Nói đến nhà thơ Bình Nguyên, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình, bạn đọc nhớ ngay đến những câu thơ lục bát hay của anh. Nhà thơ của cố đô Hoa Lư này đã nhận tới hai giải “Thơ lục bát” (Giải A-2003; Giải Ba-2010) trên báo Văn Nghệ. Hơn nữa, những bài thơ được giải thưởng của anh trong các cuộc thi mới đây nhất (năm 2013 và năm 2015) cũng thuộc thể thơ này. Quả đây là trường hợp hiếm có trên văn đàn thi ca...
Chuyện từ bài thơ bị trừ điểm vẫn được giải cao
Chúng tôi bắt đầu trò chuyện về tình huống bất ngờ này. Đó là trường hợp đã xảy ra với bài thơ Tiễn em lên máy bay của Bình Nguyên, trong Cuộc thi thơ Lục bát do tòa soạn Lucbat.com cùng với báo Văn Nghệ đồng tổ chức, trong hai năm (2009-2010). Đây là bài trong chùm thơ dự thi của nhà thơ Bình Nguyên, đã được đưa vào xét giải chính thức. Tất nhiên nhà thơ Bình Nguyên không hề hay biết. Một lần tình cờ, Bình Nguyên gặp hai nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và Hải Đường, ở Thái Bình. Trong cuộc hàn huyên, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nhắc đến cuộc thi và nói đến một bài thơ khá hay, nhưng bị trừ 2 điểm vì có một câu lục bát không đúng luật thơ (thất vận), thật đáng tiếc. Lẽ dĩ nhiên, tên tác giả phải xóa đi để chấm thi cho công tâm, nên nhà thơ, giám khảo Nguyễn Đức Mậu không biết bài thơ đó của ai. Tò mò, nhà thơ Bình Nguyên hỏi đến tên bài thơ, mới hay đó là bài dự thi của mình. Kết quả cuối cùng, bài thơ Tiễn em lên máy bay của Bình Nguyên được trao giải Ba.
Nhà thơ Bình Nguyên với niềm say mê nhiếp ảnh.
Bài thơ có nhiều câu thơ hay mà bạn đọc vẫn nhớ trong cuộc tiễn đưa mộng mị này. Nhất là khổ thơ cuối được coi là cái “đinh” để trao giải, với những nỗi niềm ẩn giấu trong tim: “Ta về ngõ nắng như rêu. Rêu như áo mẹ bạc nhiều năm phơi. Em đi một chuyến lên trời. Biết đâu rồi lại một đời cách ta”. Qua những tập thơ của Bình Nguyên đã xuất bản trong 15 năm qua, bạn đọc khá quen thuộc với sự hồn hậu, dịu dàng và tài hoa của anh, qua các bài thơ Lục Bát. Nhiều người còn nhắc đến bài thơ tình rất liêu trai của anh, chỉ với bốn câu: “Em về bóng đổ lại đây. Gió tương tư thổi kín ngày không em. Mai rồi dầu nhớ hay quên. Xin em đừng giẫm chân lên bóng mình...” (Mai rồi - in năm 2004). Đó là một tứ tuyệt thể hiện một bản ngã thi sĩ của Bình Nguyên. Nét tài hoa trong thơ anh còn thể hiện ở những bài thơ lục bát, rải rác trong các tập thơ như: Mầu ơi, Xa, Vu vơi lục bát; hay Đêm tư lự, Khúc ru xa, Chợ Cát; hoặc Lang thang trên giấy, Tản mạn về cỏ, Nhớ quê... Nhiều câu thơ lục bát của Bình Phương găm vào trí nhớ bạn đọc thật khó quên như: “Trời cho em có thế thôi. Anh về bấu cỏ xước mười ngón tay”; hay “Có người thương nhớ cỏ may. Nhớ thương như cỏ găm đầy chiêm bao” (Nhớ quê); và đây nữa: “Ru cho đời nín cái đau. À ơi... mẹ chẳng một câu ru mình” (À ơi tay mẹ)... Có thể nói không ít những cặp đôi câu thơ của Bình Nguyên đã có thể tự đứng được tựa như một thi phẩm hoàn chỉnh.
Tuy vậy, thơ Bình Nguyên hay không chỉ dừng lại ở thể lục bát, mà anh còn gây ấn tượng khá độc đáo với bạn đọc qua những thể thơ còn lại. Nét dung dị của anh dần dần được bay bổng, hòa trộn với sắc cảm ảo giác, làm nên những câu thơ hiện đại đáng ghi nhận. Anh đã vượt qua cái hiện thực dạng: “Nhặt lên từng tuổi qua ngày. Mà rưng rưng nỗi vơi đầy thế gian” (Tự khúc), để đậu trên đôi cánh ảo mộng, bay lên trong giấc mơ thi ca. Đó chính là trường hợp bài thơ Những vầng trăng Đồng Lộc; Những con nước, Đợi em, hoặc Gửi em từ buổi chiều xuống nắng, Em có nhớ mùa thu... Những điểm ngời sáng đó được ghi nhận qua hai tập thơ sau này: Lang thang trên giấy (NXB Văn học - 2009) và Những ngọn gió đồng (NXB Hội Nhà văn - 2015). Từ đây người đọc lại thấy chân dung thơ Bình Nguyên ảo diệu hơn trong tâm cảm. Những câu thơ hay như: “Trăng ngấm nắng rót mùa thu vào từng mái cổ. Anh ngã xuống tiếng gọi em trong bóng trăng đang vỡ vụn bên thềm” (Gửi em từ buổi chiều xuống nắng), hoặc “Em thèm được lẫn vào anh trong bụi đất ruộng đồng. Thèm ngày hạ như muốn thiêu anh trong gió cát” (Duyên nợ); hay “Nếu sức lực không còn anh gục xuống. Trái tim anh vỡ ra một con đường. Em hãy bước chân lên. Đi thật xa thật xa cái nơi em từng khóc” (Nơi em từng khóc); chúng xuất hiện liên tục trong hàng chục bài thơ sau này. Hẳn không phải vô cớ, anh không hề in một bài thơ lục bát nào, trong tập thơ gần đây. Có lẽ suối nguồn tâm cảm trong thơ Bình Nguyên đang chuyển động, với những khắc họa mới, tươi sáng về thi pháp, nghiêng sang địa hạt siêu thực, hay ấn tượng!?. Bạn đọc thêm yêu thơ Bình Nguyên, bởi sự chuyển động “Đi về nơi không chữ” ấy, bởi cái còn lại là thi ảnh gợi cảm, tràn đầy mộng mơ.
Đường xa vạn dặm
Không ít lần được gặp nhà thơ Bình Nguyên, tôi cũng không ngờ anh lại cầm máy ảnh, đi khắp nơi khám phá một hình loại nghệ thuật mới. Tôi nghĩ chỉ là một cuộc chơi giải trí sau quãng thời gian rỗi của anh, nhưng quả là anh là một tay chơi thứ thiệt. Một nghệ sĩ chính hiệu. Có lần chợt nhìn thấy bức ảnh phong cảnh núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), treo ở văn phòng của anh, tôi bị hút vào một luồng ánh sáng kỳ lạ quấn quanh sườn núi, tạo nên cảnh sắc huyền ảo thần tiên. Anh hứng khởi và khoe đó là tác phẩm của mình. Nói rồi anh dẫn tôi đến bên bàn máy tính xem hàng trăm bức ảnh mới chụp. Đó là những đàn cò bay lượn trên dãy núi khu du lịch Vân Long, Ninh Bình. Dường như đó không còn là những bức ảnh nữa, mà là những cuộc trò chuyện của một nhà thơ với thiên nhiên kỳ thú. Tôi càng không ngờ, với những bố cục tinh tế, mỗi bức ảnh tựa như tranh thủy mặc. Để có được những bộ ảnh cò đẹp, nhà thơ Bình Nguyên đã phải đeo đuổi hai năm trời liên tục, sống cùng với đàn cò tại quê hương anh.
