Nhà thơ Tạ Hữu Yên: Những khúc ca còn lại với thời gian

12-01-2017 19:37 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sinh thời, nhà thơ Tạ Hữu Yên (1927-2013) luôn luôn vồn vã với mọi người, chân tình và nhân hậu.

Là một Đại tá quân đội khi còn đương chức, hay đã về hưu, ông luôn cần mẫn làm việc, không nề hà lớn nhỏ, khó khăn. Khối lượng tác phẩm của Tạ Hữu Yên để lại, với 50 đầu sách các thể loại văn, thơ và báo chí có giá trị. Năm 2016, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Những ký ức khó phai

Nhà thơ Tạ Hữu Yên là người con của mảnh đất cố đô Hoa Lư. Ông xung phong nhập ngũ năm 1948, công tác ở tỉnh đội Ninh Bình, sau được đi học Khoa báo chí niên khóa 1962-1964. Tạ Hữu Yên là một trong những nhà báo quân đội đầu tiên về công tác tại chương trình phát thanh địch vận thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội. Sau này Tạ Hữu Yên được đề bạt làm Trưởng phòng, rồi chuyển sang làm cán bộ biên tập tại Phòng Văn nghệ, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Từ đó ông tập trung cho sáng tác và trở thành hội viên Hội Nhà văn năm 1977. Nhà thơ về hưu năm 1989, với quân hàm Đại tá.

Với những năm tháng công tác vào thời kỳ bao cấp có nhiều khó khăn, tuy sức khỏe yếu cùng với bệnh tật, nhưng nhà thơ Tạ Hữu Yên lao động không biết mệt mỏi. Ngoài sáng tác văn thơ, ông còn viết nhiều thể loại từ ca dao đến những bài báo nhỏ, để mưu sinh. Ông dùng thêm những bút danh như Lê Hữu, Xuân Hữu, Đông Xuân... Đặc biệt, khi viết thơ châm biếm thì dùng cái tên Cử Tạ, cho dù cơ thể ông chưa bao giờ nặng quá 50 cân. Ông sống với một gia cảnh nhiều khó khăn tại khu nhà lắp ghép Trương Định thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Nhưng nhà thơ chẳng bao giờ kêu than. Ngày nào cũng cọc cạch chiếc xe đạp đi khắp đó đây để lấy tài liệu viết bài hay sáng tác kiếm tiền nuôi vợ con. Có thể nói, nhà thơ Tạ Hữu Yên là một Đại tá duy nhất còn sót lại ở thế kỷ 20 kéo sang tới 13 năm sau của thế kỷ 21, với cuộc viễn du trọn đời cùng chiếc xe đạp Thống nhất được tiêu chuẩn mua từ những năm 70.

Nhà thơ Tạ Hữu Yên.

Nhà thơ Tạ Hữu Yên.

Khi về hưu, đời sống vẫn còn nhiều vất vả lo toan, đến ngôi nhà cũng do một ông hàng xóm thương tình để lại cho giá rẻ chứ nếu không gia đình ông vẫn phải ở trong căn phòng tập thể chừng 10m2, mỗi khi mưa lụt nước tràn vào nhà ngập lên tới cả mét. Đặc biệt, nhiều kỷ vật của bạn bè thân tặng, nhà thơ vẫn giữ cho đến nay. Đó là chiếc ghế ngồi làm việc do nhà thơ Lữ Giang tặng từ năm 1976. Gần 40 năm nhà thơ đã làm việc trên chiếc ghế gỗ cổ lỗ sĩ ấy.

