Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh: Không được phép ốm!

12-05-2018 08:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh nay đã 74 tuổi, sống cùng gia đình tại TP.HCM. Bà từng trải qua hai cuộc kháng chiến của đất nước, vượt cả gian nan của cuộc chiến dữ dội trong tâm mình để sống cùng lúc với những vần thơ da diết “Đội câu Kiều đi suốt Trường Sơn” và một mình nuôi con cả thời đoạn bao cấp khó khăn nhất, giữ được gia đình bền vững, trọn vẹn.

Đã có thời, đau ốm bệnh tật trở thành những khái niệm xa xỉ mà bà không cho phép mình trải nghiệm.

Muốn giữ hạnh phúc, mọi quan điểm đều phải mềm

Điều khiến dư luận, giới yêu thơ biết đến nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh trước hết là những vần thơ rất đời, rất hay, rất sâu sắc, thấm thía, trữ tình và khá lẳng. Truyền thông còn biết đến bà là người vợ trẻ hiếm hoi thời binh lửa đã dũng cảm vượt Trường Sơn 90 ngày đi tìm chồng. Giới báo chí ham khai thác chuyện giật gân thì biết đến bà là người phụ nữ tài sắc, từng làm thi sĩ Hoàng Cầm điêu đứng, là nàng thơ khiến ông viết nên trăm bài thơ tình…

Mọi việc rồi cũng sẽ qua, giờ đây, tuy ở tuổi xưa nay hiếm, nữ sĩ Nguyệt Anh luôn tâm niệm việc giữ trọn gia đình mới là sự thành công trong cuộc đời một phụ nữ. Không phải tiền bạc, danh vọng, nhan sắc hay bất cứ điều gì khác mà chính là việc giữ trọn vẹn gia đình được quy đồng với cuộc đời thành công.

Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh trình bày tham luận tại Trại sáng tác.

Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh trình bày tham luận tại Trại sáng tác.

Để làm chồng một nữ nhà thơ có dễ không?

Nữ sĩ Nguyệt Anh chia sẻ rằng, thực tế, người bạn đời của bà là nhà giáo Thanh Liêm đã phải nhường nhịn bà rất nhiều thì đổi lại, bà cũng cần nhường nhịn ông. Đó là lẽ công bằng ở đời, không nên người này đổ lỗi cho người kia và cho rằng mình đang thiệt thòi, đang phải chịu đựng người kia quá tải, tự đánh giá mình cao hơn người kia. Bởi như thế, gia đình còn giữ được nhưng hạnh phúc thì bay qua cửa sổ lâu rồi, chỉ còn là sự hành hạ, tra tấn tinh thần, chịu đựng lẫn nhau mà thôi. Ý niệm giữ gia đình còn là thứ của để dành cho con cháu nữa. Đó là giá trị có thể truyền lại cho đời sau. Đặc biệt, người phụ nữ có sự nghiệp thơ văn, lại vẫn giữ được gia đình như bà Nguyệt Anh thực sự được coi là những phụ nữ có tài đi thăng bằng trên dây. Để giữ không khí hòa thuận, hạnh phúc trong gia đình thì mọi hành vi, quan điểm không nên cứng nhắc mà phải mềm.

Bà cũng bộc bạch, rằng ông Liêm chồng mình quả là vị thánh sống thì mới luôn nhường nhịn và yêu thương mình cho đến giờ phút hai người vừa kỷ niệm 50 năm ngày cưới đầu năm 2018. Thậm chí, nữ sĩ Ngọc Hà - một người bạn của bà Nguyệt Anh còn đùa rằng, sở dĩ bà ấy chưa tán ông Liêm vì bà chơi thân với Nguyệt Anh và vì Nguyệt Anh quá tốt với bà. Nữ sĩ kết luận, những người đàn ông có thể làm chồng suốt đời của nhà thơ đều là người đàn ông tuyệt vời cả. Bởi để làm chồng nhà thơ đâu có dễ. Anh không chỉ cần bản lĩnh, bao dung, trí tuệ, sự hóm hỉnh mà cả tầm nhìn nữa.

Đoạn đường khổ ải

Nữ sĩ Nguyệt Anh quê gốc Nam Định. Bà lấy chồng năm 1968, sau lễ cưới, chồng bà đi chiến đấu, để bà ở lại miền Bắc vò võ một mình. Đó là hoàn cảnh chung của những người vợ thời chiến tranh. Nữ sĩ Nguyệt Anh khi ấy là một cô giáo dạy văn. Khi nghe tin chồng đau bệnh trên đường hành quân, bà quyết định rời miền Bắc vào Nam tìm chồng. Cả trong cuộc chiến tranh chống Mỹ như thế, phụ nữ đi tìm chồng như bà là rất hiếm. Không như hầu hết phụ nữ đành nhịn hạnh phúc chờ chiến tranh kết thúc thì Nguyệt Anh dũng cảm dấn thân vào chiến trận, vượt qua bom đạn đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc không phải chờ đợi.

Con nhà Nho, chân tay nhỏ nhắn, nuột nà, da dẻ mịn trắng, yếu đuối, vậy mà Nguyệt Anh dũng cảm vượt núi rừng Trường Sơn ròng rã 90 ngày đi tìm chồng. Đi dép cao su suốt chặng đường tìm chồng vượt Trường Sơn, chân Nguyệt Anh cứ sưng đỏ do dị ứng, tối về phải ngâm nước muối cho dịu đi. Bài thuốc ngâm chân nước muối do các chiến sĩ bộ đội mách cho bà. Mỗi khi đến binh trạm bà lại xin muối, tối dùng hăng-gô múc nước suối đun lên cho nóng già, bỏ muối vào ngâm chân. Có khi không tìm được chậu ngâm chân thì túm nước trong tấm ni-lon mà thò chân vào ngâm. Vậy mà da chân, tay bà vẫn rất đẹp, nõn nà mịn trắng. Có lần người chiến sĩ trẻ tên Vừ A Bỏng lấy nước suối đựng trong túm ni-lon về cho bà lau rửa, nhưng thiếu kinh nghiệm, bà mở túm ni-lon ra thì nước ào xuống đất. Bà chỉ biết kêu trời vì thương người chiến sĩ đã vượt qua bao đường rừng mới lấy được nước suối mang về mà bà lỡ đánh đổ. Bà còn bị vắt rừng hút máu, bám dai như đỉa, bị con ve rừng chui vào tai đốt, đau nhức phát điên, không tả nổi, sưng u trong tai. Đến trạm xá quân y bà mới được soi tai và gắp ra con ve to như hạt đậu. Sau này, khi tìm được chồng, hết chiến tranh, vợ chồng bà sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, bà đôi khi vẫn bị cơn sốt rét rừng hành hạ.

“Có một thời đã qua,

Cơn sốt rừng theo em về phố

Đắng nghẹt từng hơi thở

Những khớp xương nhức nhối

Vẫn thương buốt lòng

Trường Sơn”.

(Thơ Đặng Nguyệt Anh)

Là một nhà thơ, đam mê sáng tác đến tận cùng nhưng không phải lúc nào Nguyệt Anh cũng có thể sáng tác thơ. Để dành thời gian, tâm hồn cho thơ cũng là cả một con đường khổ ải.

“Vợ chồng nhà giáo nghèo

Tưởng chừng đã quen

Nhưng tôi vẫn nhiều lần chới với

Lúc hết gạo, hết tiền, hết dầu,

hết muối

Rồi những lúc các con ốm đau

Hai vợ chồng lặng lẽ nhìn nhau

Lần bán từng tờ báo cũ”.

“Cơm áo không đùa với khách thơ”. Sống chẳng bao giờ đơn giản. Thời chiến tranh và sau chiến tranh khi kinh tế cả nước lao đao, bữa trưa được lưng cơm nhưng đã lo không biết bữa tối mình sẽ ăn gì bởi nhà hết gạo, ngày mai kiếm đâu ra tiền mua gạo cho con ăn. Hồi ấy, người lớn được phân phối 13kg lương thực gồm gạo, bo bo, sắn… Trẻ con thì được ít hơn thế. Khi mang bầu con thứ ba, chồng Nguyệt Anh phải ra Hà Nội học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc 2 năm, sau đó ông về nhà vài hôm lại đi Liên Xô học tiếp. Suốt những năm vò võ một mình nuôi con, bà không có quyền được ốm. Bởi nếu bà ốm, ba đứa con lít nhít không được ai chăm nuôi. Ý nghĩ đó khiến bà vượt qua mọi cơn đói, mệt lả, dằn vặt và làm việc quá sức: không có quyền ốm khi nhà hết gạo, hết tiền. Bà miệt mài đi dạy môn văn hệ A ở Trường cấp 3 Marie Curie, lại phải chủ nhiệm lớp nhiều học sinh cá biệt nhất trường. Lũ học trò nghịch ngợm luôn tạo bê bối khiến cô giáo càng tốn nhiều thời gian với chúng hơn để giải quyết vấn đề. Phải rèn luyện đạo đức thêm, giúp các em học ôn ngoại khóa để thi lại trong mùa hè. Vất vả như vậy, nhưng được kết quả là sau đó các em ngoan hơn, đều lớn lên tử tế, sống đạo đức và rất yêu cô chủ nhiệm.

Bà dạy hệ A buổi sáng, dạy hệ B buổi chiều để có thu nhập thêm đong gạo nuôi con. Buổi tối, bà dạy Trường Bổ túc dân chính của Thành phố. Nguyệt Anh căng mình ngày dạy 3 ca, lại đi đưa đón con, nấu nướng giặt giũ, chăm sóc con một mình. Khuya về, bà tranh thủ soạn giáo án, chấm bài. Lắm lúc đang chấm bài thì ngủ gục trên bàn. 11h đêm, bà thường tranh thủ đi giặt quần áo, lau nhà. Trong khi vẫn làm chừng đó công việc, bà còn tăng gia, nuôi heo gia công để kiếm thêm (nhận heo về nuôi lúc heo nhỏ, khi heo lớn thì trả lại xí nghiệp nuôi heo để tính công, vài ngày lại đến xí nghiệp nhận cám cho heo); sau đó nuôi cả chim cút, gà công nghiệp, cá trê phi... Không có chuồng nuôi heo, bà ngăn tạm căn bếp để nhốt. Phải xách nước tắm heo mỗi ngày. Nước tắm heo xong lại phải múc đổ ra ngoài rãnh thoát nước chung để tránh mùi ám bếp… Khi nuôi cá trê phi, phải dùng ni-lon quây thành bể lớn bằng cái giường. Không có chất đốt để nấu cơm cho người, nấu cám cho heo, bà phải đạp xe vào Dinh Độc Lập, ra sân bay kiếm vỏ bào về đun. Nước cũng phải chờ đến lượt để hứng từ vòi chung và xách lên lầu 1 dùng dần. Đó là những năm 1976-1986, một thời vất vả khó có thể tưởng tượng ra. Bạn chồng bà về thăm, thấy hoàn cảnh như vậy, đã bảo, tôi phong bà là anh hùng. Khổ, khó như vậy mà bà vẫn làm thơ, thơ kể khổ, kể nghèo mà vẫn hay đến lạ. Điều lạ nữa là khi một người phụ nữ làm biết bao công việc trong gia đình, ở cơ quan, làm kiệt lực thì không bệnh tật nào dám đến gõ cửa.

Thể thao bào hết bệnh

Đến tuổi về hưu, như được cuộc đời bù đắp khi các con của nữ sĩ Nguyệt Anh đều ngoan, giỏi, làm kinh tế tốt. Các con có thể tặng mẹ những chuyến đi tham quan và sáng tác cả trong, ngoài nước. Bà muốn đi đâu cũng được, miễn là có sức để đi. Nhưng có một lần, năm 2011, bà bị đau chân, đi lại khó khăn, xuống cầu thang phải nhờ con rể cõng. Do bà bị gai cột sống, mắc vào tủy, gây đau đớn và khó đi lại. Bà điều trị 2,5 tháng thì khỏi, ngay sau đó đi châu Âu tham gia sự kiện đọc thơ ở Pháp.

Sau đợt khỏi bệnh, bà được con gái chăm sóc sức khỏe bằng việc mua sâm, yến tặng mẹ. Bà cũng tìm đến với thể thao để tránh bệnh gai cột sống tái phát. Dần dần, bà trở nên thích chơi thể thao, đến nỗi hình ảnh đậm nét trong lòng nhiều bạn văn khi gặp bà, đó là vẻ trẻ trung, khỏe khoắn và hấp dẫn của bà trong bộ đồ chơi tennis, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền… Bà thích chơi đa dạng các môn, bởi mỗi môn sẽ giúp vận động, rèn luyện các bộ cơ khác nhau. Ở tuổi 74, bà chọn chơi cầu lông là chủ yếu. Mỗi sáng, vào lúc 5h40’, bà đã đi xe máy ra khỏi nhà, đến câu lạc bộ cầu lông để chơi với nhóm của mình. Vì chơi thể thao trong nhà nên kể cả khi có mưa bão hay mùa đông tối trời bà vẫn đi tập không bỏ buổi nào. Bà nói đùa: Tập thể thao bào mòn gai. Khi tập thấy có hiệu quả, bà càng chăm tập và đến nay, tuổi ngoài 70 nhưng tay chân rất dẻo.

Niềm vui của bà bây giờ là làm thơ và những chuyến đi khám phá khắp nơi, kể cả trong nước và quốc tế. Hào hứng đi và khám phá như một người trẻ đam mê phượt, nữ sĩ Nguyệt Anh đã vượt qua cả tuổi tác để sống tròn một hồn thơ tài năng và đầy năng lượng.


Kiều Bích Hậu
Ý kiến của bạn