Nhà thơ và... sức khỏe

28-01-2016 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Vào cuối năm 1973, lúc đó nhà thơ Xuân Diệu đang làm giám khảo cho cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ, khi đọc chùm thơ dự thi của anh lính thông tin Anh Ngọc từ mặt trận Trị Thiên gửi về

Vào cuối năm 1973, lúc đó nhà thơ Xuân Diệu đang làm giám khảo cho cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ, khi đọc chùm thơ dự thi của anh lính thông tin Anh Ngọc từ mặt trận Trị Thiên gửi về, đã nhận xét: “Người ta quý trọng anh vì trình độ tư tưởng của anh, nhưng người ta yêu mến anh vì cái lỗ tai nghe, cái con mắt nhìn, cái trái tim xúc động của anh...”. Sau đó bài Cây xấu hổ của anh được trao giải Nhì (Giải Nhất thuộc về chùm thơ của một anh bộ đội khác - nhà thơ Phạm Tiến Duật).

Nhà thơ Anh Ngọc (đứng đầu bên trái), cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Cao Tiến Lê, nhà văn Phạm Quang Đẩu (cuối năm 2014).

Sau khởi đầu thành công ấy, Anh Ngọc gia nhập đội ngũ ngày càng đông đảo của những nhà văn, nhà thơ quân đội thế hệ chống Mỹ. Anh mang “trái tim xúc động” của mình tiếp tục viết ra những bài thơ, trường ca mới và còn nhận thêm nhiều giải thưởng có giá trị khác, như Sóng Côn Đảo (giải A về trường ca của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1975), Sông Mê Kông bốn mặt (Giải Văn học sông Mê Kông, của Hội Nhà văn 3 nước Đông Dương năm 2008)... Nhưng cũng chính “trái tim xúc động” đã mang lại cho nhà thơ sau này không ít phiền toái, bởi sức khỏe có phần giảm sút theo năm tháng. Thực ra, trái tim hay xúc động với con mắt của người thầy thuốc thường đi liền với những bệnh lý về tim mạch. Quả nhiên, nhà thơ Anh Ngọc đi Viện Quân y 108 khám, bác sĩ đã tìm ra ngay những dấu hiệu của bệnh tim mạch: mỡ máu cao, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh... Lại thêm dạ dày, đại tràng đều... có vấn đề! Bệnh lý đi liền với tâm lý, mỗi khi gặp ai có câu hỏi cửa miệng: “Dạo này sức khỏe của bác (anh) thế nào?”, nhà thơ bỗng trở nên lúng túng, rất ngại trả lời cụ thể. Mà nhà thơ bao giờ cũng thành thật, không giấu bệnh, không giấu nỗi bi quan về sức khỏe, đã giãi bày cả trên giấy trắng mực đen: Một ngày nào đó ta sẽ chết/Sẽ về với Mẹ với Cha ta/Như hồi còn nhỏ đi đâu đấy/Ta vẫn hằng mong trở lại nhà (Mùa xuân nghĩ về cái chết - 1998); hoặc: Tôi đang sống như một người sắp chết/Thân hư hao đã gần đất xa trời/Nhìn tất cả qua một màn sương khói/Thấy cuộc đời mất hút phía xa khơi (Tôi đang sống như một nàng chinh phụ). Có khi nhà thơ còn viết ra những câu thật “gắt”: Ngày sinh giờ đã rời xa/Chỉ còn ngày chết chờ ta cuối trời... Nên nhớ, thời điểm viết ra những vần thơ “bi quan” đó, nhà thơ mới ngoài 50 tuổi.

Đấy là câu chuyện của 10, 15 năm về trước. Đến hôm nay nhà thơ tuổi đã ngoại “thất thập”, vẫn sống nhăn, trẻ, khỏe ra là khác. Ông sáng tác đều (làm thơ và viết tùy bút), như nhận xét của một vài bạn thơ: Anh Ngọc sáng tác càng ngày càng đằm và tươi mới hơn! Hãy đọc những câu thơ kiểu này thì biết sức khỏe ông thế nào: Tôi nhìn trời, trời bỗng trong veo/Tôi nhìn đất, đất đầy hoa trái/Tôi nhìn đời, đời như trẻ lại/Những mắt người trong suốt tựa pha lê... Ông còn đi nói chuyện thơ, điệu đà với dung nhan tươi tỉnh, giọng trầm bổng cuốn hút; lại còn hay lên tivi sôi nổi bình luận về bóng đá nữa (nhà thơ là fan cuồng nhiệt của môn túc cầu). Làm sao có sự chuyển biến thần kỳ trong một con người, ở một khoảng thời gian không phải là dài như vậy?

Hóa ra nhận thức về nhân sinh quan, về sức khỏe với mỗi người cũng có nhiều kiểu cách khác nhau. Phải đến một lúc nào đó họ mới thực sự “ngộ” ra được những điều tưởng như là một chân lý “cũ mèm” và cổ xưa như trái đất. Đến một ngày, nhà thơ chợt nhận ra, không nên để trái tim lúc nào cũng quá xúc động, mà cần để nó “thanh thản”. Ấy, cũng không ngoài lời dạy của cổ nhân: Không nên vui, buồn quá thái, bệnh tật từ đấy mà sinh ra cả. Và theo Đại danh y Tuệ Tĩnh thì: Tinh thần nghi tĩnh, thể chất nghi động. Dường như nhà thơ kể từ đó mới là lúc thực sự “đằm” hơn, biết tiết chế cảm xúc bằng tập luyện trí óc và thân thể, dần dần làm cho trái tim có nhịp đập đều đặn, vững chãi và cơ thể trở nên khỏe mạnh.

