Hà Nội

Nhà thơ Trần Đăng Khoa Những chuyện bây giờ mới kể

28-04-2015 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Vào một ngày giữa tháng 4/2015, trong lúc toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta đang chuẩn bị đón chào kỷ niệm 40 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi

Vào một ngày giữa tháng 4/2015, trong lúc toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta đang chuẩn bị đón chào kỷ niệm 40 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có cuộc trò chuyện thú vị với nhà thơ Trần Ðăng Khoa về nhiều chuyện bây giờ anh mới kể.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Chuyện nhà thơ chống Mỹ và người lính hậu đánh Mỹ

Vừa ngồi xuống ghế, chờ Khoa pha nước uống, tôi vừa tranh thủ.

Có người bảo, đối với thơ ca, anh là nhà thơ thuộc thời kỳ đánh Mỹ, nhưng với tư cách là người lính, anh thuộc thế hệ hậu đánh Mỹ. Sao lại như vậy?

Trần Đăng Khoa pha nước xong, rót mời tôi, rồi từ tốn: Chuyện ấy cũng đơn giản thôi mà bác. Em bắt đầu làm thơ từ ngày còn rất bé, mới học lớp 3, năm 1966, lên 8 đã có thơ in.

Rồi anh bắt đầu tua lại ký ức và những hiểu biết khá chuẩn của mình về những sự kiện lịch sử xảy ra từ năm 1966, cách đây gần nửa thế kỷ. Đấy là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ ở cả hai miền Nam - Bắc bước vào giai đoạn khá cam go. Ở miền Nam, Mỹ cùng bè lũ tay sai ngụy quyền Sài Gòn mở nhiều chiến dịch đàn áp cách mạng miền Nam. Xuất phát từ mâu thuẫn trong nội bộ ngụy quyền đưa đến việc chính quyền Thiệu - Kỳ đã cách chức nhiều chỉ huy quân sự cấp cao. Phong trào đòi ly khai ở các tỉnh Trung Trung Bộ lên cao. Chính quyền Sài Gòn khi ấy đã đem quân ra đàn áp. Xung đột lớn giữa hai lực lượng ngụy quân làm máu đổ trên đường phố Đà Nẵng và không ít người dân thường vô tội bị vạ lây. Nhân cơ hội ấy, phong trào đấu tranh chính trị của đồng bào ta ở miền Nam phát động mở đợt đấu tranh 100 ngày ở các đô thị lớn như Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, đòi hòa bình, dân chủ, đòi Thiệu Kỳ từ chức, đòi Mỹ rút khỏi miền Nam. Chúng lại đưa quân ra đàn áp.

Các lực lượng vũ trang cách mạng vừa kiên cường chiến đấu chống lại các cuộc hành quân lớn của địch ở Củ Chi, Phú Yên, Bình Định, Sơn Tịnh, “Lam Sơn 234” rồi Thừa Thiên Huế..., đồng thời chủ động tập kích vào các căn cứ lớn của Mỹ, nhất là các sân bay như: Đà Nẵng, Phù Cát, Trà Nóc, Chu Lai,  Tân Sơn Nhất, Pleiku, Nước Mặn, Vĩnh Long...

Còn ở miền Bắc, phong trào chống Mỹ vào năm 1966 cũng dâng lên rất cao. Quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống trả chiến tranh phá hoại của Mỹ. Minh chứng là các mốc bắn rơi máy bay thứ 900 tại Nghệ An; thứ 1.000 tại Bắc Thái; thứ  1.200 ở Hưng Yên; thứ 1.400 ở Lạng Sơn; thứ 1.500 lại ở Nghệ An và chiếc thứ 1.600 tại Hà Nội cũng đều vào năm 1966.

Trước khí thế chống Mỹ, cứu nước dâng cao ở cả hai miền Nam - Bắc, ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân “Quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, khẳng định tinh thần và chân lý thời đại “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”, kiên quyết đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào!

Giữa lúc Khoa đang hào hứng nói thì chuông chiếc điện thoại trong túi anh lại rung lên. Anh xin lỗi người ở đầu dây bên kia vì đang bận tiếp khách. Trong cuộc trò chuyện giữa hai chúng tôi, đã có tới vài ba lần bị ngắt quãng như thế.

Làm thơ từ ngày ấy, thế thì Khoa là nhà thơ chống Mỹ rồi còn gì?

Quá chuẩn, bác chỉ được cái nói đúng. Có thể nói, gần chục tập thơ và trường ca thời kỳ đầu của em đều viết trong khoảng gần 10 năm từ 1966 - 1975, đúng vào thời kỳ đánh Mỹ. Còn lính hậu đánh Mỹ là thế này. Sau giải phóng miền Nam (30/4/1975), sang năm 1976, em mới đủ tuổi đi bộ đội. Lúc ấy còn Mỹ đâu nữa mà đánh. Thế thì chả gọi là lính hậu đánh Mỹ còn gì. Các bậc cha anh đánh hăng, đánh giỏi quá, chả dành cho thằng em vài tên xâm lược Mỹ, em sẽ oánh luôn, sợ gì chúng nó.

Thế anh làm thơ khi chưa phải là bộ đội đánh Mỹ, có gì khó không?

Thì em cứ làm theo cảm nghĩ riêng của mình lúc ấy. Nhưng phải nói, làm thơ thời chống Mỹ sướng thật. Hơi thở cuộc sống lao động, chiến đấu chống giặc ngoại xâm của cả nước cứ gọi là nóng hầm hập, dội vào mình như điên, rồi cứ thế mà viết. Vì thời ấy còn là cậu học trò, em nghĩ thế nào cứ viết vậy, rồi thành thơ.

