cho cùng, người viết có năng lực thì phải vượt hoàn cảnh. Tôi đang làm tập khảo cứu về làng cổ Trang Liệt (Từ Sơn, Bắc Ninh). Làng có bề dày văn hóa và năng động về làm ăn kinh tế. Từ thời Trần đến thời Nguyễn, làng có 8 vị tiến sĩ. Có vị công danh được khắc trên bia đá ở Văn Miếu (Hà Nội). Làng Trang Liệt chính là quê tôi. Thuở trước, làng có tòa văn chỉ rất nguy nga thờ cúng các vị khoa bảng của làng, có bia đá ghi công trạng của các bậc tiên triết do danh sĩ Phạm Đình Hổ soạn. Cái làng cổ với con đường lát gạch nghiêng và bốn cửa làng xây rất đẹp, nay đang bị đô thị hóa xâm thực. Tôi nghĩ, nếu không sưu tầm, khảo cứu, ghi chép lại nét đẹp văn hóa của làng một thời, hẳn con cháu mai sau không hiểu biết về làng.

Ngoài ra, tôi đang hoàn thành bản thảo tập thơ mới để năm tới xuất bản.

N.T.K: Cảm ơn nhà thơ tham dự cuộc phỏng vấn này!

Nguyễn Thanh Kim (thực hiện)

 


Ý kiến của bạn