Hà Nội

Nhà thơ Ấn Độ Pravamayee Samantaray:“Việt Nam quê hương thứ 2 của tôi”

30-08-2016 09:10 | Quốc tế
google news

SKĐS - Vào năm 2015, tôi có một cơ hội “vàng” khi được tới quê hương thứ hai của tôi, Việt Nam. Đó là một nhiệm vụ thân thương nhất giúp tôi chia sẻ sự tương đồng, sự đa dạng văn hóa, những tình cảm trào dâng và học hỏi thêm về văn hóa, truyền thống và văn học của Việt Nam.

Pravamayee Samantaray, nhà thơ Ấn Độ


"Tôi nhận thấy rằng tờ báo đáng quý của các bạn, Sức khỏe&Đời sống (10/1961- 10/2016) thuộc Bộ Y tế Việt Nam, đang làm một công việc rất đáng giá là soi sáng cho người dân mọi khía cạnh liên quan tới sức khỏe. Tờ báo của các bạn là tờ báo có một không hai. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập báo, tôi xin gửi những lời chúc mừng chân thành từ trái tim và mong muốn tờ báo của các bạn sẽ tiếp tục phục vụ xã hội bởi sức khỏe là nhu cầu căn bản của mỗi con người."

Pravamayee Samantaray
Nhà thơ, thành viên Hội hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam

Lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam vào tháng 11/2014, nhưng tôi đã biết tới Việt Nam kể từ năm 2009. Năm tôi trở thành thành viên của Hội hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam ở Ấn Độ và tôi đã tham gia các hoạt động của Hội. Càng tham gia các chương trình, hội thảo, các bài giảng và đọc sách về vị lãnh tụ vĩ đại và nhà nhân văn Hồ Chí Minh, tôi càng cảm thấy gắn bó với Việt Nam hơn. Trên thực tế, tôi đã yêu Việt Nam qua hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người là một nhà cách mạng, một nhà văn, một nhà thơ. Người đã mang đến một hướng đi mới cho nền văn hóa Việt Nam trong đó có văn học.

Tập thơ “Nhật ký trong tù” đã được xuất bản không chỉ bằng tiếng Việt mà bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Theo quan điểm của Người, viết theo cách mà ai cũng có thể hiểu được, cho dù là người trẻ hay người già, đàn ông cũng như đàn bà, thậm chí cả trẻ con cũng có thể hiểu được. Thơ của Người viết về những phương diện khác nhau của đời sống như giải phóng, chính trị, nỗi buồn vì bị thực dân đô hộ, lòng mong mỏi nước nhà được tự do, cuộc kháng chiến, truyền thống Việt Nam và thậm chí Người còn viết cả thơ trào phúng. Đây là phong cách tinh tế, trầm tư và mang tính biểu tượng.

Nền tảng triết học, tư tưởng và thơ ca của Người tập trung vào thân phận người dân thường. Người xót thương tầng lớp nhân dân bị áp bức và suốt cuộc đời của Người đã tận tâm để nâng cao thân phận của họ. Người tin vào tình anh em quốc tế, giải phóng, bình đẳng, công lý và theo hệ tư tưởng của Người, Việt Nam giờ đây đang trên đường trở thành một trong những nước phát triển nhanh. Một nghiên cứu gần đây cho thấy Việt Nam nằm trong top 5 nước trên thế giới nơi mà người dân làm việc ít gặp phải stress nhất trong khối doanh nghiệp. Tính thật thà và kỷ luật đang chảy trong dòng máu của người Việt Nam. Một trong những lời dạy của Người quả là đúng ở khía cạnh này: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng, bên cạnh việc chiến đầu giành lại tự do cho dân tộc, Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân tập trung vào giáo dục và y tế, đặc biệt là vấn đề chăm sóc cho trẻ em. Những người nghèo nhất trong số những người nghèo đã theo lời kêu gọi của Người có thói quen uống nước đun sôi. Người dân đã theo lời Hồ Chí Minh để đạt được thành quả là số người biết chữ đã tăng nhanh chóng trong suốt cuộc kháng chiến bởi đó cũng là một vũ khí trong cuộc chiến chống lại kẻ thù.

Trong suốt thời gian ở lại Việt Nam, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nhận thấy một đất nước đã từng bị tàn phá trong chiến tranh đã nổi lên trong chiến tuyến của các nước đang phát triển về cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và vị thế bình đẳng cho phụ nữ,... Liên quan tới vị thế của người phụ nữ, không chỉ riêng Ấn Độ mà hầu hết các nước châu Á khác có lẽ vẫn còn đứng sau Việt Nam.

Vietnam-trong-trai-tim-toi-Prava-3

Pravamayee (trái) cùng người bạn Việt Nam

Khi đi trên đường, tôi luôn khó đoán được chính xác tuổi của người Việt Nam bởi họ thường trông rất trẻ. Có lẽ bởi thói quen ăn uống thực phẩm tốt và vận động thường xuyên. Cũng rất khó để đoán ai đó giàu hay nghèo thông qua trang phục bởi ai cũng ăn mặc đẹp. Hầu hết mọi người đều mảnh mai.

Việt Nam là một hình mẫu về sự tiến bộ của phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam có quyền tự do lựa chọn bạn đời, không phải chịu hôn nhân sắp đặt như ở một vài nước châu Á. Tôi đã tới thăm một vài gia đình ở Việt Nam và nhận biết các giá trị gia đình họ. Tất nhiên người Việt Nam cũng mong muốn có con trai làm người kế nghiệp gia đình, nhưng họ không phân biệt giữa con trai hay con gái. Người chồng cũng sẵn sàng chia sẻ công việc nhà và giúp vợ nấu ăn hay cho con ăn. Tôi rất xúc động trước vị thế gần như bình đẳng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội.

Có nhiều điểm tương đồng giữa Ấn Độ và Việt Nam như gia đình nhiều thế hệ sống cùng nhau tình cảm và chăm sóc cho nhau.

Khi tôi nói Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi, tôi đã không hề nói sai. Tôi muốn chia sẻ với các bạn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hãy để sự thân ái và đoàn kết hữu nghị giữa người và người thống trị thế giới này vì hòa bình, ổn định và phát triển. Những lời nói và hành động của Hồ Chí Minh đã tạo cảm hứng cho mọi người tiến tới mục tiêu này bởi bản thân Người đã áp dụng tư tưởng này trong đời sống của mình và tư tưởng của Người là luôn hướng về nhân dân.

Pravamayee Samantaray đang lấy bằng Tiến sĩ về ngôn ngữ. Cô là một nhà thơ trẻ, một nhà nghiên cứu văn học và một nhà giáo dục của Ấn Độ. Cô là thành viên của Hội hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam. Năm 2014-2015, cô là giảng viên dạy tiếng Anh cho sinh viên Việt Nam tại Học viện Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội. Trong thời gian sống tại Việt Nam, cô tham gia giao lưu cùng các nhà văn Việt Nam.

Kể từ khi biết đến Việt Nam thông qua Hội hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam vào năm 2009 và sau đó tham gia cùng các cây bút Ấn Độ sáng tác thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Anh, cô đã đem lòng yêu mến Việt Nam và mong muốn đóng góp cho các hoạt động củng cố tình hữu nghị hai nước.

Pravamayee Samantaray sinh năm 1986. Kể từ khi nghe nói về Việt Nam và tìm hiểu về nền văn học Việt Nam, cô đã ao ước có thể đọc được các tác phẩm văn học Việt Nam bằng tiếng Việt. Mặc dù hiện tại cô nghiên cứu về nền văn học và lịch sử Việt Nam chủ yếu thông qua các tác phẩm đã được dịch ra tiếng Anh, nhưng nhờ sự giao lưu rộng rãi với các nhà văn Việt Nam qua các hoạt động của Hội hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam, hội nhà văn của hai nước và thông qua các hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Pravamayee Samantaray đã có một kiến thức khá sâu sắc và đầy đủ về nền văn học Việt Nam, văn hóa lịch sử Việt Nam, đặc biệt là nền văn học cách mạng cũng như các sự kiện lịch sử đưa Việt Nam tới thống nhất đất nước.

Qua lời kể của Pravamayee Samantaray, dù nhiều người Ấn Độ không biết tiếng Việt, nhưng họ lại rất say mê nền văn hóa và văn học của Việt Nam. Cụ thể là tại Hội chợ Sách Quốc tế lớn nhất thế giới tổ chức ở Kolkata, Ấn Độ, gian hàng Việt Nam có rất nhiều người đến tham quan. Đặc biệt những người già rất yêu thích gian hàng Việt Nam. Những cuốn sách tiếng Anh giới thiệu về lịch sử, văn học, đất nước, ẩm thực và văn hóa Việt Nam được những người trung niên và cao tuổi say mê đọc. Rất nhiều người muốn mang những cuốn sách này về nhưng rất tiếc là một số cuốn sách chỉ trưng bày nên họ thật sự cảm thấy tiếc nuối và ước giá như có thể cầm về nhà.

Ở Ấn Độ, trong trái tim nhiều người, Việt Nam trở thành cái tên rất đỗi quen thuộc và được nhiều người dân, đặc biệt là người có tuổi yêu mến. Thậm chí nhiều câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam đã được lưu truyền qua lời kể của người cao tuổi ở Ấn Độ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Pravamayee Samantaray
Ý kiến của bạn