Nhiều người “bái phục” nhà thơ Vũ Quần Phương khi nói chuyện thơ hay viết bài bình thơ. Ông nêu ra được nhiều cái hay của những tác phẩm, tác giả nhưng cũng không kém phần tinh tế khi “mổ xẻ” lấy ra những hạt sạn còn vương bụi đâu đó trong những khổ thơ hay câu thơ của một thi phẩm. Những bài bình thơ của Vũ Quần Phương hay và thu hút người đọc như thơ của ông vậy. Minh triết và bất ngờ.
Âm thầm vươn lên từ nỗi cô đơn
Nhà thơ Vũ Quần Phương sinh năm 1940. Quê nội ở Hải Hậu, Nam Định, một miền đất được khai khẩn từ vùng sinh lầy nước mặn, biển Đông. Nhưng đến 6 tuổi, bố mất, cậu bé Vũ Ngọc Chúc (tên khai sinh của nhà thơ) sống trong những khó khăn bộn bề khi thiếu vắng người trụ cột trong gia đình. Mẹ con ông phải ở nhờ nhà thờ họ, rồi ra vùng quê ngoại ở Hà Nội sinh sống, trong căn nhà trọ, rét mướt và heo hút. Sự kiện đó làm cho cậu bé Chúc trở nên hụt hẫng và cô đơn trong nhiều năm tháng sau này. Nhưng được sự tận tụy nuôi dưỡng của người mẹ, Chúc cùng với các em vẫn được học hành và chăm chỉ. Cậu bé Chúc dồn hết tâm trí học tập và phấn đấu trở thành trò giỏi con ngoan trong gia đình. Cả ba cấp cậu đều là học sinh giỏi toàn diện, luôn luôn được những phần thưởng của nhà trường.
Nhà thơ Vũ Quần Phương.
Học càng ngày càng giỏi, học trò Chúc là gương sáng trong nhà trường và thi đậu vào Đại học Y khoa, một trong những trường danh giá nhất vào những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ trước. Đó là niềm vui và vinh dự của người mẹ đã dày công nuôi dưỡng các con nên người. Theo như hồi tưởng của nhà thơ, tình yêu văn chương của mình cũng được manh nha từ đây, ngay dưới mái trường y khoa. Vẫn bản tính lặng lẽ, hiền hòa trong nỗi cô đơn thầm kín, anh coi văn thơ là nơi để giải tỏa những nỗi niềm ẩn giấu trong tâm hồn. Một mặt học về cách phân tích cơ thể con người. Mặt khác anh lại tìm đến những trang văn thơ để thâm nhập vào phần tâm hồn con người. Bên cạnh những giáo trình khoa học, chàng sinh viên Vũ Ngọc Chúc lại đêm đêm nghiền ngẫm những bài học về văn chương. Phần nọ hỗ trợ phần kia. Trực giác khoa học được phả vào phần tâm linh mẫn cảm đã được hình thành trong một cốt cách sáng tạo của nhà thơ đã được hình thành từ đây. Những bài thơ của Vũ Ngọc Chúc cũng ra đời từ đây. Sau những năm miệt mài học tập, anh tốt nghiệp vào loại xuất sắc và được phân công về Bộ Y tế làm việc. Đây là trường hợp duy nhất lúc đó, vì trong 300 sinh viên bác sĩ tốt nghiệp khi đó, chỉ có mình anh được chọn.
