Thật khó mà rời khỏi những câu chuyện của nhà sư trong một chiều Sài Gòn trầm buồn sau bao ngày đêm căng mình chống chọi với đại dịch COVID-19.
Cuộc điện thoại rất dài vừa dứt, sư Thích Nhật Từ lại hướng ánh mắt đầy lo âu về nơi có những tiếng còi xe cấp cứu đang vang lên. Ông bảo rằng: "Ngày cũng như đêm, không ngừng lo cho mọi người. Từ xe cấp cứu, huy động hiến máu giữa đại dịch, gom khối lượng lớn thực phẩm, nhu yếu phẩm cho đến các thiết bị y tế, máy móc… Tất cả đều hy vọng đại dịch sớm được khống chế, cuộc sống trở về bình thường".
Nhà sư cũng chia sẻ rằng, không phải trong đại dịch mà bất kể khi nào, không quản ngày đêm, các sư sãi và chùa đều đau đáu lo cho chúng sinh, cuộc sống. Mọi người đến chùa đến thấu hiểu được triết lý, sẻ chia, đùm bọc nhau là hạnh phúc.
Là người dân tộc K'Ho sống giữa Sài Gòn nhiều năm, cứ mỗi khi lo âu ùa vào tâm trí, ông Ka Mành lại tìm đến chùa Giác Ngộ, nghe những tiếng kinh cầu và những lời ấm áp, truyền cảm của sư Thích Nhật Từ. Ông Mành thổ lộ: "Nhiều người K'Ho hay các dân tộc khác đều tìm được sự an yên từ những triết lý gần gũi của thầy Từ".
Ví như: Hạnh phúc hay khổi đau trong đời cũng đều do phước hoặc nghiệp mà tạo ra. Cho nên, ai thích làm phúc nhiều sẽ có nhiều hộ pháp, Bồ tát nâng đỡ, đó là phước nghiệp của chúng ta. Trên thực tế không có Bồ tát… nhưng phước quả tự động tạo ra thuận duyên, khi ta hoạn nạn, khó khăn thì có người giúp. Đó là phước mà ra. Khi có niềm tin sắt đá này, chúng ta không rơi vào mê tín dị đoan, không cầu nguyện van xin khi gặp những trở ngại mà bình tĩnh, sáng suốt giải quyết khó khăn.
Cả mấy thành viên trong gia đình đều được tiếp máu từ sự kêu gọi hiến tặng của chùa Giác Ngộ, bà Cao Thị Nhung rưng rưng trong hạnh phúc. Giãi bầy những lời chân tình nhất, bà Nhung kể: Là người dân tộc Rak Lây từ miền Trung vào đây sinh sống. Khi gặp trọng bệnh, trải qua nhiều phẫu thuật, liên tục phải truyền máu, có lúc ngân hàng máu trong bệnh viện dần cạn, lòng đầy nôn nao. Nhưng rồi, từng "bịch đỏ" nghĩa tình lại được đưa vào, cơ thể phục hồi dần. Đang ngỡ ngàng thì bác sĩ nở nụ cười hiền từ: "Khối lượng lớn máu đó đều do chùa Giác Ngộ kêu gọi hiến tặng". Mạch nguồn sự sống lại được khơi thông.
Chẳng riêng gì chị Nhung, từ khối lượng máu qua nhiều lần kêu gọi hiến của chùa Giác Ngộ đã kịp thời cứu giúp hàng ngàn người cần truyền máu, nhất là các nhóm máu hiếm được cung cấp kịp thời.
Từ phát tâm và những lời nhẹ nhàng mà neo bền của nhà sư, tâm thức, nghĩ suy của bao người bước vào một ngã rẽ đầy yêu thương, nhân từ hơn. Cởi vội bộ đồ bảo hộ sũng mồ hôi, lùa nhanh tô cơm chan nước canh, anh Kim Nhật lại tất tưởi lên đường. Năng lượng sống, sức mạnh của ngọn nguồn yêu thương bừng lên từng ngày với Nhật.
Anh tâm tình rằng: Mấy chục năm lái xe cho cơ sở y tế, khi về nghỉ hưu thì hay đến chùa Giác Ngộ. Ngay khi biết sư Từ trang bị 2 chiếc xe cấp cứu (do mạnh thường quân tài trợ) để chở bệnh nhân miễn phí, thậm chí cả tử thi của người đã khuất đến trung tâm hỏa táng thì xung phong nhận ngay. Dù bão táp hay nắng cháy, khi bệnh viện yêu cầu đưa người nhiễm COVID-19 lên tuyến cao hơn, anh Nhật cũng lao đi ngày.