Có người bảo hình như thơ thời kỳ chống Mỹ đi hơi quá đà?

Không phải thế đâu bác ạ. Thơ lúc ấy là thơ tuyên truyền, mà tam trụ là Tố Hữu, Chế Lan Viên và Phạm Tiến Duật. Xét về khía cạnh này, chẳng ai có thể vượt qua ba cái đỉnh cao thơ viết cho đại bộ phận công chúng lúc bấy giờ. Họ đã góp phần quan trọng động viên sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Chỉ có điều, thơ chống Mỹ giờ đã rơi rụng đi nhiều, ước khoảng trên dưới một nửa. Thơ tuyên truyền cho kháng chiến chống Mỹ chắc chắn là rất có giá trị ở thời điểm đấy. Thế nhưng bây giờ, câu chuyện đã khác. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đi qua 40 năm rồi, cái cơ sở xã hội sản sinh ra và thẩm thấu nền thơ ca ấy đã không còn thì làm sao thơ tuyên truyền thời ấy sống mãi được. Nhưng công bằng mà nói, một số tác giả thời ấy vẫn còn đọng lại trong lòng công chúng hôm nay vì họ có những tác phẩm đề cao giá trị nhân văn ngay từ cuộc chiến ấy. Ngay cả thơ của tam trụ đỉnh cao đến giờ cũng chẳng còn lại là bao.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa tại một hội chợ sách.

Những chuyện bây giờ mới kể

Ta nói sang chuyện khác một tí cho vui. Tôi có nghe dư luận đồn đoán rằng, Trần Đăng Khoa là người kế tục xứng đáng nhất nhà thơ Hữu Thỉnh trong vai trò là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Bác Thỉnh năm nay cũng luống tuổi rồi, sao Khoa không ra gánh đỡ bác ấy?

Đấy là dư luận đồn đoán cho vui thôi, bác còn lạ gì nữa. Ở ta rất vui là cứ vào dịp xét Giải thưởng Văn học hàng năm, kết nạp hội viên mới hay chuẩn bị Đại hội bao giờ cũng có rất nhiều sự đồn đoán, chứ Hội mình khối người tài giỏi hơn em ấy chứ. Vả lại, em đang còn bận việc quá. Cũng còn phải dăm ba năm gì đó nữa em mới được nghỉ công việc cơ quan. Em bận thế này thì làm sao lo việc Hội được hả bác. Đến lúc này em vẫn ủng hộ bác Thỉnh làm thêm khóa nữa, sau đấy ai thay phải chờ đến Đại hội chứ. Về khía cạnh quản lý Hội, em phục tài bác Thỉnh đấy. Mọi việc bác ấy làm đâu vào đấy, dù lúc này, lúc khác cũng có người không ưa. Nhưng làm việc Hội khác nào ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng đâu bác, làm sao được lòng cả ngàn hội viên.

Chẳng hạn như đợt vừa rồi, bác ấy đã tìm cách gộp ba sự kiện văn học lớn trong năm vào khoảng thời gian hơn một tuần gì đấy để quảng bá văn học Việt Nam với bạn bè quốc tế, biến Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần thứ II; Liên hoan thơ châu Á lần thứ III và Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XIII thành một Ngày Ngoại giao văn hóa, thu hút hơn 150 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, dịch thuật văn học của 43 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp cả 5 châu lục đến Việt Nam tham dự sự kiện này. Nhân đấy mà giới thiệu hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện và rất nhân hậu đến với bạn bè quốc tế. Làm được như vậy em cho là rất giỏi.

Hiện nay, em vẫn đang cố gắng làm tốt công việc cơ quan giao và khi nào rảnh rỗi sáng tác cho nó thư giãn đầu óc, bác ạ! Xét cho cùng, đối với một nhà thơ, nhà văn, cái còn lại là tác phẩm thôi, chứ mấy ai người ta quan tâm đến trước đây ông ấy làm gì, ở đâu. Giới trẻ bây giờ tinh lắm. Ông mà không có tác phẩm hay cho họ đọc thì họ chẳng cần biết đến ông là ai.

Bận công việc cơ quan tối mắt, tối mũi như thế, lại quan tâm nhiều đến văn chương cũng như những hoạt động của Hội, liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Bác không biết thôi, chứ cái thú nhất của em là đọc văn chương của người khác để mà học hỏi, để soi lại mình và nâng mình lên cho tiến kịp với thời đại chứ. Không đọc dễ lạc hậu lắm bác ạ. Còn về sức khỏe cũng cứ coi như là tạm ổn, không có vấn đề gì quá lớn. Em đã từng vài lần phải đi giải quyết tuyến tiền liệt rồi đấy, bác biết không.

Có biết, nhưng tôi tưởng chỉ có một lần thôi chứ, những vài lần cơ à? Bây giờ thế nào rồi, ổn chưa?

Phải mất tới vài lần mới ổn. Cũng may đấy chỉ là bệnh thông thường của cánh đàn ông cứng tuổi như em và bác, chứ không phải là bệnh hiểm nghèo nên thời gian điều trị không kéo dài và cũng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Thế thì chúc cho Khoa nhanh chóng bình phục, viết được nhiều tác phẩm hay thỏa mãn nhu cầu văn hóa đọc của công chúng yêu thích văn chương.    

  Đỗ Ngọc Yên

 

 


Ý kiến của bạn