Tuy vậy, tâm hồn thơ trong anh luôn bật dậy mỗi khi nỗi cô đơn ập tới. Những câu thơ luôn tuôn trào. Hình tượng thơ lấp lánh thôi thúc trái tim nhạy cảm của anh. Từ đó những bài thơ ra đời. Và, anh đã tìm cho mình một bút danh để tưởng nhớ phần hồn cốt của quê hương. Quần Phương chính là tên gốc của quê anh, nơi hiện còn cây cầu Ngói vắt qua sông Hoành được đánh dấu qua bức thư họa khắc trên cầu “Quần Phương xã kiều” (Cầu xã Quần Phương). Sau này nhà thơ còn có những câu thơ về bút danh của mình: “Tên Quần Phương, thân tha phương. Tôi lấy tên quê làm độ đường. Sáu tuổi tiễn cha về với đất. Nấm mộ ven đường hóa cố hương”. Điều đó cũng nói lên sự nghiêng hẳn về phần tâm hồn của người bác sĩ trẻ từ rất sớm. Bài thơ đầu tiên: Gửi em của anh đã được in trên báo Văn Nghệ, năm 1965 với bút danh Vũ Quần Phương. Thơ anh xuất hiện đều trên các báo và tạp chí vào thời gian sau đó. Nhất là khi tập thơ Cỏ mùa xuân, được in chung với nhà thơ quân đội Văn Thảo Nguyên, năm 1969, anh đã trở thành một hiện tượng. Cái tên Vũ Quần Phương được xếp hạng là những tác giả trẻ có tài thời đó cùng với những tác giả trẻ khác như Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy... Sau này, anh còn được sự gợi ý của cố thi sĩ Chế Lan Viên khuyên, nên rời ngành y để tập trung sáng tác phát huy tài năng. Nhưng sau mấy năm phân vân và trăn trở, mãi tới năm 1972 anh mới dứt áo ra đi, sang làm việc ở buổi phát thanh Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Một chương trình thơ thu hút hàng triệu người nghe trong thời kỳ cả nước sôi sục trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và giải phóng dân tộc. Từ đó Vũ Quần Phương trở thành nhà thơ chuyên nghiệp, qua nhiều giai đoạn phát triển trong sáng tác, cùng nhiều giải thưởng lớn văn học.
Lịch lãm và sang trọng trong thơ
Không biết có phải vì sở học của ông rất sâu sắc, về khoa học cơ thể con người mà ông cũng có phương pháp sáng tác và viết bình thơ, theo mạch tư duy chính xác, chuẩn mực đến vậy. Đó có thể chỉ là phần suy diễn sơ cứng, nhưng phải nói cốt cách của một vị bác sĩ như ông, điềm đạm lịch lãm và sâu sắc đã hình thành một nhà thơ có một phong cách đặc sắc. Say đến độ. Lời đủ ý. Hình đủ tứ. Thơ ông đã vậy mà bình thơ cũng thế, người đọc thấy chí lí và học được nhiều điều từ đó.
Không ít người cho là ông thông minh sắc sảo nên thơ không bay và chữ không “đã”. Nhiều thi phẩm tài hoa nhưng vẫn có phần lạnh, bởi cái thần còn chưa thoát hết. Ông sớm nổi tiếng với hai bài, Áo đỏ và Đợi ngay từ những năm đầu thập niên 70 cho đến nay. Nhất là bài “Áo đỏ” ông sáng tác năm 1973. Có người đã từng phân tích và cho đó là chỉ là một bài thơ còn non lép hơn nhiều bài thơ khác của ông sau này. Nói vậy thật khiên cưỡng, bởi nếu dịch trở lại thời điểm đó cùng với hoàn cảnh ra đời của bài thơ, kể cả giai đoạn thơ của nước nhà khi ấy, mới thấy cái sự tỏa sáng bài thơ Áo đỏ. Tuy chỉ có bốn câu nhưng lại độc đáo và ấn tượng mạnh, trước những cảnh hoang tàn đổ nát: “Áo đỏ em đi giữa phố đông. Cây xanh như cũng ánh theo hồng. Em đi lửa cháy trong bao mắt. Anh đứng thành tro em biết không?”. Đó là một tứ lạ và tình nồng nhiệt. Cái độc đáo của bài thơ không những chỉ là màu sắc mà còn ở hình ảnh sững sờ của ngọn lửa tâm hồn thi sĩ. Bài thơ có giá trị thời đoạn nhưng vẫn bền vững theo thời gian. Thơ của Vũ Quần Phương thường vươn tới sự dài lâu đó.
