Nhà thơ Phạm Xuân Trường: Sống khỏe vì “hạnh phúc từng giây”

03-02-2020 07:41 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sống một mình trong căn hộ tập thể cũ, ngày đêm kỳ cạch gò đồng, chế tác những bức tranh danh nhân nghệ sĩ Việt Nam và thế giới, ăn ngủ trên mê chiếu rách, vậy mà vẫn có thơ hay và sống hạnh phúc tràn đầy từng giây.

Đó là hình ảnh đậm nét nhất về nhà thơ đất cảng Phạm Xuân Trường.

Nhà thơ Phạm Xuân Trường hiện sống ngoài mọi khuôn khổ. Ông là một nghệ sĩ tự do, đầy cảm hứng và nhiều năng lượng. Ông làm việc miên man bất kể đêm ngày. Có khi ông hưng phấn tới mức làm việc qua đêm, 5 giờ sáng mới đi ngủ, một mình nước lọ cơm niêu, hôm thì 2 giờ sáng đói quá bèn nấu cơm, ăn xong rồi làm việc tiếp. Làm việc đến mệt thì lăn ra mê chiếu rách trải trên nền nhà, ngủ bên những miếng đồng, búa, đục, bút vẽ, giấy, bản thảo. Với chế độ sinh hoạt bất thường như thế, mà ông lại không hề bệnh tật mới lạ kỳ. Trong đời, chỉ duy nhất một lần ông phải vào bệnh viện cấp cứu, đó là khi ông còn trẻ trai, đang làm việc trên tàu chở dầu Bắc - Nam, chẳng may rơi xuống biển từ độ cao 12 mét, va phải sườn chiếc đầu kéo ca-nô, nên gãy 4 xương sườn. Sau đận ấy, ra viện, ông sống khỏe khoắn, mạnh mẽ, chưa bệnh tật nào khiến ông phải quay lại nơi đó lần nữa.

Tác giả Phạm Xuân Trường giới thiệu tác phẩm tranh gò đồng của mình với bạn văn trong nước và quốc tế.

Tác giả Phạm Xuân Trường giới thiệu tác phẩm tranh gò đồng của mình với bạn văn trong nước và quốc tế.

Thức ăn chủ yếu của ông là rau sạch và cá biển tươi. Thức uống của ông chủ yếu là trà tàu. Ông không ăn thịt, không uống bia rượu đến say xỉn, nước ngọt cũng không. Ông cũng chẳng tập thể dục thể thao gì cả. Ông chỉ làm việc chăm chú, sáng tác ngay lập tức khi thi hứng đến. Hàng ngày ông thức dậy, luộc một nồi rau củ, ăn xong thì pha trà uống và bắt tay vào gò tranh, viết thơ. Cứ thế mà hạnh phúc bất tận một mình.

Gặp bạn văn, nghệ sĩ, hoặc danh nhân phù hợp thì nhà thơ Phạm Xuân Trường nói chuyện rất cuốn hút, ông chỉ nói thật, mà lửa đam mê truyền vào từng câu nói, mà hút người đối diện nghe mãi không chán. Bạn hữu quý ông ở sự chân thật, thẳng thắn, nghĩ gì nói nấy, luôn hết lòng vì bạn. Ông cũng yêu ghét rõ ràng, hiểu và quý người nào đó thì chơi thật sâu, nhưng ghét ai thì không bao giờ cố chịu đựng mà phải tiếp xúc ngoại giao với người ta. Ông coi chữ “thật” là phương châm sống, không phải uốn éo lấy lòng người khác, không phải tròng lên nhiều mặt nạ, vì thế mà tinh thần thoải mái và tối luôn ngủ ngon.

Nhà thơ Phạm Xuân Trường cho rằng, những lúc đang sống đây mới thật có giá trị. Ông không kỳ vọng và gắng gỏi làm gì đó để tạo danh, để sau này ông chết đi sẽ được tôn vinh. Với ông, quan trọng nhất là sự tự tôn trong lúc mình đang sống, sống thật với bản thể mình, không kỳ vọng người khác sẽ tôn vinh mình. Trong suốt 3 năm qua, ông nằm dưới đất ngủ, thức dậy ngồi trên đất làm việc, như vậy mà vững tâm vô cùng!

Những năm gần đây, nhà thơ Phạm Xuân Trường đột ngột làm dậy sóng dư luận về những bức tranh gò đồng tái hiện hình ảnh và ấn tượng danh nhân Việt Nam và quốc tế. Ông quả đã tạo nên nhiều xôn xao khi công bố những chân dung gò đồng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Huấn luyện viên bóng đá Park Hang-seo... Cho tới nay, nhà thơ kiêm nghệ sĩ tranh gò đồng hết sức độc đáo này đã tạo ra trên 300 tác phẩm chuyên chủ đề danh nhân.

