Để rồi lần đầu tiên tiếp xúc với chị và đón nhận tác phẩm trường ca Sa mộc chị tặng, đọc một mạch để cảm nhận sức viết của cây bút đầy nội lực và một nữ quân nhân đang tràn đầy nhiệt huyết cống hiến cho đất nước, tràn đầy tình yêu thương với con người và cuộc sống… Chia sẻ về đường văn của mình, nữ nhà thơ áo lính chân thành nói rằng: Đất Việt rộng dài, người Việt trung hậu chính là vỉa quặng quý để tôi “đãi thành vàng” trong mỗi tác phẩm của mình.
Nhà thơ Phạm Vân Anh nhận giải thưởng Cuộc vận động sáng tác về đề tài Thương binh - Liệt sĩ và Người có công do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức.
Có lần phỏng vấn đồng chí Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng Tô Hoàng Vũ về các tác giả trẻ của đất cảng, nghe chú nhắc đến cái tên Phạm Vân Anh với một sự ghi nhận và hy vọng về một cây bút thơ trẻ đầy triển vọng đã được phát lộ từ tập thơ đầu tay Tôi chào tôi năm 24 tuổi. Từ những bài thơ mỏng chữ hay tứ Bạn đến những bài thơ đầy trải nghiệm, dài hơi trong Tiếng dòng sông thao thức, khi lại tìm đến tận cùng nội tâm trong Những ý niệm. Tập thơ như một tiếng chào ngày mới đầy hào sảng của Vân Anh với thơ ca đất cảng.
Lúc lại nghe, Chủ tịch Chi hội Điện ảnh Việt Nam tại Hải Phòng Nguyễn Long Khánh nhắc đến cái “mầm xanh” tươi non cho cây bút biên kịch trẻ Hải Phòng Phạm Vân Anh. Có cảm giác ánh mắt ông lấp lánh cười khi nhắc đến một biên kịch, đạo diễn người Hải Phòng đang trường sức để thực hiện hàng trăm bộ phim tài liệu khắp mọi miền biên cương của Tổ quốc. Thêm những bộ phim khẳng định cái tên Phạm Vân Anh trên lĩnh vực điện ảnh truyền hình như Vẫn còn có ngày mai, Tà đạo Hà Mòn - đằng sau niềm tin mù quáng, Đội quân tóc dài trên biển Tây, Vương Mảng, Họ mang dòng máu Việt... Hoặc những chương trình giao lưu truyền hình của quân đội và Bộ đội Biên phòng mà chị trực tiếp viết kịch bản và đạo diễn như: Biên cương thắm tình hữu nghị, Giao lưu biên giới Việt Nam - Lào, Giao lưu biên giới Việt Nam - Campuchia, Giao lưu hữu nghị quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc... Những chương trình kể trên đã đóng góp đáng kể vào công tác tuyên truyền đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng cũng như thắt chặt thêm tình hữu nghị, đoàn kết giữa quân đội và nhân dân các nước trong khu vực.
Từ cô sinh viên răng khểnh mới 19 tuổi hăng hái đọc thơ tại các buổi giao lưu của Câu lạc bộ Thơ trẻ Hải Phòng, thơ kéo chị vào nghiệp viết để rồi mở đường cho chị đến với Thủ đô Hà Nội với những khát vọng lớn hơn trong sự nghiệp. Vừa tất bật để làm quen với môi trường mới, công việc mới để ổn định cuộc sống nơi phồn hoa “cơm áo không đùa với khách thơ”, chị vẫn lặng lẽ viết và cho ra đời thêm đứa con thứ hai Mùa tình, đứa con thứ ba Góc. Ba đứa con đưa “người mẹ trẻ” đến với ngôi nhà thiêng liêng của văn chương là Hội Nhà văn Việt Nam. 29 tuổi, nhà thơ Phạm Vân Anh là cây bút thơ trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam hứa hẹn sẽ mang đến một ngọn gió thanh tân, tràn đầy sức sống cho đời sống thơ ca.
Dù có tới 3 tập thơ ở tuổi còn quá trẻ, nhưng điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, và ngoài “vốn liếng” là cử nhân tiếng Anh ra, chị hoàn toàn chưa được đào tạo bài bản về các chuyên ngành khác. Chính vì vậy, Phạm Vân Anh đã phải nỗ lực tự học, từ trau dồi kỹ năng báo chí, truyền hình thông qua việc cộng tác với một số tờ báo hoặc theo phụ việc không lương cho các đoàn làm phim. Năm 2008, Phạm Vân Anh được nhận vào công tác trong lực lượng biên phòng. Từ đó, với những trải nghiệm của nghề, một môi trường giúp chị thể hiện hết bút lực của mình. Từ thơ đến trường ca, từ ký đến truyện ngắn, từ biên kịch đến đạo diễn phim.
Tập trường ca Sa Mộc.
Những ngày đến với Trường Sa, chị viết Cô Lin những ngày biển thức. Tác phẩm không chỉ thể hiện sự căng thẳng, tinh thần khẩn trương chiến đấu của những người chiến sĩ nơi đây mà còn mang đến những xúc cảm yêu thương nơi người đọc. Phạm Vân Anh không chỉ viết bằng ngòi bút trần thuật mà còn bằng những cảm rung chân thành nhất từ con tim. Công tác trên bản làng Tây Bắc, chị tiếp tục ghi lại bằng 3 kỳ bút ký Sử thi giữ đất neo được cái hồn cuộc sống, con người nơi đây. Tập truyện ký Khúc quân hành lặng lẽ được Phạm Vân Anh đưa đến với người đọc thể hiện được một góc cuộc sống đầy chân thực, đầy rung cảm về công việc bảo vệ đất nước thầm lặng của những người lính. Và điều đáng ghi nhận là ở thể loại bút ký, cái nhìn, cách cảm của Phạm Vân Anh về mỗi vùng đất, mỗi con người đều có nhiều phát hiện mới lạ và ý vị.
Ở mảng thể loại truyện ngắn, Phạm Vân Anh cũng ghi lại dấu ấn của mình trong lòng người đọc. Từ truyện ngắn Mùi huyết huệ nhẹ nhàng sâu lắng và day dứt về một mối tình chị - em của Chương và Huệ, đến tập truyện ngắn Ngón hoa với 11 truyện, dài, ngắn khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp đều toát lên một âm hưởng chung về thân phận những “con người nhỏ bé” trong xã hội. Sự lựa chọn, tiếp cận đề tài, giọng văn, mạch truyện, xây dựng tính cách nhân vật... của Phạm Vân Anh đều rõ mà không phô, kín mà không bí, nhẹ mà không nhạt, đằm mà không nặng. Viết về những con người với nhiều công việc khác nhau trong xã hội: người lính trong truyện Mười tám mảnh dù hoa, anh bộ đội biên phòng trong truyện Giữa tầng trời, những cô gái khiếm thị làm nghề tẩm quất mù trong Ngón hoa, hay các đào kép ca trù xưa trong Ba dây khắc khoải... Phạm Vân Anh đều am hiểu tường tận, nhuần nhuyễn để gói ghém trong tác phẩm bằng những cách kiến giải thấm thía về cuộc sống và số phận.
Giản dị không một lời giới thiệu, tập trường ca Sa mộc với 7 chương ngấm dần vào lòng người đọc với từng hình ảnh, tứ thơ. Những hình tượng: bóng cây thiêng sa mộc, những người lính biên phòng thức cùng non sông, mỗi nếp nhà một chốt canh đứng đợi sẽ khắc mãi trong lòng người đọc. Viết về trường ca Sa mộc, nhà thơ Vương Tâm chia sẻ, nhà thơ Phạm Vân Anh thể hiện khá sâu sắc chủ đề cao cả - Tổ quốc. Đây là một trường ca mới và duy nhất về đề tài bảo vệ biên giới phía Bắc tính cho đến nay. Cũng có thể nói, Phạm Vân Anh là nhà thơ nữ trẻ đầu tiên thử sức mình với một hành trình lao động sáng tạo đầy gian khó với thể loại trường ca và đề tài về người lính nơi biên cương. Đó là bản lĩnh của một nhà thơ khoác áo lính.
Chân dung nhà thơ Phạm Vân Anh.
Một điều đáng trân trọng là dù bận mải với công việc của một quân nhân và nghiệp sáng tác, song Phạm Vân Anh vẫn luôn dành thời gian để tham gia các hoạt động thiện nguyện xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh éo le, bất hạnh. Ngay khi còn là sinh viên, chị đã tham gia dạy học tình nguyện tại Nhà tình thương Niệm Nghĩa và hỗ trợ chăm sóc, nuôi dạy trẻ em nhiễm chất độc da cam tại Hội Chữ thập đỏ Thiện Giao, Hải Phòng. Đồng thời thường xuyên vận động các nhà hảo tâm, bạn bè cũng như dành tặng mọi giá trị giải thưởng của mình để mua chăn màn, quần áo ấm và nhu yếu phẩm để mang đến các bản làng biên giới còn nhiều khó khăn, nghèo đói...
Cuối năm 2017, có dịp gặp lại chị trong cuộc gặp cuối năm của Thành ủy Hải Phòng với văn nghệ sĩ tiêu biểu của thành phố. Trong bộ quân phục sĩ quan biên phòng, chiếc răng khểnh duyên dáng sáng bừng khuôn mặt lúc nào cũng tươi rói nụ cười để chào hỏi và nắm chặt tay những văn nghệ sĩ chị quen biết. Tôi có cảm giác từ con người chị toát ra một sức sống đẹp cùng với tâm hồn tràn đầy nhạy cảm với con người và cuộc sống. Tôi thầm nghĩ có thể là không hữu ý nhưng chị đã khắc họa chính mình một cách vô tình trong bài tùy bút chị cảm nhận về sức vươn mới của thành phố quê hương mang tên Âm hưởng Sóng. Ấy là “khí chất” người Hải Phòng thẳng thắn, phóng khoáng, là sự bản lĩnh, tự tin của một quân nhân đã quen với gian khổ nơi địa đầu biên giới, và sự đằm thắm, ấm áp của một nhà văn nữ đã và đang tạo nên những trang văn tinh tế, cuộn trào hơi thở cuộc sống.
Nhìn chị và đọc các tác phẩm của chị, nghĩ đến quan niệm của chị trong sáng tác, tôi nhận ra rằng, chỉ cần có một tình yêu với quê hương đất nước, một tấm lòng bền bỉ với văn chương và một khát vọng hướng thiện, người ta có thể vượt qua được rất nhiều khó khăn để tạo dựng một con đường sáng tạo mang dấu ấn riêng mình. Và trong hành trình đi để gặp và cảm nhận đất nước, con người ấy, chị đang ấp ủ viết riêng một tác phẩm về thành phố cửa biển nơi chị sinh ra và lớn lên, nơi đã góp phần tạo nên một Phạm Vân Anh của ngày hôm nay.