Nhiều câu thơ của ông đã để lại những suy tư và cảm xúc mà người đọc luôn luôn nhớ tới sự bất ngờ của nó. Nếu như trong bài Đợi nổi tiếng cùng với ca khúc cùng tên do nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc năm 1986, đã gây ấn tượng ở những câu: “Đứng một ngày đất lạ thành quen. Đứng một đời em quen thành lạ”, thì qua bài Cột thu lôi, người đọc lại nhớ ngay được những hình ảnh: “Để thu sét của trời. Người ta nối cột thu lôi vào đất. Nhưng trái tim. Nơi chịu nhiều sét nhất. Nối vào đâu?”. Hoặc cũng với đề tài cầu và sông nước trong bài Cầu và sông, người đọc cũng bị hút theo những vân vi, trong suy tư: “Cầu ở lại còn nước trôi đi. Vẫn gần nhau mà luôn chia ly. Dẫu có vậy nhưng còn được vậy. Tôi là cầu nhưng em là chi?”; Hay về cuộc đời ông viết: “Cứ như người đi câu. Giỏ to mà cá bé. Thời gian như ao hồ sông bể, ở trong có gì?” (Tản mạn ngày Tết)... Không ít những cái kết trong các bài thơ của ông là những câu hỏi. Hỏi tình, hỏi ý. Hỏi cho mình mà cũng hỏi cho người. Cũng giống như “Anh đứng thành tro em biết không?”, đó là những câu hỏi gieo trong lòng người đọc những cảm xúc cuốn đi theo thời gian. Chúng không ngừng lại mà ám ảnh trong lòng. Đó là nét riêng của thơ Vũ Quần Phương, luôn biết độ dừng và gợi, làm tăng sự giao lưu với bạn đọc là vì thế.
Trong số hơn chục tập thơ và sách phê bình đã xuất bản, nhà thơ Vũ Quần Phương có phong cách rõ nét. Đó là sự kiệm lời và chắt chiu câu chữ cho dù chỉ là một thi phẩm ngắn hay bài bình cho một bài thơ. Đồng thời ông là một diễn giả thơ khá đặc biệt. Không say như một thuở thi sĩ Xuân Diệu nói chuyện thơ hay giảng bài trong các lớp sáng tác trước đây, nhưng Vũ Quần Phương lại hóm hỉnh với những ví von, liên tưởng thông minh để lại dư vị khoái cảm cho người nghe. Ông không bao giờ phô diễn mình, với sự uyên bác, dồi dào kiến thức cổ kim, mà chỉ tâm sự, nhỏ nhẹ đôi khi còn tỏ ra thắc thỏm với những vân vi trong lòng để mọi người cùng nghĩ. Nhưng thực chất cuộc nói chuyện của ông lại cuốn hút người nghe với những ý tưởng sâu sắc qua những dẫn chứng phong phú. Nghệ thuật nói chuyện thơ cũng có thể nói sánh ngang với sự nổi tiếng của thơ ông. Đến nay ông đạt kỷ lục với hàng trăm buổi nói chuyện thơ và bình thơ. Cũng là sự hiếm trên văn đàn văn chương hiện nay.
Một ông thầy nhân hậu
Nhiều học sinh đã được học trên lớp hoặc nghe ông nói chuyện ở đâu đó đều chung một nhận xét, đó là một người thầy hiền hậu và nhân ái; nhưng lại ân cần, kỹ lưỡng, thông minh như những câu thơ ông viết. Mỗi lời để gợi mở và đem đến cho người đọc và người nghe một hướng đi. Gặp ông, những học trò như gặp biển chỉ đường, khi lạc lối và phân vân giữa ngã năm, ngã bảy. Thơ ông ít dùng mỹ từ, nhưng vẫn lấp lánh, qua hình ảnh chọn lọc có ý tưởng thẩm mỹ với mục đích dựng tứ vững chãi. Từ đó tư tưởng và những triết lý bật ra. Đó cũng chính là một “kỹ năng” không phải mấy ai cũng có.
Chính vì thế mà ai đọc mỗi bài thơ của ông đều thuộc ngay dù chỉ một câu hết sức độc đáo ở trong đó. Tỷ như: “Trang giấy như gương soi mình xa lạ. Trang giấy như nhà mà ta lang thang”, hay “Em đang gọt trái lê mùa hạ. Vỏ lê như thời gian đang trôi”; hoặc “Năm tháng chẳng trôi đi, năm tháng đọng ở đuôi con mắt. Ở nét cười mái tóc. Ở câu đùa nửa chừng im bặt”... Nhà thơ Vũ Quần Phương là như thế đó, bừng sáng với những tứ thơ độc đáo với những triết lý nhân sinh, nhưng lại biết dừng “Ở câu đùa nửa chừng im bặt”. Sự lọc lõi đó đã làm cho người đọc yêu thơ ông, cùng ngẫm ngợi về những màu sắc ẩn giấu bên trong mỗi bài thơ.
Ông đã xuất bản 15 tập sách, bao gồm sáng tác và nghiên cứu phê bình và được trao nhiều giải thưởng văn học của Hà Nội và Trung ương. Năm 2007, nhà thơ Vũ Quần Phương đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng về Văn học Nghệ thuật.