Điều gì thôi thúc nhà thơ này dám tạm buông bút viết mà dùng bút vẽ, búa gò để tạo nên một loại hình tác phẩm khác? Phạm Xuân Trường trả lời ngon lành “Thích thì làm thôi!”. Không gì đơn giản hơn. Tuy nhiên, ông vẫn coi đây là nghề tay trái. Làm thơ mới là nghề tay phải của Phạm Xuân Trường.

Năm 1985, Phạm Xuân Trường đã “táy máy” với việc gò chân dung. Trước đó, ông có những năm làm thợ gò đồng, nhưng chủ yếu chỉ gò những bức tranh tĩnh vật: hoa hồng, táo, nho... Bức chân dung đầu tiên mà ông gò tỉ mỉ, đó là chân dung Bác Hồ. Bức gò đồng chân dung Bác Hồ ấy có kích cỡ nhỏ, chỉ bằng khổ A4, ông làm xong, ngắm nghía mãi rồi do nhà chật chội, nên để ở trong một góc nhỏ ở bếp. Bức gò đồng ấy ông lấy cảm hứng từ một bức ảnh rất đẹp của Bác Hồ, khi Bác đội mũ hải quân, nụ cười vô cùng rạng rỡ, khuôn mặt sáng bừng. Tiếc rằng qua thời gian, bức tranh gò đồng đầu tiên ấy của tác giả Phạm Xuân Trường đã bị thất lạc. Ông vô cùng tiếc tác phẩm gò đồng đầu tiên ấy, vì cho rằng nó rất đẹp.

Phạm Xuân Trường chia sẻ, có một lần, ông đi dự triển lãm tranh gò đồng của một tác giả từng học Trường Mỹ thuật, ông thấy những hình thù nhăn nhó, móp méo và tự hỏi, liệu rằng mình có thể làm tranh gò đồng được chăng? Người ta làm móp méo, trông khó hiểu như vậy mà còn được công nhận là tác phẩm, thì nếu mình làm tranh gò đồng sẽ làm khác, sẽ chọn cách thể hiện chân thực hình ảnh, ấn tượng của chính mình về danh nhân với cảm xúc chân thật nhất.

Tác giả Phạm Xuân Trường trong lễ trao tác phẩm tranh gò đồng của ông tặng Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tác giả Phạm Xuân Trường trong lễ trao tác phẩm tranh gò đồng của ông tặng Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nghĩ là ông làm thật. Khi bắt tay vào khởi động “thời kỳ chế tác tranh gò đồng”, Phạm Xuân Trường chọn làm chân dung bạn hữu trong giới văn nghệ sĩ̃. Ông cứ lặng lẽ làm, khi tác phẩm hoàn thiện, ưng ý thì treo lên, hứng chí thì gọi bạn văn nghệ sĩ đến tặng luôn. Thế rồi tiếng tăm lan xa, đến tai nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ - Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng. Năm 2017, nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ bèn tới thăm Phạm Xuân Trường, cảm động trước những tác phẩm mà nhà thơ này đã âm thầm lặng lẽ sáng tạo nên, đã đề nghị Phạm Xuân Trường chế tạo tác phẩm chân dung gò đồng nhà văn Nguyên Hồng để ra mắt trong Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Nguyên Hồng, Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng sẽ đầu tư kinh phí thực hiện bức chân dung đó.

Rất hào hứng, nhà thơ Phạm Xuân Trường đã lập tức gò chân dung Nguyên Hồng, ông làm rất tỉ mỉ, bởi đặc điểm của chân dung gò đồng là gò ngược nhìn xuôi, phải ước lượng đủ lực cho mỗi nhát búa, nếu chẳng may làm rạn lớp đồng mỏng mảnh nơi mí mắt thì công sức gò cả vài chục ngày coi như đi tong, phải làm lại từ đầu. Khi gò xong bức chân dung nhà văn Nguyên Hồng, thì ông chợt nghĩ, dù là sinh nhật Nguyên Hồng, nhưng ông đứng một mình có lẻ loi chăng, có buồn chăng? Từ suy nghĩ ấy, nhà thơ Phạm Xuân Trường tiếp tục chọn những nhân vật bạn văn của Nguyên Hồng như: Văn Cao, Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Loan,... để chế tác những chân dung bạn văn thân thiết treo cùng trong Lễ kỷ niệm sinh nhật Nguyên Hồng, để có bạn cho vui. Thế là, nhân dịp sinh nhật 100 năm, nhà văn Nguyên Hồng đã “mời” được những bạn văn yêu quý Văn Cao, Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Loan cùng đến vui buổi lễ, với sự nỗ lực thành tâm của nhà thơ - nghệ sĩ tranh gò đồng Phạm Xuân Trường.