Tuy nghèo túng, khi phải chăm nom vợ ốm đau, nhưng nhà thơ vẫn ki cóp từng đồng nhuận bút để lo xây dựng một thư viện sách cho quê mình ở làng Đông Hội, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Đó là nguyện vọng nhiều năm trước, mãi sau này nhà thơ mới thực hiện được cho quê hương. Tiền xây một nhà sách tuy không lớn nhưng đã để lại một món quà tình thần vô giá cho những thế hệ tiếp nối trong làng xã, nơi nhà thơ không thể có điều kiện đi lại, khi sức khỏe mỗi ngày một yếu. Hiện tại nơi quê nhà, gia đình vẫn còn lại một ngôi nhà cổ, nhưng cho đến khi mất, nhà thơ không muốn bán đi, cho dù cuộc sống đòi hỏi bao nhiêu thứ cần chi tiêu, nhất là lo chuyện đau ốm thuốc thang. Nhưng nhà thơ Tạ Hữu Yên vẫn tự lo toan bằng cây bút viết nên những tác phẩm của mình. Vượt qua mọi khốn khó, gần mười năm chăm nom vợ ốm từ 1999 cho đến khi mất, nhà thơ vẫn âm thầm chịu đựng cùng cô con gái duy nhất trong ngôi nhà ẩm thấp tối tăm. Nhà thơ đã viết những câu thơ hết sức cảm động tại ngôi nhà này khi tiễn biệt vợ: Thế là đứt gánh giữa đường. Thế là đôi  ngả âm dương chia lìa. Bao năm chăn gối còn kia. Bây giờ lạnh lẽo tấm bia mộ bà (Nỗi đau không lành). Đó là nơi ghi dấu cuộc nhân duyên hơn nửa thế kỷ với người vợ mà ông yêu quý. Trong ngôi nhà ấy, ngòi bút ông không ngừng viết, những cuốn sách lần lượt ra đời. Dường như sức lực nhà thơ trỗi dậy theo từng con chữ, cùng với tình thương yêu của vợ con và bạn bè. Ít ai ngờ nhà thơ có được những thành tựu hết sức kỳ lạ, trong sự nghiệp văn chương của ông, với hoàn cảnh gian khó, trải qua suốt nửa thế kỷ cầm bút.

Những tác phẩm để đời

Nói đến sự nghiệp văn chương của nhà thơ Tạ Hữu Yên không ai không nhắc đến những tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, ông là một trong những nhà thơ viết nhiều nhất về Bác Hồ, 15 cuốn với các thể loại. Bộ sách về Bác Hồ của nhà thơ Tạ Hữu Yên trở thành một kho quý về văn hóa, lịch sử và ghi lại những dấu ấn sâu đậm về phẩm chất và đạo đức Bác Hồ cho nhiều thế hệ noi theo. Người đọc vẫn còn nhớ đến các cuốn sách hay được phổ cập rộng khắp như: Bao la nhân ái Hồ Chí Minh (Biên soạn chung NXB Thanh Niên - 1994); Sáng ngời đạo đức Hồ Chí Minh (NXB Thanh Niên - 1996); Đẹp nhất tên Người (tập ca dao NXB Quân đội nhân dân - 2001); Mênh mông tình thương Hồ Chí Minh (NXB Thanh niên - 2002)...

Đáng chú ý, ông là nhà thơ duy nhất viết riêng một tập thơ chỉ với một đề tài về Bác Hồ, với tiêu đề Nhớ Bác (NXB Hội Nhà văn - 2001). Trong số 49 bài, nhiều bạn đọc vẫn còn nhớ tới những thi phẩm đặc sắc như: Với Người; Mùa sen vàng; Về nguồn; hay như Nét đẹp của NgườiĐôi dép Bác Hồ... Đặc biệt, bài Đôi dép Bác Hồ viết năm 1969 đã được nhạc sĩ Văn An phổ nhạc. Bài hát này có sức lan tỏa sâu rộng và có sức sống bền bỉ với thời gian. Cho đến nay bài hát vẫn được coi là một trong những bài hát hay nhất viết về Bác qua những tuyển chọn trong nhiều năm. Sự nghiệp văn chương của nhà thơ Tạ Hữu Yên có điều khác người ở chỗ, thơ ông gắn bó với âm nhạc hết sức đặc biệt. Cùng với bài Đôi dép Bác Hồ được Văn An phổ nhạc, tính đến nay ông có tới 160 bài thơ khác được nhiều nhạc sĩ phổ, với những đề tài khá phong phú. Đó là những bài ca về đất nước, quê hương, chiến sĩ; gia đình, thiếu nhi; hoặc có cả những bài thơ về thành phố và tình yêu. Đến nay, hàng chục triệu người yêu âm nhạc không thể không nhớ đến ca khúc Đất nước, thơ của Tạ Hữu Yên được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc từ năm 1984. Đó là một bài thơ giàu nhạc điệu được cất lên với không khí hào hùng, sâu lắng khi đất nước được hoàn toàn thống nhất.

