Nhà sư với trái tim thiện lương: Từ hỗ trợ ở phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 đến bếp ăn 0 đồng

25-03-2022 09:35 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Ngày TP. HCM trong làn sóng dịch thứ 4, sư cô Nhuận Bình (Tịnh viện Tâm Không, Củ Chi, TP.HCM) có hơn 100 ngày tình nguyện chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Hết dịch cô đến với bếp ăn 0 đồng cho người nghèo.

Nhà sư lo nối dài sự sống cho cộng đồngNhà sư lo nối dài sự sống cho cộng đồng

SKĐS - Giữa những ngày dịch bệnh căng thẳng ở Sài Gòn, đôi chân nhà sư, Thượng tọa Thích Nhật Từ (chùa Giác Ngộ, TP.HCM) lại tất bật, vội vã hơn để lo sức khỏe cộng đồng.

Thương bệnh nhân, khâm phục thầy thuốc

Không chỉ tu tập, nghiên cứu ở Tịnh viện Tâm Không, sư cô Nhuận Bình còn là Phó Thư ký Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM và hiện đang làm nghiên cứu sinh về Phật giáo.

Nhà sư từ phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 đến bếp ăn 0 đồng - Ảnh 2.

Nhà sư Nhuận Bình (người đứng) trong những ngày khốc liệt ở phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19

Công việc chồng chất nhưng khi dịch COVID-19 căng thẳng nhất, nhà sư là một trong những người đầu tiên xung phong vào tâm dịch. 

Nhà sư Nhuận Bình bộc bạch rằng: "Tôi đã dấn thân ở tuyến đầu trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, căng thẳng và khốc liệt nhất. Lúc đó ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Và, có lẽ đó cũng là những thời khắc lịch sử mà có lẽ những người đương thời như tôi và nhiều người đều không thể nào quên. Dẫu là nhà tu hành nhưng dốc tâm cùng thầy thuốc cứu chữa bệnh nhân luôn là khát vọng cháy bỏng trong tôi.

Nhà sư từ phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 đến bếp ăn 0 đồng - Ảnh 3.

Nhà sư Nhuận Bình (bên trái) luôn tâm niệm được sát cánh cùng thầy thuốc là niềm hạnh phúc

Thời gian nhà sư Nhuận Bình phụng sự trong phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 (Bệnh viện dã chiến 12, TP.HCM) là hơn 100 ngày. Chuỗi ngày ấy để lại trong trí nghĩ của nhà sư bao dấu ấn không thể phai mờ. Lúc nhà sư đến thì bệnh viện vừa thành lập, ngày nhà sư chia tay để trở về nơi tu tập thì bệnh viện chuẩn bị giải thể, thưa vắng bệnh nhân.

Nhớ lại những ngày tháng mãi không quên, nhà sư Nhuận Bình bộc bạch: Hơn 3 tháng ở tại chiến trường COVID-19 được chia sẻ những khó khăn, gian khổ cùng đội ngũ tuyến đầu, giúp đỡ hàng ngàn bệnh nhân COVID-19 vững tâm chiến thắng bệnh tật, được trở về là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời tôi. 

Với những nhà tu hành như chúng tôi không chỉ trợ giúp bác sĩ cấp cứu mà còn giúp các F0 tìm thấy niềm tin, niềm vui, bớt đi những căng thẳng, hoảng loạn trong những tháng ngày điều trị ở bệnh viện. Với tôi, phía sau mỗi phận đời đều để lại một câu chuyện đầy xúc cảm. Ví như một hoàn cảnh thương tâm, một ước mơ còn chưa thực hiện được. 

Nhớ và ám ảnh nhất là ánh mắt, nụ cười, giọng nói và lời hứa hội ngộ khi khỏe mạnh của rất nhiều bệnh nhân được tôi chăm sóc nhưng chẳng may sự sống không mỉm cười với họ.
Sư cô Nhuận Bình

.... Nhớ đậm sâu còn là những thổn thức, ưu tư, sự cảm thông và tình thương của đội ngũ thầy thuốc. Ai cũng xem bệnh nhân như ruột thịt. Họ quên mọi hạnh phúc riêng dốc cạn sức lực vì bệnh nhân. Bây giờ không còn nhiều bệnh nhân chuyển nặng nhưng sự hy sinh của thầy thuốc trong thời khắc khốc liệt ấy khiến những nhà tu hành cũng rưng rưng xúc động, trân trọng hết lòng. Nhớ mãi".

Theo nhà sư Nhuận Bình, chính những thầy thuốc trong nơi khốc liệt nhất giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 còn thổi vào tâm thức người tu hành niềm tin vào sự tử tế, sự lương thiện và tình người dành cho nhau. Đó như là liều "thần dược" để cùng nhau vượt qua mọi gian nan.

