Nhà sản xuất phải thu gom, tái chế bao bì, lo hàng hóa sẽ tăng giá

28-06-2023 15:38 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường

Biến sách báo cũ, túi nilon thành thời trang tái chế bảo vệ môi trườngBiến sách báo cũ, túi nilon thành thời trang tái chế bảo vệ môi trường

SKĐS - Nâng cao ý thức sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường, các em học sinh Trường THCS Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tạo ra những bộ trang phục ý nghĩa trong ngày hội “Duyên dáng thời trang tái chế”.

Ngày 28/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo "Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định mức chi phí tái chế thực hiện trách nhiệm EPR của nhà sản xuất, nhập khẩu".

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, VCCI nhấn mạnh, yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý, tái chế sản phẩm (EPR) là điểm rất tiến bộ trong Luật Bảo vệ Môi trường. Tuy vậy, nếu định mức chi phí tái chế (Fs) không phù hợp thì EPR khó có thể được triển khai.

Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, bắt đầu từ năm 2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR). Thực hiện trách nhiệm này, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Nhà sản xuất phải thu gom, tái chế bao bì, lo hàng hóa sẽ tăng giá - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo "Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định mức chi phí tái chế thực hiện trách nhiệm EPR của nhà sản xuất, nhập khẩu".

Khi lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, số tiền doanh nghiệp phải đóng được tính theo công thức F = R.V.Fs. Trong đó: F là tổng số phải đóng; R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì; V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm tái chế; Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì.

Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo quyết định. Dù đã có quá trình tham vấn khá kỹ lưỡng nhưng khi dự thảo được công bố vẫn còn nhiều điểm bất cập.

Hiện Dự thảo về định mức chi phí tái chế (Fs) bao bì đang được xây dựng, song nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng định mức đang quá cao có thể làm tăng áp lực chi phí sản xuất và giá bán hàng hóa. Cụ thể, mới đây 14 hiệp hội doanh nghiệp có văn bản ký gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, các thành viên Hội đồng EPR Quốc gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý với Dự thảo này.

Theo văn bản kiến nghị, công thức tính Fs như trong dự thảo hiện nay hoàn toàn bỏ qua yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp tái chế từ vật liệu tái chế, hay giá trị thu hồi của bao bì. Fs đề xuất chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được.

Ngoài ra, định mức Fs rất cao như đề xuất có thể dẫn đến nguy cơ gây tăng giá lớn đối với rất nhiều sản phẩm, hàng hóa. Ví dụ, giá có thể tăng thêm 1,36% với nước uống đóng chai; 0,6% với bia lon; 0,2% đối với bịch sữa. Từ đó, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cho người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, nếu tính định mức Fs như trong dự thảo thì 1 lon bia sẽ phải tính thêm 41 đồng, chai bia tăng thêm 51 đồng. Điều này dẫn đến việc giá vốn hàng hóa sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến tâm lý khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, định mức Fs cần tính toán đến sự đa dạng của các ngành sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp. Đặc biệt, có thể phải cá thể hóa hơn, chi tiết hơn cho từng ngành lĩnh vực.

Ông Hiếu nhấn mạnh "Phải tính toán đến yếu tố làm sao doanh nghiệp có sử dụng các sản phẩm tái chế được giảm bớt chi phí, từ đó để thúc đẩy yếu tố tuần hoàn. Đây là điều quan trọng". Về khâu tổ chức thực thi, ông Hiếu đề xuất Chính phủ cần xem xét cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ thị trường xử lý tái chế. "Khi thị trường tốt thì sẽ giúp giảm được chi phí, thúc đẩy doanh tự tái chế" ông Hiếu nói.

Tại hội thảo, ý kiến của nhiều đại diện hiệp hội cũng cho biết, yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý, tái chế sản phẩm (EPR) là một chính sách rất mới, đa số các nước châu Á còn chưa áp dụng bắt buộc. Việc thực thi cho hàng ngàn loại bao bì, sản phẩm là rất phức tạp, cần hướng dẫn chi tiết. Nhiều loại bao bì, sản phẩm còn chưa có công nghệ tái chế, chưa có nhà tái chế nên nhiều doanh nghiệp không có sẵn giải pháp. Nếu áp dụng ngay việc xử phạt với mức phạt rất cao sẽ rất khó khăn và bất cập cho doanh nghiệp khi chưa được hướng dẫn đầy đủ về quy định mới. Theo đó, cần có lộ trình áp dụng EPR một cách hợp lý.

Khủng hoảng sức khỏe toàn cầu từ pin tái chếKhủng hoảng sức khỏe toàn cầu từ pin tái chế

SKĐS - Trên khắp thế giới, các hoạt động buôn bán nhỏ lẻ tái chế chì từ pin xe hơi đang tăng trưởng. Các chuyên gia cho rằng nạn ô nhiễm chì từ những hoạt động không được kiểm soát này là một mối đe dọa chết người...

Xem thêm video đang được quan tâm:

2 Vợ Chồng Đang Ngủ Trong Nhà Bỗng Tử Vong Do Bị Sét Đánh | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn