Hàng loạt tuyến đường mới, hiện đại đi vào hoạt động, đã giúp giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông đô thị. Tuy nhiên, ở những nơi có đường mới mở thường xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo gây mất mỹ quan đô thị. Đây là vấn đề tồn tại đã nhiều năm và làm đau đầu các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Xây nhà kiên cố trên mảnh đất sâu chỉ khoảng 1m
Sau khi giải phóng mặt bằng phục vụ dự án tuyến đường Vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở - Ngã Tư vọng (Hà Nội) thì dọc theo tuyến đường này, đặc biệt đoạn qua phường Khương Thượng, quận Đống Đa (gần Ngã Tư Sở) xuất hiện nhiều ngôi nhà mỏng, siêu méo, hình dạng không vuông vắn mọc lên gây rối mắt, mất mỹ quan đô thị.
Ngôi nhà 234 đường Trường Chinh chiều sâu chỉ khoảng 1m.
Mới đây, theo ghi nhận của chúng tôi, tại địa chỉ số 218 đường Trường Chinh đang tồn tại công trình có mặt tiền dài khoảng hơn 10m với chiều sâu chỉ khoảng 90cm, nhưng vẫn được dựng bằng khung sắt kiên cố, khá hoàn thiện.
Kế đó là công trình đầu ngõ 234 đường Trường Chinh cũng có mặt tiền dài hơn 10m, chiều sâu chỉ khoảng 1m. Hiện, công trình này đã được xây dựng khá khang trang, kiên cố và đang được dọn dẹp chuẩn bị phục vụ mục đích kinh doanh.
Tương tự, ngôi nhà tại 268 Trường Chinh có dạng hình thang, diện tích mặt tiền chỉ hơn 3m, chiều sâu từ 1 đến hơn 2m, nhưng vẫn được chủ đất dựng lên kiên cố để làm nơi buôn bán vật liệu nội thất. Hay kỳ dị hơn, cách ngôi nhà số 268 một đoạn, 1 kiốt “mỏng như bức tường” nằm ở địa chỉ số 354 Trường Chinh vẫn ngang nhiên tồn tại và đang được sử dụng để kinh doanh đá ốp lát...
Nhà siêu mỏng nằm ở 218 đường Trường Chinh (phủ bạt) có chiều sâu chỉ khoảng 90cm.
Vì sao nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn tồn tại?
Không phủ nhận, thời gian qua Hà Nội cùng chính quyền các quận, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp để xử lý các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng trên thực tế việc giải quyết dứt điểm thực trạng này còn gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ xử lý rất chậm. Đáng nói hơn, trong khi các công trình cũ vẫn còn đang đau đầu tìm cách xử lý chưa xong thì một loạt các căn nhà không đủ tiêu chuẩn lại tiếp tục mọc lên trên các tuyến đường mới mở như ở tuyến đường Trường Chinh nói trên.
Theo nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, thực tế tại Hà Nội, những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo không phải là mới mà đã tồn tại từ 25 - 30 năm trước. Các giải pháp không đem lại hiệu quả chính là do Hà Nội thiếu kiên quyết xử lý nhà “dưới chuẩn”. Ngoài ra, một số nơi còn có tình trạng buông lỏng quản lý, bỏ mặc giám sát, để chủ nhà tự ý xây dựng nhà có hình thù kỳ dị...
Mặt khác, việc xử lý, thu hồi nhà siêu mỏng, siêu méo là vô cùng phức tạp và khó khăn, phần lớn có liên quan đến vấn đề kinh phí. Kinh phí để thu hồi các thửa đất sau giải phóng mặt bằng rất lớn và phải bố trí được quỹ đất tái định cư. Trong khi điều này nằm ngoài khả năng của địa phương...
Từ thực tế này cho thấy, để giải quyết triệt để nhà siêu mỏng, siêu méo, xây dựng các tuyến đường đồng bộ, văn minh, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị bắt buộc phải được thực hiện trước khi phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường, có như vậy mới giải quyết dứt điểm được tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tiếp diễn như hiện nay.