Thẳng thắn, táo bạo mà lãng tử
Tôi chập chững bước chân vào một tòa soạn báo đầu tiên (tạp chí Thời Trang Trẻ) làm việc cuối năm 1993, gặp nhà thơ Trần Quang Đạo ở đó. Lúc ấy, tôi chưa đọc thơ anh, chỉ cảm nhận một ông trung niên tầm thước, khuôn mặt vuông, có nụ cười giễu cợt và kể cả khi cười to thoải mái thì đôi mắt tít lại kia của anh vẫn không giấu nổi sự tinh quái và sâu cay của một người trải đời.
Nhà thơ Trần Quang Đạo.
Mùa đông, anh Đạo hay mặc một áo khoác dày tím đen ngăn ngắt. Màu áo ấy nó điệp với màu môi thuốc lá thuốc lào của anh, như một thứ logo khiến đứa phóng viên trẻ là tôi hình dung rằng, có một ông nông dân nghệ sĩ xịn ẩn sau một ông nhà báo dạn dày. Không những thế, anh Đạo còn hay mời bạn thơ, bạn văn tới văn phòng tòa soạn tạp chí Thời Trang Trẻ, uống trà đặc cắm tăm không đổ và tôi là đứa pha trà, rửa ấm trà cho các anh. Hay tới tòa soạn chơi với Trần Quang Đạo hồi đó có các nhà văn, nhà thơ Hoàng Minh Tường, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Sĩ Đại, Vương Trọng.
Trong công việc, anh hầu như chẳng to tiếng. Làm việc cùng anh 9 năm, anh thường nói thẳng ý của mình, tôi có lỡ sai trái gì anh cũng chỉ bảo luôn, rồi quên luôn, tôi chỉ thấy một sự thoải mái, được làm hết sức mình, được thỏa nguyện khi tác phẩm báo chí ra đời đúng ý tưởng, được bạn đọc chào đón nồng nhiệt nhất. Hồi đó, chúng tôi làm báo với tây, các nhà báo, biên tập, phóng viên ảnh từ Thụy Sĩ, Pháp, Anh... hướng dẫn chúng tôi. Ngoài giờ làm, anh Đạo thường kéo nhóm phóng viên cả ta và tây ra ngoài cà phê, ăn tiệm và anh thường hào phóng chi phí cho tất cả. Ăn uống, cà phê rồi karaoke, anh Đạo đều tham gia nhiệt tình, kéo mọi người theo. Anh hát cũng rất hay và tình cảm, cho nên tôi thích làm khán giả mỗi khi anh cầm mic. Lắm khi tôi thấy anh hát những bài về người lính còn hay hơn cả ca sĩ chuyên nghiệp, khiến tôi xao động. Và tôi chợt nhìn thấy tâm hồn lộng lẫy ấy, ngày thường khó thấy, sau cái vẻ vừa giản dị vừa ngang tàng của anh.
Làm việc ở tạp chí được 1 năm thì tôi quyết định lấy chồng. Do quen biết nhiều nơi, anh Đạo cũng tự nguyện chở tôi đến các khách sạn ở Hà Nội để hỏi thuê hội trường làm đám cưới. Có một cô lễ tân khách sạn tò mò nhìn tôi, rồi nhìn anh, hỏi:
- Anh, chị là cô dâu, chú rể ạ?
Anh Đạo khoái chí cười, trả lời bằng một câu hỏi:
- Anh làm chú rể của cô dâu này được không?
- Được chứ, chỉ có điều chú rể hơi... cứng tuổi! - cô lễ tân khách sạn đáp.
Không hiểu sao gần ba chục năm qua đi rồi mà tôi cứ nhớ mãi đoạn hội thoại ấy ở một khách sạn nào đó trên khu phố Phan Đình Phùng hoặc Quán Thánh (Hà Nội), khu vực cửa sông. Bởi tôi thì mới 22 tuổi, trẻ và vô tư quá, còn anh Đạo thì “phiêu” quá và tốt bụng quá nên chúng tôi chẳng nghĩ gì khi chở nhau đi tìm khách sạn làm phòng cưới cho tôi. Anh là Trưởng Ban biên tập, còn tôi là “lính mới”. Tình đồng nghiệp của chúng tôi hồi ấy thật ấm áp.
Bay trên đôi cánh thi ca
Sau này, khi chúng tôi mỗi người một cơ quan khác nhau, tôi hầu như không liên lạc với Trần Quang Đạo nữa. Trong một lần đến tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội nhận giải thưởng truyện ngắn năm 2009, tôi gặp lại anh Trần Quang Đạo. Anh ngạc nhiên là tôi lại viết văn, còn tôi ngạc nhiên là anh hầu như chẳng thay đổi gì vẻ ngoài, dù anh đã lên chức Tổng Biên tập báo Nhi đồng. Nhưng tôi cũng chỉ láng qua anh như vậy rồi thôi. Cho đến một lần, tôi ngẫu nhiên đọc được một bài thơ của Trần Quang Đạo viết về những liệt sĩ, thương binh. Bài thơ quá đẹp và tôi trăn trở về những câu thơ của anh mãi không thôi, tôi lại gặp được tâm hồn lộng lẫy ấy thêm một lần nữa. Thật kỳ lạ, chỉ một câu thơ hay một bài thơ mà có thể đưa tác giả của nó lên một vầng hào quang rực sáng khiến tôi ngưỡng mộ thẳm sâu.
Tôi xúc động đến nỗi tìm bằng được số điện thoại của anh qua vài người bạn và gọi điện cho anh để chúc mừng. Sau đó, bẵng đi, chúng tôi cũng không gặp nhau nữa.
Nào ngờ, sau đó, tôi nghe tin anh mắc bệnh trọng. Tôi buồn, lo nghĩ, tưởng tượng rằng Trần Quang Đạo sẽ suy sụp lắm. Vậy mà khi gặp anh sau những đợt xạ trị, tôi vẫn thấy anh trò chuyện vui vẻ, ăn uống bình thường, vẫn hào phóng chi tiền bao bọc đám đàn em, vẫn kể những chuyện vui tếu táo và dự định sáng tác. Không những thế, anh phiêu đến độ dấn thân lĩnh vực hội họa, mới vẽ 15 bức tranh mà có bức đã bán tới 2.000USD. Tôi chỉ có thể lắc đầu trước năng lượng phi thường của anh. Nói chuyện với anh, cảm giác anh hoàn toàn không bệnh, không lo lắng gì. Hay có lẽ anh bay nên những lo lắng thường tình ấy bị bỏ lại phía sau.
Cho đến khi được nhà thơ Trần Quang Đạo tặng tập thơ Bay trong mơ được thiết kế đẹp, kỹ lưỡng, minh họa bằng tranh của chính anh, tôi mới ngỡ ra, không chỉ ở sức sáng tạo đặc biệt mà còn ở khối chìm cảm xúc đã được nén chặt trong thơ của anh. Với người bay và thơ bay, trong cả đời thực và giấc mơ thì mọi nỗi đau, niềm thương sâu sắc nhất cũng được chuyển hóa thành vẻ đẹp và tình yêu trên đôi cánh thi ca.