Hà Nội

Nhà thơ đi thực tế bằng thơ

24-01-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ở nước Nam ta, người bị tàn tật mà là nhà văn, nhà thơ khá nhiều. Những là Ðỗ Trọng Khơi, Phạm Minh Giắng...

Ở nước Nam ta, người bị tàn tật mà là nhà văn, nhà thơ khá nhiều. Những là Ðỗ Trọng Khơi, Phạm Minh Giắng... Thế giới cũng không phải là ít. Nhưng trường hợp như Nguyễn Ngọc Hưng thì hiếm, rất hiếm. Tất nhiên mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi thân phận, nhưng số phận như của Nguyễn Ngọc Hưng thì quả là kỳ lạ. Các trường hợp khác có thể bên mình còn có người thân - vợ, chồng, bố mẹ, bà con... giúp đỡ, đằng này, Nguyễn Ngọc Hưng trơ trọi một mình và từ đó xuất hiện điều kỳ diệu - ấy là tấm lòng bè bạn.

Nguyễn Ngọc Hưng.

Thực ra thì Hưng vốn dĩ bình thường như mọi người, đẹp trai nữa. Tốt nghiệp thủ khoa Đại học Quy Nhơn, Hưng chuẩn bị ra đi dạy, phơi phới niềm vui như mọi sinh viên khác. Nhà anh chỉ có 2 mẹ con. Mẹ là nông dân chân lấm tay bùn, chăm chỉ làm ăn nuôi ông con một nên người. Nên khỏi phải nói, khi Hưng tốt nghiệp đại học, mà lại thủ khoa, bà mẹ mừng đến thế nào. Trước mắt là một ngôi trường, một phòng tập thể đón mẹ lên ở cùng. Rồi là một cô vợ, rồi những đứa con. Thì con đường đương nhiên nó đã vẽ ra như thế rồi, không thể khác, đầy hoa và sự tự tin cùng cả những giấc mơ rất chính đáng của một chàng trai mới lớn...

Đầu năm học 1982 - 1983, sau khi thi tốt nghiệp ĐH, Hưng được phân công về thực tập tại Trường cấp III Nguyễn Công Phương (nay là Trường THPT số 1 Nghĩa Hành). Chiều, Ban giám hiệu giới thiệu đoàn thực tập sinh với học sinh toàn trường và phân công lớp chủ nhiệm thì ngay trong đêm đó, Hưng phát bệnh. Đang ngủ thì nghe nhưng nhức hai bàn tay. Trăn qua trở lại một hồi rồi... ngủ tiếp. Sáng ra mới thấy hai bàn tay sưng húp, mười ngón tay đơ đơ và co quắp lại. Nén đau, Hưng đến lớp chủ nhiệm với lời chào: “Thầy được phân công làm chủ nhiệm lớp này. Chúng ta sẽ làm việc với nhau 1 học kỳ. Còn bây giờ, chào các em, thầy phải đi bệnh viện khám bệnh đây!”. Khi nói với học sinh những lời ấy, Hưng cứ nghĩ mình chỉ bị đau khớp xoàng, uống vài liều thuốc là khỏi ngay thôi. Đâu ngờ kể từ đó, Hưng không còn cơ hội trở lại trường lớp nữa...

Dân Việt Nam ta có thói quen biến các cô bán thuốc thường chỉ là trung cấp dược, thậm chí sơ cấp, thành bác sĩ hết. Và lạ lùng là họ điềm nhiên làm việc ấy mà không mảy may nghĩ rằng mình đang làm thay bác sĩ. Chỉ cần ra hiệu thuốc nói đau bụng là có thuốc đau bụng, mua thuốc cảm là có thuốc cảm, khai đau lưng là có thuốc đau lưng... Con gái tôi là dược sĩ, nó bảo những người được học hành tử tế không dám làm thế. Uống thuốc vài hôm không đỡ thì anh mới vào bệnh viện. Và Hưng nhập Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Sau 2 tháng điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, Hưng được chuyển ra Bệnh viện C Đà Nẵng. Lại sau 2 tháng điều trị với 4 lần hội chẩn toàn bệnh viện và một kết luận: Bệnh này chưa có cách chữa khỏi, Hưng bị trả về với tâm trạng tăm tối, tuyệt vọng. Một năm tiếp theo (1993) là 365 ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng của các bạn đi hết cửa này đến cửa khác ở Quảng Ngãi. Nhưng mọi cánh cửa đều không mở ra cho Hưng tí hy vọng nào về việc chữa khỏi bệnh. Thế là sau Tết năm 1994, hai mẹ con phải theo dì Chín - người dì ruột của Hưng ở Cam Ranh về thăm Tết vào Khánh Hòa với chút hy vọng mỏng manh: Ở Thành - Diên Khánh có Thầy Hai cắt lể hay lắm!

Số phận run rủi, Hưng gặp được ba má nuôi là ông bà Mười Cư ở Thành và nương nhờ gia đình ấy suốt mấy năm liền. Dù đã làm đủ mọi cách nhưng bệnh mỗi ngày một nặng thêm, cuối cùng, Hưng đã phải nằm một chỗ. Đến cuối năm 1997, hai mẹ con trở lại Cam Ranh ở với dì Chín. Lúc bấy giờ, bệnh tình của Hưng đã đến hồi kịch phát: Đau nhức toàn thân, ăn ngủ không được nên người ốm như cái que. Mẹ Hưng cũng tỏ ra rất mệt mỏi và có vẻ lạc thần rồi. Thấy bà chiều chiều ra đầu ngõ trông về hướng Bắc, đoán mẹ muốn về quê, Hưng nhờ dì Chín gửi điện tín về cho Phạm Ngọc Thiện là người bạn chí cốt của anh với nội dung: “Nhờ Thiện và anh Xuân Anh lập tức vào Cam Ranh đưa mẹ con mình về. Nhắc anh Xuân Anh mang theo thuốc tiêm giữ sức cho mẹ mình”.

Cái hồi Hưng điều trị ở Bệnh viện Quảng Ngãi thì Xuân Anh cũng là sinh viên y khoa về thực tập ở đấy, họ quen nhau rồi quý nhau và cái sự quý đến kỳ lạ ấy khiến tôi phải viết bài này...

Hồi ấy, cái gì cũng khó khăn, từ thư tín đến đi lại nên một tuần lễ sau, 2 người bạn ấy mới từ Quảng Ngãi vào đến Cam Ranh sau khi phải “ngủ công viên” ở Nha Trang 1 đêm - lộ phí cả nhóm bạn góp được quá nhỏ so với những chi phí dọc đường nên đành phải tiết kiệm tối đa. Dù mệt mỏi vì đường xa và có lời mời của gia đình dì Chín ở lại chơi mấy hôm rồi hãy về nhưng nhìn bộ dạng ốm yếu, tong teo của Hưng, Thiện và Xuân Anh hội ý: Không quá 3 ngày, phải đưa về gấp! Đúng là không quá 3 ngày thật nhưng không phải với Hưng mà ứng với người mẹ tội nghiệp của anh. Xe chở đến đập Bến Thóc, hai mẹ con được bà con láng giềng khiêng về trên võng. Chiều trước về thì tối hôm sau mẹ anh mất. Mẹ đã mê man suốt đường đi cho đến khi tắt thở vẫn không trăn trối được một lời…

Hưng và những bạn bè thân thiết của anh.

Chân tay co rút cứng đơ, chỗ dựa cuối cùng là người mẹ đã mất, Hưng trở thành người bơ vơ. Có một bà dì nhưng nhà quá nghèo nên sau mấy ngày đầu ở nhà dì, một số cán bộ xã và huyện tốt bụng bàn nhau giới thiệu cho Hưng vào ở tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghĩa Bình mãi tận trong Bình Định. Nhưng đám bạn anh, trong đó có 2 người đã lặn lội vào Cam Ranh đưa mẹ con anh về lại bảo: Thằng này không sống nổi qua 3 tháng đâu, đưa nó vào đấy rồi lại phải đưa về thôi. Thôi thì đưa nó vào Trạm xá xã Hành Dũng nơi Xuân Anh làm việc, có gì Xuân Anh sẽ giúp. Hằng ngày có Xuân Anh và các bạn khi người này lúc người khác đến chơi và chăm sóc. Cơm nước thì chị Thu Hà (vợ anh Xuân Anh) và 2 cháu Nguyên Hạ (7 tuổi), Hoàng Phượng (5 tuổi) lo. Chỗ ở của gia đình ấy là một cửa hàng mua bán cấp ba giải thể chật hẹp, cách trạm xá tầm 200m…

Có một lần, tôi xem tivi thấy chiếu phim làm về Nguyễn Ngọc Hưng. Cảnh khiến tôi vừa xúc động vừa buồn cười là cảnh cả nhà người bạn Xuân Anh của anh khiêng anh ra tắm. Hưng béo trắng, nhưng nằm thẳng đơ như cái cột. Mà nếu là cái cột lại còn dễ khiêng dễ tắm. Vợ Xuân Anh dội nước rồi cùng chồng kỳ cho anh. Tôi nghĩ ngay, một ngày, một tuần, thậm chí một tháng… thì được, đằng này lại đằng đẵng đã bao nhiêu năm. Thế mà thấy lúc tắm, họ cười đùa trêu Hưng rất vui.

Hưng viết về vợ Xuân Anh, mà anh coi như sư tỉ thế này: Chị là một cô giáo dạy tiểu học. Dịu dàng, nhã nhặn và biết khép mở trong mọi việc. Bản thân chị cũng không được khỏe - chậm nhịp xoang bẩm sinh, đau dạ dày, rối loạn tiền đình, thoái hóa khớp… Chị Hà không chỉ đau chân mà còn đau nhiều thứ lắm. Lại nữa, phải sống trong điều kiện kinh tế thiếu thốn trăm bề. Vậy thì chỉ có thể lý giải việc chị mở lòng tiếp nhận và chăm sóc tôi như chăm sóc một đứa em ruột thịt là xuất phát từ trái tim thiên thần, tấm lòng bồ tát bao la mà thôi. Bạn bè tôi khá nhiều, cả trai lẫn gái và không ít trong số họ là những cặp vợ chồng. Với bạn trai thì có lẽ ai cũng sẵn sàng cưu mang, vô tư nuôi dưỡng nhưng “người đàn bà trong gia đình” không phải ai cũng có thể thông cảm và cùng chồng chăm sóc bạn trong hoàn cảnh đói nghèo rơm rạ một thời gian dài như thế mà không “khua chén động bát”. Gần 3 thập niên, tôi cố gắng từng ngày vượt qua những đớn đau, dằn vặt của thể xác, tinh thần để sống và từng chút một thực hiện quyết tâm sống có ích. Suốt hành trình đầy gian khó, trắc trở đó của tôi luôn có sự đồng hành lặng lẽ nhưng tích cực và hiệu quả của chị Thu Hà. Có thể nói, chính chị Hà với tất cả những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam đã giúp tôi giữ vững tâm thế, niềm tin để vượt lên số phận đầy giông bão của mình và góp phần vẽ nên một nét đẹp nho nhỏ cho đời. Biết là “đại ân nan báo” nên tôi không dám nói lời cảm ơn suông mà chỉ tự hứa với bản thân mình: Quyết tâm phấn đấu mỗi ngày để “sống khỏe, sống vui, sống có ích” càng nhiều càng tốt để nhẹ bớt phần lo lắng chăm sóc của anh chị Xuân Anh - Thu Hà. Và cái việc mà anh hứa là sống tốt, sống có ích ấy là anh... làm thơ.

Hưng hiện nay là nhà thơ có danh, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã xuất bản hàng chục đầu sách. Hiện nay, việc in sách với các nhà thơ lành lặn đã khó, huống gì người nằm một chỗ, tất tật mọi nhu cầu cá nhân nhỏ nhất đều phải nhờ người khác chăm sóc như Hưng thì còn khó đến mức nào. Thế nhưng, bạn bè đã giúp Hưng, chính quyền huyện Nghĩa Hành coi Hưng như một công dân đặc biệt. Giờ Hưng lấy thơ làm lẽ sống…

Nhưng thơ cũng dành cho Hưng nhiều hệ lụy. Nhà thơ Thanh Thảo bảo Hưng là người đi thực tế bằng… thơ, vậy nên nhiều câu thơ, bài thơ của người khác cứ tự nhiên vận vào Hưng một cách rất tự nhiên. Lại nằm một chỗ ít giao tiếp, ít đọc cho ai nghe để họ phát hiện hộ. Không dưới một lần trên báo chí, trên mạng có những bài tố cáo Hưng đạo thơ, và tôi, với tư cách là người hiểu Hưng, dẫu chưa gặp nhau bao giờ, đã phải lên tiếng “bảo lãnh”, nói khó với các báo, các tác giả để họ hiểu Hưng. Mà đúng thế, tôi biết và luôn tin Hưng không bao giờ có ý định ăn cắp của ai, có điều cứ vô tình nó vận vào thế, sau đấy Hưng rất ân hận, day dứt. Tôi còn giữ khá nhiều thư Hưng gửi cho tôi, với những chữ rút ruột, những lời bật máu. Ơn đời, ơn mọi người trả chưa hết, nỡ nào phụ lòng bạn bè, phụ lòng cuộc đời này. Nhớ có lần nhà thơ Trần Nhương đưa lên trang của mình bài của một nhà thơ tố cáo Hưng ăn cắp thơ của bác ấy. Tôi đọc xong, điện cho Hưng xác minh, Hưng bảo: Anh ơi, em không bao giờ ăn cắp, không bao giờ, không bao giờ làm thế, nhưng giờ nó thế em cũng không biết tại sao. Tôi hỏi bạn bè và cả các nhà thơ đàn anh ở Quảng Ngãi là Thanh Thảo, Phạm Đương, Mai Bá Ấn... rồi điện cho anh Nhương. Anh Nhương đang trên đường xuống Hải Phòng, nghe tôi trình bày xong bảo ngay khi xuống Hải Phòng sẽ gỡ bài. Và để gỡ, anh cũng phải có một bài “nói lại cho rõ”. Rồi trên trang nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng thế. Anh Tạo cũng hiểu Hưng và cũng “nói lại cho rõ”…

Một bài báo ngắn không thể viết hết được về con người kỳ lạ và những người bạn - còn kỳ lạ hơn của Hưng. Tôi trích cái thư Hưng gửi tôi để thay lời kết: “Cứ gặm nhấm nỗi đau sẽ không bao giờ lớn anh ạ. Nhưng có thể nói, nỗi đau thể xác và tinh thần chưa bao giờ ngừng lặng trong em. Ngày mỗi ngày em đều phải đối diện và không ngừng chiến đấu với nó để tìm chút vui sống tươi xanh cho bản thân và những người thân, bạn đọc qua từng con chữ…

Em coi thơ là cái gậy chống, là chiếc cầu nối  giữa người nằm một chỗ với thế giới còn lại và ở đây thì thơ em đã giúp em rất nhiều. Và em luôn thầm cảm ơn những người bạn đọc đã đồng cảm, sẻ chia, dù chỉ là một câu, một chữ với thơ em…”.

Mùa xuân này, Nguyễn Ngọc Hưng tròn 55 tuổi và vẫn thế, cái địa chỉ Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi vẫn rất quen thuộc với các tòa soạn và bạn đọc, nơi ấy, nhà thơ nằm một chỗ Nguyễn Ngọc Hưng đang lặng lẽ ngóng xuân…

VĂN CÔNG HÙNG

 

 


Ý kiến của bạn