Dù nhớ lại những đêm dài trong phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 có buồn nhưng nhà sư Nhuận Bình tâm tình: Tôi có hiểu biết về ngành y. Biết chăm sóc bệnh nhân. Tôi đã chứng kiến nhiều máu và nước mắt rơi. Bởi có những nỗi bi thương khó lòng diễn tả bằng ngôn ngữ và có những sự ra đi làm suy sụp tinh thần. Chúng ta nhớ lại không phải để bi lụy mà để trân trọng hơn những thành quả mà ngành y tế đã đạt được như hôm nay. Trước kia, những ngày dài trong phòng cấp cứu đã có lúc tinh thần của tôi như chực rơi xuống vực. Nhưng thật may mắn vì tôi là nhà sư. Xuất gia từ nhỏ, được học nhiều về triết lý nhân sinh của Phật khiến tôi cân bằng đời sống. Chia ly là sự thật ở đời, không một ai có thể thay đổi điều đó được. Chỉ khác là mình có thể thay đổi được lòng mình, thay đổi tư duy, thái độ, cách ứng xử để nhìn mọi vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn. Và quan trọng nhất là từng khoảnh khắc dốc cạn sức mình cùng các thầy thuốc chăm lo miếng ăn, giấc ngủ…cho bệnh nhân COVID-19.

Niềm tin vào ngày mai 

Chính những ngày khốc liệt vừa chăm sóc bệnh nhân, phụ giúp các thầy thuốc trong phòng cấp cứu, nhà sư Nhuận Bình đã truyền cho hàng ngàn người ý nghĩ tích cực, lạc quan vượt qua mọi gian khó.

Nhà sư Nhuận Bình bộc bạch: Dù chứng kiến nhiều cảnh thương tâm và đối diện với nguy hiểm, rủi ro, tôi vẫn mong muốn người dân, bệnh nhân luôn có năng lượng tích cực. Hãy tin vào thầy thuốc, vào những điều tốt đẹp sẽ đến ở ngày mai và tin rằng đại dịch rồi sẽ qua đi, cuộc sống bình thường sẽ đến với chúng ta, sẽ đến với người dân TP.HCM vào một ngày gần nhất. Và, những ngày này, không khí sôi động đã trở lại. Cuộc sống đã dần bình thường. Có được điều ấy công lao của các y bác sĩ tuyến đầu là lớn nhất. Sau đó là các tình nguyện viên.

Giúp được người mắc COVID-19 và hỗ trợ được thầy thuốc chút nào là lòng nhà sư Nhuận Bình lại bừng lên niềm hạnh phúc chừng ấy.

Nhà sư từ phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 đến bếp ăn 0 đồng - Ảnh 5.

Rời phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19, nhà sư Nhuận Bình (bên trái) lại đi vận động những bữa ăn, món quà ý nghĩa cho người nghèo

Nhà sư bảo rằng: Tôi thấy mình rất may mắn, thuận duyên khi thực hiện các chuyến hàng liên quan đến y tế hiến tặng đến bệnh viện điều trị COVID-19. Và tôi luôn nghĩ rằng đức Phật đã bổ xứ mình đến đây cùng mọi người chia sẽ khó khăn. Nhiều bạn bảo rằng, "tôi đến với bệnh viện như là sứ mệnh cao cả được ơn trên ban xuống để cứu người". Vì tất cả những bình o-xy, thuốc men, máy móc, đồ bảo hộ và các trang thiết bị y tế… mà tôi đã hiến tặng đều giúp ích rất nhiều trong quá trình cứu sống bệnh nhân COVID-19. Điều làm tôi tâm đắc, hoan hỷ nhất có lẽ là vì sự lương thiện và trái tim ấm nồng của người dân Việt Nam. Dù trong hiểm nguy, gian lao thì vẫn sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau.

Bếp ăn 0 đồng cho người nghèo

Theo nhà sư Nhuận Bình thì từ hơn 10 năm nay, sư đã âm thầm thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện, an sinh xã hội.

Nhà sư từ phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 đến bếp ăn 0 đồng - Ảnh 6.

Những bữa ăn của bếp ăn 0 đồng do nhà sư Nhuận Bình vận động, tổ chức

Đặc biệt, từ khi dịch bệnh được kiểm soát, lượng bệnh nhân giảm nhanh nhà sư rời phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 và trở về tịnh viện để thực hiện ý nguyện mở bếp ăn 0 đồng.

Sư Bình cho biết: Tôi thấy hạnh phúc vì có thể góp một bàn tay để làm cho cuộc đời này đẹp lên mỗi ngày. Từng trải qua những tháng năm không mấy thuận lợi, suôn sẻ, tôi luôn đồng cảm, thấu hiểu và yêu thương những phận đời kém may mắn bên lề cuộc sống. Đồng cảm, sẻ chia với họ chính là trách nhiệm, là sứ mệnh của bản thân. Tôi rất hạnh phúc vì làm được điều đó. Tôi cũng thật mang ơn vì họ (những người nghèo) đã cho phép tôi được thực hiện hạnh nguyện "vì nhân sinh". Những bữa ăn của bếp 0 đồng dù là các món đơn sơ nhưng nồng ấm tình người.

Nhà sư từ phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 đến bếp ăn 0 đồng - Ảnh 7.

Nhà sư Nhuận Bình (quàng khăn) xem việc giúp người nghèo là niềm an vui

Không chỉ vận động, tổ chức bếp ăn 0 đồng, nhà sư Nhuận Bình còn quyên góp nhiều món quà ý nghĩa cho trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt. Với nhà sư những việc làm ấy cũng là cách để đời sống yên bình, an vui hơn.

Xem thêm video được quan tâm

F0 khỏi bệnh tình nguyện chăm sóc bệnh nhân COVID-19


Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn