Hà Nội

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn: Tôi nào có già đâu...

09-03-2020 08:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sinh năm Giáp Thân, xuân Canh Tý này nhà thơ Pờ Sảo Mìn đã bước vào tuổi 76, vậy nhưng mỗi lần được trò chuyện, tôi vẫn thấy sự nhiệt huyết, trẻ trung và sức sáng tạo dồi dào, bất tận trong ông. Dường như thời gian và tuổi tác - điều mà người ta rất ngại nhắc đến, không làm nhà thơ đáng kính “già” đi.

Ông lúc nào cũng như chàng thanh niên mới ở lứa tuổi đôi mươi tràn đầy nhựa sống, khao khát được yêu và mong muốn được cống hiến cho công chúng những tác phẩm có giá trị.

Sớm nay thấy nhà thơ Pờ Sảo Mìn phát biểu say sưa trên Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội trong chương trình giới thiệu nét văn hóa chợ xuân vùng cao, tôi liền điện thoại chúc mừng ông được lên... ti vi, nhân thể hỏi thăm sức khỏe ông nhân dịp đầu xuân năm mới. Như hiểu được ý ám chỉ rằng thêm một tuổi tức là sức khỏe sẽ càng giảm sút, thế nên ở đầu dây bên kia, giọng nhà thơ sang sảng chắc nịch: “Tôi nào có già đâu!”. Rồi nhà thơ lại “khoe” sắp ra mắt tập thơ mới, tập hợp một số bài thơ nổi bật trong thời gian qua với tiêu đề Đáp từ trái tim. Tập thơ như một lời tri ân của ông đến với người thân, bạn bè và công chúng cả nước khi đã luôn ở bên ủng hộ, đồng hành và giúp sức ông trong sự nghiệp cầm bút mấy chục năm qua. Và ông cũng cho biết khoảng trung tuần tháng 3 tới sẽ có chuyến đi thực tế sáng tác cùng Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Đà Nẵng. Dường như, mỗi lần được trò chuyện cùng ông, tôi lại thấy ông có những dự định sáng tác, xuất bản đang ấp ủ và đương nhiên muốn thực hiện được điều ấy thì điều đầu tiên cần có là sức khỏe.

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn.

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn.

Thế rồi, hình ảnh nhà thơ dân tộc Pa Dí gầy gò, vui tính ấy cứ hiển hiện trong tâm trí tôi và buộc lòng tôi phải viết một điều gì đó về ông. Vội lướt qua một loạt bài viết trên mạng về nhà thơ Pờ Sảo Mìn, trong đó có cả những tác giả là những cây đa, cây đề của nền văn học nghệ thuật đương đại, thì đa số họ đều “vẽ” nên một nhà thơ miền núi luôn biết dùng thơ ca để ngợi ca dân tộc mình mà cái “chất” trong thơ ông thì “xù xì”, thuần khiết, độc đáo đến mức thật... đáng yêu. Hay mượn ý thơ của nhà thơ dân tộc Tày Y Phương thì ông luôn “tự đục đá kê cao quê hương” bằng câu chữ. Bởi vì tên tuổi của nhà thơ Pờ Sảo Mìn đã gắn liền với những câu thơ đầy tự hào và đã phần nào chấm phá được vài nét về dân tộc của ông như: “Dân tôi chỉ có hai ngàn người/ Như cái cây có hai ngàn chiếc lá” hay: “Con trai người Pa Dí/ Đã đi là đến/ Đã đến là ở/ Đã ở là ở rất lâu.../ Đã yêu là yêu nhiều, yêu mãi.../ Đi chín phương là chín phương bè bạn/ Đến mười phương là mười phương thương nhớ”...

Từ một kỹ sư tốt nghiệp Đại học Cơ khí chế tạo máy, chuyên ngành các loại động cơ đốt trong gồm cả động cơ xe máy, ôtô, tàu thủy tại Tiệp Khắc (cũ), Pờ Sảo Mìn đã có bước chuyển mình đầy táo bạo sang làm thơ. Trở thành nhà thơ chuyên nghiệp, hỏi ông tại sao lại rẽ ngang như vậy, ông nói đó vừa là bản mệnh vừa là số mệnh. Cũng dễ hiểu thôi, Pờ Sảo Mìn sinh ra trong “cái nôi” văn hóa của người dân tộc Pa Dí, chính vì vậy ngay từ hồi nhỏ tâm hồn ông đã thấm đẫm chất thi ca, âm nhạc qua những điệu hát dân ca cùng tiếng đàn Tròn tha thiết. Bên cạnh lĩnh vực thi ca, ông còn là một tay ghi ta rất “cừ” cùng với giọng hát truyền cảm mà mỗi khi bên chén rượu nồng ông lại ngân nga.

Có lẽ nhắc đến Hội Văn học Nghệ thuật Lào Cai, nhiều người vẫn không thôi nói về “bộ ba huyền thoại”: Pờ Sảo Mìn, Lò Ngân Sủn và Mã A Lềnh. Họ - mỗi người một dân tộc nhưng đều có cách của riêng mình để “kê cao quê hương” bằng câu chữ. Thế nhưng hiện nay, nhà thơ Lò Ngân Sủn, tác giả bài thơ Chiều biên giới nổi tiếng, đã về với núi còn nhà văn Mã A Lềnh sức khỏe đã yếu dần, chẳng thể đi lại xa thì riêng nhà thơ Pờ Sảo Mìn vẫn rất sung sức, dường như bài thơ hay nhất của ông vẫn còn ở phía trước. Mặc dù sinh sống chủ yếu ở Mường Khương nhưng cứ ít ngày lại thấy ông lên Hà Nội, lúc thì thăm con gái, lúc thì tham dự hội thảo, hội nghị, Trại Sáng tác do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số tổ chức. Cách đây không lâu, ông còn tham dự Trại Sáng tác trong tận Tây Nguyên và nơi đó đã tạo cảm hứng để ông sáng tác bài thơ Bản hòa tấu của bầy chim di trú góp mặt trong tập thơ Mủa say say (đi nhanh nhanh) gần đây. Đó là tình cảm được ông rung lên từ mảnh đất đại ngàn đất đỏ khi có biết bao dân tộc anh em cùng người dân tứ xứ đến làm ăn, sinh sống và tạo nên một vùng văn hóa đắc sắc.

Người ta thường nói: “Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng người phụ nữ”. “Nàng thơ” và cũng là người chăm lo cho nhà thơ Pờ Sảo Mìn từng bữa ăn, giấc ngủ là cô giáo người dân tộc Nùng Thền Lền Dín. Người phụ nữ ấy tần tảo sớm hôm, là hậu phương vững chắc để nhà thơ thỏa chí tang bồng khắp các phương trời. Nên duyên vợ chồng hơn nửa thế kỷ nhưng tình cảm, sự quan tâm họ dành cho nhau vẫn như ngày nào. Được ăn cơm cùng vợ chồng nhà thơ trong căn bếp nhà ông, tôi mới thực sự thấy thấm thía những câu thơ ông từng viết tặng vợ: “Tôi gọi em đích thực “Mẹ ơi”- Mẹ của các con - Và mẹ của chính tôi - Không có vợ không câu thơ sinh nở - Không có vợ không bài ca để hát”. Đúng vậy, bởi bao năm ông đi học ở tận đất nước Tiệp Khắc (cũ) xa xôi, rồi xuống Hà Nội học Trường Viết văn trẻ Quảng Bá, Trường Viết văn Nguyễn Du (nay là Đại học Văn hóa), không có người vợ đảm đang, “đứng mũi chịu sào”, lo toan mọi việc đối ngoại họ hàng đôi bên, rồi kiếm tiền, chăm sóc con cái... thì ông sao có thể có bay bổng thế được. Bởi lẽ, xưa nay “áo cơm không đùa với khách thơ”. Giờ đây khi đã đến tuổi nghỉ hưu, bà tự nguyện lùi về phía sau chăm sóc sức khỏe cho ông. Phần cũng do cơ địa tốt, phần cũng do bà chăm sóc ông tốt nên ông rất ít khi ốm đau. Nhưng cũng có lần điện cho ông thì ông bảo phải hủy chuyến đi trại sáng tác vì đau chân. Sau đó, ít ngày điện lại thì ông bảo khỏi ngay rồi và đã ra vườn cuốc đất.

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn cùng tác giả tại cột mốc biên giới 144 Sín Tẻn.

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn cùng tác giả tại cột mốc biên giới 144 Sín Tẻn.

Nhưng không phải lúc nào kể câu chuyện nào ông cũng vui, có hôm ngồi cùng tôi ở Hà Nội khi mùa xuân sắp về, ông đã khóc, khóc như một đứa trẻ khát sữa mẹ. Đó là kỷ niệm tuổi ấu thơ về những năm tháng nghèo đói khi bố mẹ mất sớm, phải làm chăn ngựa trong Ủy ban Nhân dân huyện luôn là nỗi ám ảnh với nhà thơ Pờ Sảo Mìn. Ông từng có 5 năm học tại Trường Thiếu nhi miền núi Sa Pa và trong suốt thời gian ấy, ông đã phải đón 4 cái Tết tại trường vì ông không có nhà để về. Khi ấy, ông ở lại nhà trường vừa ăn Tết vừa làm... bảo vệ. Duy chỉ có năm học cuối cùng, năm 1963, ông được người anh Tráng Khấy Phà đưa về nhà ăn Tết.

Ông nhớ hôm đó vào ngày 26 Tết. Khi ấy ông Diu, bố của Tráng Khấy Phà đã nói: “Mìn à! Bố mẹ cháu mất sớm. Cháu mồ côi từ nhỏ. Bố cháu hy sinh vì bản, vì Mường Khương, vì đất nước. Bố cháu là một liệt sĩ. Cháu có biết không?”. Dù là một cậu bé nhưng Pờ Sảo Mìn cũng đã hiểu về sự hy sinh của bố. Sau đó ông Diu vỗ vai, xoa đầu cậu bé Mìn rồi thân tình nói: “Chú và bố cháu kết nghĩa anh em, chú ít tuổi hơn bố cháu nên chú là em còn bố cháu nhiều tuổi hơn là anh. Chú và bố cháu tuy là kết nghĩa nhưng coi nhau như anh em ruột thịt vì thế chú coi cháu như con, như thằng Phà nhà này, cháu cứ sinh hoạt ăn uống như nhà cháu nhé! Đừng ngại gì cả”.

Có thể nói, bằng tình yêu với dân tộc Pa Dí nói riêng và mảnh đất Mường Khương nói chung, nhà thơ Pờ Sảo Mìn đã giúp cho công chúng cả nước biết đến một vùng đất biên cương đang ngày “thay da đổi thịt” và một dân tộc thiểu số chỉ có 2.000 người nhưng đã có đóng góp tích cực cho cộng đồng. Miệt mài lao động sáng tạo khi tuổi tác đã không còn ít nữa, nhà thơ Pờ Sảo Mìn vẫn thanh thản viết như một ý thức tự thân. Đó cũng là cách để ông rèn luyện bộ óc trước sự lão hóa của thời gian.


Ngô Khiêm
Ý kiến của bạn