Tháng 10/2019, nhà thơ Phạm Xuân Trường được Hiệp hội Thơ hiện đại Hàn Quốc mời sang giao lưu thơ với các nhà thơ của Hiệp hội này tại Busan (Hàn Quốc), ông đã dành hơn 2 tháng gò các bức tranh Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Hữu Thỉnh bắt tay Chủ tịch Hiệp hội thơ Hiện đại Hàn Quốc - nhà thơ Kim Jong-jae, chân dung nhà thơ vĩ đại Hàn Quốc Ko-un. Trải qua bao vất vả trong quá trình thực hiện âm thầm một mình, rồi những khó khăn trong quá trình vận chuyển tranh khổ lớn từ Hà Nội tới Busan bằng đường hàng không, cuối cùng, những bức tranh gò đồng ý nghĩa và ấm áp tình bạn, tình đồng nghiệp, tình hữu nghị này đã tới tay người nhận. Trước sự ngạc nhiên của bạn thơ Hàn Quốc với món quà tặng đầy bất ngờ, tác giả Phạm Xuân Trường cảm thấy an tâm và vui trong tĩnh lặng.

TS. Lê Đăng Hoan nhận xét: “Chẳng ai, chẳng tổ chức nào yêu cầu nhà thơ Phạm Xuân Trường phải chế tác tranh gò đồng tặng các bạn thơ Hàn Quốc trong chuyến đi giao lưu, nhưng Phạm Xuân Trường tự làm, tự lo kinh phí, làm với sự sáng tạo, tâm huyết, tận tụy, say mê, dâng hiến tất cả và đem tặng bạn mà chẳng kỳ vọng điều gì. Ông ấy thực sự đam mê, lo liệu làm đến cùng những dự định của mình. Đó là một người rất lạ!”.

Khi để ra cả 3 tháng trời ròng rã chế tác 2 bức tranh gò đồng hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, tác giả Phạm Xuân Trường chỉ mong muốn truyền đi thông điệp rằng, nhân loại cần hòa bình, cần những cái bắt tay, sự đàm phán, hợp tác và quan hệ ngoại giao nồng ấm, chứ không cần bom đạn, vũ khí tối tân. Tác giả Phạm Xuân Trường đã trao tặng được bức tranh đó tới Tổng thống Mỹ, nhưng còn bức tranh thứ hai, lẽ ra ông đã trao tặng cho chủ tịch Kim Jong-un, thì ông giữ lại, do kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều (diễn ra tại Việt Nam tháng 2/2019) đã không được như mong đợi của ông cũng như đông đảo công chúng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Khi chỉ cho chúng tôi xem bức tranh gò đồng khổ lớn thứ hai tại nhà ông ở Hải Phòng với hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, tác giả Phạm Xuân Trường nói, ông giữ bức tranh lại, nhưng vẫn mong mỏi đến một ngày nào đó, hai vị lãnh đạo cấp cao của hai quốc gia này sẽ tiếp tục đàm phán, tìm ra hướng đi thích hợp nhất, để hai quốc gia gần nhau hơn, và đến lúc đó ông sẽ trao tặng bức tranh thứ hai cho Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Tôi khá tò mò trước việc tác giả Phạm Xuân Trường chế tác tranh gò đồng ra chỉ để đem tặng, thì ông lấy đâu ra kinh phí tái đầu tư? Ông hồ hởi chia sẻ rằng, dường như mình cứ chủ động tặng cho mọi người những điều trân quý từ trái tim mình, từ khối óc, bàn tay mình làm ra, thì tự nhiên cuộc sống lại tặng cho mình rất nhiều thứ. Như một dòng chảy tự nhiên, cuộc sống tự nó đã luôn giàu có và phong phú rồi, sẽ nuôi được tất cả con người chúng ta, nuôi được cảm hứng nghệ thuật, nuôi được người làm nghệ thuật... Cứ như vậy, nguồn sống đến theo đường dẫn của trái tim. Có những người sau khi được tặng tranh thì cảm ơn và mang về, cũng có người tặng lại cho ông món tiền kha khá, cũng có người nghe tiếng lành đồn xa thì đến đặt ông làm tranh, trả món tiền tương đối lớn. Ông chẳng yêu cầu, cũng không từ chối, ông hạnh phúc vì được tự do làm những gì mình thích, mà theo cách nói của ông, thì do “cơn cớ lên mà sáng chế”, đơn giản thế thôi.


Kiều Bích Hậu
Ý kiến của bạn