Tác phẩm nhiếp ảnh của nhà thơ Bình Nguyên.
Đặc biệt, những bức ảnh về chủng loại cò nhạn (giống cò hạc), cánh sải dài và có những tập tục sinh hoạt rất bạo dạn. Đây là giống cò hiếm, được ghi vào sách đỏ, cần phải được bảo vệ, trong thiên nhiên. Bộ ảnh cò lần lượt hiện lên trước mắt tôi tựa như một cuốn phim về thế giới động vật. Có bức tựa như chúng đang trò chuyện hát ca, từng đôi từng đôi dang đôi cánh, múa theo điệu nhạc gió bay từ trên đỉnh núi. Lại có bức cò lượn phủ trắng sườn núi tựa như tấm thảm nhung hừng lên trong ánh hoàng hôn. Thêm nữa có những đôi cò rỉa lông cho nhau và mớm cho cò con ăn những chú sâu bé xíu. Tôi cứ hình dung khi đó nhà thơ Bình Nguyên cùng sống với đàn cò trong núi. Lân la trò chuyện. Gần gũi hát ca. Vậy nên khi anh cầm máy là chúng dương cánh lên trình diễn cho anh xem và để chụp ảnh. Sự giao hòa với thiên nhiên ấy làm tôi nhớ đến câu thơ của anh viết: “Hoa Bần đỏ ngòn ngòn mặt nước. Đầm Cút đêm nào tiếng Vạc cũng gọi nhau” (Ký ức).
Nhiều bức ảnh của nhà thơ Bình Nguyên đã được đồng nghiệp khích lệ, chọn đưa đi dự các triển lãm trong nước và quốc tế. Không ngờ hàng chục tác phẩm của anh đã được trao giải thưởng. Từ đó, nhà thơ Bình Nguyên trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, sau gần chục năm dấn thân vào các cuộc viễn du khắp nơi. Có lẽ đến nay Bình Nguyên là người duy nhất có bộ ảnh Cò Hạc, một tài sản quý hiếm của nghệ sĩ nhiếp ảnh. Bên cạnh đó, anh còn có hàng chục bộ ảnh về thiên nhiên và con người ở vùng cao Tây Bắc, đều là những tác phẩm đã được chọn và được giải thưởng cao. Với con mắt của một thi sĩ, khi chọn đề tài và bố cục cùng ánh sáng, mỗi bức ảnh của Bình Nguyên đọng lại tựa như một bài thơ. Cũng ảo diệu với những chùm ánh sáng của bình minh hay hoàng hôn. Có thể nói, nhiếp ảnh là nghệ thuật tạo hình trong những khoảnh khắc ánh sáng.
Lại những chuyến đi
Mới đây gặp lại, nhà thơ Bình Nguyên chỉ im lặng, ưu tư dâng lên đôi mắt. Tự nhiên tôi đọc luôn hai câu thơ của anh, coi như đánh tiếng gõ cửa: “Tôi như mây trắng tan dần mộng. Nước chảy sao lòng không phù sa” (Đi về nơi không chữ). Anh bật cười giải thích, đang chưa biết chụp và viết những gì trong chuyến đi sắp tới. Vậy lại thêm một lần, nhà thơ khoác ba lô lãng du trên mọi tuyến đường. Người nghệ sĩ luôn khao khát những chuyến đi, như anh đã viết: “Khi nhận ra cuộc đời như dồn lại. Muốn bước thật dài, muốn chảy như sông”. Nhiều điều mới lạ đang mở ra trước mắt. Và, những giấc mơ sẽ hiện về, trong thiên đường của thi ca.