LTS: Nhà thơ Hoàng Cầm là cộng tác viên thân thiết của báo SK&ĐS, ông đã tạ thế sáng 6/5/2010. Báo SK&ĐS trân trọng giới thiệu bài viết này như một nén tâm nhang tiễn đưa nhà thơ về cõi vĩnh hằng.
Tin nhà thơ Hoàng Cầm tạ thế loang nhanh như ánh sáng. Thời đại di động cầm tay và internet mà. Chỉ đến khi người mà ta vẫn hằng gặp thường xuyên, vẫn cười đùa vui vẻ chợt khắc giây hoá thành thiên cổ mới thấy xót xa và buồn trĩu.
Khi về Hà Nội theo đuổi nghiệp kịch thơ thì lại lạc bước vào một mối tình trắc trở. Khi kịch thơ Kiều Loan được Ban kịch Hà Nội dàn dựng thì người thiếu nữ Hải Phòng được chọn sắm vai Kiều Loan với vẻ đẹp yêu kiều đã khiến chàng thi sĩ si tình mê đắm. Tiếc thay nàng Tuyết Khanh ấy lại cứ hồn nhiên giữa hai chàng thi sĩ Vũ Hoàng Chương và Hoàng Cầm. Điều đó khiến Hoàng Cầm không ít trở trăn. Cuộc kháng chiến đã đưa chàng và nàng về bên nhau cùng Đội văn công khu XII. Hai người thành vợ chồng. Năm 1948, nàng Tuyết Khanh có thai buộc phải về lại Hải Phòng để nuôi con sau khi sinh ít lâu. Nghiệp thơ đã níu chân chàng thi sĩ ở lại cùng "Chí làm trai dặm nghìn da ngựa". Nàng ở Hải Phòng nuôi con và chờ đợi. Rồi tuyệt vọng. Chàng tuy trở thành một trong những nhà thơ chống Pháp tiêu biểu với Bên kia sông Đuống thấm sâu vào lòng người, với Đêm liên hoan tràn đầy chia sẻ với người lính. Nhưng đến khi chàng về giải phóng Thủ Đô thì nàng lại ôm con di cư vào Sài Gòn. Vậy là trắc trở vẫn hoàn trắc trở.
Hoàng Cầm về Hà Nội rồi chuyển ngành về làm ở NXB Văn nghệ (bây giờ là NXB Văn học). Những ngày đầu măng mẻ của độc lập, tự do. Mang tinh thần tự do báo chí, Hoàng Cầm lại hăm hở tham gia làm tờ Nhân văn và phụ chương Giai phẩm. Sự ngây thơ và một chút ấu trĩ chính trị khiến cho ông và bạn bè phải nhận một kỷ luật khá nặng. Nhờ người vợ nhất mực yêu thương, Hoàng Cầm vẫn sôi sục sáng tạo, sôi sục cách tân trong bóng tối tại căn nhà 43 Lý Quốc Sư đằng đẵng suốt 30 năm. Sau ngày thống nhất ít năm, bà Hoàng Yến (vợ Hoàng Cầm trùng tên với con gái Hoàng Yến của ông) phải mở quán bán rượu làng Vân Bắc Ninh để lấy tiền nuôi hai cậu con trai ăn học và chàng thi sĩ không lương. Nhưng trong tột cùng gian khó đó, như bị xui khiến, Hoàng Cầm vẫn viết ra Về Kinh Bắc, Men đá vàng... Và cơ man nào là thơ tình một giọng điệu “Tân cổ điển”.
Vẫn trong đói khổ ấy, năm Nhâm Tuất 1982, năm ông vào tuổi "lục thập hao giáp", lại thêm một tai nạn từ trường ca Về Kinh Bắc. Người hiền lành và yêu nước như Hoàng Cầm vẫn phải chịu lao lý gần hai năm bởi những chuyện đẩu đâu. Sau những năm tháng ấy, Hoàng Cầm sa sút đến thảm hại. Ông gần như nuốt sâu đau khổ, không muốn tiếp xúc với ai. Thậm chí, có cảm giác trầm cảm.
Luồng gió mở cửa đổi mới đã xua tan đêm dài đời Hoàng Cầm cùng các bạn ông như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán. Nghị lực và bản năng tốt lành đã giúp Hoàng Cầm phục sinh trở lại. Ông trẻ hẳn và dần dà đưa những tác phẩm viết từ bao năm qua ra ấn hành. Đôi khi ngồi nhâm nhi cùng nhau, ông cười vô tư: "Không biết mình nên trách hay phải cảm ơn hoạn nạn. Không có hoạn nạn thì làm sao có Về Kinh Bắc, làm sao vui đến hôm nay". Khổ là vậy, nhưng không bao giờ thấy ông trách cứ, than thở điều gì. Ông luôn hướng mình vào những khát vọng ở phía trước. Những ấn phẩm liên tiếp trong nhiều năm qua khiến ông luôn vui tươi, sống như quên tuổi, quên già. Vậy mà đùng một cái, chỉ sơ suất vội vàng của thi sĩ khi mừng bạn đến nhà khiến ông bị ngã gãy xương và không thể đứng dậy trong vài năm qua. Ngồi trên xe lăn ông vẫn xúc động đi xem Kiều Loan được dàn dựng và biểu diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ và khen Quách Thu Phương sắm vai Kiều Loan đạt như nàng Tuyết Khanh ngày xưa.
Hoàng Cầm là thế, suốt đời quên mình vì thơ, vì bạn bè, vì những người thương mến. Anh em cứ chúc ông ít nhất phải "đá trọn 90 phút" để đón mừng Đại lễ Thăng Long - Hà Nội ngàn tuổi. Nhưng số phận đã điểm. Ông đã dừng cuộc chơi ở “phút 89”, thanh thản đi vào bất tử.
Nguyễn Thụy Kha