Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cần đưa Trường Sa, Hoàng Sa vào sách giáo khoa

26-03-2018 08:13 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thưa ông Trần Đăng Khoa! Hiện nay, trong cải cách giáo dục, chúng ta đang soạn lại sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa mới đang được xin ý kiến nhân dân để đến năm 2019-2020 sẽ đưa vào dạy đại trà.

Trên các trang mạng có đưa tin cuộc họp của Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật Trung ương bàn về vấn đề này. Ông có đề nghị đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa. Ông có thể nói rõ hơn được không?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

Điều này tôi cũng đã bàn trong hàng loạt bài báo từ rất lâu rồi, nhân cuộc gặp mặt của thanh niên thế giới, một bạn trẻ Mỹ có hỏi một sinh viên ta về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong lúc sinh viên ta ú ớ, chẳng biết nói gì thì một cậu sinh viên Trung Quốc nói vanh vách về hai quần đảo này, cứ như đó là lãnh hải của họ. Sinh viên ta có lỗi không? Không, lỗi tại nền giáo dục bất cập của chúng ta thôi. Chúng ta không dạy các em thì các em biết gì mà nói! Trong  sách giáo khoa mới, tôi rất kinh ngạc khi trong chương trình tiếng Việt, ngữ văn suốt từ lớp 1 đến lớp 12, không có một chữ nào về Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi chất vấn thì các nhà làm sách nói rằng, có học Trường Sa nhưng ở phần địa lý, ở đấy lại có bài mang tính đấu tranh chủ quyền, thì làm sao các em học được, các em có phải luật sư đâu, nên sẽ chán học ngay.

Trường Sa, Hoàng Sa - Chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Trường Sa, Hoàng Sa - Chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Trong khi đó Trung Quốc đưa Trường Sa, Hoàng Sa vào chương trình từ tiểu học đến đại học. Mà họ đưa 18 năm rồi. Ở tiểu học, họ soạn thành những bài rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi các em. Các lớp trên học sâu hơn. Dù Trường Sa, Hoàng Sa chưa bao giờ của Trung Quốc, trong bản đồ nhà Thanh vẽ từ năm 1904 cũng chỉ đến đảo Hải Nam là hết. Thế mà họ dựng tầng tầng lớp lớp, lịch sử từ ngàn đời. Đây, tôi xin dẫn chứng cụ thể, sách tiểu học lớp 3 của Trung Quốc  bài “Quần đảo Nam Sa mỹ lệ”. Nam Sa là tên gọi của Trường Sa của chúng ta. Tây Sa là Hoàng Sa. Họ soạn thế này:

“1. Theo truyền thuyết, một tiên nữ giáng cõi trần, ném xuống vùng biển rộng lớn xa xôi phía Nam Trung Quốc từng xâu chuỗi hạt trân châu bóng ngời, đó là quần đảo Nam Sa mỹ lệ. Nam Sa, quần đảo nằm ở chót cực Nam của Tổ quốc chúng ta, với hơn 200 đảo nhỏ, những tảng đá lớn ngầm bủa giăng chằng chịt bày ra như bàn cờ. Tổ tiên chúng ta từ rất sớm, trên hai ngàn năm trước đã lái những chiếc thuyền vượt qua biển lớn đến vùng này, bắt cá, vỡ đất hoang trên các đảo nhỏ, trồng cây. Nam Sa mênh mang, qua từng hòn đảo, dừng lại đó, tổ tiên ta đã thắp lên những ngọn khói hương cho buôn bán sầm uất.

2. Nam Sa là một kho tàng chứa bảo vật màu lam khổng lồ của Tổ quốc. Nàng tiên nữ đã cho chúng ta một nguồn sinh vật biển quý giá với số lượng nhiều khó đo lường được, cất giữ, che giấu một nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú, lưu trữ nguồn năng lượng biển dùng không bao giờ hết. Dưới những tầng cát sâu, chứa đựng trữ lượng dầu khí vô cùng dồi dào mà thiên hạ ca tụng là “vịnh Ba Tư thứ hai”.

3. Nam Sa cũng là một thế giới đẹp mê người. Trời xanh một màu xanh lam ngọc, biển là một khối ngọc phỉ thúy. Trông xa, trời nước nối liền, phỉ thúy hòa lẫn lam ngọc hợp bích, diện mạo thật hùng tráng, sung mãn. Cúi nhìn nước biển xanh trong, sáng ngời thấy rõ những con tôm hùm, cá chim, rùa biển ngũ sắc rực rỡ, khiến tâm hồn con người rất phóng khoáng vui vẻ. Những làn sóng xanh bao la bát ngát trên vùng biển Nam Sa, miên man sóng bạc đầu, từng lớp từng lớp nâng đỡ rồi tung lên những bọt sóng tuyệt đẹp, chừng như đang nhảy múa dâng hoa chào đón mọi người. Có thể khẳng định, quần đảo Nam Sa trong tương lai sẽ là một nơi thắng cảnh cực kỳ hấp dẫn du khách bốn phương”.

Còn các lớp trên, theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc thì cũng đều là những luận điệu ngang ngược về biển Đông mà hằng ngày Trung Quốc vẫn tuyên truyền trên sách báo: “Cực Nam Trung Quốc nằm ở bãi ngầm Tăng Mẫu (khu vực có tên tiếng Anh là bãi ngầm James, chỉ cách Malaysia 80km về phía Tây Bắc), gần vị trí 4 độ vĩ Bắc. Biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông của Việt Nam) trong bản đồ SGK được xác định bằng “đường lưỡi bò”, bao trùm lên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”... trong hầu hết SGK ngữ văn và địa lý của các bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đồng thời, SGK Trung Quốc còn viện dẫn mọi lý lẽ nhằm biến hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam thành lãnh thổ của Trung Quốc. Cụ thể, trang 2 và trang 3, quyển III, bộ SGK THCS NXB Giáo dục Nhân Dân (tái bản năm 2005) ghi rõ cực Nam Trung Quốc nằm ở bãi ngầm James, Trung Quốc có đường bờ biển dài hơn 18.000km và sở hữu hơn 5.000 đảo lớn bé ở biển Đông, cực Nam đến cực Bắc Trung Quốc trải dài gần 50 vĩ độ. Với “tuyên bố” nêu trên trong SGK, Trung Quốc đã không ngần ngại biến biển Đông thành “ao nhà” và truyền đạt các kiến thức phi lý trên cho thế hệ trẻ nước này. Một cựu sinh viên Trung Quốc học tập tại Bắc Kinh cho biết, vị trí bốn cực Đông, Tây, Nam, Bắc là một phần quan trọng về địa lý cơ bản trong chương trình trung học ở Trung Quốc và thường có trong phần câu hỏi ôn tập sau bài học. Các kiến thức này luôn được thầy cô nhấn mạnh tại lớp. “Đây là phần mà tất cả học sinh Trung Quốc đều được học. Tôi còn nhớ như in bởi các bản đồ trong SGK địa lý đều nhắc đi nhắc lại kiến thức trên” - cựu sinh viên này cho biết.

Bản đồ mà cựu sinh viên này nhắc tới cho thấy lãnh thổ Trung Quốc trải dài từ tỉnh miền Bắc Hắc Long Giang, băng qua tỉnh miền Nam Hải Nam, kéo một “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) bao trùm lên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam và liếm sát đến khu vực chỉ cách Malaysia 80km. Toàn bộ bản đồ trong SGK đều lấy “đường lưỡi bò” để phân định ranh giới trên biển.