Trĩu nặng ưu tư nhất với anh Nhật là những chiều tà, phố lớn, ngõ nhỏ như buồn hơn khi chiếc xe thiện nguyện chùa Giác Ngộ do anh lái chở những hình hài vừa tráng kiện ngày nào giờ ngã xuống vì dịch bệnh. Anh bộc bạch: "Chở bệnh nhân nghèo đi cấp cứu hay đưa họ về nhà miễn phí đó cũng là giúp mình hạnh phúc khi gieo đi được một chút sẻ chia"
Không chỉ lo kêu gọi trang bị các xe cấp cứu thiện nguyện, thực phẩm, thiết bị máy móc y tế, lượng máu khổng lồ mà chùa Giác Ngộ còn tiên phong trong việc vận động đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. "Nhạc trưởng" của cuộc vận động này chính là Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Giữa tiếng chuông vang lên trong thinh không rồi tỏa ra như làn sóng của sự từ bị, sư Từ trầm lắng ưu tư. Ông thổ lộ rằng: Chết không có nghĩa là hết. Sự hiến tặng của chúng ta cho sức khỏe cộng đồng, cho người khác thì đó cũng là niềm hạnh phúc lưu lại. Kinh Bát Nhã, Đức Phật đề cập đến 3 hiến tặng đó là: Hiến tặng vật chất; hiến tặng niềm vui không sợ hãi; hiến tặng chân lý.
Nếu hiến tặng chân lý được xem là sự khoan dung, không bỏn xẻn thì hiến tặng niềm vui không sợ hãi là những lời khuyên về chân lý, quy luật cuộc sống, thoát khỏi mê tín dị đoan. Còn đặc biệt về hiến tặng vật chất chia làm hai là hiến tặng ngoại tài và nội tài.
Ngoại tài là tài sản sở hữu được phù hợp với luật pháp, đạo đức, lương tâm. Nội tài là toàn bộ cơ thể, phủ tạng, giác mô, giác mạc. Trong vòng 7 năm qua (tính đến giữa năm 2021), chùa Giác Ngộ là đơn vị Phật giáo đầu tiên trong các tôn giáo tổ chức kêu gọi đăng ký hiến mô tạng. Mấy năm đầu mỗi năm một lần, vài năm trở lại đây mỗi năm hai lần. Hiện nay, cả nước có khoảng 50 ngàn người đăng ký hiến mô, tạng thì riêng chùa Giác Ngộ đã phát động, kêu gọi trên 5 ngàn người, chiếm hơn 10% tổng số cả nước.
Để mỗi người dân, Phật tử thấu rõ hơn về hiến tạng, hiến mô sau khi dời cõi tạm, chùa Giác Ngộ đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm điều phối tạng Quốc gia để tháo mở tất các thắc mắc, hoài nghi của quần chúng về giá trị của việc hiến mô, tạng cũng như những việc cần làm sau khi đăng ký.
Thượng tọa Thích Nhật Từ dẫn giải thêm về triết lý nhà Phật đầy cô đọng rằng: "Mỗi sự mất đi của một cơ thể đã đăng ký hiến mô, tạng có thể mang lại sự sống cho 6 đến 13 người. Việc hiến mô, tạng phù hợp với học thuyết bố thí Ba La Mật của đức Phật giảng dạy. Đồng thời theo học thuyết nhân quả thì người hiến mô tạng chẳng những không bị khuyết tật thân thể ở kiếp sau như những lời mê tín đồn đại mà họ còn có phước báu là có thân thể tráng kiện vì họ đã biết dùng thân thể trong giai đoạn chết não hoặc thi thể trong 8 tiếng sau khi chết để mang lại sức khỏe, sự sống cho người khác. Nhân nào quả đó nên họ sẽ có sức khỏe rất tốt ở tương lai. Hiến mô, tạng có ý nghĩa bác ái rất lớn. Giúp bệnh nhân tái sinh thêm một lần nữa ngay lúc họ còn sống".