Nhà thơ ở sân chim Krakow, Ba Lan, tháng 10/2001.

Tuổi trẻ thì hay phung phí sức. Đến một tuổi nào đó, mỗi người mới chọn được cho mình một cách tiết kiệm sức và tập luyện hợp với sức mình. Các bạn cùng trang lứa với nhà thơ ở “lò” Văn nghệ quân đội, mỗi người có cách “nghi động” khác nhau: nhà văn Nam Hà sớm tối tập xoa bóp khí công tại nhà; nhà văn Chu Lai mỗi buổi chiều xách vợt đi sới bóng bàn; nhà thơ Vương Trọng nhập hội chơi cờ tướng; còn nhà thơ hay xúc động của chúng ta thì chọn cách có thể thư giãn nhất, điều hòa tim mạch tốt nhất là đi bộ. Nhà ông ở khu tập thể số 6 Lý Nam Đế (Hà Nội), mỗi buổi chiều ông thư thái tản bộ vòng quanh Thành Cổ khép kín một chu vi khoảng 5-6km, trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Bước chân khỏi nhà, đến khi về lại nhà, mồ hôi dịn lưng áo là hoàn thành một buổi tập. Sau đó tắm nước nóng, rồi thanh thản vào bữa ăn tối cùng vợ con. Khi còn công tác, đi thực tế để lấy cảm hứng sáng tác, nhà thơ có khi không thể thực hiện việc tập đều đặn như thế. Song những năm gần đây đã nghỉ hưu, ông hoàn toàn chủ động về giờ giấc làm việc, sinh hoạt, lại còn bỏ hẳn được những buổi nhậu nhẹt bù khú vô bổ. Hãy nghe ông nói về cái cách “nghi động” của mình trong một bài tùy bút đã đăng báo: “...Khi tôi đi dọc con đường Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, một công việc mà dạo này tôi làm một cách cần mẫn vào mỗi khoảng thời gian nhàn rỗi, sau buổi làm việc chiều và trước bữa cơm tối. Có ai đó đã nói, đi bộ là hành vi cao thượng của con người. Tôi không biết có đúng thế không, chỉ biết rằng đi bộ là một việc làm rất thích thú, ấy là khi ta gần như được giải phóng hoàn toàn khỏi các ràng buộc của công việc, của xung quanh, ta được từ tốn và nhẩn nha nhấm nháp thiên nhiên, cảnh vật, ta được sống trọn vẹn trong thế giới riêng tư, cả ý nghĩ và tâm hồn ta đều như con ngựa không cương, mặc sức rong ruổi đến cùng trời cuối đất. Khi bàn chân ta ướm trên mặt đất, ta mới cảm nghe được bao nhiêu điều thẳm sâu mà đất vẫn hằng giấu kín” (Đối thoại với hàng cây). Rõ ràng, nhờ có sự vận động thân thể một cách chừng mực, đều đặn, ông đã lấy lại sự cân bằng trong suy nghĩ, làm việc, sáng tác. Đó thực sự là một sự “nghi tĩnh” tuyệt vời cho trí óc.

Thời đại internet thịnh hành, ông còn hăng hái lên “phây”. Có biết bao bạn bè mới mỗi ngày để trò chuyện, giãi bầy, mà chủ yếu trong đó là giới trẻ, có cả những người đẹp từng chép thơ ông vào sổ tay. Ông vốn là phóng viên gạo cội của hai tờ báo viết Quân đội nhân dân và Văn nghệ quân đội, mà giờ lại cổ vũ hết lời cho facebook, như là một cách làm báo thông minh, tự do thoải mái nhất! Cái ông gặt hái được trên mạng xã hội đã bổ sung về mặt tinh thần cho việc rèn luyện đi bộ, bởi vậy sức khỏe càng ổn định, tinh thần phơi phới yêu đời. Ông có cậu cháu đích tôn tên là Olek Quang và sự “phơi phới” ấy thể hiện trong bài thơ khá hay đã đăng trên Văn Nghệ số xuân năm ngoái: Nhiều lúc ông tự hỏi/Đâu ra cái thằng này/Trông nửa Âu nửa Á/Vừa Ta lại vừa Tây/Dẫu mang hai dòng máu/Việt Nam và Ba Lan/Với ông, cháu chỉ một/Là thằng Olek Quang! 2003-2008 (Thơ cho cháu nội).

Suy cho cùng, mỗi người sẽ có cách vận dụng rèn luyện một cách hợp lý nhất với bản thân, sao thuận theo dòng chảy của thời gian. Hãy nghe lời tâm sự nữa của nhà thơ Anh Ngọc về điều này: “Hơn lúc nào hết, ý thức về thời gian đang lay động chúng ta dữ dội... Cái toa tàu của chúng ta nằm trong đoàn tàu của nhân loại đang kéo những hồi còi đắc thắng trong nhịp bánh xe quay rộn ràng theo khúc tráng ca khải hoàn của thời gian” (Cảm xúc thời gian). Phải rồi, bí quyết giữ gìn sức khỏe, xua tan bệnh tật của Đại tá, nhà thơ Anh Ngọc cũng đơn giản, dễ hiểu thôi, giống như bao người khác đã thực thi, đó là một tâm hồn và thể chất trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải thực sự hòa nhập được với môi trường xung quanh của con người và thiên nhiên. Và thuận theo dòng chảy thời gian!


Phạm Quang Đẩu
Ý kiến của bạn