Nhà thơ Hữu Thỉnh - Mưa ẩm cả hồn anh

03-05-2019 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ở đời, duyên kỳ ngộ thật lạ! Do quen biết nhà thơ Trúc Thông nên mỗi khi từ Bắc Ninh về Hà Nội, tôi thường qua thăm anh ở phố Hồng Phúc, ngay cạnh bến xe Long Biên - một phố ồn ã tấp nập bán mua.

Vào một ngày cuối năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở vào giai đoạn ác liệt nhất, tôi lại có dịp thăm anh. Mới bước qua cửa, tôi gặp một người mặc quân phục dáng tư lự, trầm ngâm, nước da ngăm ngăm sốt rét rừng. Anh đang ngồi đọc tập bản thảo đánh máy mỏng pơ-luya. Nhà thơ Trúc Thông giới thiệu với tôi: “Kim à, đây là anh Hữu Thỉnh - bạn mình - nhà thơ và là Đại úy Bộ Tư lệnh Thiết giáp đến chơi”. Tay bắt mặt mừng, Hữu Thỉnh nói chuyện với tôi thật cởi mở. Hóa ra tập bản thảo anh đang đọc là tập Lá cỏ của nhà thơ Oan Wytman (nhà thơ Mỹ). Bản thảo chưa in thành sách, truyền tay nhau đọc trong giới bạn bè làm thơ thuở ấy. Sau này, khi gặp lại, Hữu Thỉnh thường “kiểm tra” trí nhớ của tôi cái lần gặp đầu tiên khó quên ấy.

Lại nữa, tôi có kỷ niệm với riêng anh trong khi biên soạn cuốn Ai về Kinh Bắc (NXB Thanh niên - 2000). Bài Chiều sông Thương được đông đảo bạn đọc yêu thơ nhắc đến, đọc và thuộc, trong đó có những câu thơ thật gợi: “Dùng dằng hoa quan họ/Nở tím bờ sông Thương”. Bài này nhà thơ Hữu Thỉnh viết cách đây hơn 40 năm trên một chuyến tàu đêm. Hồi ấy, anh lên Ty Văn hóa Hà Bắc sơ tán ở xóm Chùa (xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng) liên hệ đón đoàn văn công quan họ về biểu diễn ở Bộ Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp. Việc đơn vị giao không thành (Đoàn nghệ thuật quan họ đi theo kế hoạch làm phim của Xưởng phim truyện Việt Nam).

Nhà thơ Hữu Thỉnh (thứ 2 từ trái sang) cùng các đại biểu thăm trưng bày ảnh nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Phú Thọ.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (thứ 2 từ trái sang) cùng các đại biểu thăm trưng bày ảnh nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Phú Thọ.

Nhưng bài thơ bù lại chuyến đi vất vả của anh. Sau bài thơ Chiều sông Thương, tác giả đã dứt khoát lựa chọn theo hướng tiếp nhận và chuyển hóa mạch nguồn văn hóa dân gian để tạo nên bản sắc riêng cho thơ mình. Được anh kể lại những gì có liên quan, tôi đã chọn và bình bài thơ này.

Nhà thơ Hữu Thỉnh có trí nhớ và sự mẫn cảm khá đặc biệt. Chẳng phải riêng gì tôi, bạn bè trong giới văn học thán phục mỗi khi gặp anh, Hữu Thỉnh nhắc lại những kỷ niệm tươi rói như mới hôm qua, hôm kia... Hữu Thỉnh cẩn trọng trong công việc, chí nghĩa, chí tình trong quan hệ bạn bè, đồng nghiệp nên nhiều người quý và nể anh. Theo tôi, hình như ẩn giấu đằng sau con người quản lý với cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thận trọng còn là một hồn thơ Hữu Thỉnh với nhiều da diết, đắm say, nặng lòng với thơ: “Em ở kề bên hoa trước mặt/ Ngày mai thương nhớ đã qua trời” (Ấm lạnh), của những xao động trong lòng: “Trời biết ta xa cách/ Soi biển, soi không đành/ Xuân về chưa đủ lá/ Mưa ẩm cả hồn anh” (Tám câu).

Đằng sau một người lính dày dạn trận mạc vẫn là tấm lòng đồng đội sẻ chia: “Anh vịn vào tiếng hát vượt gian lao/ Những năm Trường Sơn bạn bè trong trẻo quá/ Tiếng hát đi rồi căn hầm ở đó/ Thành chiếc hộp đàn giữa lòng đất âm sâu” (Tiếng hát trong rừng), của những nhắn nhủ ân tình: “Trong cuộc chiến tranh này/ Đừng để ngượng với nhau khi gặp mặt” (Ý nghĩ không vần).

Đằng sau nỗi lòng của người con trai xa nhà đánh giặc vẫn không nguôi ngoai nhớ về mẹ già trong căn nhà bé nhỏ - hành trang suốt cuộc đời anh: “Bước chân con chưa kín mảnh sân nhà/ Phía biên giới lại những ngày súng nổ/ Ngôi nhà mẹ là chiếc ga bé nhỏ/ Chúng con đến và đi trong suốt cuộc đời mình” (Ngôi nhà của mẹ), của những nghẹn thắt mất mát người thân trong từng mảnh đất: “Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ/ Đất thì rộng anh không vuông đất nhỏ/ Đất và trời Phan Thiết có anh tôi” (Phan Thiết có anh tôi).

Duyên kỳ ngộ của tôi với nhà thơ Hữu Thỉnh - có thể trực tiếp hoặc gián tiếp - đều có những nguyên cớ. Hồi công tác ở báo Hà Bắc, tôi thân với anh Đỗ Tuân vốn là bạn học với anh Hữu Thỉnh hồi còn phổ thông (anh đã mất vì bệnh trọng). Biết tôi làm thơ, lại cùng làm việc ở phòng tòa soạn, anh thường gọi tôi sang uống trà, nhâm nhi chén rượu hoặc phập phèo điếu thuốc. Chuyện nhà, chuyện công việc, chuyện bếp núc tòa soạn... vòng vèo thế nào anh cũng đều trở lại chuyện quê, chuyện chiến trường, chuyện những năm thiếu thời..., nhất là chuyện thơ. Anh Tuân kể: Hữu Thỉnh ham đọc sách, có được đồng nào anh đều mua sách, đọc ngấu nghiến. Nhà anh xa lại trọ học, ở cùng phòng với anh Thỉnh nên thương nhau lắm! Có những đêm khuya trong ánh đèn le lói, anh nhìn thấy Hữu Thỉnh ra đứng dưới loa phóng thanh nghe hết buổi Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam mới về, người ướt đẫm sương khuya. Ra Hà Nội công tác, anh đến tòa soạn báo Văn Nghệ thăm bạn cũ, Hữu Thỉnh bỏ cả buổi tiếp anh, hàn huyên với anh vẫn như đôi bạn cùng trường Tô Hiệu (Vĩnh Yên) ngày nào. Ngày ấy, anh Đỗ Tuân là Hiệu đoàn trưởng phụ trách học tập, Hữu Thỉnh là Hiệu đoàn phó phụ trách văn thể. Cả hai người đều yêu văn và học giỏi môn văn. Riêng anh Đỗ Tuân thì học đều cả văn và toán. Còn Hữu Thỉnh thì lệch hẳn sang văn. Và họ đều rất nghèo. Anh Đỗ Tuân nhắc mãi những mo cơm nắm và những đôi guốc mộc thuở hàn vi...

Năm tháng gian khó cứ thấm vào anh như “tro vùi trong lửa” làm nên diện mạo đời và thơ Hữu Thỉnh. Anh hiểu được cái giá của sự hy sinh, của chia xa nên cũng thấm cái giá của đảo lộn cuộc sống, của người biết nỗi lo cho đời: “Chưa viết chợ đã đông/ Chưa viết đồng đã bạc/ Người than thở vì mất mùa nhân nghĩa”  (Tạp cảm).

...“Đá rơi hạt chắc đầu bông rụng/ Ếch nhái kêu ran cỏ hội hè/ Hạt lép vồng lên trương với gió/ Đồng như canh bạc nước như mê” (Mưa đá).

và mỗi sớm mai, anh tự tìm lời an ủi: “Buổi sáng thức dậy/ Mùa đã qua, mùa đã qua/ Những khung cây hoang vắng/ Đi qua nhiều mũ áo/ Để tìm một bàn tay” (Buổi sáng thức dậy).

Tri ân ấy sao mà thiếu vắng làm vậy? Cả đời đi tìm mà cứ thấy ngút xa..., cứ chập chờn như ảo ảnh trước mặt, như “cuốc kêu gì mà khắc khoải trưa nay”. Chợt thấy bóng hình nhà thơ nhẫn nại trong tư thế ấy, tư thế vừa ngẫm ngợi, vừa vấn hỏi kiếp người: “Tôi ngồi buồn tôi đếm ngón tay/ Có mười ngón tay đếm đi đếm lại/ Đếm đi đếm lại trời ngả sang chiều

và anh ngộ được:

Chúng ta bị cái chết gạt về một phía/ Bị hư danh gạt về một phía/ Phải vượt mấy trùng khơi mới bắt gặp nụ cười/ Vừa bắt gặp nụ cười/Thì lại nghe tiếng cuốc” (Nghe tiếng cuốc kêu).

Cũng vì duyên kỳ ngộ, tôi mới thấy ra một điều ngỡ như đơn giản: “Người làm sao chiêm bao làm vậy”. Người và thơ trong Hữu Thỉnh nhất quán nhau. Hiện nay, anh là người phụ trách cao nhất Hội Nhà văn Việt Nam, đôi khi được lòng người này, mất lòng người kia là điều khó tránh khỏi. Nhưng Hữu Thỉnh biết chăm chút vì sự sáng tạo của các nhà văn (trong phạm vi có thể). Anh đã từng hiểu sự nhọc nhằn và vinh nhục của nghề văn. Và anh vẫn đang lặng lẽ theo đuổi cái nghiệp ấy, mặc dù thời gian để dành cho sáng tác ít hơn. Mặc dù bận rộn trong công việc điều hành Hội, anh vẫn âm thầm làm thơ. Thơ là nghiệp chướng mà. “Đã mang cái nghiệp vào thân”, đại thi hào Nguyễn Du đã dạy rồi. Đố có sai...

Nhà thơ Hữu Thỉnh.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thỉnh), sinh năm 1942, quê Tam Dương, Vĩnh Phúc, trong chiến tranh vào bộ đội tăng, thiết giáp chiến đấu ở Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông đã in 10 tập thơ, được trao nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Viêt Nam, báo Văn Nghệ, Giải thưởng Văn học Asean, Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Ông hiện là Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Trong 4 thập niên cuối thế kỷ 20, nhà thơ Hữu Thỉnh đã có nhiều thành tựu đóng góp cho thi ca chiến tranh cách mạng qua những bài thơ và các trường ca khá nổi tiếng của ông.

Tác phẩm chính đã xuất bản: Âm vang chiến hào (in chung); Đường tới thành phố (trường ca); Từ chiến hào đến thành phố (trường ca, thơ ngắn); Khi bé Hoa ra đời (thơ thiếu nhi, in chung); Thư mùa đông; Trường ca biển; Thương lượng với thời gian...


Nguyễn Thanh Kim
Ý kiến của bạn