Còn trong trang 4, quyển I, SGK địa lý lớp 8 của NXB Giáo dục Hồ Nam (tái bản năm 2011), Trung Quốc tự xưng là một cường quốc biển quan trọng và là một trong những nước có đường bờ biển dài nhất thế giới. Không chỉ tự ý bành trướng lãnh thổ đến tận bãi ngầm James, Trung Quốc còn nhắm tới các tài nguyên thiên nhiên trên biển Đông. Trang 91, quyển III, SGK THCS của NXB Giáo dục Nhân Dân ngang nhiên khẳng định chính Trung Quốc là nước phát hiện các mỏ dầu tại biển Đông, đồng thời cũng là nước khai thác dầu khí tại khu vực này. Hình minh họa bên cạnh còn cho thấy Trung Quốc đang lăm le nhắm đến quần đảo Trường Sa - khu vực mà SGK nước này cho rằng chứa một trữ lượng dầu khí khổng lồ. Bên cạnh đó, bản đồ trang 9, quyển IV, SGK địa lý THCS của NXB Giáo dục Nhân Dân (tái bản năm 2004) còn nhấn mạnh: “Biển Đông là một khu vực có diện tích đánh bắt cá lớn nhất trong số các vùng biển mà Trung Quốc cho rằng mình có chủ quyền”. Tương tự, bài đọc hiểu quyển I, SGK địa lý lớp 8 của NXB Giáo dục Nhân Dân (tái bản năm 2011) viết: “Vùng biển Nam Hải (biển Đông của Việt Nam) không chỉ có nhiều ngư trường và mỏ dầu nhất mà còn là nơi có sản lượng cá và dầu khí lớn nhất” ở Trung Quốc. Để biến những luận điệu về Hoàng Sa - Trường Sa trở thành tư tưởng bám rễ sâu trong suy nghĩ của người dân, Trung Quốc không ngừng nhồi nhét kiến thức trên vào đầu các học sinh phổ thông. Trang 84, sách địa lý biển trong bộ SGK THPT của NXB Giáo dục Nhân Dân (tái bản lần thứ 18, năm 2011) đưa quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào chương trình giảng dạy với nội dung cụ thể như sau: “Quần đảo Nam Sa (Trường Sa) là một quần đảo nằm ở phía Nam của Nam Hải. Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các đảo xung quanh. Điều này có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý. Nhiều sự thật lịch sử cho thấy từ trước đến nay, quần đảo Nam Sa là một bộ phận thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, kinh doanh khai thác trên quần đảo này và cũng là nước thực hiện chủ quyền sớm nhất trên quần đảo này”. Trang 66, quyển II, SGK địa lý lớp 8 của NXB Giáo dục Hồ Nam (tái bản năm 2011) còn dành hẳn phần “đọc hiểu” về “quần đảo Tây Sa” (Hoàng Sa của Việt Nam). Trung Quốc miêu tả rằng đây là một trong bốn quần đảo lớn nhất nằm trên biển Đông. Trung Quốc còn tuyên truyền rằng đã cho đặt “trung tâm hành chính” tại đảo Vĩnh Hưng (đảo Phú Lâm của Việt Nam), nơi có diện tích 1,68km2. SGK này còn miêu tả “quần đảo Tây Sa” là khu vực có khí hậu nóng ẩm, cây cối um tùm, phong cảnh tuyệt đẹp, khu vực xung quanh là một trong những ngư trường quan trọng nhất biển Đông.

Với sự nhồi nhét như thế, hầu hết sinh viên và cựu sinh viên Trung Quốc đều cho rằng việc Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc là một lẽ tất nhiên bởi đây là điều họ được giáo dục từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. “Đó là một sự thật không thể chối cãi. Từ thời xa xưa, Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) đã thuộc về Trung Quốc. Chúng tôi học điều này từ nhỏ” - sinh viên một trường ĐH ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, nói mà không biết rằng điều đó là do nhà cầm quyền Trung Quốc cố vẽ ra, bất chấp thực tế lịch sử và pháp luật quốc tế.

Cảm ơn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc. Trung Quốc là như vậy đó. Lãnh hải của nước Việt Nam ta mà chương trình ngữ văn, tiếng Việt suốt từ lớp 1 đến lớp 12 của ta không có một chữ nào thì lạ thật. Lạ đến không thể hiểu được!

Xin cảm ơn ông!


Song Yến (ghi)
Ý kiến của bạn