Nhưng có lẽ nói đến đề tài sáng tác cho Thủ đô, nhà thơ Tạ Hữu Yên còn để lại ấn tượng sâu nặng nhất với bài thơ Cảm xúc tháng mười, khi được nhạc sĩ Nguyễn Thành phổ nhạc năm 1974. Đây là bài thơ được nhà thơ sáng tác nhân kỷ niệm 20 năm Giải phóng Thủ đô. Theo như nhạc sĩ Dân Huyền kể lại, sau khi nghe nhà thơ Tạ Hữu Yên đọc bài thơ Cảm xúc tháng mười, hai nhạc sĩ Nguyễn Thành và Văn An đều muốn phổ nhạc. Theo sáng kiến của một đồng nghiệp trong phòng phát thanh khi đó đưa ra trò bốc thăm. Nhạc sĩ Nguyễn Thành đã thắng và được phổ nhạc bài thơ. Cuối cùng ca khúc ra đời với những âm sắc giàu tính biểu cảm cả về hình tượng âm nhạc và lời thơ. Bài hát được ca sĩ Kiều Hưng trình bày đầu tiên, trên làn sóng và gây ấn tượng đặc biệt với đồng bào Thủ đô. Sau đó tác phẩm được đài phát đi phát lại trong một thời gian dài tạo nên một hiệu ứng trong sinh hoạt âm nhạc cộng đồng khá sâu sắc. Hàng chục ca sĩ chuyên nghiệp và quần chúng đều tập luyện và biểu diễn ca khúc này trong nhiều năm tại các kỳ hội diễn nghệ thuật. Bài hát đã trải qua hơn 40 năm nhưng vẫn được khán giả khắp nơi yêu thích. Trong nhiều cuộc thi đơn ca ở Hà Nội, không ít thí sinh đã chọn ca khúc này để thể hiện tài năng và tình cảm thân thương của mình đối với Thủ đô ngàn năm yêu dấu.

“Anh về cùng mùa hoa”

Đây là tên một bài thơ của Tạ Hữu Yên được chọn vào sách giáo khoa, lớp 4 và được học sinh ghi nhớ một thời gian dài. Bài thơ là một trong những tác phẩm có giá trị của nhà thơ Tạ Hữu Yên viết về đề tài cách mạng, với hình tượng cây đào Tô Hiệu, thể hiện sức sống mãnh liệt của người cộng sản qua những câu thơ: Trang thơ tôi đằm lại. Giữa nhà tù Sơn La. Tô Hiệu ơi có phải. Anh về cùng mùa hoa. Cùng với đó là những tập thơ tiêu biểu của nhà thơ Tạ Hữu Yên như Tiếng ca xanh (1978), Nỗi nhớ ngày thường (1987); hay những trường ca về quân đội: Ngọn súng biên phòng (1983), Thung lũng lửa và hoa (1988); hay tập thơ Nhớ Bác (2001), cùng với các tập sách ghi dấu ấn sâu sắc như: Nữ tướng Việt Nam (truyện kể 1991); Vẻ đẹp đời thường Hồ Chí Minh (2011); hoặc Võ Nguyên Giáp - vị Đại tướng văn võ song toàn (2011).

Bạn bè đồng nghiệp đều nghĩ nhà thơ cũng đã về cùng với mùa hoa cùng bao ký ức tốt đẹp không bao giờ quên. Một mùa hoa thương nhớ. Một mùa hoa của niềm tin yêu cuộc sống mà ông đã gửi trao cho cuộc đời. Nhà thơ Tạ Hữu Yên là người nhân ái, không bao giờ muốn làm tổn thương đến bất kỳ ai và luôn luôn lao động hết mình vì sự nghiệp văn chương và báo chí. Ông quả là một gương sống mẫu mực, sống động với hình ảnh tốt đẹp nhất của: “Anh bộ đội cụ Hồ”.


Hạnh An
Ý kiến của bạn