Nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
Trong thời gian vừa qua, ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là ý kiến của một vị đại biểu Quốc hội khi ông cho rằng: Vấn đề mấu chốt quan trọng nhất của chúng ta bây giờ không phải là chuyện kinh tế mà là việc an dân. Để an dân thì chỉ cần lo 2 việc thôi: Một là chống giặc ngoại xâm, đặc biệt lưu tâm đến biển Đông và sau đó là biên giới bao gồm cả biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Việc thứ hai là chống giặc nội xâm, đó là bọn tham nhũng đã tàn phá tan hoang đất nước. Cần nghiêm trị đến nơi đến chốn. Những gì dân đã biết rồi thì phải làm đến cùng, không để chìm xuồng. Làm được hai việc ấy là nước sẽ yên, dân sẽ yên. Bây giờ, chúng ta cần phải dựa vào dân chứ không phải tựa vào bất kỳ một thế lực nào ở bên ngoài. Đây là kinh nghiệm xương máu của cha ông chúng ta có từ ngàn đời nay. Ngày xưa, cha ông chúng ta chỉ tựa vào dân mà đánh thắng quân Nguyên Mông - đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Không phải thắng 1 lần mà thắng đến 3 lần. Lúc ấy, đất nước còn rất khó khăn. Không có phe xã hội chủ nghĩa, cũng không có bất kỳ một đồng minh hay bạn bè quốc tế nào như sau này cả. Vũ khí lại càng thô sơ. Vậy mà chúng ta đã thắng được kẻ thù hùng mạnh. Kẻ thù của chúng ta từng làm cỏ cả thế giới. Đến đâu chúng cũng thắng. Chúng chỉ thua Việt Nam thôi. Chúng ta thắng chúng vì có nhân dân anh hùng và có những vị vua anh minh. Vua biết tựa vào dân, lắng nghe sự chỉ bảo của dân. Vận nước nguy cấp, Vua mở Hội nghị Diên Hồng để nghe tiếng nói của dân, nghe từ các cụ cao niên cho đến cả các em thiếu niên như Trần Quốc Toản. Rồi các tướng lĩnh, những người từng vào sinh ra tử. Có những câu nói vang đến tận bây giờ: “Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi đi đã!”. Biết nghe những điều hay lẽ phải cũng là một năng lực. Dân bao giờ cũng tỉnh táo, sáng suốt. Dân là một sức mạnh vô địch. Dân ủng hộ thì thắng. Dân quay lưng lại là thất bại. Nếu dân tin chúng ta thì không thế lực nào có thể kích động được. Cũng như trước đây, dân từng can việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Nhiều vị tướng lĩnh, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã can ngăn không phải chỉ một lần…
- Vừa rồi, chúng ta cũng đã có những quy định rất hay như người đứng đầu tỉnh phải là người ở nơi khác…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
Đấy chỉ là giải pháp tình thế thôi, để tránh chuyện tham nhũng quyền lực như đưa cả họ hàng lãnh đạo vào làm quan. Điều này đã từng xảy ra ở một số địa phương. Việc đưa cán bộ ở nơi khác về chỉ nhằm khắc phục chuyện này. Tuy nhiên, việc gì ở ta cũng sẽ có những biến thái nếu không giám sát chặt chẽ. Người ta vẫn có thể móc ngoặc với nhau. Ví dụ: Tôi đề bạt con cháu anh thì anh cất nhắc con cháu tôi. Rốt cuộc thì đâu vẫn đấy. Như thế lại còn nguy hiểm hơn, vì nhìn bên ngoài tưởng như rất khách quan, lại rất “đúng quy trình”. Cũng như việc không biếu quà Tết cho lãnh đạo là rất hợp lòng dân. Nhưng như tôi cũng đã nói, chúng ta cần thực chất chứ không phải hình thức. Nếu chỉ là hình thức thì người ta sẽ giả vờ thực hiện rất nghiêm, không biếu quà Tết nhưng lại biếu vào những ngày dưng. Nghĩa là đút lót trước hoặc sau Tết. Mỹ tục gì ở Việt Nam cũng có thể bị biến thái rồi dần dần biến chất nếu chúng ta không giám sát nghiêm chỉnh. Nhiều người lợi dụng ngay cả việc biếu quà Tết để đục khoét của dân. Các cụ bảo: “Ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai” là vì thế. Mà dân biết hết đấy. Ai thế nào, dân biết cả, chỉ có cán bộ không biết nên mới nông nổi dại dột vì lợi ích cỏn con trước mắt mà thôi. Tôi nói cán bộ “dại dột vì lợi ích cỏn con trước mắt” là khi anh nhận quà, họ sẽ lạm dụng việc nhận quà của anh mà đục khoét tiền dân đút túi riêng, rồi số tiền “đút túi” riêng ấy họ dồn đổ hết lên đầu anh khi “quyết toán nội bộ”. Thế có phải là anh dại không? Nhân đại chiến chống tham nhũng đã có được một số thắng lợi bước đầu, tôi thiết tha đề nghị các nhà lãnh đạo, quản lý có biện pháp cứng rắn để chấm dứt vĩnh viễn nạn chạy chức, chạy quyền, chạy dự án và “các trò phết phảy”. Đây cũng là nguyện vọng của dân. Điều này tôi cũng đã nói ở đâu đó rồi nhưng cũng vẫn không thừa nếu nhắc lại. Trò “phết phảy” này là quy định bất thành văn nhưng lại có sức tàn phá đất nước tàn khốc nhất, hiệu quả nhất. Nhiều doanh nghiệp góp tiền để chạy quyền chạy chức cho một cá nhân nào đó. Và khi kẻ chạy chức có chức quyền thì việc đầu tiên của họ khi có quyền lực là thu hồi lại vốn đã mất, rồi lại phải có tiền lãi để đút túi riêng. Còn đâu tâm lực dành cho dân, cho nước nữa. Họ ở vị trí lãnh đạo nhưng đã mất ngay vai trò lãnh đạo rồi mà chỉ là con rối tuân theo sự giật dây của những kẻ có tiền bạc. Thực chất đó là lợi ích nhóm. Nỗi khổ muôn dân cũng từ đó mà ra. Đất nước tan hoang cũng bắt đầu từ đó. Việc “phết phảy” cũng vậy. Anh cứ ký duyệt một dự án nào đó, anh lại được bao nhiêu phần trăm của tổng số tiền chi cho dự án đó. Dự án càng lớn thì số tiền “phết phảy” của anh lại càng nhiều. Thế thì ai chẳng muốn có vị trí để được quyền ký các quyết định. Làm sao tránh được tệ nạn rút ruột công trình và miên man những chuyện tiêu cực khác. Con hổ tha được con lợn thì con chó con mèo cũng phải có miếng thịt hay khúc xương chứ. Đất nước tan hoang từ đấy. Nợ nần chồng chất đổ xuống đầu dân cũng xuất phát từ đấy. Chỉ có chấm dứt được vấn nạn đó thì lòng dân mới yên và đất nước mới có kỳ vọng ổn định để phát triển…
- Ông vừa nói việc đề bạt cán bộ. Bây giờ nhiều địa phương hay các ban ngành còn thi các chức danh lãnh đạo…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
Đấy là điều rất hay. Có nơi làm nghiêm túc. Nhưng cũng có nơi thi chỉ là hình thức để người ta hợp thức hoá những cá nhân đã được chọn trước rồi. Việc diễn như thật này không khó lắm, ngay cả những diễn viên rất vụng vẫn đóng được hoàn hảo. Để khắc phục được tệ nạn này lại cần phải minh bạch. Ví dụ hãy truyền hình trực tiếp để người dân giám sát và trực tiếp can dự. Người dân có thể đưa ra các tình huống để thí sinh xử lý. Rồi sau đó, người trúng tuyển, khi nhậm chức cũng phải đưa ra những chương trình mà mình cần thực hiện trong từng năm cũng như trong toàn khoá. Cần minh bạch như thế cho dân biết, dân kiểm tra. Sau mỗi năm lại bỏ phiếu tín nhiệm. Và bỏ phiếu tín nhiệm cũng phải làm thực chất. Không thể “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm thấp”, rồi “tín nhiệm”. Như thế người đạt phiếu thấp nhất cũng vẫn là “tín nhiệm” dù thực chất anh ta chẳng có tín nhiệm gì. Phiếu thăm dò chỉ nên có hai mức: “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Người có “tín nhiệm cao” là người được nhiều phiếu tín nhiệm. Người không có tín nhiệm hay tín nhiệm thấp - dưới 50 phần trăm số phiếu tín nhiệm thì nên rời khỏi vị trí lãnh đạo để người khác lên thay. Người tài nhiều lắm. Thời nào cũng có. Họ ở lẫn trong dân. Chỉ có điều chúng ta có chọn họ không mà thôi. Chỉ có dùng người tài, đất nước mới phát triển. Còn nếu chỉ chọn những nhóm lợi ích thì đất nước chỉ có kiệt quệ. Quốc gia hưng thịnh chỉ là chuyện trong mơ…
- Xin cảm ơn ông!