Thành thói quen trong mỗi buổi sáng, anh Nguyễn Duy Đức (Quận 3) lại vòng qua chùa Giác Ngộ rồi mới đến công ty của mình. Anh Đức bộc bạch rằng: Đảo qua chùa để thấy tinh thần vững vàng hơn. Chính nơi đây và nhà sư Từ đã nhân lên trong lòng chúng tôi tinh thần coi mọi dân tộc, tôn giáo đều như anh em, đùm bọc nhau như trong một gia đình lớn. Mọi người đăng ký hiến máu, mô tạng theo phát nguyện của chùa đều rất phấn khởi. Từ sự cho đi của mình, nối dài thêm sự sống, sức khỏe cho người khác.
Đưa ánh mắt chứa ẩn nỗi buồn thương nhìn chiếc xe vừa vận chuyển người tai nạn đi qua, Phật tử Nguyễn Tâm cho biết: Tôi và nhiều người vẫn nhớ từng lời của sư Từ, rằng: "Một người chết không phải là mất hẳn khỏi cuộc sống này. Tâm thức sẽ tiếp tục tái sinh. Đáng khi thân thể này phải bỏ lại thì có lý do gì mà chúng ta tiếc nuối. Cũng không có lý do gì mà sợ hãi việc hiến mô tạng, hiến xác cho y học. Mỗi người sau khi tình nguyện hiến mô tạng hãy trở thành một truyền thông viên, cánh tay nối dài của lòng từ bi mà đức Phật đã dạy qua bố thí nội tài".
Thượng tọa Thích Nhật Từ tâm tình: "Tôi cúi đầu tri ân bất kỳ ai tham gia hiến mô tạng và thi thể cho y khoa. Đạo Bồ tát dạy chúng ta không thể làm ngơ trước nỗi khổ, niềm đau của con người. Trong đó có cái chết. Với thành tựu của y khoa hiện đại, người được ghép mô tạng có thể sống thêm mười năm hoặc hơn thế. Thành tựu y học cao quý này phát triển mạnh gần đây".
Cuộc chiến chống lại dịch bệnh nói chung, đại dịch COVID-19 nói riêng cần mỗi người, mỗi tôn giáo chung một ý chí. Hãy xem mỗi bệnh nhân ở bất cứ vùng miền nào đều như người thân của mình.
Trong một chiều tháng 8/2021, vừa xoay sở liên tục đến vã mồ hôi để lo các chuyến hàng từ thiện sắp tới, sư Từ vừa chia sẻ: Với cuộc chiến chống COVID-19 Phật giáo nói chung, chùa Giác Ngộ nói riêng chủ trương nhập thế, phụng sự nhân sinh về phương diện an sinh xã hội. Từ ngày 1/7 đến giữa tháng 8 thôi chùa đã trao tặng hơn 200 tấn gạo, hơn 300 tấn nông sản, hàng vạn khẩu trang, thiết bị y tế. Còn tiếp tục huy động thêm hàng loạt máy thở để trao cho các phường, quận, huyện. Chùa Giác Ngộ cũng sát cánh cùng cuộc sống dân sinh, đưa từng chuyến xe nối đuôi nhau chở hàng hóa đến các khu dân cư nghèo.
Trên hành trình nhân lên điều bác ái, cúi đầu tri ân, kêu gọi mọi người không phân biệt tôn giáo, dân tộc hãy đỡ đần nhau, hiến mô tạng để giúp ích cho đời sống thì Thượng tọa Thích Nhật Từ còn chuyển tải những quan niệm, câu chuyện đời sống đậm đầy tính nhân văn. Ví như, hãy học độ lượng, tha thứ. Hãy học thấu hiểu và cảm thông.
Thượng tọa Thích Nhật Từ sinh năm 1969. Ông xuất gia, thọ giới Sa-di từ năm 1984 thọ giới Tỳ-kheo năm 1988...Nhà sư học Tiến sĩ triết học tại Đại học Allahabad và một số trường khác. Ông luôn tích cực tham gia các hoạt động tôn giáo, kêu gọi hòa hợp, đoàn kết vì lợi ích chung của cộng đồng. Thượng tọa cũng liên tục phát động các chương trình hiến máu, hiến tạng, hoạt động văn hóa từ thiện nhằm mang lại lợi lạc cho cộng đồng và xã hội. Hiện nay, ngoài làm trụ trì chùa Giác Ngộ TP.HCM ông còn là Phó Viện trưởng kiêm Tổng thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam; Phó Ban hoằng pháp Trung ương và một số chức danh khác…