Điều đó lý giải vì sao anh làm được nhiều việc, quanh thơ và ngoài thơ. Chả hạn như việc bày ra những đêm thơ - nhạc đầy hào sảng. Sau Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em (2013), Anh không muốn lạc em thêm lần nữa (2015) Trở về thương lấy tôi thôi (2015, tại Quảng Bình), Còn điều chi em mải miết đi tìm? (2017) là Người đàn ông mùa thu vào tối ngày 6 tháng 9 năm nay.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang bên bức tranh chân dung người đàn ông mùa thu Tranh : Vũ Công Khương.
Tôi từng nghe bạn thơ nói về anh: Người ta ở hiền gặp lành. Ông ở hiền thì gặp … đàn bà. Nghe vừa tôn vinh, lại vừa dễ gây cãi nhau. Nếu bài phỏng vấn này dùng cái title Đa tình để sáng tạo thì anh thấy sao?
Người ta cứ sợ bị gọi là kẻ đa tình. Nhưng có kẻ đa tình chung thủy. Chung thủy là có đầu có cuối. Còn trong cuộc sống nó sẽ như dòng sông uốn lượn nhưng bao giờ cũng rời khỏi nguồn và ra được tới biển. Bản thân chúng ta hiểu sự chung thủy theo nghĩa ấy thì sự đa tình sẽ rất tốt nếu không đời sống sẽ vô cùng tẻ nhạt. Có sự đa tình trăng hoa trụy lạc buông thả nhưng đa tình để sáng tạo thì hoàn toàn khác. Không có người đàn ông nào sáng tạo mà không đa tình vì họ cần phải yêu cuộc sống ở nhiều thể dạng khác nhau. Tôi thích nếu mà người ta nhìn sự đa tình tích cực như vậy.
Vậy đa tình là do mình có nhiều tình yêu với cuộc sống quá, do mình yêu cuộc sống này quá ?
Đa tình là số mệnh. Do gen. Là câu chuyện của hormone. Nhiều người muốn đa tình mà không thể.
Nhưng tôi còn nhận thấy anh bên cạnh đa tình bẩm sinh còn hồn nhiên cơ địa nữa. Tôi rất thích nhận xét của một người bạn anh - thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái (Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Công an nhân dân) là từ anh toát ra năng lượng sống tích cực khiến người ta gặp anh cảm thấy vui sống hơn.
Do tính tôi luôn chỉ muốn làm người khác vui dù nhiều khi mình không vui thực sự. Tôi nhường bạn bè nhiều lắm. Nhưng nếu như họ coi đó là điều tất nhiên hay nghĩ rằng do vì họ là cái gì đó thì tôi đổi thái độ ngay, bất cần luôn. Những người bạn bận rộn và VIP (cười) luôn gọi tôi mỗi khi họ có những sự căng thẳng trong cuộc sống, trong kinh doanh. Bạn bè coi tôi như một liệu pháp xả stress. Có thể góc nhìn của mình khiến cho họ cảm thấy có sự cân bằng trở lại. Tôi may mắn có nhiều bạn tốt, được đời cho nhiều thứ. Nhưng ít khi giữ cho riêng mình, thường có nhu cầu tán lộc. Lúc nào tôi cũng cảm thấy mình giàu có, mà bạn đừng hiểu theo nghĩa hẹp là của cải.
Anh lâu lâu lại bị vạ miệng/ bị hiểu nhầm có phải cũng vì cái hồn nhiên bản năng, thậm chí gây cảm giác bất chấp thị phi ? Gần đây nhất là sự sứt mẻ trong quan hệ với một nhạc sĩ nổi tiếng và cũng từng rất gắn bó với thơ anh ?
Tôi vạ miệng nhiều và cũng làm cho những người thân bị tổn thương nhiều. Nhưng may những người thân thì họ hiểu, không chấp. Những người không thân thì họ chấp. Thì mình phải chịu. Nhiều khi tôi cũng vô tình bị ghét. Hoặc trở thành nạn nhân của những mối thù vô cớ, dù mình chưa làm ác với ai bao giờ, mình sống hết lòng, hồn nhiên thì tự dưng mình hấp dẫn. Có lẽ một phần cũng do tính mình hiếu thắng.
Anh đã từng trải qua những cảm xúc yêu rực rỡ : Yêu như lao xuống dòng nước xoáy/ Giữa trời rơi không chịu mở dù…
Đó là khi tình yêu chưa diễn ra, tôi đã nghĩ về tình yêu như thế rồi. Mọi người nghĩ đó là những câu thơ khi đã được hưởng thụ tình yêu nhưng thực ra chưa có gì cả. Nhiều bài thơ của tôi là thế, kể cả Khúc mùa thu . Nó vừa là đời thực nhưng nó cũng là do có một người phụ nữ khác chạm tay vào trán mình và ra bài thơ mà ai cũng nghĩ là dành cho một người phụ nữ cụ thể.
Nếu cho sống lại thời tuổi trẻ anh có hành động “ yêu như điên” như thế nữa không ? Tuổi tác có ảnh hưởng không, người đàn ông mùa thu có thể nào lại yêu dữ dội cuồng si đến như thế không ?
Tôi nghĩ cuộc đời có nhiều thứ hay lắm, nếu có chuyện thời gian quay trở lại tôi muốn thử những gì tôi chưa biết. Có những thứ một lần đã là đủ cho 10 kiếp. Yêu như điên là một cảm xúc đẹp. Nhưng không yêu có khi cũng hay thì sao ? Hoặc yêu một cách chậm rãi cũng đẹp mà. Đến tuổi này tôi hiểu rằng người biết yêu là yêu một người một cách kỹ lưỡng còn những người yêu nhiều người là không biết yêu, là thất bại trong tình yêu. Chúng ta đa số là thất bại, công nhận đi (cười). Không có gì hạnh phúc hơn khi đến cuối đoạn đường vẫn là người đàn bà đã từng khổ ải cùng mình. Cũng như bây giờ khi nghĩ về mẹ, tôi vẫn luôn xót xa vì khi mình có điều kiện hơn thì mẹ đã đi sớm quá. Nhớ thương mẹ thì cùng lắm cũng chỉ tạc tượng mẹ mà thôi. Trong hôn nhân cũng vậy thôi. Như bây giờ, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi thứ để trong đám cưới của con tôi, tôi sẽ đứng cạnh mẹ nó.
Khi có vợ có chồng mới biết thương bố mẹ hơn. Tôi không nghĩ tình yêu/ hôn nhân ở thế hệ nào mà toàn những chuyện vui cả. Bố mẹ mình chịu đựng nhiều chứ, để có một gia đình trọn vẹn, để các con có niềm tin bước vào đời. Chúng ta chiều bản thân cũng đúng thôi nhưng cần nghĩ đến những người khác. Nếu con cái không được lớn lên trong một bầu không khí trọn vẹn, chúng bị khiếm khuyết là do lỗi của chúng ta.
Anh vừa khiến tôi nhớ đến mấy câu thơ anh viết cho con gái : Con gái ơi cục cưng của cha ơi/ Cha có lẽ không thể làm cho đời con bằng phẳng hơn định mệnh/ Nhưng nếu cha yêu thương trân trọng hơn tất cả đàn bà trên thế giới/ Đời con sẽ bớt mưa sa. Tôi cho đây là cách rất tuyệt để nói lên tình yêu lớn của một người cha dành cho con gái mình. Việc được làm cha và nhất là cha của một cô con gái đã làm anh thay đổi những gì ? Thơ anh có thay đổi không ?
Thơ thì không biết nhưng trong cuộc đời mình sống trách nhiệm hơn với hành vi của mình. Có những giai đoạn hồi trẻ mình đã sống hoàn toàn không biết sợ, 100% bản năng, theo điều mình cho là đúng.Nhưng bây giờ ngay cả khi mình làm việc đúng mình vẫn biết sợ. Không phải những việc sai mới có quả báo. Ngay cả việc đúng nhiều khi tiếng vọng cũng chưa hẳn tốt, nếu trên con đường đi bị khúc xạ thì sao. Tức là sống cẩn trọng hơn. Ngày xưa mình nghĩ hạnh phúc/ niềm vui của mình là quan trọng nhất, bây giờ biết kìm nén, biết dằn lòng chỉ trong thơ may ra mới dám bứt phá.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa & Hồng Thanh Quang - hai thành viên HĐGK cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng tại Lễ phát động cuộc thi lần thứ V (tháng 6/2018)
Thế thì thơ có dữ dội hơn không nhỉ ?
Thơ cũng chỉ là một cách để sống. Có những lúc bức bối, viết được ra thành thơ thì cảm thấy nhẹ lòng đi. Nó như sự nhận thức, chiêm nghiệm lại. Thơ là cái cuối cùng mà ta làm, khi mọi việc khác không thể giúp trái tim ta lành lại những vết thương. Thơ đôi khi không sinh động nồng nàn như đời thực nhưng là đời thực lên hương, có sức sống dài hơn đời thực
Anh đã chia sẻ về đêm thơ - nhạc Người đàn ông mùa thu, diễn ra vào tối thứ năm 6/9/2018 là một cuộc gặp gỡ giữa những người tri kỷ, giữa nhà thơ với các nghệ sĩ biểu diễn theo dòng nhạc dân gian để cùng tạo nên một đêm hội truyền thống ở chính trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Và cũng là để dựng nên chân dung nghệ thuật của một người thơ ở độ tuổi sang chiều?
Độ tuổi này thì sự lì đòn ở hàng cao thủ. Sức chịu đựng vô cùng lớn. Đã qua sự nồng nã của mùa hạ, người đàn ông mùa thu nếu không biết cách sẽ phá sản khi vào mùa đông. Người đàn ông mùa thu biết cách xử lý các vấn đề thì sẽ có một tuổi già không … thê thảm. Già đi mà vẫn thơm tho, trang nhã.
Con người ta muốn thành đạt thì phải có những kỹ năng sống trong tập thể. Nhiều khi điều đó khiến ta mất đi kỹ năng sống đối diện với bản thân mình. Ở tuổi về thu, tôi hiểu rằng cần nhất là phải ổn thoả với bản thân mình. Học kỹ năng MỘT MÌNH MÀ KHÔNG CÔ ĐƠN. Tuổi trẻ trong tình yêu anh thèm muốn vô biên và tuyệt đích ( Xuân Diệu). Khi trẻ yêu ai đều muốn là cuối cùng. Nhưng người đàn ông từng trải biết trân trọng tình yêu hơn, biết chịu mất mát. Và khi tình yêu không còn, sẽ biết ra đi một cách đàng hoàng.
Tôi tin rằng chương trình của tôi sẽ hay vì có những người nghe hay. Hy vọng nó như một thứ Salonpass tinh thần, nơi mọi nỗi niềm yêu hay đau khổ đều được chia sẻ. Mọi người trong đêm ấy khi nghe thơ/nghe nhạc sẽ không nghĩ về Hồng Thanh Quang mà nghĩ về chính mình, về những được mất đời người ai cũng có.